• Ngôn ngữ học đại cương và ngôn ngữ học mô tả
• Ngôn ngữ đại cương và ngôn ngữ học ứng dụng
1. Ngôn ngữ học đại cương (general linguistics) và ngôn ngữ học mô tả (descriptive linguistics)
Tiêu chí | Ngôn ngữ học mô tả | Ngôn ngữ học đại cương |
---|---|---|
Mục đích | – Sự khu biệt và đa dạng. – Cụ thể. – Tri thức về một hệ thống ngôn ngữ trong một cộng đồng nói năng cụ thể. |
– Tính đồng nhất và phổ quát. – Trừu tượng và khái quát hoá. – Tri thức về một tập tính, thói quen mang tính hành vi loài. |
Nhiệm vụ | – Các đơn vị và quan hệ giữa các đơn vị tạo nên một hệ thống cụ thể. – Miêu tả: âm vị học, ngữ pháp, ngữ nghĩa (từ, phát ngôn), ngữ dụng, phong cách chức năng… |
– Các mức tương thích khác nhau giữa các bản mô tả và đối tượng [1] nghiên cứu. – Công cụ: hệ thuật ngữ – Các cách tiếp cận: trường phái ngôn ngữ học [2] – Các thủ tục nghiên cứu. |
Điểm nhìn | – Đồng đại – Lịch đại |
– Một điểm nhìn: đẳng thời (pan-chronical) |
1.1. Việc nghiên cứu và mô tả các ngôn ngữ cụ thể thuộc về ngành ngôn ngữ học mô tả. Nhiệm vụ của ngôn ngữ học mô tả nhằm tìm ra những khác biệt, những bản sắc riêng mà mỗi ngôn ngữ của loài người có được nhờ các quá trình tiếp xúc và sử dụng trong những cộng đồng cụ thể. Như vậy, ngôn ngữ học mô tả thiên về việc nghiên cứu các hiện tượng tách biệt. Chẳng hạn: Việt ngữ học là ngôn ngữ học nghiên cứu về tiếng Việt…
1.2. Do các đặc điểm cấu trúc của từng ngôn ngữ có những phần chung nhau và đồng nhất nên ngoài việc nghiên cứu các ngôn ngữ cụ thể, người ta còn tiến hành việc phân tích và khái quát hoá các đặc điểm riêng của các ngôn ngữ để tạo nên một hình ảnh chung hơn về ngôn ngữ loài người. Đó là ngôn ngữ học đại cương.
1.3. Như vậy, ngôn ngữ học đại cương là một ngành khoa học ngôn ngữ mang tính lí thuyết nhằm thể hiện các đặc trưng chung nhất và khái quát nhất của ngôn ngữ loài người. Nội dung của ngôn ngữ học đại cương là:
a, Nghiên cứu về bản chất tín hiệu, bản chất xã hội của ngôn ngữ.
b, Nghiên cứu về các đặc trưng cấu trúc và hệ thống của ngôn ngữ, những mối quan hệ bên trong của hệ thống.
c, Nghiên cứu về mối quan hệ và cách dùng ngôn ngữ trong các cộng đồng nói năng khác nhau (thói quen giao tiếp)…
d, Nghiên cứu những nhân tố và các động lực, tác động làm cho ngôn ngữ phát triển và, ngược lại, sự tác động của ngôn ngữ làm cho cộng đồng và xã hội được văn minh hoá.
2. Ngôn ngữ học đại cương và ngôn ngữ học ứng dụng (applied linguistics)
Tiêu chí | Ngôn ngữ học ứng dụng | Ngôn ngữ học đại cương |
---|---|---|
Mục đích | – Cải tiến và hoàn thiện phương tiện giao tiếp, công cụ tư duy. – Cách tân và nhân tạo hoá ngôn ngữ vì mục đích người dùng. – Cổ vũ cho sự biến động |
– Ngôn ngữ như một tập tính loài vì vậy phải tôn trọng tính tự nhiên của ngôn ngữ. – Khách quan hoá, ngăn ngừa mọi tác động thô bạo của con người vào ngôn ngữ. – Mong muốn một sự bảo lưu. |
Nhiệm vụ | 3 hướng khai thác: – Tác động vào chính ngôn ngữ (chuẩn hoá và khoa học hoá ngôn ngữ). – Tác động vào người dùng: + ngôn ngữ trong giáo dục ở nhà trường; + ngôn ngữ trong trị liệu. – Tác động vào môi trường giao tiếp: dịch vụ thông tin, truyền thông, khoa học… |
– Khảo cứu lại mối quan hệ nói-viết. – Khảo cứu tính quy luật trong phát triển ngôn ngữ. – Tính thống nhất trong đa dạng của một ngôn ngữ quốc gia. – Quan hệ giữa loại hình học ngôn ngữ và loại hình học chính sách ngôn ngữ. |
Ngôn ngữ học đại cương có thể được coi là một thứ ngôn ngữ lí thuyết hoặc có thể coi là triết học của ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong việc dùng ngôn ngữ, ngoài việc vượt qua các rào cản mà mỗi một ngôn ngữ cụ thể đưa lại thì vấn đề rất lớn của thực tế là người ta phải có thái độ và cách ứng xử thế nào với ngôn ngữ nhằm vừa để bảo lưu một truyền thống văn hoá lại vừa là một cách tích cực làm hoàn thiện nó trước những nhu cầu giao tiếp mới trong cộng đồng nói năng.
