• Định nghĩa 1 • Định nghĩa 2 • Định nghĩa 3
3. Âm vị là đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống các đơn vị của ngôn ngữ
Đây là một định nghĩa mang tính ngôn ngữ học đại cương dựa trên sự phân định một hệ thống ngôn ngữ thành 3 cấp độ quan trọng là: âm vị học, từ pháp học và cú pháp học. Định nghĩa này có từ những năm 1970 khi các nhà ngôn ngữ học lí thuyết thống nhất với nhau về 3 loại cấu trúc và quan hệ trong ngôn ngữ. Đó là 2 quan hệ do Saussure đề xuất: quan hệ ngang và quan hệ dọc. Và quan hệ thứ 3 do Benvenist đưa ra là quan hệ tôn ti và lớp lang. Quan hệ tôn ti và lớp lang tạo nên quan hệ cấp độ trong ngôn ngữ. Chính nhờ cấp độ mà ngôn ngữ có thể xác định một cách tường minh các đơn vị quan trọng nhất của mình được gọi là các đơn vị cơ sở của ngôn ngữ học. Theo đó, ngôn ngữ học gồm 3 loại đơn vị cơ sở sau:
1. Âm vị
2. Hình vị
3. Câu
Tính chất của các đơn vị này được xác định như sau:
– Về mặt hình thức (cấu trúc) các đơn vị ở cấp độ dưới là thành tố để cấu tạo nên các đơn vị ở trên nó. Ví dụ: Các âm vị cấu tạo nên các hình vị (các hình vị về hình thức bao gồm các âm vị); các hình vị cấu tạo nên các từ; các từ, ngữ cấu tạo nên các câu.
– Để xác định tư cách đơn vị chức năng của một cấp độ, người ta dựa trên sự đối lập của các đơn vị lớn hơn nó. Qua sự đối lập đó làm bật lên các chức năng của đơn vị cấp dưới – cái để làm đơn vị đó tồn tại. Ví dụ: để xác định âm vị, người ta phải căn cứ vào các hình vị. Qua so sánh và đối lập các hình vị, nhờ vào các thủ pháp đồng nhất và khác biệt, người ta xác định được tư cách của các âm vị. Tương tự như vậy, để xác định hình vị, người ta phải căn cứ vào các từ; để xác định từ và ngữ, người ta phải căn cứ vào các phát ngôn.
Nói tóm lại, trong cả một cấu trúc tôn ti như vậy, âm vị là đơn vị ở cấp độ thấp nhất, vì thế, nên về mặt cấu trúc và chức năng, nó có kích thước bé nhất so với các đơn vị khác của ngôn ngữ. Cũng chính vì nó ở cấp độ thấp nhất – cấp độ hình thức ngôn ngữ – nên nó không có đầy đủ hai mặt của một tín hiệu. Nó là đơn vị tiền tín hiệu.
Chỉ có L. Hjelmslev (1943) là tận dụng được định nghĩa này trong phát biểu về ngôn ngữ học đại cương của mình. Theo ông, ngôn ngữ dựa trên một đối xứng mà đối xứng này được chia sẻ theo từng cấp độ, theo hai mặt cái biểu hiện và cái được biểu hiện của ngôn ngữ. Ở mặt hình thức, tức là ở mặt cái biểu hiện, thì đơn vị nhỏ nhất là các âm vị (phonemes); ở mặt nội dung, ý nghĩa (cái biểu hiện), thì đơn vị nhỏ nhất là các nghĩa vị (semantemes).
Những yếu tố cơ sở này, về bản chất, đều là những tín hiệu một mặt. Ở mặt cái biểu hiện, âm vị là đơn vị thiếu mặt cái được biểu hiện, còn ở mặt cái được biểu hiện thì nghĩa vị lại thiếu đi cái biểu hiện. Vậy, âm vị là đơn vị một mặt.
Ở trên cấp độ thống nhất là các cấp độ của hình thái học, từ học, cú pháp học.
Ở mỗi cấp độ như vậy, đều có đơn vị riêng của mình. Ví dụ: ở từ pháp học là hình vị (morphemes), ở từ học là từ vị (lexemes) và ở cú pháp học là cú vị (syntaxemes). Những đơn vị này khác với những đơn vị cơ sở ở cấp độ thấp nhất ở chỗ chúng đều là những tín hiệu chính danh bao gồm cả hai mặt cái biểu hiện và cái được biểu hiện. Chúng ta có lược đồ của Hjelmslev như sau: