Năm 1963, trong cuốn “Peotics” (Thi học), Roman Jakobson đã trình bày 6 chức năng của ngôn ngữ thay cho 3 chức năng của K. Bühler. Trong giới ngôn ngữ học, người ta gọi đó là trào lưu hậu cấu trúc luận (post-structuralism). Trong khi trình bày quan điểm về 6 chức năng ngôn ngữ, R. Jakobson giữ lại 2 chức năng đầu của K. Bühler. Dưới đây, chúng tôi chỉ trình bày khái quát nội dung 4 chức năng còn lại (từ chức năng thứ 3 đến chức năng thứ 6):
2.1. Emosive (Xúc cảm)
2.2. Conative (Nhận cảm)
2.3. Meta-language (Siêu ngữ)
Bất kì ngôn ngữ nào cũng phải lấy nó để giải thích cho chính nó, hay, khi nào người ta dùng ngôn ngữ để giải thích, mô tả chính ngôn ngữ thì lúc đó người ta đang sử dụng chức năng thứ 3
– chức năng siêu ngữ.
Vd: Chúng tôi hiểu đàn bà là một vật quý, vì vậy, ở dưới đây chúng tôi không nói về những tật xấu của đàn bà. (3)
Trong một phát ngôn như phát ngôn (3), người nói đã giới hạn định nghĩa về đàn bà theo hướng tích cực.
Chúng ta cũng dễ dàng thấy chức năng này trong những cuốn từ điển, hoặc những cuốn sách chuyên về ngôn ngữ học mô tả về một ngôn ngữ cụ thể nào đó.
Trong giao tiếp, nếu tỉ lệ của những biểu hiện siêu ngữ càng cao thì khoảng cách giữa hai người càng lớn, hoặc, đó là dấu hiệu của sự phá vỡ mối quan hệ.
2.4. Poetics (Thi pháp)
Bản thân mỗi một ngôn ngữ, trong khi cấu tạo thông điệp đã tạo nên những hình thức lựa chọn hướng tới cái đẹp. Bởi, một trong những tập tính tự nhiên trong giao tiếp giữa con người với con người là hướng về cái đẹp (bên cạnh việc hướng về cái thiện, cái chân). Chức năng thi pháp làm cho các yếu tố ngôn ngữ được sắp xếp một cách tự nhiên, hài âm, hài nghĩa cho thuận tai người nghe.
Ví dụ:
– Các từ láy của tiếng Việt với sự sắp xếp các thanh điệu bằng (ngang, huyền) ở vị trí âm tiết 1 tạo nên một khuôn láy rất dễ nghe, thể hiện tính mờ tỏ, không rõ ràng trong xác định các sự vật hiện tượng có trong thực tế. Đó là một khuôn đẹp.
– Các ngữ đứng sau “và” thường có cấu trúc phức tạp hơn so với cấu trúc đứng trước nó.
– …
Theo quan niệm của trường phái Praha thì chức năng thi pháp xuất hiện khi ngôn ngữ trở về với chính nó.
2.5. Phatics (Kết nối)
Chức năng này liên kết người nói với người nghe thành một khối nhằm đảm bảo cho sự giao tiếp luôn liên tục.
Ví dụ:
Khi nghe tiếng điện thoại chúng ta phải luôn “dạ, vâng” để thể hiện mình đang nghe người kia nói. Hoặc, trong các diễn ngôn, những ngữ như: “tóm lại là”, “như vậy là”, “bởi thế cho nên”… cũng thể hiện sự liên tục của lời nói.
2.6. Refrencial (Tham chiếu)
Nội dung thông tin trong bất kì phát ngôn nào cũng vô cùng to lớn trong khi ngôn ngữ thì có giới hạn. Chính vì vậy người nói phải viện dẫn đến rất nhiều chi tiết bên ngoài lời nói để làm “cứng cáp” khung phát ngôn của mình. Người nói phải viện dẫn đến những điều đã xảy ra từ quá khứ của câu nói, đôi khi là một sự hứa hẹn tương lại của phát ngôn. Tất cả những điều đó tạo nên chức năng tham chiếu.
