1. Như đã nói ở phần trên, người duy nhất làm cuộc cách mạng thành công trong ngôn ngữ học là Ferdinand de Saussure, lại chính là người được đào tạo và hoạt động nổi tiếng nhất trong trường phái cũ (phái Ngữ pháp mới). Năm 21 tuổi, khi đang còn là sinh viên, học ở Leipzig (Đức), ông đã viết tác phẩm Nghiên cứu về hệ thống nguyên thuỷ các nguyên âm trong các ngôn ngữ Ấn-Âu (Mémoire sur le système primitif de voyelles indo-européennes) (Paris, 1878) – một thành công rực rỡ của trường phái này – đã làm cho nhiều người ngạc nhiên. Mấy chục năm sau, A. Meillet còn đánh giá công trình này là: "chưa bao giờ có một quyển sách về ngữ pháp học so sánh vững vàng, mới mẻ, và đầy đủ như vậy". Tuy thế, Saussure vẫn cho rằng ngôn ngữ học lịch sử không có cơ sở chắc chắn và phải gác những vấn đề này lại cho đến khi xây dựng được một học thuyết mới về ngôn ngữ học. Có được những trực giác sâu sắc này trên mảnh đất của riêng mình, chính là vì Saussure đã nhìn thấy những tia sáng trên bầu trời khoa học của thời đại ông. Đó là thuyết hình tượng (Gestalt) trong tâm lí học hình thức, thuyết cấu trúc nguyên tử của Niel Bohr, và thuyết tương đối của A. Einstein, các thuyết này chứng minh tất cả các yếu tố của một đối tượng đều dựa vào những mối quan hệ tuỳ thuộc lẫn nhau mà tồn tại.
Trong trào lưu tư tưởng ấy, trước ông đã có một số nhà cấu trúc luận tiên phong như C. Withney (1817–1894) cũng nhận thấy ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, một thiết chế, một tập hợp kí hiệu, một công cụ giao tiếp. Và Baudouin de Courtenay cũng đã chỉ ra rằng âm của tiếng nói thực hiện chức năng khu biệt. Song phải đợi đến cái trí tuệ tuyệt vời của ông, thì những hệ quả và tầm quan trọng của chúng – cái ý đồ xây dựng nên một lí thuyết ngôn ngữ – mới được ông thực hiện trong ba giáo trình dạy ở Geneva từ 1906 đến 1911. Sau khi ông mất, hai người học trò của ông là Charles Bally và Albert Séchehaye – lúc bấy giờ đã là những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng – đã dựa một mặt vào một bản thảo, bài giảng của ông, và mặt khác, vào những tài liệu sinh viên ghi chép về các bài giảng đó, soạn thành Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (Cours de linguistique générale) và cho xuất bản vào năm 1916. Đó là bản khai sinh nền ngôn ngữ học hiện đại. Tuy "Giáo trình" chưa phải là "tư tưởng hoàn chỉnh" của F. de Saussure, nhưng về cơ bản đó là những suy nghĩ hết sức sâu sắc và phong phú của ông về ngôn ngữ học với tất cả những mâu thuẫn nội tại của nó. Người đọc "Giáo trình" phải tiếp tục suy nghĩ trên tác phẩm này, cho nên một số ý kiến trong "Giáo trình" đã trở thành những đề tài thảo luận sôi nổi và kéo dài đến tận ngày nay. Có người coi đó như những tiền đề tạo nên một loạt công trình tiếp tục phát triển học thuyết Saussure.
2. Một luận điểm quan trọng của Saussure là coi ngôn ngữ về cơ bản như một công cụ giao tiếp xã hội, chứ không phải là biểu hiện của một cấu trúc tư duy tồn tại độc lập với mọi hình thức của nó. Sự biểu hiện này được quan niệm như một chức năng cơ bản, theo những nhà ngữ pháp so sánh, hay như một phương tiện cần yếu cho giao tiếp, theo những nhà ngữ pháp đại cương Port-Royan. Điều đó cũng do tính tuỳ tiện, tính quy ước của ngôn ngữ mà ra.
Đọc thêm: Bản chất tín hiệu của ngôn ngữ
Muốn bảo đảm chức năng giao tiếp, ngôn ngữ trước hết phải là một hệ thống kí hiệu. Không có kí hiẹu thì không thể có một sự giao tiếp nào cả.
Kí hiệu không phải là những yếu tố rời rạc, mà là một tập hợp có tổ chức, có hệ thống, một chỉnh thể bao gồm những yếu tố có liên quan mật thiết với nhau, tuỳ thuộc lẫn nhau, giá trị của yếu tố này là do sự đồng thời có mặt của yếu tố kia, trong hệ thống, quyết định. Tính hệ thống của kí hiệu ngôn ngữ cho phép sự kết hợp muôn mày muôn vẻ giữa chúng với nhau để phát huy tính sáng tạo của tiếng nói, nhằm đáp ứng những nhu cầu diễn đạt ngày càng cao và đổi mới khôn lường.
Hệ luận có tính chất cách mạng và có tầm quan trọng lớn lao được rút ra từ tính chất khoa học của luận điểm này là:
Trước hết, nếu ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu có thể giải thích được bằng chính bản thân những kí hiệu ấy, thì ngôn ngữ, thực sự trở thành một khoa học kể từ đây – điều mà mọi người chờ đợi – vì đời sống thực của một khoa học bắt đầu với sự độc lập của nó, khi nó có thể xác định được đối tượng nghiên cứu, với những công cụ riêng.
Thực vậy, nếu ngôn ngữ là một hệ thống mà những thành tố của nó – kí hiệu ngôn ngữ – chỉ được xét trong bản thân chúng, thì không còn có nhu cầu bên ngoài để miêu tả các hiện tượng ngôn ngữ. Từ đây có thể tuyên bố là ngôn ngữ học đã thoát khỏi cái "thân phận tôi đòi" lệ thuộc vào triết học, logic học, tâm lí học, và các khoa học lịch sử, như trước kia. Ý nghĩa quan trọng của phát kiến này không chỉ "bảo đảm sự độc lập ở bên trong – bằng cách chỉ rõ những nhiệm vụ nội tại của ngôn ngữ học – mà cũng còn ở cả bên ngoài, trong mối quan hệ với các khoa học khác".
Mặt khác, trong quá trình phát triển lịch sử, ở mỗi thời điểm của cuộc sống, ngôn ngữ luôn luôn phải là một hệ thống, một hình thức tổ chức nào đó, thì mới làm được nhiệm vụ giao tiếp xã hội. Vì ngôn ngữ không có lí do tồn tại nào khác là chức năng giao tiếp, nên việc sử dụng ngôn ngữ, hoạt động của ngôn ngữ, không thể là nguyên nhân suy thoái hay phá vỡ tổ chức, như các nhà ngữ pháp so sánh than phiền. Sự sáng tạo loại suy chẳng hạn, là một trong những kết quả rõ rệt nhất của lời nói, bao giờ cũng chỉ mở rộng và làm phong phú thêm một phạm trù mà nó giả định sự tồn tại. Nếu có "solutionner" (giải, giải quyết) phát sinh từ "solution" (giải, phép giải) là bởi đã có sẵn cái mẫu của loại từ phát sinh kiểu ấy: addition – additionner (sự cộng vào – cộng) fonction – fontionner (chức năng – hành chức) v.v…
Trong tiếng Việt, nếu cái đẹp phát sinh từ yếu tố đẹp, thì cũng là căn cứ vào một loại từ vốn có như: khó – cái khó; khôn – cái khôn v.v…
Quy luật ngữ âm này sinh từ những hiện tượng giao tiếp cũng phát triển theo lời nói. Saussure nêu lên một ví dụ nổi tiếng về cách biểu hiện số nhiều của tiếng Đức. Trong trạng thái cũ, nó được đánh dấu bằng Gast (khách) – Gasti (những người khách); Hand (bàn tay) – Handi (những bàn tay); sau Gasti đổi thành Gäste, Handi đổi thành Häde. Những thay đổi này chỉ là thay đổi dấu hiệu vật chất về số nhiều, chứ không làm thay đổi hiện tượng ngữ pháp về số (ít/nhiều).
Bằng những thực tế sinh động, Saussure chỉ ra rằng ngôn ngữ lúc nào cũng hiện ra như một tổ chức (hệ thống hay cấu trúc). Vì vậy, mọi sự nghiên cứu phải "xuất phát từ cái tổng thể làm thành một khối – để phân tích ra những yếu tố mà nó chứa đựng", chứ không nên "bắt đầu bằng những yếu tố và xây dựng nên hệ thống bằng cách cộng lại tất cả các yếu tố đó lại".
Theo Đái Xuân Ninh (1984). Học thuyết của Ferdinand de Saussure. In trong Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 49–53.
Đọc tiếp: phần 2