• Dẫn nhập • Câu-ngôn bản • Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản? • Nghĩa của phát ngôn và ngữ cảnh • Hàm ý và hàm ngôn quy ước • Hàm ngôn hội thoại • Ngữ cảnh là gì?
9.5. Hàm ngôn hội thoại
Cái gọi là hàm ngôn hội thoại của Grice gây ra nhiều sự chú ý trong ngôn ngữ học hơn so với hàm ngôn quy ước. Tôi nói “cái gọi là” bởi lẽ cái nghĩa thường ngày của từ ‘hội thoại’ hẹp hơn rất nhiều so cái nghĩa được Grice sử dụng. Ta quan tâm không chỉ hội thoại mà còn tất cả các dạng tương tác xã hội có liên quan đến hoặc ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết.
Tư tưởng cơ bản là: hoạt động ngôn ngữ, hiểu theo nghĩa điển hình nhất, là một dạng tương tác xã hội dựa trên lí trí (và có mục đích), bị chi phối bởi nguyên lí hợp tác (principle of co-operation). Trong cái bây giờ có thể xem như lập thức cổ điển của Grice về nguyên lí này, ông thừa nhận vài dạng hợp tác, mà ông nhóm gộp dưới các đề mục lượng (quantity), chất (quanlity), quan hệ (relation) và cách thức (manner) (1975: 45–46). Mỗi đề mục này là tập hợp của một hoặc hơn một tiểu nguyên lí, mà Grice lập thức như là những phương châm (maxims) hành xử, những phương châm mà người tham gia hội thoại thường tuân thủ, song đôi khi có thể coi thường hoặc vi phạm.
Trước tiên, ta hãy lấy tiểu nguyên lí về lượng. Tiểu nguyên lí này có thể được phát biểu như sau:
(24) Hãy nói vừa đủ, không nói nhiều hơn so với lượng thông tin được yêu cầu (trong ngữ cảnh hiện tại và nhằm vào những mục đích hiện tại).
Những cách phát biểu khác sẽ được tìm thấy trong văn liệu, phần lớn chúng (bao gồm cách lập thức của Grice) sử dụng biểu thức ‘hãy nói [với] một lượng thông tin vừa đủ’ hoặc ‘hãy đóng góp phần thông tin của mình [sao cho] vừa đủ’. Tôi đã cố ý dùng một cách phát biểu có phần chung chung hơn, và là cách đả động đến ngữ cảnh một cách hiển ngôn. Song (24) trung thành với tinh thần cách phát biểu nguyên thuỷ của Grice và chỉ ra khả năng phát triển tiếp theo trong cái có thể gọi là dụng học tân-Grice (neo-Grice pragmatics). Tuy nhiên, tạm thời, (24) có thể diễn giải tương đương với:
(24a) Hãy cung cấp lượng thông tin vừa đủ, không nhiều hơn so với lượng thông tin được yêu cầu (trong ngữ cảnh hiện tại và nhằm vào những mục đích hiện tại).
Bây giờ, viện đến (24) hoặc (24a), ta có thể giải thích cái sự thể rằng, nếu x hỏi (hỏi y):
(25) Cậu đã rửa chén bát và cất mọi thứ đi chưa?
và y trả lời:
(26) Mình rửa chén bát rồi,
thì lời của y có thể được hiểu có hàm ý, trong hầu hết ngữ cảnh, rằng hắn ta chưa cất mọi thứ. Cái hàm ngôn, hay hàm ý này nảy sinh từ sự lảng tránh rõ ràng cố tình của y, là không nói Rồi hoặc điều gì tương đương cho cái mệnh đề phức hợp, được thể hiện trong phát ngôn của x và được nêu ra nhằm đặt y vào thế chấp thuận hay không chấp thuận. Mệnh đề đơn “Mình rửa chén bát rồi” thì ít lượng thông tin hơn so với “Mình rửa chén bát rồi và mình cất mọi thứ rồi”. Dựa trên giả định rằng y đang hợp tác đúng đắn và đang thể hiện thông tin đầy đủ (song không vượt quá), x có thể suy luận hợp lí rằng y không thể chân thực mà xác nhận rằng “Mình đã cất mọi thứ đi rồi”.
Suy nghĩ của x (khi không có bất kì dấu hiệu nào để hiểu ngược lại) rằng y đang nói thật dựa trên giả định của x rằng y, trong khi hợp tác, tuân thủ tiểu nguyên lí về chất:
(27) Hãy nói sự thật, không nói bất kì điều gì bạn chưa có đủ bằng chứng.