Ví dụ:
Các đại từ “ấy, đó, kia, nọ,… nó, chúng”… đều có chức năng để giảm bớt phương tiện ngôn từ khi trình bày. Có các câu sau:
– “Tất cả những điều đã nói ở trên ấy [←] đều chứng tỏ rằng”… (a)
– “Những điều mà chúng tôi sắp trình bày sau đây [–>] sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh”… (b)
– “Ngôi nhà [–>] đứng cạnh lùm cây [<>] ấy đang bốc cháy. (c)
Trong câu (c), “lùm cây” là đối tượng mốc để “cái nhà” tham chiếu. Còn “ấy” và “lùm cây” đã được miêu tả ở trên.
Về vấn đề này, có thể đọc thêm bài Quy chiếu và bài Đồng quy chiếu trong phần Ngữ dụng học.
* Nhận xét:
– Từ R. Jakobson, ngôn ngữ học chuyển sang một thời kì mới trong nghiên cứu về các chức năng ngôn ngữ. Nếu như trước đây, K. Bühler nhìn ngôn ngữ một cách máy móc và cơ giới như là những biểu thức toán học thì tới Jakobson và sau Jakobson, ngôn ngữ và chức năng của ngôn ngữ được trình bày và được nhìn nhận một cách tự nhiên như nó hằng có từ cổ xưa, như nó đang tồn tại trong bất kì một cuộc giao tiếp bình thường nào. Đó chính là ý nghĩa của cuộc cách mạng của Jakobson trong việc nghiên cứu về chức năng ngôn ngữ.
– Việc Jakobson đưa ra 6 chức năng trong ngôn ngữ là kết quả của một tiến trình nhận thức của nhân loại về bản chất của ngôn ngữ. Nếu như ở chủ nghĩa cấu trúc, ngôn ngữ bị chia thành nhiều mảnh nhỏ để tiện cho việc nghiên cứu thì từ những năm 60 của thế kỉ 20, sau sự tan vỡ của chủ nghĩa cấu trúc, các nhà ngôn ngữ đã nỗ lực “nhặt nhạnh” để chắp vá lại các “mảnh vỡ” đó thành một khối. Đó là sự chiêu thuyết cho chủ nghĩa tự nhiên trong ngôn ngữ học và trong các ngành khoa học xã hội khác. Jakobson đã phát biểu được điều đó bởi ông không những là một nhà khoa học về ngôn ngữ mà còn là một nhà nghiên cứu văn chương với một vốn kiến thức uyên bác. Chính vì vậy sau Jakobson việc nghiên cứu văn chương có điều kiện gặp gỡ, liên kết với thi pháp học. Và cũng sau Jakoson đã nở rộ lên những sự hợp tác giữa nhiều ngành khoa học xã hội với ngôn ngữ học một cách tích cực: ngôn ngữ chủng tộc học, ngôn ngữ văn hoá học, ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học chính trị… Trên cơ sở hợp tác như vậy mà chúng ta có điều kiện để nhìn ngôn ngữ với nhiều bình diện khác nhau và có điều kiện để mô tả ngôn ngữ một cách tích cực như nó vốn tồn tại và hành chức trong quá trình giao tiếp.
– Nhưng, Jakobson lại là đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa cấu trúc (trường phái Praha), cho nên ông vẫn giữ lại 2 chức năng đầu tiên theo như trong quan điểm của K. Bühler khi khảo sát về các chức năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông cũng đã phát triển ra 4 chức năng còn lại như là những phát hiện rất độc đáo về sự hành chức của ngôn ngữ. Chính vì vậy, trong lịch sử ngôn ngữ học, người ta thường xếp lí thuyết 6 chức năng ngôn ngữ của Jakobson như là một bước ngoặt từ cấu trúc luận cổ điển sang chức năng luận hiện đại. Và để thể tình với những gốc gác sâu xa của Jakobson với chủ nghĩa cấu trúc, người ta thường gọi lí thuyết 6 chức năng của Jakobson là lí thuyết chức năng của hậu cấu trúc luận.
Trở lại:
Đọc tiếp:
3. Thời kì của chủ nghĩa chức năng
và ngôn ngữ học xã hội
Đọc thêm:
Roman Jakobson. Ngôn ngữ học và thi học. Ngôn ngữ, số 14 (2001). Cao Xuân Hạo dịch.