Công cuộc hoàn thiện một ngôn ngữ cũng như giữ gìn nó không bị pha tạp với những ngôn ngữ xung quanh là một sự nghiệp rất lớn lao của cộng đồng. Công việc này thường được gọi là kế hoạch hoá ngôn ngữ, chuẩn hoá ngôn ngữ. Khi con người tác động một cách trực tiếp và có ý thức vào ngôn ngữ thì hoặc là làm cho nó xấu đi hoặc là làm cho nó tốt lên. Ngôn ngữ bị xấu đi khi bị con người tác động đến một cách duy ý chí bất kể nhu cầu của của người dùng.
Ví dụ:
Trong việc chuẩn hoá tiếng Việt, có một thời kì chúng ta ưa sự trong sáng và thuần khiết tới mức cực đoan. Mặc dù đó là một hướng làm có thiện ý nhưng lại chưa tính đến những đặc điểm tiếp xúc ngôn ngữ, những nhu cầu mới trong giao tiếp của cộng đồng và những truyền thống văn hoá rất riêng của người Việt.
Còn một sự tác động tốt đến ngôn ngữ thì sẽ làm cho ngôn ngữ trở nên thân thiện với người dùng và đáp ứng được tất cả những nhu cầu mới nảy sinh trong giao tiếp.
Việc sử dụng những kết quả nghiên cứu của ngôn ngữ học mô tả vào đời sống cộng đồng còn có thể triển khai theo một hướng khác: trong dạy học và trong chữa bệnh. Khi đã có kết quả nghiên cứu ngôn ngữ người ta có thể chủ động hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ ở nhà trường, trong việc phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ phù hợp với các đặc tính về tâm lí và văn hoá của học sinh trên từng vùng đất nước.
Ví dụ:
– Khi nghiên cứu về ngôn ngữ một cách kĩ càng, người ta sẽ quyết định được ở lớp 3 và lớp 4 học sinh tiểu học không nên học các nghĩa của từ thông qua các định nghĩa từ điển. Bởi vì, một khung định nghĩa về từ được chiết xuất như vậy không thích hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi của học sinh tiểu học. Ở lứa tuổi học sinh tiểu học, cách phát triển từ tốt nhất là thông qua giao tiếp.
– Còn trong việc trị liệu các bệnh lời nói thì các tri thức về ngữ âm học, từ vựng học, cú pháp học có một đóng góp rất tích cực cho việc phục hồi các chức năng lời nói cho bệnh nhân.
Cuối cùng, ngôn ngữ học còn có thể đóng góp cho đời sống cộng đồng, trong việc sử dụng ngôn ngữ trên truyền thông đa phương tiện, làm cho văn hoá hoá bộ mặt xã hội: ngôn ngữ trong phát thanh truyền hình, ngôn ngữ trong quảng cáo, ngôn ngữ trong các phương tiện nghe nhìn khác…
See also: Applied Linguistics (from LSA)
Ngôn ngữ học đại cương khác với ngôn ngữ học ứng dụng ở chỗ:
Ngôn ngữ học ứng dụng có xu hướng áp dụng một cách trực tiếp các tri thức ngôn ngữ cho việc hoàn thiện hoá về mặt cấu trúc cũng như về mặt chức năng của một ngôn ngữ cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động giao tiếp cộng đồng. Đó là sự tác động một cách có ý thức vào ngôn ngữ tự nhiên. Ngược lại, ngôn ngữ học đại cương không hề có tham vọng cải biến ngôn ngữ tự nhiên cho phù hợp với nhu cầu người dùng. Ngôn ngữ học đại cương cần sự tồn tại của ngôn ngữ như chính sự tồn tại tự nhiên của chính nó trong đời sống cộng đồng, như là một hành vi tự nhiên của con người trong đời sống trên trái đất.
Nói khác đi, ngôn ngữ học đại cương tôn trọng tính tự nhiên, tính hằng có của ngôn ngữ.
[1] N. Chomsky: có 3 mức độ miêu tả ngôn ngữ:
1. Mức độ thấp nhất: quan sát;
2. Mức độ trung bình: mô tả;
3. Mức độ cao nhất: giải thích.
[2] Các trường phái ngôn ngữ học:
1, Cổ điển: 1913–1957
Chủ nghĩa cấu trúc (Structuralism):
– Trường phái Praha;
– Trường phái Đan Mạch
– Trường phái London
– Trường phái miêu tả Mĩ.
2, Hiện đại
– Chủ nghĩa tạo sinh (Generativism: 1957–1970);
– Chủ nghĩa hậu tạo sinh (Post-generativism: 1970 đến nay): khuynh hướng hình thức hoá trong ngôn ngữ học;
– Chủ nghĩa chức năng (Functionalism): khuynh hướng chức năng hoá ngôn ngữ học.