1. Quá trình phát triển của ngôn ngữ
1.4. Ngôn ngữ văn hoá và các biến thể của nó
Sự ra đời của ngôn ngữ văn hoá là một cái mốc lớn trên con đường thống nhất ngôn ngữ dân tộc. Thực ra, ngôn ngữ văn hoá đã có thể hình thành ở một số nước ngay ở thời kì trước khi dân tộc phát triển. Khi đó nhân dân từng địa phương vẫn nói ngôn ngữ riêng của mình, nhưng trên phạm vi toàn quốc gia cần phải có phương tiện giao tiếp chung, phục vụ trước hết cho nhà thờ, tôn giáo, cho việc viết sách và cho công việc hành chính. Nhu cầu ấy đã đề ra ngôn ngữ văn hoá.
Nhưng ngôn ngữ văn hoá trong thời kì này chỉ là ngôn ngữ trên phương ngôn, được dùng trong hành chính, giấy tờ, trường học, tôn giáo,… nói chung là ngôn ngữ sách vở. Thường thường, người ta dùng từ ngữ hay tiếng nước ngoài làm ngôn ngữ văn hoá. Tiếng Latin đã là ngôn ngữ văn hoá cho rất nhiều nước ở châu Âu. Rất nhiều tác phẩm văn học, khoa học được viết bằng tiếng Latin. Ở Việt Nam, suốt một thời gian dài chữ Hán đã được dùng làm văn tự chính thức của nhà nước. Sắc phong, chiếu chỉ, thơ phú, thi cử đều dùng chữ Hán. Những ngôn ngữ văn hoá như vậy, xa lạ đối với ngôn ngữ dân tộc. Chỉ khi các dân tộc phát triển, ngôn ngữ văn hoá dân tộc mới hình thành.
Ngôn ngữ văn hoá dân tộc dựa trên ngôn ngữ nói của toàn dân tộc. Nhưng nó khác với ngôn ngữ nói dân tộc ở sự thống nhất hết sức to lớn trong kết cấu của nó. Ngôn ngữ văn hoá hoạt động tuân theo những quy tắc chặt chẽ được gọi là chuẩn mực. Nó lựa chọn những đơn vị, những phạm trù ngôn ngữ đáp ứng nhiều nhất cho những yêu cầu của toàn dân tộc, tước bỏ những hạn chế có tính chất địa phương và xã hội, làm cho chúng trở thành những hiện tượng có tính thống nhất đối với toàn dân tộc. Ngôn ngữ văn hoá dân tộc và ngôn ngữ dân tộc phân biệt nhau ở chỗ một đằng thì chúng ta có ngôn ngữ "nguyên liệu", còn một đằng thì lại là ngôn ngữ đã được người lành nghề gọt giũa nên. Ngôn ngữ nói toàn dân là nguồn bổ sung vô tận cho ngôn ngữ văn hoá, ngược lại, ngôn ngữ văn hoá là đòn bẩy làm cho dân tộc và ngôn ngữ dân tộc ngày càng thống nhất. Lenin viết: “Trên toàn thế giới, thời kì thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến, gắn liền với các phong trào dân tộc, cơ sở kinh tế của các phong trào ấy là ở chỗ: Muốn cho sản xuất hàng hoá hoàn toàn thắng lợi thì giai cấp tư sản phải chiếm được thị trường trong nước; những lãnh thổ mà dân cư cùng nói chung một thứ tiếng, phải được thống nhất thành quốc gia và mọi trở ngại đối với sự phát triển của tiếng nói ấy và sự củng cố của tiếng nói đó trong văn học, cần phải được gạt bỏ”(1).
Ngôn ngữ văn hoá là biểu hiện tập trung nhất của tính thống nhất của ngôn ngữ dân tộc, nhưng nó không phải là nhất dạng mà cũng có những biểu hiện khác nhau. Tuỳ theo hoàn cảnh và mục đích giao tiếp khác nhau, mà việc lựa chọn các phương tiện biểu hiện không giống nhau. Do đó dẫn đến sự tồn tại của các phong cách chức năng khác nhau. Phong cách chức năng của ngôn ngữ là những biến thể của ngôn ngữ được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử. Mỗi phong cách phục vụ cho một mặt, một lĩnh vực nào đó của đời sống xã hội. Mỗi phong cách sử dụng những phương tiện ngôn ngữ, trước hết là các từ tiêu biểu cho mình. Những phong cách chủ yếu là: 1) Phong cách hội thoại; 2) Phong cách sách vở. Phong cách sách vở có thể chia ra: Phong cách chính luận, phong cách khoa học và phong cách hành chính. Phong cách của các tác phẩm văn học nghệ thuật là một loại phong cách đặc biệt, nó có thể mang những đặc trưng của nhiều phong cách.
Ngôn ngữ văn hoá có thể tồn tại dưới hình thức nói cũng như viết. Nói tới ngôn ngữ văn hoá, là nói tới thứ ngôn ngữ thống nhất, chuẩn mực của dân tộc. Nhưng không phải tất cả những gì được dùng trong các tác phẩm khoa học, chính trị, văn nghệ v.v… đều là chuẩn mực. Ngôn ngữ văn hoá là sản phẩm chung của xã hội, còn biểu hiện cụ thể của nó trong tác phẩm riêng biệt, ngoài các phần chung còn có sự vận dụng, sáng tạo có tính chất cá nhân. Cho nên có thể nói cái đích của ngôn ngữ văn hoá phải là ngôn ngữ chuẩn. Nhưng để đạt đến ngôn ngữ chuẩn không phải là việc dễ dàng. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và cả sau này nữa là chuẩn hoá ngôn ngữ, nâng ngôn ngữ văn hoá lên ngôn ngữ chuẩn.
(1) Mác, Ăngghen, Lênin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, H., 1962, trang 97.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 39–41
Trở lại: 1.3. Ngôn ngữ dân tộc và các biến thể của nó
Đọc thêm: Một số vấn đề về chuẩn mực hoá ngôn ngữ
Đọc tiếp: 1.5. Ngôn ngữ cộng đồng tương lai