Khi biểu diễn âm vị học (phonological representation) đối với tiếng Việt, người ta phải tìm đến những đặc điểm âm vị học của riêng tiếng Việt trong tài nguyên phong phú và bao la của các thuộc tính ngữ âm đối với từng âm mà ngữ âm học đã đề nghị.
Để xác định tư cách đơn vị chức năng của một cấp độ, người ta dựa trên sự đối lập của các đơn vị lớn hơn nó. Qua sự đối lập đó làm bật lên các chức năng của đơn vị cấp dưới – cái để làm đơn vị đó tồn tại. Ví dụ: để xác định âm vị, người ta phải căn cứ vào các hình vị.
Các nét âm vị học không tồn tại một cách riêng lẻ mà chúng phải có chức năng để nối kết các âm vị thành một khối để tạo nên các loạt âm vị học. Khi một hệ thống âm vị học tận dụng được nhiều nét âm vị học (một nét âm vị được lặp lại nhiều lần) thì hệ thống đó có tính cân đối cao.
Dưới âm vị không còn gì khác nữa. Nếu chia nhỏ nữa, ta không thu được gì cả. Chính vì vậy, sự khác nhau của vỏ từ (cái biểu hiện) là nguyên nhân duy nhất của sự khác biệt về nghĩa giữa hai từ.