Chủ nghĩa chức năng hiện đại được bắt đầu từ những năm 1970 khi ngôn ngữ học đã chịu rất nhiều ảnh hưởng từ tạo sinh luận. Sau chủ nghĩa cấu trúc, người ta hi vọng rất nhiều ở Noam Chomsky vì trong lí thuyết tạo sinh luận, lần đầu tiên cơ chế sản sinh của ngôn ngữ đã được giải thích khá tường tận và thuyết phục: sự sản sinh của ngôn ngữ là vô tận để đáp ứng sự vô tận về các nhu cầu giao tiếp rất khác nhau của xã hội loài người. Và, về bản chất thì ngôn ngữ loài người có rất nhiều điểm chung nhau [*].
Nhưng, giới ngôn ngữ học rồi cũng nhanh chóng bị thất vọng về chủ nghĩa tạo sinh vì bên cạnh những đặc điểm về tâm lí ngôn ngữ học thì ngôn ngữ còn là một thực thể chịu tác động của rất nhiều nhân tố trong môi trường xã hội hay các đặc trưng xã hội và chủng tộc. Chính vì vậy, rất dễ hiểu là vì sao chủ nghĩa chức năng phải ra đời mà không đi tiếp con đường mà chủ nghĩa tạo sinh đã khai phá.
Từ những năm 1970 trở lại đây, trong giới ngôn ngữ học xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về bản chất của giao tiếp trong xã hội loài người và nhấn mạnh khía cạnh chức năng của ngôn ngữ. Đó là thời kì của sự xuất hiện các khuynh hướng ngữ pháp chức năng của Dik, Halliday, J. Lyons; ngữ dụng học của Austin, Seark, Levinson; ngôn ngữ học xã hội của Hymes, Trudgill, Lakoff…
Đặc điểm nghiên cứu ngôn ngữ hiện đại là sự nới rộng về không gian và thời gian cũng như các điều kiện giao tiếp của một hành vi nói năng. Do khuynh hướng tự nhiên hoá sự giao tiếp của con người mà đối tượng ngôn ngữ không dừng lại ở phát ngôn riêng lẻ nữa mà là các chuẩn phát ngôn khác nhau trong một diễn ngôn nhằm thực hiện các mục đích và ý định của người nói. Không gian để nhúng (embed) các chuỗi phát ngôn này trong hiện thực không còn là các không gian do nhà ngôn ngữ học giả định nữa (một người nói, một người nghe, một mã giao tiếp) mà là không gian với đầy đủ tính hiện thực của nó, gọi là chu cảnh giao tiếp xã hội: đặc điểm giới tính, tâm lí, nghề nghiệp, hôn nhân của người nói; các điều kiện để tiến hành giao tiếp thuận lợi và không thuận lợi; các điều kiện để giao tiếp bằng lời biến thành các hành động xã hội(social actions) và hành vi xã hội (social behaviours). Vì thế, từ những năm 1970 đã rộ lên phong trào nghiên cứu văn bản và nghiên cứu diễn ngôn.
Về chủ nghĩa chức năng và các chức năng của chúng, người ta thường nhắc đến các tác giả sau:
– M.A.K. Halliday (1978). An Introduction to Functional Grammar (Dẫn luận ngữ pháp chức năng) [1]
– B. Brown & G. Yule (1983). Discourse Analysis (Phân tích diễn ngôn)
3.1. Theo Halliday, ngôn ngữ có 3 chức năng lớn:
+ Ideation (ý niệm, tư tưởng)
+ Interpersonal (liên nhân)
+ Intergrative (hội nhập)
a- Chức năng ý niệm, tư tưởng là chức năng thể hiện các thông tin thuần lí của ngôn ngữ trong thông điệp của giao tiếp ngôn ngữ, và có 90% thông tin gạn lọc được là các thông tin thuần lí. Nghĩa là, các thông tin phản ánh thực tại, các sự kiện xảy ra trong đời sống mà chúng ta muốn giao tiếp. Chức năng này, vì vậy, từ cấu trúc luận cổ điển tới hậu cấu trúc luận và tới chức năng luận vẫn được các tác giả giữ nguyên, nhưng được gọi bằng các thuật ngữ khác nhau. Ví dụ, chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc luận: chức năng biểu diễn (representation) hoặc là 4 chức năng còn lại, trừ hai chức năng biểu cảm (emotion) và nhận cảm (conative).
b- Chức năng liên nhân: nối kết các thành viên trong cộng đồng nói năng lại với nhau thành một khối. Đây là chức năng mà từ 1970 trở lại đây thường được ngôn ngữ học nhắc tới do sự thành công của ngôn ngữ học tộc người và ngôn ngữ học xã hội. Trong một giao tiếp cụ thể, để thực hiện được các ý định giao tiếp của mình, người nói cần thiết phải bộc lộ mình qua ngôn ngữ với một thái độ trung thực. Nghĩa là, người nói phải thể hiện được các đặc điểm về cá nhân, giai tầng xã hội mà mình thuộc về, vùng ngữ vực mà mình và giai cấp mình ưa sử dụng (vốn từ, các thành ngữ, tục ngữ quen dùng, những lối tu từ ưa thích…), các cấu trúc câu, phát ngôn để bộc lộ thông điệp theo các đặc điểm của người nói.