Một lần nữa, lập thức này lại khác với phát biểu của Grice về cách diễn đạt, có điều không khác về tinh thần. Ta sẽ trở lại với tiểu nguyên lí về chất ngay sau đây. Trong lúc này, ta hãy lưu ý rằng tính chân xác (tức nói sự thật (và không gì khác ngoài sự thật, mặc dù không bắt buộc phải là toàn bộ sự thật)) thì gắn bó chặt chẽ với tính chân thành (vốn đóng một vai trò quan trọng trong lí thuyết hành động ngôn từ). Một lưu ý cũng quan trọng nữa, rằng nói sự thật thì không đồng nhất với nói cái đúng (tức xác nhận tập hợp của một hoặc hơn một mệnh đề chân thực). Người ta có thể nói cái đúng trong khi nghĩ rằng nó sai hoặc không biết rằng nó đúng. Người ta cũng có thể nói cái đúng với ý đồ đánh lừa, nói ra cái người ta nói trong một ngữ cảnh hoặc cách thức thế nào đó mà người ta biết hoặc tin rằng người nghe sẽ cho nó là sai. Chính cái quan niệm chân thực và chân thành mang tính ý chí, hay đạo đức là nền tảng cho quan điểm của Grice về giao tiếp. Chúng bị chế định một cách khác nhau trong những nền văn hoá khác nhau và trong những ngữ cảnh xã hội khác nhau, không phải chỉ bởi yêu cầu có đủ chứng cứ, mà còn bởi một loạt hạn lệ xã hội, bao gồm những hạn lệ được đặt ra bởi những chuẩn mực lịch sự (politeness) được thừa nhận, phụ thuộc vào từng nền văn hoá.
Tiểu nguyên lí quan hệ (relation) của Grice gắn với phương châm duy nhất:
(28) Hãy đi vào đề.
Dựa vào (28), ta có thể gán định một cách thuyết giải cho đối thoại sau:
(29) x: Đồng hồ chậm.
(30) y: Sáng nay có lúc mất điện.
Trong khi làm như vậy, ta giả định rằng nội dung mệnh đề nhận định của y có liên hệ nào đó với nhận định của x: cụ thể, y đang, hoặc có thể đang, đưa ra một giải thích cho điều mà x xác nhận như là có vấn đề. Tất nhiên, giả định của ta rằng phát ngôn của y có liên quan đến phát ngôn của x theo lối như vậy không chỉ dựa trên kiến thức nền của ta về đồng hồ điện, mà còn dựa vào giả định xa hơn rằng y chia sẻ kiến thức nền này và biết rằng cái đồng hồ đang nói đến đó là, hoặc có thể là, được vận hành bằng điện năng lấy từ lưới điện. Dễ thấy rằng, để có được tính liên kết và mạch lạc(tức để có được đặc trưng kết nối mà theo đó ta đánh giá chúng thoả mãn tiêu chí của ngôn bản) những trao đáp hội thoại hàng ngày như trên đây có thể dựa vào một tập hợp tổng thể những giả định kiểu như vậy, riêng cho những nền văn hoá cụ thể và những nhóm người cụ thể.
Tiểu nguyên lí cách thức (manner) đã được Grice làm rõ dựa trên (ít nhất) bốn phương châm như sau:
(31) Hãy diễn đạt dễ hiểu, bằng cách: (i) tránh những biểu thức tối nghĩa, (ii) tránh nói mơ hồ, (iii) ngắn gọn (tránh sự dài dòng không cần thiết) và (iv) nói có trình tự.
Ta sẽ thấy ngay rằng chắc chắn có mối liên quan, một mặt, giữa việc nói ngắn gọn và nói không thừa thông tin hơn so với yêu cầu, và một mặt, giữa nói đúng đề tài và nói có trình tự. Cái sự thể là có những tương ứng như vậy, ít nhất về mặt cảm tính, đã gợi ý rằng bốn tiểu nguyên lí của Grice có thể được điều chỉnh và giảm bớt về số lượng. Và điều này đã được thể hiện trong cái gọi là dụng học tân-Grice. Các phát triển gần đây, mang tính kĩ thuật hơn như vậy không được khảo sát trong cuốn sách này.
Phần lớn hứng thú mà công trình của Grice về hàm ngôn hội thoại mang lại đã nảy sinh từ năng lực giải thích của nó đối với một loạt những hiện tượng gây khó khăn nếu nhìn từ quan điểm nghĩa học hình thức. Chúng bao gồm cách hiểu theo ẩn dụ, (cái gọi là) hành động ngôn từ gián tiếp, quy chiếu hồi chỉ, sự xác nhận trùng ngôn và mâu thuẫn. Không phải tất cả hiện tượng này đều có thể được xử lí ở đây. Tuy nhiên, sẽ rất hữu ích nếu đề cập đến việc áp dụng những phương châm của Grice về sự tương tác có tính hợp tác thông qua ngôn ngữ, trước hết, đối với việc hiểu nghĩa ẩn dụ và sau đó, đối với hành động ngôn từ gián tiếp. Điều này sẽ chuẩn bị ngữ cảnh cho một số nhận định khái quát về những giả định nền tảng của Grice và về sự khác biệt giữa hàm ngôn với những kiểu hàm ý khác (và tiền giả định), vốn được nghiên cứu mạnh mẽ trong ngôn ngữ học và lô gic học khoảng hai mươi năm gần đây. Ta sẽ bắt đầu với ẩn dụ (metaphor).
Ta sẽ lấy câu sau đây làm ví dụ:
(32) ‘John is a tiger’.
