Khi đã nói về chiết đoạn âm vị học là nói về khả năng chia cắt của một cấu trúc âm vị học có trong vỏ hình vị hoặc vỏ từ thành các đơn vị cơ sở của âm vị học có độ dài quảng tính nhỏ hơn so với độ dài quảng tính của một vỏ hình tiết hoặc một vỏ từ. Phép chia này bao giờ cũng cho ra các thành tố cấu tạo nên vỏ từ và vỏ hình tiết.
Âm vị chiết đoạn là kết quả phân tích âm vị học, dựa trên thuộc tính hình tuyến của ngôn ngữ: trong một thời điểm của ngữ lưu, người ta chỉ có thể bắt gặp được một yếu tố ngôn ngữ nhất định. Khái niệm thời điểm là một khái niệm rất tương đối, tuỳ theo từng cấp độ mà người ta có thể hiểu theo những cách khác nhau.
Âm vị học tiếng Việt mở rộng cho rằng, mỗi một giải pháp âm vị học đã có đề có những hạt nhân chân lí của chúng, đều chứng tỏ một cách tiếp cận của nhà âm vị học đối với thực tế tiếng Việt. Vì vậy, chúng ta nên khai thác những điểm mạnh của giải pháp đó hơn là chúng ta phủ nhận sạch trơn những vấn đề âm vị học mà tiền nhân đã làm.
Không như Cao Xuân Hạo hoặc Nguyễn Quang Hồng đã tuyên bố: âm tiết tiếng Việt là một hiện tượng kì dị trong ngôn ngữ thế giới vì người ta không thể cắt âm tiết thành từng phần được, không chiết đoạn hoá được các âm vị bên trong một âm tiết, âm vị học tiếng Việt hiện đại cho rằng: tiếng Việt cũng chỉ là một mảnh của cánh đồng âm thanh nhân loại.
Vì sự vô hạn đã biến thành các sự hữu hạn của các nét khu biệt thường dùng trong cộng đồng nói năng và sau đó được sửa đổi thông qua các luật âm vị học của riêng từng ngôn ngữ cho nên, biểu diễn âm vị học phản ánh trung thành được dòng âm thanh mà chúng ta nghe được trên tinh thần khoa học và chính xác, của một phiên âm mang tính khoa học và một hoạt động nhận thức của tự giác.
Lời nói muốn được lưu giữ lại cần đến sự tác động nhân tạo vào đối tượng. Vì sự lưu lại lời nói âm thanh cho con người là có ích về nhiều mặt. Vì vậy, từ khi có ngôn ngữ học, người ta luôn luôn tìm ra những giải pháp tối ưu hơn cho việc lưu lại âm thanh tự nhiên của con người.