1. Quá trình phát triển của ngôn ngữ
1.5. Ngôn ngữ cộng đồng tương lai
Từ lâu, con người đã mơ ước có một ngôn ngữ thống nhất cho toàn nhân loại. Nếu ngôn ngữ thống nhất đó mà có được thì con người có thể tiết kiệm được không biết bao nhiêu sức lực và trí tuệ phải bỏ ra để dạy và học ngoại ngữ như hiện nay. Vào thế kỉ 17, Đêcac và Lepnich đã đề xướng việc tạo ra một thế giới ngữ gọi là Voluapuk. Từ đó đến nay đã có thêm một số thế giới ngữ nữa được đề nghị như Adjuvanto, Ido, Esperanto nhưng chỉ có tiếng Esperanto được chấp nhận nhiều nhất. Hiện nay Esperanto đã được dùng ở nhiều nước, hàng vạn cuốn sách, hàng trăm tờ báo và tạp chí, hàng trăm trường phổ thông và đại học, hàng chục đài phát thanh v.v… đã sử dụng thứ tiếng này. Đại hội hoà bình thế giới năm 1955 đã công nhận tác dụng thắt chặt tình đoàn kết quốc tế của nó. Tuy nhiên, thế giới ngữ vẫn là một thứ ngôn ngữ nhân tạo, tất cả mọi dân tộc đều phải học nó như một thứ ngoại ngữ, mặc dù vì đó không phải là tiếng của dân tộc nào cho nên không có vấn đề miệt thị dân tộc.
Hiện nay, các nhà ngôn ngữ học có những dự đoán khác nhau về tương lai ngôn ngữ loài người.
- Một số người cho rằng, trong tương lai, các ngôn ngữ sẽ thâm nhập lẫn nhau, hoà vào nhau, dần dần tạo thành một ngôn ngữ chung thống nhất. Dự đoán này đã dựa vào những xu hướng có thật của các liên minh ngôn ngữ hiện đại. Chẳng hạn: Sự xích lại gần với tiếng Việt của các ngôn ngữ trên lãnh thổ Việt Nam. Trong liên mình ngôn ngữ của khối thị trường chung châu Âu cũng đang xuất hiện hàng loạt những phạm trù ngôn ngữ chung. Trên phạm vi toàn thế giới, mầm mống của ngôn ngữ cộng đồng tương lai cũng đã xuất hiện và thể hiện ở các hệ thống thuật ngữ có tính chất quốc tế.
- Một số người dự đoán sự phát triển của ngôn ngữ sẽ đi theo con đường tạo ra các ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các dân tộc. Ngôn ngữ chung này sẽ không phải là một ngôn ngữ nào mới được tạo ra, mà chỉ là một ngôn ngữ có sẵn, nhưng được đề lên cương vị ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các dân tộc. Thí dụ: tiếng Việt là phương tiện giao tiếp chung của tất cả các dân tộc Việt Nam, tiếng Đức là phương tiện giao tiếp chung giữa các dân tộc vùng biển Ban Tích. Một số ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha được Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận là những ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Như vậy, đối với các dân tộc mà ngôn ngữ của họ không được dùng làm ngôn ngữ quốc tế thì tương lai có lẽ là củng cố tiếng mẹ đẻ của mình, đồng thời học thêm một hoặc hai ngôn ngữ quốc tế.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 41–42
Trở lại: 1.4. Ngôn ngữ văn hoá và các biến thể của nó
Đọc thêm: Esperanto, triển vọng và phát triển
Đọc tiếp: 2. Cách thức phát triển của ngôn ngữ