(John là một con hổ)
Câu này có thể được hiểu theo nghĩa đen hoặc nghĩa ẩn dụ. Trước khi tìm hiểu làm thế nào mà nó có thể được hiểu theo nghĩa ẩn dụ dưới ánh sáng của các nguyên lí tương tác mang tính hợp tác của Grice, ta cần lưu ý rằng cái luận điểm đã được nêu về nghĩa đen của những câu như (7)-(9) trong mục 5.2 cũng có liên quan ở đây.
Những nhà ngôn ngữ học thế kỉ 20 theo thực chứng luận (bao gồm nhiều nhà ngữ pháp tạo sinh) thường miêu tả những câu như (32) hoặc là bất thường hoặc là mâu thuẫn. Tuy nhiên, giả sử nó không vi phạm điều kiện tương hợp phạm trù với nguyên tắc chung chung rằng nó không thể nào được thuyết giải, không chỉ trong thế giới thực mà còn trong mọi thế giới khả hữu, thì câu (32) vẫn là câu hoàn toàn hợp thức về nghĩa. Hơn thế nữa, cái mệnh đề mà nó có ý biểu thị không nhất thiết là sai lầm. Thứ nhất, chẳng có gì trong cấu trúc tiếng Anh ngăn cản ai đó gán cái tên riêng ‘John’ cho một con thú, thú hoang hoặc thú nuôi (hoặc thậm chí cho một thực thể bất động vật). Điều này cần phải luôn được ghi nhớ khi thảo luận những câu tiếng Anh có chứa tên riêng, song nó không phải là mối quan tâm hàng đầu ở đây. Điều quan trọng hơn, là (32) có thể thuyết giải một cách phi mâu thuẫn theo nghĩa đen, ngay cả khi ‘John’ được dùng để chỉ người.
Thực tế, có tất cả những loại tình huống thường này, bình thường về phương diện văn hoá-xã hội, trong đó câu ‘John là một con hổ’ có thể được phát ngôn (với quy chiếu về một người đàn ông hoặc cậu bé) nhằm xác nhận một mệnh đề đúng. Chẳng hạn, John có thể đang đóng vai hổ trong một vở kịch về động vật. Thế thì cũng có thể cho rằng mệnh đề “John là một con hổ ” là đúng, theo cách hiểu nghĩa đen của từ ‘con hổ’ (và phụ theo nó, là của từ ‘là’). Chắc chắn có nhiều nhà triết học sẽ chỉ trích điều này, song nếu làm như vậy họ có thể làm lộ ra sự ràng buộc vô lối của họ vào khái niệm mang tính thực chứng về nghĩa đen. Tôi nêu ra cách thuyết giải kiểu như vậy về nghĩa của câu trên đây nhằm chỉ ra rằng ta có thể chẳng cần điều chỉnh gì cả những giả định bản thể của ta khi gán định một cách hiểu theo nghĩa đen cho những câu mà thoạt nhìn chúng có vẻ như không thể chấp nhận một cách hiểu như vậy. Không cần phải nói, nếu ta từ bỏ điều giả định rằng cùng một cá thể không thể (đồng thời) vừa là người vừa là hổ (trong bất kì thế giới khả hữu nào), ta có thể lập tức gán định cho (32) một loạt những cách hiểu có thể thay thế cho nhau, những cách hiểu phi ẩn dụ và có thể là phi mâu thuẫn. Như ta sẽ thấy sau này, sự thể như vậy sẽ làm nảy sinh mối ngờ vực về tính rành mạch của sự phân biệt được nhiều học tác giả có uy tín nêu ra, một mặt, giữa hàm ngôn hội thoại và hàm ngôn quy ước, và mặt khác, giữa hàm ngôn và các loại hàm ý khác (bao gồm hàm ý lô gic, hay dẫn ý). Khái quát hơn, nó làm nảy sinh mối nghi ngờ về cái mà nhiều năm trước đây Quine nêu ra như là một trong “hai xác tín của chủ nghĩa kinh nghiệm hiện đại”: đó là giả định cho rằng có một sự phân biệt hoàn toàn sắc nét và không thể nghi ngờ giữa câu phân tích và câu tổng hợp. Điều này đã được đề cập trước đây khi thảo luận về dẫn ý và thế giới khả hữu (mục 4.4). Nó sẽ được nhắc lại ở cuối mục này, liên quan đến khái niệm về tính có thể khử bỏ (defeasibility) hoặc có thể triệt tiêu của những giả định thường lệ không bị nghi ngờ, mang tính ngữ cảnh. Tuy nhiên, tạm thời, chỉ cần lưu ý rằng cái khái niệm về nghĩa đen, độc lập với ngữ cảnh, mà nhiều nhà nghĩa học hình thức sử dụng, là đã được ngầm gắn với những giả định bản thể, không phụ thuộc vào ngữ cảnh, đáng ngờ về mặt triết học của riêng họ.
