5. Những sự chia cắt thực tế này (hay cấu
hình của tiếng nói) thể hiện cái quan niệm thứ nhất của Saussure về
hình thức ngôn ngữ. Là một hình thức, "ngôn ngữ chỉ có thể là
một hệ thống giá trị thuần tuý" vì nó được kết cấu hoá với
những yếu tố mà "tất cả đều dựa vào những mối quan hệ" tuỳ
thuộc lẫn nhau và giá trị của bất cứ một yếu tố nào cũng đều do
"những yếu tố chung quanh quy định". Phải phân tích các
mối quan hệ ấy mới nắm được giá trị các yếu tố của nó. Thí dụ từ
"ăn" phát âm có thể khác và nghĩa có thể khác trong một số
trường hợp "ăn cơm" và "ăn ý". Nhưng tại sao vẫn
có thể nhận thấy đó là một từ. Mối liên hệ giữa hai lần cùng dùng
một từ ăn dựa vào đâu? Tất nhiên không phải dựa vào sự đồng nhất về
vật chất (âm thanh); cùng không phải dựa vào sự tương ứng hoàn toàn
về nghĩa. Nó chỉ có thể dựa vào các mối quan hệ với các yếu tố chung
quanh làm nên sự đồng nhất, nghĩa là giá trị của nó. Nói cách
khác, sự đồng nhất hay là giá trị của một yếu tố là do sự đối lập
của nó với các yếu tố khác trong kết cấu mà có. Hình ảnh bàn cờ
cho chúng ta thấy rõ điều này. Giá trị của quân cờ là do vị trí của
nó trong hệ thống bàn cờ mang lại. Nếu có trường hợp mất con tốt
bằng ngà, ta thoả thuận với nhau thay bằng cục phấn, thì cục phấn ấy
vẫn có giá trị như con tốt bằng ngà: cái vị trí và nước đi của nó
(chức năng) vẫn như cũ.
Sự so sánh đó cho thấy giá trị ngôn ngữ học không
phải là ý nghĩa. Ta không thể nghiên cứu nó trong từng từ riêng lẻ,
mà phải so sánh nó với các yếu tố khác trong hệ thống mới thấy được.
Nói cách khác, đơn vị ngôn ngữ, hoàn toàn có tính chất âm cực
(négatif) và tính chất quan hệ (relationnel): không thể xác
định bằng chính bản thân nó, mà chỉ bằng những mối quan hệ (đó là
cái quan niệm về hình thức mà Hjelmslev đã triệt để khai thác).
6. Những nhận xét về sự đồng nhất và giá
trị ngôn ngữ học trên đây đồng thời cũng cho thấy rõ rằng muốn khám
phá ra những đơn vị ngôn ngữ cụ thể của một tiếng nói, thì phải xuất
phát từ những hệ thống mà chúng là những giá trị tạo thành, vì không
phải lúc nào chúng cũng có cái biểu đạt vật chất rõ ràng. Chẳng hạn
như cái biểu đạt của một kí hiệu ngữ pháp, chỉ là một sự luân phiên
(alternance), mà không thêm vào từ căn một yếu tố phụ nào cả. Ví dụ,
kí hiệu số ít, số nhiều trong tiếng Pháp: cheval (con ngựa)
> chevaux (những con ngựa), là một biến đổi căn tố.
Trong tiếng Anh, kí hiệu thời quá khứ các động từ bất quy tắc
(irreguliers) cũng được cấu tạo bằng một nguyên âm của từ căn:
bind (tôi buộc) › bound (tôi đã buộc) v.v…
Cái biểu đạt quả không có gì là thêm cả, chỉ đơn thuần là một sự
khác nhau giữa bind và bound, cheval và
chevaux. Nhưng những hiện tượng ấy phản ánh một hình tượng
khái quát: kí hiệu "hiện tại" chỉ có một thực thể là so
với kí hiệu "quá khứ", kí hiệu "số ít" chỉ có
thực thể là so với kí hiệu "số nhiều", khiến cho ta không
thể nhận ra một kí hiệu mà không cùng lúc xếp nó vào trong hệ thống
giá trị của tiếng nói.
Cũng vậy, muốn phân xuất câu nói ra những kí hiệu
từ vựng tối thiểu (hình vị), thì cũng phải xuất phát từ hệ thống
tiếng nói chứa đựng những kí hiệu này. Ví dụ: những tổ hợp như cà
rốt, cà chua, cà phê có thể phân tích tất cả những yếu tố nhỏ
hơn không? Chỉ có căn cứ vào hệ thống – tức vào cái mô hình cấu
tạo của tiếng nói – mới có thể giải đáp được, chẳng hạn
cà trong "cà phê" không thể lược bỏ như càt
trong "cà chua" (nghĩa là không thể phân tách ra thành hai
hình vị), vì không có yếu tố phê cũng như không có yếu tố
rốt (với cái nghĩa trong các tổ hợp ấy) đứng một mình. Cà
phê cũng như cà rốt là một hình vị đa tiết. Và ta có thể
nói: cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít (cây cà phê); cà phê đen, cà
phê sữa (nước cà phê).
Trái lại, cà chua có thể phân tích thành:
cà / chua vì ta có thể so sánh nó với cà gai, cà pháo, cà dái dê,
cà độc dược…
Cái cách phân định một yếu tố ngôn ngữ như trên,
cũng chính là một cách nhận diện một đơn vị cụ thể, nghĩa là
nhận ra một đơn vị nào đó cùng là một yếu tố duy nhất trong những
ngữ cảnh và ngữ huống khác nhau. Vì giá trị của một đơn vị nào đó là
do sự đối lập của nó với các yếu tố khác trong hệ thống như đã thấy
trên kia. Ví dụ: cái sắc thái nghĩa nào đó của từ "ăn" mà
nó có được › cả khi nó rất xa lạ với cái nghĩa cơ bản ›
chính là bởi không có một kí hiệu nào cùng tồn tại (như "chấp
nhận", "hoà" v.v…) có thể phù hợp với sắc thái
này. Nó thuộc kí hiệu "ăn" chứ không thuộc một kí hiệu nào
khác. Cho nên, Saussure tuyên bố rằng "Cái đặc trưng đúng đắn
duy nhất của những kí hiệu là cái mà những kí hiệu khác không
có". Nói cách khác, một kí hiệu ngôn ngữ được xác định với
những nét "dị biệt" của nó, nó chỉ được xác định với
hiện tượng nó không trùng khớp với kí hiệu khác. Đó là nguyên lí
đối lập, theo đó người ta có thể quy cho một kí hiệu những nét ngữ
âm hay ngữ nghĩa phân biệt nó với ít nhất một kí hiệu khác.
7. Như đã thấy, với những luận điểm cơ bản
trên đây, Saussure đã làm một "cuộc cách mạng Kopernick"
và khai sinh ra nền ngôn ngữ học của thế kỉ này.
Tuy nhiên, trong Giáo trình ngôn ngữ học đại
cương có một số điểm thoạt thì dường như mâu thuẫn với nhau,
khiến cho ai chỉ nắm một mặt này hay mặt kia của vấn đề thì sẽ dễ
hiểu sai lệch. Chẳng hạn, đơn vị ngôn ngữ hiện ra dưới ngòi bút của
Saussure như có hai tính chất đối lập nhau. Một mặt, nó hoàn toàn có
tính chất "âm vực" và "quan hệ" chỉ được tạo nên
bởi vị trí của nó trong mạng lưới quan hệ cấu thành tiếng nói. Mặt
khác, nó lại như có một thực thể "dương cực" ở chỗ nó phân
biệt với các đơn vị khác. Điều đó sau này đã gây ra sự tranh cãi
giữa các nhà chức năng luận ngữ và ngữ vị học. Tuy vậy, cái điểm
thống nhất ở họ là đơn vị ngôn ngữ về mặt ngữ âm cũng như ngữ nghĩa
bao giờ cũng có liên quan đến các đơn vị khác và người ta không thể
nghe và hiểu đựơc một kí hiệu, nếu không đặt nó vào toàn bộ hoạt
động của tiếng nói.
Cũng như vậy, sự phân biệt đồng đại với lịch đại,
ngôn ngữ với lời nói, cũng như hình thức vói chất liệu, ở chỗ này
hoàn toàn tách biệt, ở chỗ kia lại có sự tác động lẫn nhau. Do đó
cần phải kết hợp cả hai mặt ấy lại mới thấy cái quan niệm hoàn hảo
của Saussure về sự kiện ngôn ngữ.
Để phát huy thành quả của Giáo trình, cần
bổ sung những nguồn tài liệu khác nữa vào bản thảo, giúp cho việc
nắm vững những suy nghĩ độc đáo, sâu sắc và phong phú của tác
giả.
Mặc dù vậy, học thuyết Saussure đã thực sự mở ra
một chân trời mới cho nền ngôn ngữ học hiện đại. Những người đầu
tiên tiếp tụ và phát triển học thuyết mới này là những nhà ngôn ngữ
học thuộc nhóm Câu lạc bộ Praha. Dựa vào những luận điểm cơ bản của
Giáo trình (Ngôn ngữ, lời nói và tính dị biệt của kí hiệu),
họ đã xây dựng nên một bộ môn âm vị học mà tác dụng của nó đối với
ngành ngôn ngữ học không khác gì môn vật lí hạt nhân đối với các
ngành khoa học tự nhiên.
Theo Đái Xuân Ninh (1984). Học thuyết của Ferdinand de Saussure. In trong Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 57–61.
Trở lại phần 2
Về tiểu sử của Saussure, xin đọc: Ferdinand de Saussure