Nhà xuất bản Từ điển bách khoa vừa cho in một tuyển tập các công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Lai – vốn được ông dùng như là bộ bài giảng cho sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Bài viết nhỏ này của chúng tôi không hẳn là một bài giới thiệu công trình, Đúng hơn là nhân dịp này chứng tôi muốn trình bày những điều suy nghĩ rộng mở hơn về một số ý tưởng ngôn ngữ học của GS Nguyễn Lai trong mối liên hệ với Việt ngữ học, đặc biệt là ở các vấn đề liên quan tới nghiên cứu nghĩa.
1. Trước hết, xin nói đôi điều về phương pháp nghiên cứu của GS theo cảm nhận của chúng tôi. Có thể thấy, GS Nguyễn Lai là người quan tâm nhiều đến những vấn đề lí luận, lí thuyết. Nhưng lí luận, lí thuyết của ông không chỉ dừng lại ở cách diễn dịch tại bản thân lí thuyết, trái lại, nó luôn được vận dụng để xử lí những đối tượng thực tiễn, qua đó, lí thuyết được làm sáng tỏ trong thế ứng dụng. Đó chính là chỗ khác biệt của GS Nguyễn Lai so với nhiều người khác. Chính nhờ đó một phần, người đọc cũng dễ nhận biết những nét riêng trong tư tưởng học thuật của ông. Ông kiên trì theo đuổi một phương pháp làm việc riêng. Thường thì, ông thích lựa chọn lấy những mảng, thậm chí những hiện tượng cá thể, cụ thể của tiếng Việt (chẳng hạn, một nhóm vị từ, một danh ngữ mở rộng, một từ “nghe” trong thơ lãng mạn, một từ “trời” trong Truyện Kiều, một kết cấu “vào Nam, ra Bắc”…) gắn liền với những vấn đề thuộc quan niệm lí thuyết mà ông trăn trở. Những bài viết trực tiếp về đại cương tương đối độc lập của GS thực ra là được tách ra từ những gì ông vốn đã suy nghĩ đến, phải suy nghĩ đến khi phân tích các hiện tượng cụ thể.
Trong tư duy khoa học, GS Nguyễn Lai quan tâm nhiều đến những nguyên nhân, những mối quan hệ nhân quả, tương tác biện chứng quy định logic của các sự kiện, trả lời cho những câu hỏi tại sao. Có thể nói ông đã sớm gắn ngôn ngữ học với nhiệm vụ không chỉ miêu tả cái hiện tượng hiện ra mà còn lí giải chúng ( dễ thấy nhất, có lẽ là các mô hình chuyển hóa nhóm từ chỉ hướng vận động (tr. 205) cũng như mô hình giải mã cơ chế quá trình tiếp nhân văn chương (tr. 309 )…
Một khía cạnh khác trong cách nghiên cứu của ông. Đó là tinh thần cố gắng khai thác những giá trị của ngôn ngữ học truyền thống, kiên trì dựa vào những tư tưởng triết học Mác xít. Ông không phải là nhà ngôn ngữ học chỉ thuộc về một khuynh hướng này, một trường phái kia, lại càng không phải là người đi theo khuynh hướng nào đó như một cái mốt. Các đóng góp thực sự của ông tập trung nhiều hơn cả ở những phần ông áp dụng triệt để cách thức nghiên cứu vừa nêu vốn đã sớm được định hình ngay từ những năm 1970-1980, nhất là khi ông bắt đầu nghiên cứu các động từ chỉ hướng tiếng Việt. Có thể nói, trong ngôn ngữ học Việt Nam, GS Nguyễn Lai là người đã sớm gợi ra những vấn đề, những góc nhìn hay định hướng nghiên cứu có sự gặp gỡ với nhiều quan niệm mà gần đây, cùng với sự phát triển của ngôn ngữ học trên thế giới, đã trở thành quen thuộc với chúng ta (dĩ nhiên các hướng nghiên cứu đó trong ngôn ngữ học hiện nay đã có một quy mô, một chiều sâu khác nhiều).