Ở điểm này, cũng nên lưu ý rằng không có mối liên hệ gần gũi nào giữa nghĩa đen với hàm chân trị hơn mối liên hệ giữa nghĩa ẩn dụ và hàm chân trị. Nếu một nhận định được nêu ra theo lối ẩn dụ bằng cách nói ra câu ‘John là một con hổ’, thì cái mệnh đề do đó mà được thể hiện (bất luận nó là mệnh đề gì) sẽ có một chân trị xác định y hệt như một mệnh đề kiểu “John dữ tợn”, hoặc “John hung hăng”. Cứ cho là có thể có một sự mơ hồ nào đó gắn với bản thân quá trình thuyết giải theo nghĩa ẩn dụ: người nghe có thể không biết nên gán định một cách thuyết giải nào trong số vài cách thuyết giải ẩn dụ. Song điều này sẽ tương ứng với vấn đề xác định cái nghĩa nào trong số các nghĩa đen của một biểu thức đa nghĩa chính là cái nghĩa dự định; và nó chẳng liên quan gì đến hàm chân trị theo đúng nghĩa của từ.
Tất nhiên, tôi không nói rằng tất cả các biểu thức ẩn dụ đều xác định về phương diện hàm chân trị, mà đơn giản rằng chúng không khác biệt với những biểu thức phi ẩn dụ xét theo tính mơ hồ với tư cách là một đặc trưng khu biệt, mang tính phụ thuộc ngữ cảnh. Nhiều nhận định ẩn dụ chắc chắn là mơ hồ về hàm chân trị; và nhiều nhận định sẽ chứa một thành tố biểu lộ, hay biểu lộ–xã hội, vốn có thể được coi là có tác động đến việc xác định chân trị. Song ở cái khía cạnh này chúng không khác gì với những nhận định phi ẩn dụ, kiểu như:
(33) Mary is beautiful
(Mary đẹp)
hoặc thực tế là:
(34) John is aggressive
(John hung hăng)
(35) John is dynamic.
(John năng động)
Những nhà ngôn ngữ học nào chủ trương phân biệt nghĩa học với dụng học thông qua tiêu chí hàm chân trị và quy việc thuyết giải ẩn dụ nghĩa phát ngôn vào lĩnh vực dụng học sẽ có xu hướng bỏ sót điểm này.
Thế thì các phương châm của Grice về tương tác hợp tác được áp dụng như thế nào vào quá trình thuyết giải ẩn dụ? Câu trả lời khái quát là, không phải chúng dẫn dắt người nghe tìm kiếm một cách giải thuyết ẩn dụ này nọ, mà chúng thôi thúc bản thân việc tìm kiếm ấy. Chúng cho phép người nghe định liệu (calculate) (hay tính toán (compute)) cái nghĩa dự định của phát ngôn như là cái nghĩa phụ thuộc vào nghĩa đen và phụ thuộc vào ngữ cảnh của phát ngôn. Ví dụ, khi nghe hoặc đọc John là con hổ, người nghe/người đọc có thể suy luận diễn dịch như sau, có thể nói như là độc thoại nội tâm:
(36) Người nói/người viết không thể thể hiện ý nghĩa theo nghĩa đen. Tuy nhiên, tôi không có dấu hiệu nào để nghĩ rằng anh ta/chị ta không hợp tác. Phát ngôn của anh ta/chị ta có dạng thức của một nhận định. Do đó, anh ta/chị ta chắc chắn đang cố gắng nói với tôi một điều gì đó, một điều có ý nghĩa đối với cả hai chúng tôi (dựa trên những niềm tin và giả định của chúng tôi về thế giới v.v.). Anh ta/chị ta chắc chắn cũng phải tin rằng (nếu anh ta/chị ta hợp tác) tôi có thể giải được cái nghĩa không theo nghĩa đen ấy cho tôi- hiển nhiên trên cơ sở của cái nghĩa đen (của toàn bộ cái phát- ngôn- thành- phẩm hoặc một hoặc hơn một biểu thức thành tố của nó). Một trong những cách sử dụng ngôn ngữ được chấp thuận về mặt ngữ cảnh để chuyển tải một cái gì đó khác với cái thực tế được nói ra là thông qua phép ẩn dụ. Tôi hãy xem xét liệu tôi có thể giải thuyết phát ngôn theo lối ẩn dụ hay không.
Tôi đã giải thích quá trình diễn dịch này khá là chi tiết (mặc dù đã lược bỏ một hoặc hai bước trong quá trình suy luận) nhằm nhấn mạnh vào vô số những giả định tham gia vào cách giải thích của Grice về hiện tượng ẩn dụ và những hiện tượng khác.
Bây giờ cho phép tôi làm rõ một vài điểm vốn được ngầm nêu ra trong sự trình bày trên đây về con đường mà người nghe/người đọc được giả định là đã đi qua, từ cách thuyết giải phát ngôn theo nghĩa đen đến một cách thuyết giải ẩn dụ nào đó, quan yếu (relevant) về ngữ cảnh. Thứ nhất, giả định hay suy luận của họ, rằng cái phát-ngôn-thành-phẩm không thể thuyết giải theo nghĩa đen, thì không phụ thuộc vào bản chất bất thường hay mâu thuẫn về nghĩa của nó: chỉ cần nghĩa đen là không quan yếu (hay chắc không thể có) xét về phương diện ngữ cảnh. Thứ hai, toàn bộ quá trình phụ thuộc vào những hạn lệ được ấn định bởi những niềm tin và giả định của các bên tham gia (bao gồm những niềm tin và giả định của người này đối với người kia): tất cả quá trình giao tiếp đều phụ thuộc vào những hạn lệ như vậy. Thứ ba, tôi đã tính đến, với tư cách một bước riêng biệt, sự thừa nhận của người nghe/người đọc về sự tương thích ngữ cảnh của ẩn dụ: trong một số ngữ cảnh, ẩn dụ được sử dụng với tần số cao hơn so với những ngữ cảnh khác. Trên thực tế, rất có thể có những tình huống, được xác định bởi môi trường văn hoá–xã hội và thể loại ngôn bản, khi mà việc sử dụng ẩn dụ thông dụng đến độ nào đó, người nghe/người đọc có thể nhảy cóc các bước đầu tiên trong quá trình suy luận được phác thảo trên đây và bắt đầu ngay với điều giả định rằng nhận định được cho nên được hiểu theo nghĩa ẩn dụng hơn là theo nghĩa đen.
Như tôi đã nói, bản thân các phương châm của Grice không giúp người nghe/người đọc giải quyết vấn đề nên chọn cách hiểu ẩn dụ nào cho câu ‘John là một con hổ’. Song đó không phải là mục đích của chúng. Mục đích của Grice nhằm duy trì, càng chặt chẽ và nhất quán càng tốt, sự phân biệt giữa cái thực tế được nói và cái được chuyển tải (vượt lên và bên trên, hoặc thay cho, cái được nói) bằng việc nói ra nó (và không nói một cái gì khác), và đồng thời, nhằm san lấp cái khoảng cách này, ít nhất là trên nguyên tắc, bằng cách chỉ ra làm thế nào mà việc áp dụng một hoặc hơn một phương châm, nhờ người nghe/người đọc biết suy lí và hợp tác, cho những phát ngôn cụ thể trong những ngữ cảnh phát ngôn cụ thể, lại có thể giúp họ định liệu, hay tính toán được cái nghĩa muốn chuyển tải. Tính khả liệu (calculability) (hay suy tính được) phụ thuộc vào ngữ cảnh của hàm ngôn hội thoại (tính khả liệu của chúng mang bản chất khả suy, hoặc thức nhận chứ không phải mang bản chất giải thuật, hoặc quyết định luận) thường được dùng như một trong những đặc trưng dùng để định nghĩa chúng. Như ta đã thấy, chính phương châm quan hệ là phương châm giữ vai trò chủ đạo trong việc thuyết giải những phát ngôn như (32). Và nó sẽ mang lại những kết quả khác nhau trong những ngữ cảnh phát ngôn khác nhau.
Cách thức mà các phương châm của Grice áp dụng để thuyết giải các hành động ngôn từ gián tiếp (indirect speech-acts) là khá dễ hiểu, ít nhất là trên nguyên tắc. Như ta đã thấy trước đây, chính khái niệm về việc thực hiện một hành động ngôn từ này gián tiếp “thông qua việc thực hiện hành động ngôn từ khác” là khái niệm gây tranh cãi về lí thuyết (xem mục 8.3). Thêm vào đó, nhiều ví dụ làm mẫu trong sách giáo khoa về cái gọi là hành động ngôn từ gián tiếp lại liên quan đến những lối nói được quy ước hoá, hầu như mang tính công thức, mà nghĩa của những phát ngôn loại này nên được xem như là được mã hoá trong hệ thống ngôn ngữ, nhìn từ góc độ ngôn ngữ học miêu tả đồng đại. Rất có thể, rằng với lực ngôn trung gián tiếp được xem như thỉnh cầu, phát ngôn của câu nghi vấn:
(37) ‘Do you mind if I smoke?’
(Anh có phiền nếu tôi hút thuốc không?)
có thể giải thích được, về mặt lịch đại, theo khái niệm hàm ngôn hội thoại. Song rất không hợp lí khi cho rằng những người nói tiếng Anh Chuẩn hiện nay sẽ thuyết giải việc phát ngôn câu (37) là lời thỉnh cầu chỉ theo lối thứ yếu, sau khi ưu tiên giải thuyết nó như là một câu hỏi nhằm tìm kiếm thông tin. Tạm thời, ta không cần phải thảo luận thêm về điểm này.
Thay vào đó, ta hãy xem xét mẩu đối thoại sau đây, được bịa ra, nhưng tôi tin là chân thực:
(38) x: Con muốn xem ti vi bây giờ.
y: Con chưa cất đồ chơi.
x, ta giả định, là một đứa bé; và y là bà mẹ (hoặc một người nào đó khác được thừa nhận là có thẩm quyền và trách nhiệm). Mỗi người đã nói ra một câu trần thuật; song rõ ràng trong việc này không ai có ý định làm phong phú thêm hiểu biết về thế giới của người khác bằng cách nêu ra một nhận định chân thực; và không người nào trong họ hiểu ý định như vậy, cho dù thứ yếu, là động cơ cho phát ngôn của người kia. Thực tế, nhận định của y (ta hãy giả định nó là một nhận định), nếu chân thực, cũng chẳng nói điều gì để x để bụng, có thể dỗi và oán giận. Liệu phát ngôn của x có được phân loại đúng đắn như là nhận định hoặc lời thỉnh cầu (hoặc cả hai) hay không là vấn đề ta không cần quan tâm. Vấn đề là nó được y giải thuyết, trong ngữ cảnh mà nó được nói ra, như là lời thỉnh cầu cho phép xem ti vi. Bây giờ cho phép ta giả định rằng một trong những luật lệ của gia đình là x không được phép xem ti vi trừ phi và cho đến khi nào x cất hết đồ chơi của mình (hoặc khái quát hơn, làm xong một loạt việc vặt trong đó có việc cất đồ chơi). Với giả định này, mẩu đối thoại của ta thể hiện một cách rõ ràng tính mạch lạc và tính quan yếu. Và x, nhớ lại luật lệ và lĩnh hội được tính quan yếu của nó, có thể hiểu một cách đúng đắn phát ngôn của y như là một sự từ chối lời thỉnh cầu.
Những ví dụ như vậy cho thấy: một số, nếu không nói là tất cả, những gì được dẫn ra trong các văn liệu như là những hành động ngôn từ gián tiếp có thể được giải thích một cách hợp lí dựa trên khái niệm khái quát hơn và có năng lực giải thích hơn của Grice về hàm ngôn. Với tinh thần như vậy, có nhiều tác giả uy tín tìm cách loại bỏ hoàn toàn khái niệm hành động ngôn từ gián tiếp; và một số tác giả đặt vấn đề liệu lực ngôn trung, với tư cách một bộ phận riêng biệt và có thể xác định của nghĩa phát ngôn, có còn cần thiết nữa không. Những công trình ngữ dụng học gần đây chắc chắn dành ưu tiên cho hàm ngôn nhiều hơn so với phần dành cho hoặc lực ngôn trung trực tiếp, hoặc lực ngôn trung gián tiếp.
Những phát triển gần đây hơn như vậy đã không được (và sẽ không được) thảo luận trong cuốn sách này. Để tổng kết mục này, tôi sẽ giải thích và bình luận vắn tắt về những đặc trưng lô gic thuộc hàm ngôn hội thoại của Grice, vốn thường được cho là giúp phân biệt chúng với các loại hàm ý (hoặc tiền giả định) khác. Trong số này, đặc trưng quan trọng nhất là đặc trưng được Grice dẫn ra như là tính có thể khử bỏ (defeasibility) của chúng. Nói rằng hàm ngôn mang tính có thể khử bỏ tức nói rằng giá trị của chúng là phụ thuộc ngữ cảnh và rằng trong những ngữ cảnh cụ thể, chúng có thể bị khử bỏ mà không gây mâu thuẫn hoặc bất kì kiểu bất thường nào khác. Ví dụ, việc kết nối hai mệnh đề thông qua and (và) như trong phát ngôn:
(39) John arrived late and miss the train,
(John đến muộn và nhỡ tàu)
thường có hàm ý rằng có một mối liên hệ thời gian và/hoặc nhân–quả giữa các sự việc được miêu tả trong hai cú nối kết. Như ta đã thấy trong một chương trước đây, những người ủng hộ quan điểm cho rằng sự kết nối thông qua and (và) trong tiếng Anh mang tính hàm chân trị đã có thể viện đến khái niệm hàm ngôn để ủng hộ quan điểm này (mục 6.3). Dựa trên giả định rằng bất kì ai nói ra (39) đều tôn trọng thoả đáng tiểu nguyên lí cách thức (nói có trình tự) và quan hệ (nói vào đề), việc phát ngôn (39) sẽ có hàm ý hội thoại (tức cho phép suy luận – licence the inference) rằng John nhỡ tàu là vì anh ta đến muộn (hẳn là đến ga). Sự thể rằng mối liên hệ nhân quả này chỉ được hàm ý, chứ không được biểu đạt trong cái được nói ra, cũng không được dẫn ý (tức hàm ý theo lối chặt) nhờ cái được nói ra, được chứng minh bởi tính có thể khử bỏ của nó trong những ngữ cảnh phát ngôn cụ thể. Chẳng hạn, cái hàm ngôn này có thể dễ dàng bị khử bỏ, mà không hề mâu thuẫn, bằng cách công khai bác bỏ mối liên hệ nhân quả giữa việc John đến muộn và việc anh ta nhỡ tàu như sau:
(40) John đến muộn và nhỡ tàu, nhưng không phải vì anh ta đến muộn mà anh ta nhỡ tàu [chuyến tàu đã bị hoãn và chỉ khởi hành 10 phút sau khi anh ta đến đấy. Vậy, tại sao anh ta nhỡ tàu? Có thể, anh ta cố tình nhỡ tàu].
Chẳng có gì bất thường về (40) hoặc có hoặc không có (trong ngữ cảnh cụ thể) đoạn ngôn bản giải thích công khai mà tôi đặt trong ngoặc vuông. Và, như ta đã thấy trong mục đi trước, việc dùng liên từ song để khử bỏ cái hàm ngôn hội thoại thông thường gắn với liên từ và có thể giải thích được theo thuật ngữ của Grice, bằng cách viện đến khái niệm bổ sung về hàm ngôn quy ước. Đặc trưng về tính có thể khử bỏ không chỉ phân biệt hàm ngôn hội thoại với dẫn ý, mà còn phân biệt với hàm ngôn quy ước.
Nhiều kiểu loại khác trong số những gì thường được gọi là hàm ý trong cái nghĩa thường ngày của từ này (x không nói điều đó trên thực tế, song đó là điều hắn ta ngầm biểu đạt), nhưng không nằm trong phạm vi khái niệm ‘hàm ý’ theo cách định nghĩa của các nhà lô gic, ít nhiều đã được giải thích hợp lí thông qua khái niệm hàm ngôn hội thoại của Grice. Những kiểu loại khác của cái gọi là hàm ý này bao gồm cả cái khuynh hướng chung muốn thuyết giải mệnh đề điều kiện như là mệnh đề hai điều kiện: tức thuyết giải “nếu p thì q” như là “nếu và chỉ nếu p, thì q”. Ví dụ, việc nói ra:
(41) If Ann passes her driving text, her parent will buy her o Porsche
(Nếu Ann qua được kì thi lấy bằng lái, bố mẹ cô sẽ mua cho một chiếc Porsche)
thường sẽ được hiểu có hàm ý rằng bố mẹ Ann sẽ không mua cho cô ấy một chiếc Porsche nếu cô ấy không qua được kì thi lấy bằng. Song đây không phải là điều thực tế được nói: nó ngầm được biểu đạt qua hội thoại và tất nhiên là có thể khử bỏ.
Liên quan đến vấn đề này, đặc biệt thú vị là những gì được gọi tên là hàm ngôn theo thang độ (scalar implicatures) liên quan đến lượng từ, như ‘some’ và ‘many’, số từ (cũng như động từ tình thái, tính từ đánh giá và một số loại biểu thức khác nào đó). Lấy ví dụ, phát ngôn:
(42) The Brown have two daughters
(Nhà Brown có hai cô con gái)
sẽ thường ngầm biểu thị rằng nhà Brown chỉ có (tức không có hơn) hai cô con gái (và trong nhiều ngữ cảnh, nó cũng ngầm biểu thị rằng họ không có con trai: Nhà Brown có con cái gì không?). Song cái hàm ngôn này dễ dàng bị khử bỏ, trong một ngữ cảnh thích hợp, chẳng hạn bằng cách thêm vào:
(43) – in fact, they have three.
(-thực tế, họ có ba)
Những loại hàm ngôn theo thang độ khác nhau đã được thảo luận sôi nổi trong văn liệu. Chúng được nêu ra ở đây bởi lẽ chúng minh hoạ rõ nét cho cái đặc trưng có thể khử bỏ.
Đặc trưng thứ hai thường được dùng để phân biệt hàm ngôn hội thoại với các loại hàm ý khác chính là tính khả liệu (calculability) của chúng. Đặc trưng này đã được nêu ra (và minh hoạ) trên đây, liên quan đến việc thuyết giải những phát ngôn ẩn dụ như John là một con hổ (xin xem (32) và (32)). Như đã nhấn mạnh vào lúc đấy, tính khả liệu (hoặc tính có thể dự tính được) của hàm ngôn hội thoại phụ thuộc chặt chẽ vào ngữ cảnh và trong nhiều ngữ cảnh, nếu không nói tất cả, là phi xác quyết. Trên thực tê, liệu hàm ngôn có được dự liệu trong những ngữ cảnh hiện thực hay không, và nếu có, thì liệu chúng có được dự liệu theo lối diễn dịch và theo từng bước, như đã gợi ý trong (36), hay không – đây là những câu hỏi hiện đang được các nhà logic học cũng như tâm lí học thảo luận và nghiên cứu. Một vấn đề khác, cho đến nay vẫn chưa giải quyết, là liệu có phải những tri thức thông tin tham gia vào việc dự liệu hàm ngôn hội thoại của người nghe (trong chừng mực người nghe dự liệu chúng) bao giờ cũng là thông tin mệnh đề không.
