Năm 1934, Karl Bühler tuyên bố 3 chức năng quan trọng của ngôn ngữ:
– Chức năng hướng tới người nói;
– Chức năng hướng tới người nghe;
– Chức năng biểu diễn.
1.1. Chức năng hướng tới người nói (Speaker-oriented)
Thuộc về chức năng này (còn gọi là chức năng bộc lộ – express function) là sự phản ánh được những tình cảm, thái độ, cảm xúc và quan điểm của người nói.
Ví dụ: tình cảm (vui, buồn…); trình độ học vấn…
1.2. Chức năng hướng tới người nghe (Hearer-oriented)
Đây là chức năng về thụ cảm ngôn ngữ (conative function),nhờ ngôn ngữ mà người nghe có thể hiểu được ý định thông tin của người nói cũng như những mong muốn của người nói với mình.
Ví dụ: phân biệt giữa câu hỏi và câu mệnh lệnh; câu cảm thán – câu hỏi tu từ – câu trần thuật – câu hỏi thông thường…
1.3. Chức năng biểu diễn/ biểu hiện (Representative)
Đây là chức năng quan trọng nhất xét về mặt giao tiếp. Những thông tin, ước muốn, truyền giao thông tin giữa người nói – người nghe được ngôn ngữ thực hiện thông qua chức năng này. Bằng chức năng thứ 3, những thông tin thuần lí về thế giới, về tư duy, về các sự vật, hiện tượng ở xung quanh đã được truyền tải và tạo nên những thông điệp ngôn ngữ. 90% các nội dung thông tin trong các cuộc giao tiếp của cộng đồng là những thông tin thuần lí do chức năng thứ 3 đảm nhiệm.
Ví dụ: Hôm nay tôi đi học lúc 7 giờ. (1)
Thông điệp này cho chúng ta biết thời gian, không gian, hành động và mục đích hành động của một sự tình cụ thể do người nói phát lên.
(1) khác với thông tin khác như:
7 giờ 30 phút, trời vẫn còn tối, không đi học được (2)
Trong phát ngôn (2) này, chúng ta có thể thấy được thêm chức năng thứ nhất thông qua việc thể hiện tính lười biếng của chủ thể phát ngôn.
Nhận xét: Chủ nghĩa cấu trúc, trong vòng nửa thế kỉ (1913 – 1957) chỉ giới hạn mình trong 3 chức năng kể trên. Và có thể nhận thấy 3 chức năng này lần lượt tương ứng với 3 loại câu (phân theo mục đích nói): 1. Câu cảm thán; 2. Câu hỏi; 3. Câu trần thuật.