• Dẫn nhập • Câu-ngôn bản • Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản? • Nghĩa của phát ngôn và ngữ cảnh • Hàm ý và hàm ngôn quy ước • Hàm ngôn hội thoại • Ngữ cảnh là gì?
9.6. Ngữ cảnh là gì?
Một trong những điểm nảy sinh từ cuộc thảo luận của ta về khái niệm hàm ngôn hội thoại của Grice trong mục đi trước là cái vai đúp mà ngữ cảnh thể hiện. Trước hết, bản thân phát ngôn được lồng vào trong cái mà J.R Firth và những người khác gọi là ngữ cảnh tình huống; và như ta đã thấy trong phần thảo luận của ta về ẩn dụ, để quyết định cách giải thuyết theo ẩn dụ là có khả năng chấp nhận được hay không, người ta có thể cần phải biết ngữ cảnh tình huống là như thế nào. Thứ hai, khi đã xác định rằng thông tin đang được chuyển tải thông qua và bên trên cái thông tin được nói ra, người nghe phải suy đoán cho được cái thông tin bổ sung ấy là gì dựa trên những thông tin ngữ cảnh mà họ chia sẻ với người đối thoại.
Cho đến gần đây, các nhà ngôn ngữ và triết học vẫn có xu hướng tránh nói đến ngữ cảnh tình huống trong sự trình bày của họ về những phương châm của Grice. Có lẽ vì lí do này, họ đã không làm rõ, như đáng ra họ phải làm, cái thực tế rằng ứng xử ngôn ngữ là những hoạt động phụ thuộc vào văn hoá. Những gì tạo nên sự thành thật và lịch sự có thể khác biệt nhau đáng kể khi đi từ xã hội này sang xã hội khác. Liên quan đến chất lượng của thông tin và tính quan yếu của nói, chúng ta cũng không thể cho rằng tính duy lí sẽ thể hiện ra theo cùng một kiểu trong tất cả các nền văn hoá. Thực tế, cách trình bày riêng của Grice, và của nhiều môn đệ, rất có thể ở mức độ nào đó đã mang màu sắc của khuynh hướng văn hoá-xã hội, một khuynh hướng hiện nay đang được điều chỉnh bởi những tác giả làm việc trong lĩnh vực phân tích hội thoại và trong lĩnh vực nay được gọi là dân tộc học lời nói.
Người ta ngờ rằng công trình của Grice cũng bị tổn thất bởi khuynh hướng triết học của nó là ưu tiên nghĩa miêu tả, hay nghĩa mệnh đề. Điều này bộc lộ không chỉ trong việc ông chấp nhận lí thuyết nghĩa học hàm chân trị mà còn cả trong quan niệm của ông về ngữ cảnh (trong cái vai thứ hai của hai vai trò ngữ cảnh được dẫn trên đây). Đối với ông, và đối với nhiều người theo tư tưởng của ông, ngữ cảnh được xem là một tập hợp mệnh đề mà nhờ đó những mệnh đề mới mẻ có thể được đánh giá chân thực và được bổ sung vào ngữ cảnh (hoặc bị loại loại với tư cách là những mệnh đề không chân thực).
Song rất nhiều tri thức liên quan đến việc tạo lập và thuyết giải phát-ngôn-thành-phẩm lại mang tính thực tiễn chứ không phải mang tính mệnh đề: nó là vấn đề biết làm cái gì đấy như thế nào, chứ không phải biết rằng cái gì đấy là chân thực. Tất nhiên, bao giờ cũng có thể (ít nhất trong những ngôn ngữ nào đó) mô tả tri thức thực tiễn như thể là những tri thức mệnh đề. Ví dụ, thay vì nói rằng người nói chắc chắc có khả năng cho biết người đối thoại có vị thế xã hội cao hơn hay thấp hơn, ta có thể nói rằng người nói chắc chắc biết mệnh đề nào, nếu có, trong số hai mệnh đề sau, là chân thực: “x có vị thế cao hơn y”, và “x có vị thế thấp hơn y” (ở đây x và y chỉ những biểu thức quy chiếu, lần lượt dùng để xác định người nói và người nghe). Tuy nhiên, việc ta có thể diễn đạt tri thức thực tiễn ở dạng công thức mệnh đề không hề có nghĩa trên thực tế nó là mang tính mệnh đề. Có thể biện hộ mạnh mẽ cho cái quan điểm (được mặc nhận suốt cuốn sách này) rằng thông tin xã hội và biểu cảm là loại thông tin phi mệnh đề.
Do vậy, có vẻ ngữ cảnh, trong cả hai vai trò đã sớm được xác định trong mục này, ở một mức độ đáng kể, là mang tính phi mệnh đề. Một trong những ưu điểm của lí thuyết hành động ngôn từ mà ta đã xem xét trong chương trước chính là, ít nhất trong cách lập thức của Austin, nó thừa nhận hoàn toàn khuynh hướng xã hội của ngôn ngữ. Như tôi đã nói, nó là một lí thuyết dụng học mang tính xã hội (theo cái nghĩa từ nguyên của từ ‘dụng học’): nó là loại lí thuyết cụ thể về hành động trong xã hội. Khái niệm ứng xử ngôn ngữ của Grice, với tư cách là sự tương tác mang tính hợp tác, thì rất phù hợp với lí thuyết này, và như tôi đã đề cập ở cuối mục đi trước, nó không cần thiết phải đi kèm với cái giả định rằng, các chuẩn mực hay phương châm mà ông đã nêu thành công thức cho một loại diễn ngôn trong một nền văn hoá – một loại trò chơi ngôn ngữ (language-game), theo cách gọi của Wittgenstein quá cố, là có giá trị phổ quát.
Thế thì, chẳng có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi “Ngữ cảnh là gì?”. Do những mục đích hạn chế của cuốn sách này, chỉ cần nhấn mạnh rằng, trong việc xây dựng một lí thuyết thoả đáng về ngữ cảnh, sự trình bày của nhà ngôn ngữ về việc thuyết giải phát ngôn tất yếu phải dựa vào, và đổi lại sẽ có đóng góp, các lí thuyết và phát hiện của của khoa học xã hội nói chung, đặc biệt là của tâm lí học, nhân học và xã hội học. Về những thảo luận tiếp theo về vai trò của ngữ cảnh (bao gồm văn cảnh), cũng như về cái được gọi là dụng học hậu–Grice, sinh viên tham khảo mục “Gợi ý đọc thêm”. Trong chương này, ta chỉ tập trung vào các khái niệm cơ bản như chúng được nêu ra vào lúc ban đầu.
Trở lại: Mục lục