2. Cách thức phát triển của ngôn ngữ
Quy luật phát triển chung của ngôn ngữ là thay thế các ngôn ngữ bộ lạc và biến thể của nó bằng ngôn ngữ dân tộc và các biến thể của ngôn ngữ dân tộc, thay thế ngôn ngữ dân tộc và biến thể của nó bằng ngôn ngữ văn hoá thống nhất; cuối cùng là sự ra đời của ngôn ngữ chung cho toàn nhân loại. Nhưng con đường từ ngôn ngữ bộ lạc đến ngôn ngữ cộng đồng tương lai diễn ra như thế nào?
2.1. Bản chất của sự phát triển ngôn ngữ
Ngôn ngữ phát triển từ từ, liên tục, không đột biến nhảy vọt. Sự phát triển của ngôn ngữ không theo con đường phá huỷ ngôn ngữ hiện có và tạo ra ngôn ngữ mới, mà theo con đường phát triển và cải tiến những yếu tố cơ bản của ngôn ngữ hiện có. Và sự chuyển biến từ tính chất này của ngôn ngữ qua tính chất khác, tuyệt nhiên không diễn ra bằng cách bùng nổ, đột biến, phá huỷ cái cũ và tạo lập cái mới, mà bằng cách tuần tự, lâu dài, tích góp những yếu tố của tính chất mới, của cơ cấu mới của ngôn ngữ, bằng cách tiêu ma dần những yếu tố của tính chất cũ. Laphacgơ đã lầm khi ông cho rằng có một cuộc cách mạng bột phát nổ ra trong ngôn ngữ Pháp từ 1789 đến 1794. Thực ra trong thời kì ấy, tiếng Pháp đã được bồi bổ thêm nhiều từ và ngữ mới, những từ cũ bị loại ra, ý nghĩa của một số từ thay đổi đi nhưng hệ thống ngữ pháp và vốn từ cơ bản của tiếng Pháp vẫn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Sự phối hợp giữa ngôn ngữ là một quá trình trường kì, kéo dài hàng thế kỉ, không thể nói có đột biến nào ở đây được… Sẽ là hoàn toàn sai lầm nếu ai đó nghĩ rằng, do sự phối hợp của hai ngôn ngữ, một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ thứ ba, sẽ xuất hiện, khác hẳn những ngôn ngữ phối hợp, khác về tính chất đối với cả hai ngôn ngữ cũ.
2.2. Sự phát triển không đồng đều giữa các mặt
Vì trực tiếp phản ánh đời sống xã hội, cho nên từ vựng của ngôn ngữ, so với ngữ âm và ngữ pháp, là bộ phận biến đổi nhiều và nhanh nhất. Từ vựng của một ngôn ngữ đã là bộ phận dễ chuyển biến nhất thì nó ở trong tình trạng gần như biến đổi liên miên. Nhưng, cần phân biệt từ vựng nói chung và từ vựng cơ bản. Phần chủ yếu của từ vựng trong một ngôn ngữ là vốn từ cơ bản, mà cái lõi của nó thì bao gồm tất cả những từ gốc. Cái vốn ấy, so với từ vựng thì hẹp hơn nhiều, song nó sống rất lâu, cả hàng thế kỉ và cấp cho ngôn ngữ một căn bản để cấu tạo từ mới. Như vậy, từ vựng nói chung biến đổi không ngừng, ngày càng phong phú, nhưng những từ gốc, từ vựng cơ bản lại có "sức kiên định" rất lớn.
See also: Swadesh list
Mặt ngữ âm của ngôn ngữ biến đổi chậm và không đều bởi vì nếu như ngữ âm mà biến đổi nhanh và nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giao tiếp bằng ngôn ngữ. Thường là, chỗ này xảy ra sự biến đổi nhưng những chỗ khác vẫn giữ nguyên, do đó dẫn đến tình trạng khác biệt về ngữ âm giữa các địa phương. Chẳng hạn, tiếng Việt toàn dân là "gạo, nước, gái"… trong khi ở một số địa phương vẫn là "cấu, nác, cấy"…
Hệ thống ngữ pháp cùng với từ vựng cơ bản là cơ sở của ngôn ngữ, cho nên nó biến đổi chậm nhất. Tất nhiên, với thời gian, hệ thống ngữ pháp cũng biến đổi, cải tiến, tu bổ thêm làm cho những quy luật của nó chính xác hơn, thậm chí cũng có thể bổ sung thêm các quy luật mới, song cơ sở của hệ thống ngữ pháp vẫn được bảo tồn trong một khoảng thời gian rất lâu. Hệ thống ngữ pháp biến đổi còn chậm hơn nữa so với từ vựng cơ bản.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 42–43
Trở lại: 1.5. Ngôn ngữ cộng đồng tương lai
Đọc tiếp: 3. Những nhân tố khách quan và chủ quan làm cho ngôn ngữ biến đổi và phát triển