Đặc trưng thứ ba của hàm ngôn hội thoại, theo Grice, là cái mà ông gọi là tính phi tách biệt (non-detachability). Đặc trưng này, ít nhất vào lúc ban đầu, dựa trên ứng dụng trực tiếp sự phân biệt giữa nghĩa và dạng thức, hiểu theo cách hiểu phi chuyên môn, thường ngày của từ. Một hàm ngôn là phi tách biệt nếu nó gắn bó khăng khít, không thể tách rời với cái nghĩa của phát ngôn và không nảy sinh chỉ từ dạng thức của nó. Từ công thức thế nào là tính phi tách biệt này sẽ dẫn đến hệ luận rằng (như bản thân Grice đã thừa nhận) hàm ngôn dựa trên tiểu nguyên lí cách thức sẽ không đương nhiên mang tính phi tách biệt: cách thức theo đó một điều gì đấy được nói ra (trong cái nghĩa liên quan của từ ‘cách thức’ và ‘nói’) ảnh hưởng đến dạng thức của cái được nói ra. Hai phát ngôn đồng nghĩa, khác nhau về độ dài, về độ phức tạp ngữ pháp hoặc về tính chuyên sâu hay tính tối nghĩa của từ ngữ được dùng, rất có thể cho những hàm ngôn khác nhau chính bởi lí do này. Lúc đó, hiển nhiên là không thể thay thế phát ngôn này bằng phát ngôn kia trong cùng một ngữ cảnh mà không làm thay đổi những hàm ngôn gắn với chúng. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, ta có thể thay đổi dạng thức của một phát ngôn (tức phát-ngôn-thành-phẩm) và giữ nguyên nghĩa của nó (cái được nói) mà không ảnh hưởng gì đến cái được hàm ngôn.
Tính phi tách biệt được giả định của hàm ngôn hội thoại hoá ra lại rất rắc rối, ngay cả đối với trường hợp những hàm ngôn không dựa trên tiểu nguyên lí cách thức. Bên cạnh những thứ khác, câu hỏi liệu hai biểu thức có phải là đồng nghĩa không (theo một nghĩa bất kì hay theo tất cả các nghĩa của chúng) chẳng thể được giải đáp trừ phi và cho đến khi nào người ta xác định được cái gì tạo nên sự đồng nghĩa. Nhiều tác giả ủng hộ nghĩa học hình thức sẽ chủ trương dùng khái niệm tương đối hẹp về đồng nghĩa miêu tả, xác định theo sự tương đương hàm chân trị (xin xem mục 2.3). Những ai chủ trương một khái niệm rộng hơn về đồng nghĩa rất có thể sẽ lập luận rằng sự tách biệt rõ ràng của những hàm ngôn gắn với hai phát ngôn tương đương nhau về hàm chân trị, khác biệt nhau về hình thức, bản thân nó là bằng chứng ủng hộ cho cái quan điểm rằng những hàm ngôn được giả định như vậy là một phần nghĩa của cái phát ngôn đang xét, được mã hoá trong ngôn ngữ và rằng các phát ngôn này trên thực tế không phải là đồng nghĩa.
Cả cái tiêu chí đồng nhất dạng thức cũng không phải là không phức tạp như ấn tượng mà vẻ ngoài của nó có thể mang lại. Phần lớn các thảo luận về những ví dụ cụ thể trong sách giáo khoa đã dẫn ra các ví dụ được xét ở dạng viết của chúng, ngay cả khi chúng được giả định là được nói ra. Điều này có nghĩa là những khác biệt về ngôn điệu (và kèm ngôn) có khả năng liên quan thường không được tính đến. Một dạng ví dụ như vậy là tập hợp những câu sau:
(44) ‘It is possible that p’
(Có khả năng là p)
đối lập với
(45) ‘It is not impossible that p’
(Không phải không có khả năng p)
Việc thảo luận những ví dụ như vậy thường tiến hành dựa trên giả định rằng (45) là lưỡng nghĩa về phương diện ngữ pháp. Tuy nhiên, đây là một giả định đáng ngờ. Theo một số lí thuyết nào đó về cấu trúc ngữ pháp của tiếng Anh, (45) được phân tách ra ít nhất thành hai lớp con khác biệt nhau về ngữ pháp và ngữ nghĩa, một lớp biểu thị hiện tượng phủ định câu (hoặc phủ định tiểu cú), còn lớp kia biểu thị phủ định ngữ đoạn (hoặc bán từ vựng); và sự khác biệt về cấu trúc ngữ pháp này thường thường, nếu không nói là luôn luôn, được phản ánh trong phát ngôn nói thông qua những khác biệt về trọng âm, ngữ điệu và tiết tấu (xin xem mục 6.5).
Thế thì, để kết luận, cho phép tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng nhiều cố gắng của các nhà ngôn ngữ học và triết học nhằm vạch ra một sự phân biệt rạch ròi giữa nghĩa học và dụng học đã thất bại do họ không vạch ra được, và áp dụng một cách nhất quán, một sự phân biệt giữa nghĩa câu với nghĩa phát ngôn và không chỉ ra được một cách chính xác cái gì được mã hoá và cái gì không được mã hoá trong cấu trúc của câu. Cũng chẳng có gì nghiêm trọng mỗi khi sự đồng nhất về dạng thức chính tả được ngầm định xem là điều kiện đủ để đồng nhất câu.
Đọc tiếp: 9.6. Ngữ cảnh là gì?