2. Như đã nói, GS Nguyễn Lai đặc biệt quan tâm tới vấn đề nghĩa cùng với lợi thế sẵn có của người ít nhiều trải nghiệm thực tiễn sáng tác văn chương. Có lẽ do vậy một phần mà trong quan niệm của ông về nghĩa nổi lên môt sô điểm đáng chú ý:
a. Ông tiếp thu quan điểm nghĩa là hiện tượng tâm lí, và do đó nó gắn liền mật thiết với hoạt động tâm lí nhận thức của con người (điều này thể hiện rõ nhất qua chuyên đề quá trình tiếp nhận văn chương của ông).
b. Nghĩa, đối với ông, đương nhiên là sự phản ánh song Nguyễn Lai ít dùng chữ ‘phản ánh’. Ông thích gọi đó là sự đồng hoá nhận thức hiện thực vào ngôn ngữ. Cách nói ấy ẩn chứa một nội dung quan niệm dang nằm trong cơ chế miêu tả quá trình theo thói quen của ông…
Nghĩa là sự phản ánh thế giới vào ngôn ngữ song đó là sự phản ánh xuất phát từ cách nhìn, cách cảm từ những nhu cầu mục đích của cộng đồng bị chế định về mặt lịch sử – văn hoá. Quá trình đó, trong cách nói ẩn dụ của ông, giống như có một cái máy ảnh đã cài đặt tự động những thông số nhất định, người ta trừu tượng hoá đi những cái không quan yếu, tập trung vào tiêu điểm chú ý nêu bật cái mà chủ thể quan tâm hay làm chủ thể quan tâm. Chủ thể dường như “chỉ nhìn thấy” cái có ý nghĩa, cái có giá trị với đời sống của con người. Tầm nhìn sớm có được này của GS Nguyễn Lai quán xuyến trong cách xác định cơ chế hình thành nghĩa với đầy đủ bản chất xã hội sâu xa của nó.
Cuối cùng, cái nội dung được cố định hoá vào hệ thống ngôn ngữ (nghĩa, nội dung quan niệm) bao giờ cũng chịu những sự chế định của cái hệ thống đã được xác lập mà nó tham dự vào. Mặc dù có sự phân loại phạm trù hoá nhưng, với Nguyễn Lai, nghĩa ở đây luôn bao hàm một sự chuyển hoá từ cái này sang cái kia, tràn từ cái này sang cái kia (thực chất là không phải bao giờ cũng có một đường phân giới dứt khoát).
3. Một tuyến đóng góp khác của GS Nguyễn Lai là những tư tưởng của ông về ngữ nghĩa ngữ pháp, về nghiên cứu ngữ pháp hoá và ngữ dụng học.
Quan tâm rất nhiều tới những động từ chỉ hướng, Nguyễn Lai cùng lúc đã gợi mở ra, đã xới lên nhiều vấn đề. Ông nhìn thấy từ ngữ liệu tiếng Việt những vấn đề ngữ nghĩa trong hiện tượng gọi là hư hoá. Với ông – trong lập trường và cả trong những cố gắng tìm kiếm các thao tác phân tích cụ thể – hiện tượng này không phải là mất nghĩa, trống nghĩa. Mà đây là một sự vận động biến đổi có thể chỉ ra – qua những bước, những quan hệ – về quá trình làm hình thành những nghĩa mới thuộc một kiểu nghĩa khác của hệ thống ngôn ngữ phức tạp. Thứ nghĩa này có thể gắn với chức năng biểu thị quan hệ ngữ pháp và những khía cạnh khác thuộc về phạm vi bộc lộ thái độ tâm lí, cảm xúc đánh giá, sự tương tác giữa người nói và người nghe. Từ đó có thể thấy tính nhiều mức độ của ngữ pháp hoá, cũng do vậy, rõ ràng, không có một đường ranh giới siêu hình giữa thực và hư.
