Định nghĩa: Một chiết đoạn ngôn ngữ học bao gồm hai đặc điểm chính sau đây:
1, Chứa vừa đủ một đơn vị chức năng cơ sở của cấp độ đó;
2, Có thể cải biến vị trí của các chiết đoạn này trong một cấu trúc lớn hơn các đơn vị cơ sở của cấp độ đó. Nghĩa là có thể đảo trật tự các chiết đoạn. Nói cách khác, đã có khái niệm chiết đoạn thì phái kéo theo khái niệm trật tự của chiết đoạn.
Ví dụ:
Ở cấp độ từ pháp, các hình tiết được gọi là các chiết đoạn, vì:
a. chứa vừa đủ một đơn vị cơ sở của từ là tiếng một (hình tiết);
b. khi các hình tiết này nằm trong một cấu trúc lớn hơn là từ thì chịu phép cải biến về trật tự: thứ tự trước sau của các tiếng một là động lực để tạo nên sự thay đổi về nghĩa của cấu trúc lớn hơn đơn vị cơ sở. Ví dụ: Trong "cứng cỏi", vì "cứng" đứng ở vị trí đầu nên tạo nên nét nghĩa phân cắt phạm trù; còn trong "cưng cứng", vì "cứng đứng ở sau nên không tạo ra các nét nghĩa phạm trù.
Chiết đoạn trong âm vị học cũng phải thoả mãn định nghĩa ở trên. Cụ thể là:
a. Đã là một chiết đoạn âm vị học thì phải tương ứng với một thời điểm âm vị học. Trong kích thước quảng tính đó, một đơn vị nhỏ nhất của âm vị học có thể hoạt động, được hành chức để khu biệt vỏ từ. Ví dụ: {tan} và {dan} là hai vỏ từ; /t/ và /d/ là hai âm vị chiết đoạn vì trong thời điểm mở đầu âm tiết, âm vị này đứng ở phần đầu âm tiết, chiếm vừa đủ độ dài quảng tính có trong cấu trúc vỏ từ là một hình tiết, và nhờ chúng mà hai vỏ từ này khác nhau. Vậy /d/ và /t/ là hai đơn vị âm vị hoc chiết đoạn.
b. /d/ và /t/ có thể gặp ở những vị trí khác ở vỏ từ. Đó là phần vần (phần kết thúc âm tiết). /d/ và /t/ khi ở phần đầu âm tiết đều chung nhau đặc tính [+răng-lợi], và [+tắc], nhưng chúng khác nhau ở thanh tính là [+vô thanh] và [-vô thanh]. Khi xuất hiện ở phần vần làm nhiệm vụ kết thúc âm tiết, đặc điểm về tính thanh bị trung hoà hoá, chỉ còn hai đặc điểm là [+răng-lợi] và [+tắc]. Hình thể của nó giống hệt như một âm vị /t-/ đứng ở đầu âm tiết. Khi đem xáo trộn âm /t/ này từ vị trí cuối âm tiết sang đầu âm tiết, ta không còn nhận ra vỏ từ cũ nữa ({tan}). Chính vì vậy, cự cải biết về trật tự C1 & C2 đã làm phá vỡ đến mức không nhận ra được vỏ từ. Người ta nói /t-/ đứng đầu âm tiết và /-/t đứng cuối âm tiết là hai âm vị khác nhau. "Sự phá vỡ đến mức không còn nhận ra vỏ từ cũ" là một phần của định nghĩa âm vị có trong cuốn sách nổi tiếng của Trubetskoy: Cơ sở âm vị học. Nguyên văn là: "Âm vị là đơn vị khu biệt nghĩa. Khi thay đổi các âm vị, vỏ từ bị biến đổi nghĩa hoặc không còn nhận ra vỏ từ cũ nữa". Đó chính là quy luật phân định âm vị trong thủ pháp nổi tiếng của Trubetskoy và trường phái Praha trước 1945.
Khi đã nói về chiết đoạn âm vị học là nói về khả năng chia cắt của một cấu trúc âm vị học có trong vỏ hình vị hoặc vỏ từ thành các đơn vị cơ sở của âm vị học có độ dài quảng tính nhỏ hơn so với độ dài quảng tính của một vỏ hình tiết hoặc một vỏ từ. Phép chia này bao giờ cũng cho ra các thành tố cấu tạo nên vỏ từ và vỏ hình tiết. Phép chia này bao giờ cũng chia hết vì không còn dưa thừa một yếu tố âm thanh nào ngoài các đơn vị cơ sở cấu tạo nên các thành tố có trong vỏ hình vị, và vỏ từ.
Tiếng Việt có một thuận lợi vô cùng lớn là có thể xuất phát từ các hình tiết để chia ra các âm vị, chia ra được số các thành tố tạo nên một hình tiết cụ thể. Khuôn đó cũng là một khuôn phổ niệm, chung cho toàn bộ các ngôn ngữ trên thế giới. Ta có:
Phần thừa ra là phần không chia hết được của một cấu trúc âm thanh, do:
1. Độ dài quảng tính của chúng không chứa vừa trong một chiết đoạn;
2. Khu vực chức năng của chúng lớn hơn, bao trùm lên một cấu trúc chiết đoạn;
3. Không thoả mãn định nghĩa về chiết đoạn tính và thời điểm có trong các cấp độ như cú pháp học và từ pháp học mà chúng ta đã phân tích ở trên.
Ví dụ
Các đặc tính [tròn môi] hoặc [dài/ngắn] của nguyên âm hoặc yếu tố sạn (dị chất) có trong hệ thống thanh của tiếng Việt. Ta không thể định vị những yếu tố này vào trong một chiết đoạn ở phần chia hết vì kích thước của chúng quá bé so với một chiết đoạn:
toan → [twan]
trong đó, w là yếu tố tròn môi và nó:
a. không thể xếp vào [t-]
b. không thể xếp vào [-a-]
c. không thể tự thiết lập một chiết đoạn vì không định vị được.
Các nguyên âm ngắn và dài trong tiếng Việt cũng tương tự như vậy. Ví dụ:
[tăn]
trong đó: ˘ là yếu tố ngắn, căng, và nó:
a. không thể xếp được vào vào [-a-]
b. không thể xếp được vào [-n]
c. không thể tự thiết lập thành một chiết đoạn riêng vì không thể định vị được.
Cũng tương tự như vậy, các yếu tố trắc nhập trong thanh là những yếu tố bị sạn trong khi phát âm thanh điệu vì nó làm cho âm tiết bị ngắn lại và thuộc tính đường nét trở nên bất bình thường trong khi thiết lập hệ nét khu biệt của thanh điệu tiếng Việt.
Cuối cùng là các thanh điệu của tiếng Việt. Vì chúng trải dài ra trên toàn bộ cấu trúc chiết đoạn của một âm tiết nên về bản chất chúng là phi chiết đoạn, hay nói khác đi, chúng là những đơn vị âm vị siêu chiết đoạn chính danh trong tiếng Việt. Chúng là những đơn vị điển hình của siêu chiết đoạn tính.
Nếu như cấu trúc chiết đoạn của âm tiết chia thành tầng bậc thì ở cấu trúc siêu đoạn cũng tương tự như vậy. Những cấu trúc tôn ti và lớp lang này tạo nên tính bền chắc và phân tiết tính của đặc điểm âm tiết tiếng Việt trong loại hình đơn lập.
Sơ đồ âm tiết tiếng Việt được hình dung như sau: