3. Nhưng muốn đảm bảo nguyên tắc nội tại này, cần phải xác định cái tổng thể ấy, tức hệ thống ngôn ngữ là gì. Cái hiện tượng mà ta gọi là "ngôn ngữ" luôn luôn bao hàm nhiều mặt, nhiều nhân tố không tách rời nhau: âm và nghĩa, nhân tố vật lí, sinh lí và tâm lí, nhân tố cá nhân và xã hội, truyền thống và thói quen, v.v… Nó vừa là một sự vật đã được hoàn thành, lại vừa là một sự vật đang được sáng tạo, và đang tiếp tục phát triển không ngừng. Trong cái hiện tượng vô cùng phức tạp và kì diệu ấy, thì cái gì là đối tượng nghiên cứu của riêng ngôn ngữ học? Có xác định đối tượng riêng biệt này thì tính độc lập của ngành khoa học mới được bảo đảm. Nhằm mục đích ấy, Saussure trước hết, phân biệt ngôn ngữ (langue), với lời nói (parole), trong cái hiện tượng mà ông gọi là hoạt động ngôn ngữ (language). Là một hệ thống kí hiệu dùng làm công cụ giao tiếp, "ngôn ngữ tồn tại trong tập thể, dưới hình thức một tổng thể của dấu ấn để lại trong mỗi bộ óc gần như một quyển từ điển, mà mỗi người được phân phối một bản giống nhau".
Ngôn ngữ là một bộ phận "của hoạt động ngôn ngữ, một sản phẩm của xã hội, một kho tàng do hoạt động nói năng tích luỹ lại trong mỗi người, trong tất cả các bộ óc của tập thể như một chế ước, mà mỗi thành viên trong cộng đồng phải tuân theo. Còn lời nói là hành vi của cá nhân sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Nó là tất cả những cái người ta nói, và bao gồm những kiểu kết hợp khác nhau, kể cả những cách phát âm khác nhau tuỳ thuộc vào ý chí của mọi người. Những biểu hiện của lời nói đều có tính chất cá nhân và nhất thời. Như vậy, tách ngôn ngữ ra khỏi lời nói, là đồng thời cũng tách riêng ra:
a. Cái có tính chất xã hội với cái có tính chất cá nhân.
b. Cái chủ yếu với cái thứ yếu, và ít nhiều có tính chất ngẫu nhiên".
Đối tượng của ngôn ngữ học là cái phần chủ yếu ấy, có tính chất xã hội, cái có truyền thống lâu đời đã làm nên bản chất cơ cấu của nó.
Do đó, trong nghiên cứu, "trước hết phải đứng trên địa bàn của ngôn ngữ và lấy nó làm chuẩn cho tất cả các biểu hiện khác của hoạt động ngôn ngữ". Đồng thời, phải gạt bỏ tất cả những gì xa lạ đối với cơ chế của nó, nghĩa là những cái bên ngoài ngôn ngữ, để xem xét ngôn ngữ như một đối tượng, "chỉ biết có trật tự của bản thân nó" như hệ thống của một bàn cờ. Người đánh cờ có thể khác nhau, nước cờ đi khác nhau,quân cờ có thể khác nhau, song tất cả những cái đó là cái bên ngoài, không làm thay đổi mảy may hệ thống của nó. Nghiên cứu cờ tướng là nghiên cứu hệ thống bàn cờ, nghiên cứu chức năng của con cờ và quy tắc tiến quân, nghiên cứu những nước đi của nó, tức là nghiên cứu cái bên trong ấy của cờ.
Nghiên cứu ngôn ngữ cũng vậy "đối tượng duy nhất và chân chính của ngôn ngữ học là ngôn ngữ, xét trong bản thân nó và vì bản thân nó" (câu kết thúc giáo trình).
4. Xét về mặt cấu trúc nội tại, ngôn ngữ là một hình thức, chứ không phải là một chất liệu. Khác với Port-Royal, và các nhà ngữ pháp so sánh, Saussure không coi ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy, vì tư duy chỉ là một "khối không định hình" trước khi có ngôn ngữ, tự hồ như một "đám tinh vân", trong đó không có cái gì được phân giới một cách tất nhiên và rõ rệt
Trước cái địa hạt mông lung này, âm thanh cũng không phải là những thực thể được phân định từ trước thành "những cái khuôn, trong đó tư duy nhất thiết phải được đúc thành hình, thành khối". Tuy nhiên, âm thanh là một "chất liệu mềm dẻo", tuỳ theo đặc điểm riêng của từng tiếng nói, nó có thể cung cấp những cái "biểu hiện mà tư duy cần đến". Có thể hình dung ngôn ngữ như "một loạt những phân đoạn nối tiếp nhau, vạch lên cái diện mông lung của những ý niệm mơ hồ (A), và đồng thời vạch lên cái diện mạo không kém phần mông lung của những âm (B)".
Vai trò đặc biệt của ngôn ngữ làm trung gian giữa tư duy và ngữ âm trong những điều kiện như thế nào đó, mà sự kết hợp của chúng dẫn đến chỗ cái này phân định đơn vị cho cái kia. Sự kết hợp ấy làm nảy sinh ra một hình thức, chứ không phải là một chất liệu (Saussure nhấn mạnh, GT, trang 179). Đó là hình thức của cái nội dung, và hình thức của cái biểu hiện. Ví dụ: về nội dung, ta có khái niệm về màu sắc cầu vồng chẳng hạn, vốn là một thể liên tục không định hình: Mỗi tiếng nói, tuỳ theo đực điểm của mình, cắt lấy những phân đoạn (đơn vị) cần thiết cho việc kết cấu hoá nội dung. Tiếng Pháp chẳng hạn, cắt lấy bảy: rogue (đỏ), orangé (màu da cam), jaune (màu vàng), vert (xanh lá mạ), bleu (xanh da trời), indigo (màu chàm), violet (màu tím).
rogue | orangé | jaune | vert | bleu | indigo | violet |
Nhưng tiếng Bassa ở Libéria châu Phi, chỉ cắt lấy hai phân đoạn (hai màu): hui (màu nóng) gồm màu đỏ, da cam, vàng và ziza (màu lạnh) gồm mày xanh lá mạ, xanh da trời, màu chàm, màu tím của tiếng Pháp.
Vềm mặt ngữ âm cũng vậy, âm thanh vốn cũng là một thể liên tục, mỗi tiếng nói, tuỳ theo đặc điểm riêng, cắt lấy một âm đoạn (đơn vị) cần thiết cho cái biểu hiện của mình. Tiếng Nga cắt lấy âm щ, tiếng Việt thì không. Trái lại, tiếng Việt cắt âm "hờ" (h), mà tiếng Nga không có.