GS Nguyễn Lai tìm cơ sở ngữ nghĩa của những kết hợp ngữ pháp, và với GS, một cách rất tự nhiên, tìm đến cách ứng xử của yếu tố ngôn ngữ biểu hiện trong khả năng kết hợp của nó, trở thành một thủ pháp quen thuộc để nắm bắt cái thứ nghĩa có trong cảm nhận đích thực của người bản ngữ mà ông gọi là hiệu lực giao tiếp, là sắc thái ngữ nghĩa có phẩm chất “tinh tế” “rất khó xác định” và ngôn ngữ học tiến tới phải làm sao “có đủ sức mạnh” để tường minh hoá những hiện tượng ấy. Ông viết: “Sự lí giải cơ cấu ngữ pháp hoàn toàn không thể tách rời với cơ cấu ngữ nghĩa…”, “Tính quy định của ngữ nghĩa đối với ngữ pháp gần như là một nguyên tắc…”.
Xuất phát từ thực tế nghiên cứu ngôn ngữ và từ sự phân tích có trọng điểm các tư tưởng của Mác, GS Nguyễn Lai đặc biệt chú ý tới những điểm quan trọng trực tiếp tác động đễn quá trình xử lí những vấn đề của ngôn ngữ học một cách sâu hơn, nhiều chiều hơn vốn đang còn chưa được quan tâm đúng mức, ít nhất cũng là vào khoảng thời gian những năm 1970 – 1980.
Ông nhiều lần nhấn mạnh “Giao tiếp là hành vi xã hội, và với tất cả những người trao đổi thì cùng một hành vi đó, không thể chỉ đơn thuần là hành vi cá nhân và ngược lại cũng không thể chỉ đơn thuần là hành vi xã hội”. Không dừng ở đó, ông phát triển thêm, “trong thực tế giao tiếp, trao đổi cái gì (…) tự nhiên đã là phạm trù nội dung rồi”, “muốn có một giá trị thông báo thì không thể không lấy đối tượng nhận thông báo làm đích”, “ khi nói đến giao tiếp là nói đến truyền đạt trao đổi thông báo để hướng tới hành động”…
Nhờ quán xuyến hệ thống quan điểm trên, Nguyễn Lai đã lí giải tầm nhìn ngôn ngữ Hồ Chí Minh trong thế hội nhập với hạt nhân thực tiễn đang được chia sẻ trong lí luận cập nhật ngày nay. Theo GS, lí luận cập nhật (về chức năng, về hành vi, về văn cánh) đang được ông chia sẻ “không phải là điều gì quá cao xa”. Trái lại, “đó là một cách định hướng lí luận ngày càng cụ thể và triệt để vào thực tiến đời sống xã hội” – nơi vốn là hiện trường tương tác mà chính từ đó và qua đó HCM đã đúc kết trải nghiêm, đem lại sức sống thực tiễn cho cách dùng như một chiến lược ngôn từ trong tầm nhìn ngôn ngữ của chính HCM.
Như vậy, về thực chất, GS Nguyễn Lai đã cảm nhận được cái nhu cầu cần thiết phải triển khai và đi sâu hơn nữa trong nghiên cứu ngôn ngữ vào phạm vi dụng học với một tinh thần biện chứng mà ngay cả hiện nay, đôi khi vì quá nhấn mạnh đến mặt này mặt khác, chúng ta ít quan tâm tới.