Chức năng liên nhân là chức năng mang tính xã hội rõ nhất vì bản chất ngôn ngữ, suy cho cùng, là làm mối dây liên hệ giữa người với người trong một cộng đồng đã được xác định. Đôi khi chúng ta nói không phải để truyền thông tin mà nói để tìm hiểu về nhau, thông cảm với nhau…
c- Chức năng hội nhập: đây là chức năng mang tính ngữ pháp văn bản rất rõ, các từ không thể rời rạc mà phải nối kết với nhau để tạo thành sức mạnh, đó là sức mạnh của hiệu lực lời nói. Để đạt được hiệu lực này, ngoài vài luật ngữ pháp quy định về các quan hệ cú pháp đặc thù cho một ngôn ngữ thì chúng ta còn phải sử dụng rất nhiều các nhân tố khác nhau để kết liên các từ lại thành một khối. Chẳng hạn đó là những hàm ý mà cả hai người nói đều hiểu như nhau, đó là các tiền giả định mà dân tộc đã quen sử dụng trong hàng nghìn năm, đó là những nguyên tắc về phép lịch sự trong lời nói, và cuối cùng là các quy tắc xã hội mà chủng tộc "ấn định" cho ngôn ngữ có những chức năng gì trong cộng đồng.
Ví dụ:
Ngôn ngữ tôn giáo không phải là thứ ngôn ngữ hàng ngày. Nếu thứ ngôn ngữ đó càng xa lạ thì càng tạo được sự bí hiểm. Thậm chí người ta – những người truyền giáo – còn sử dụng ngôn ngữ của một dân tộc khác.
3.2. G. Brown & G. Yule: Discourse Analysis (Phân tích diễn ngôn)
Hai tác giả đã phát biểu một cách đơn giản hơn về các chức năng ngôn ngữ. Nói một cách khái quát thì ngôn ngữ có hai chức năng chính là:
– Transactional function (chức năng liên giao)
– Interactional function (chức năng tương tác)[2]
Hai chức năng này đã thể hiện được đầy đủ những chức năng chi tiết từ cấu trúc luận tới hậu cấu trúc luận và cả về sau này nữa. Điều đó được thể hiện ở các điểm sau:
– Các chức năng của ngôn ngữ suy cho cùng là để làm trọn việc truyền giao thông tin và để kết liên lại những thành viên trong một cộng đồng nói năng, nhằm mục đích thông cảm, đoàn kết, hợp tác…
– Mặc khác, sự đối lập giữa liên giao và tương tác là tương tự như các sự đối lập sau đây trong quan niệm của các tác giả khác [3]:
+ Chức năng biểu diễn & chức năng biểu cảm: K. Bühler (1934);
+ Chức năng tham chiếu & chức năng tình cảm: Jakobson (1960);
+ Chức năng ý niệm-tư tưởng & chức năng liên nhân: Halliday (1970);
+ Chức năng mô tả & chức năng biểu hiện mang tính xã hội (social-expression): J. Lyons (1977);
Tóm lại, các chức năng của ngôn ngữ bao gồm:
1, Ngôn ngữ là hình thức của tư duy, là phương tiện để biểu tải suy nghĩ của con người về thực tại, về chính bản thân mình và về phương tiện mà con người đang sử dụng.
2, Ngôn ngữ là phương
tiện giao tiếp vạn năng của xã hội con người. Trong chức năng thứ hai này, tuỳ theo các quan niệm khác nhau mà nó được hình dung một cách cụ thể hoặc khái quát khác nhau.
Trong ngôn ngữ học, khái niệm chức năng còn được hiểu là chức năng trong cấu trúc của chính ngôn ngữ. Chẳng hạn như: chức năng khu biệt của âm vị; chức năng định danh của từ và ngữ; chức
năng thể hiện một đơn vị lời nói trọn vẹn của câu và phát ngôn…
[*] Theo chủ nghĩa cấu trúc, mỗi ngôn ngữ chỉ là một hòn đảo nhỏ, giữa chúng không có liên hệ gì với nhau.
[1] Xem bản dịch của Hoàng Văn Vân (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2001)
[2] Trần Thuần dịch là "chức năng liên nhân". Có lẽ dịch giả đã nhầm với khái niệm "interpersonal".
[3] G. Brown & G. Yule. Phân tích diễn ngôn. (Trần Thuần dịch). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, trang 15–16.
Trở lại: