• Dẫn nhập • Câu-ngôn bản • Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản? • Nghĩa của phát ngôn và ngữ cảnh • Hàm ý và hàm ngôn quy ước • Hàm ngôn hội thoại • Ngữ cảnh là gì?
9.0. Dẫn nhập
Ta đang thao tác với điều được giả định rằng nghĩa phát ngôn phụ thuộc cốt yếu vào ngữ cảnh. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa có cố gắng nào giải thích ngữ cảnh là gì hoặc làm thế nào mà nó quyết định nghĩa của các phát ngôn và chi phối việc ta hiểu chúng. Tôi cũng đã không nói gì chi tiết về ngôn bản nói và ngôn bản viết; tuy nhiên, trong những chương trước tôi đã làm rõ một điều rằng, nói cần phải được phân biệt với viết (và sản phẩm của sự nói năng phải được phân biệt với sản phẩm của sự viết lách), cho dù trong siêu ngôn ngữ chuyên môn của nghĩa học mà ta xây dựng suốt cuốn sách này, các thuật ngữ ‘phát ngôn’ và ‘ngôn bản’ được áp dụng cho cả sản phẩm nói lẫn viết.
Trong chương này, ta sẽ khảo sát cả ngôn bản (và diễn ngôn) lẫn ngữ cảnh (và văn cảnh). Như ta sẽ thấy, ngôn bản và ngữ cảnh bổ sung cho nhau: cái này tiền giả định cái kia. Ngôn bản là thành tố của cái ngữ cảnh trong đó nó được sản sinh; còn ngữ cảnh được tạo ra, liên tục biến cải và thay đổi diện mạo nhờ vào những ngôn bản mà người nói/người viết tạo ra trong những tình huống cụ thể. Rõ ràng rằng, ngay cả những phát ngôn có kích cỡ của câu, thuộc loại được ta xem xét trong chương trước, cũng được thuyết giải dựa trên cơ sở của rất nhiều thông tin ngữ cảnh, mà phần lớn là mang tính hàm ẩn.
Ta sẽ bắt đầu bằng cách thừa nhận hiển ngôn rằng thuật ngữ ‘câu’ thường được các nhà ngôn ngữ học dùng theo hai nghĩa, mà một trong số đó, nói một cách nôm na, là trừu tượng hơn nghĩa kia. Chính cái nghĩa trừu tượng hơn đó là cái nghĩa quan yếu khi các nhà ngôn ngữ nói về ngữ pháp như là cơ chế tạo ra các câu của một ngôn ngữ và khi các nhà ngữ nghĩa học nêu ra một sự phân biệt, như tôi đã làm, giữa nghĩa của câu và nghĩa phát ngôn. Chỉ một số rất ít nhà ngôn ngữ học dùng các thuật ngữ chuyên môn ‘câu–hệ thống’ và ‘câu–ngôn bản’ mà tôi giới thiệu sau đây. Tuy nhiên, phần lớn những người nêu ra sự phân biệt giữa nghĩa câu và nghĩa phát ngôn đều thừa nhận tầm quan trọng của sự phân biệt giữa cái nghĩa trừu tượng hơn và cái nghĩa cụ thể hơn này của thuật ngữ ‘câu’. Họ cũng sẽ thừa nhận rằng mối liên hệ giữa hai cái nghĩa này cần phải được làm rõ trên cơ sở một sự trình bày lí thuyết thoả đáng về vai trò của ngữ cảnh trong việc hình thành và thuyết giải phát ngôn. Như ta sẽ thấy, những nhà ngôn ngữ học dấn thân vào việc xây dựng cái lí thuyết như vậy (bất luận họ xưng là nhà ngữ nghĩa học hay nhà ngữ dụng học) đều dựa chủ yếu vào khái niệm của Paul Grice về hàm ngôn (implicature).
Đọc tiếp: 9.1. Câu-ngôn bản