Như mục trước đã nói, Nguyễn Lai thấy sự tồn tại của thứ nghĩa (nghĩa chứ không phải là cái gì khác đối với ngôn ngữ học) gắn với việc bộc lộ thái độ, tâm lí cảm xúc, sự tương tác liên nhân… cần phải tiếp tục phát triển các kĩ thuật phân tích cùng bộ máy công cụ siêu ngôn ngữ để miêu tả. Chính cái thứ nghĩa này – vốn có trong các từ ngữ, đặc biệt, các hư từ, các yếu tố tình thái đánh giá, các kiểu cấu trúc – trong nhiều công trình nghiên cứu gần đây, được coi là cái làm thành hạt nhân của tư liệu dụng học, thuộc phạm vi dụng học ngôn ngữ học thực thụ do tính chất được mã hóa, được ngữ pháp hoá hay cố định hoá trong hệ thống ngôn ngữ của chúng.
Lí giải các ý kiến của Mác, như đã nói, ông nhấn mạnh đến giao tiếp ngôn ngữ như một hình thức hoạt động xã hội. Cái hoạt động này lại hướng người ta đến những cái đích xa hơn (hướng tới hành động); nói bằng thuật ngữ của ngữ dụng học hiện đại đó là hành vi ngôn ngữ (hành vi tại lời, mượn lời). Không chỉ có thế, ông đồng thời nhấn mạnh đến cái đặc tính vừa xã hội vừa cá nhân, đến đặc tính thông qua ngôn ngữ, qua truyền đạt nội dung (điểm này, theo chúng tôi, làm cho giao tiếp ngôn ngữ trong khi là hành động như các kiểu hành động khác thì đồng thời cũng có những đặc trưng riêng rất khác biệt). Đó là một tinh thần biện chứng cần thiết.
Đặc biệt đáng nói hơn, từ chỗ xem giao tiếp thông qua hoạt động mở của ngôn ngữ theo quan điểm của Mác, GS Nguyễn Lai là người đầu tiên có điều kiện kết nối giữa kinh điển và hiện đại, phát hiện tầm nhìn kinh điển trong hướng đi của ngôn ngữ học tri nhận. Luận điểm có sức thuyết phục về mặt khoa học này được ông nhấn mạnh như sau: “Tầm nhìn kinh điển trong hướng đi của ngôn ngữ học tri nhận ngày nay trước hết không phải là một sự xác định tùy hứng. Cơ chế khoa học mang tính kế thừa này có thể lí giải, một mặt, từ chiều sâu trong mối liên hệ hết sức cơ bản bằng sự trở lại chức năng giao tiếp xã hội của ngôn ngữ trong sự không phân biệt giữa ngôn ngữ và lời nói theo cách nhìn kinh điển của Mác (điều mà giới nghiên cứu trong nhiều thập kỉ trở lại đây đang ngày càng hướng tới!); và mặt khác, có thể lí giải bằng sự tận dụng tối đa nguyên tắc tín hiệu học của Saussure để xử lí mối tương quan giữa hệ hình và hệ liên tưởng trong tính chỉnh thể tương đối của các đơn vị ngôn ngữ đang tạo nghĩa giao tiếp” (tr.66).
Nhìn chung, có thể nói được rằng, tư duy khoa học trong cách lí giải tầm nhìn ngôn ngữ HCM cũng như tầm nhìn kinh điển trong hướng đi của ngôn ngữ học tri nhận có thể coi là kết quả tích hợp nhiều lợi thế tiêu biểu có được trong tư tưởng ngôn ngữ học của GS TSKH Nguyễn Lai. Và, điều này, từ tầm nhìn bao quát nhất của mình, chính vị GS trên 85 tuổi đã có dịp tự bộc lộ… Ngôn ngữ, dù biến động và phát triển như thế nào, và ngôn ngữ, dù được khai thác theo hướng nào, nếu không bị xuyên tạc – tức là không bị tách khỏi chức năng định hướng hành động xã hội cho con người – thì nó không thể thoát li khỏi những quy luật mang tính chân lí được phát hiện một cách đúng đắn từ chiều sâu theo hướng bản thể luận thông qua thế giới quan và phương pháp luận mác xít…
TS Lê Đông & PGS.TS Nguyễn Văn Chính là giảng viên Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)