Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, viện sĩ L.V. Shcherba đã có nhiều công lao to lớn trong việc xây dựng nền ngôn ngữ học Xô Viết theo quan điểm Mác-Lênin, ông đào tạo được một lớp nhà ngôn ngữ học tài năng, kế tục sự nghiệp của ông trong nhiều lĩnh vực ngôn ngữ học.
Từ năm 1903, khi theo học Baudouin de Courtenay về ngữ pháp so sánh và tiếng Sanskrit, Shcherba chịu ảnh hưởng sâu xa tư tưởng của thầy học, và luôn luôn xem "chất liệu ngôn ngữ" mới là đối tượng nghiên cứu của ông về ngôn ngữ học. Năm 1906, Shcherba ra nước ngoài để học tập thêm. Ông nghiên cứu các thổ ngữ ở Italia, và tiến hành ngữ âm thực nghiệm tại Pari. Năm 1907–1908, Shcherba nghiên cứu thêm thổ ngữ Luzhit ở Đức, và thổ ngữ Slavơ của nông dân trong môi trường ngôn ngữ Đức. Điều này có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu lí thuyết pha trộn và tiếp xúc các ngôn ngữ. Từ năm 1909, Shcherba giảng dạy ở trường đại học Pêtecbua (sau Cách mạng tháng Mười đổi thành Trường Đại học Tổng hợp Lêningrat). Tại đây, Shcherba đẩy mạnh mọi hoạt động nghiên cứu ngữ âm ở Phòng ngữ âm thực nghiệm.
Trên cơ sở tư liệu đã thu thập, Shcherba hoàn thành luận án Các phụ âm Nga trong mối quan hệ về mặt số lượng và chất lượng, năm 1912. Càng đi sâu và ngữ âm học, Shcherba càng nêu lên những kết luận ngôn ngữ học đáng lưu ý. Song vấn đề về sự pha trộn các ngôn ngữ được ông quan tâm trên hết. Năm 1915, Shcherba viết luận án tiến sĩ Thổ ngữ Luzhit phương Đông. Có thể nói, trước Cách mạng tháng Mười, Shcherba tập trung trí tuệ, và dành phần lớn thời giờ cho việc nghiên cứu các phương ngữ và thổ ngữ.
Những năm 20 của thế kỉ XX, L.V. Shcherba trở thành người đứng đầu Hội ngữ văn mới (Neofilologicheskoe obshchestvo) do A.N. Veselovskij sáng lập từ năm 1899. Ông quan tâm tới các bình diện ngôn ngữ học, phương pháp giảng dạy tiếng Nga và thực hành tiếng, chính âm học và chính tả, tới chính sách ngôn ngữ. Shcherba chống lại quyết liệt sự thống trị của chủ nghĩa hình thức trong ngữ pháp nhà trường. Ông vạch ra những sai lầm về phương pháp luận của khuynh hướng này và kêu gọi cần tổng hợp các phương pháp phân tích nội dung và hình thức cú pháp. Tập hợp xung quanh Shcherba lúc này là các nhà ngôn ngữ học nổi tiếng: S.I. Berstein, D.V. Dubrikh, V.V. Vinogradov, B.A. Larin, B.V. Tomashevnkij, V.I. Chernyshev, v.v… Và như viện sĩ B.A. Larin (1893–1964) nhận xét: “Là nhà ngôn ngữ học và là nhà lí luận vĩ đại, ông (L.V. Shcherba) đã nêu tính nguyên tắc nhất quán trong việc nghiên cứu các vấn đề của ngôn ngữ học ứng dụng và đem lại tiền đồ to lớn có tầm quan trọng rộng lớn cho ngành này” (Lịch sử tiếng Nga và việc nghiên cứu nó. M., 1977).
Shcherba quan niệm ngôn ngữ như một hệ thống. Ông cho rằng hệ thống ngôn ngữ “là cái có tính khách quan vốn có trong chất liệu ngôn ngữ và là cái thể hiện trong các hệ thống lời nói cá nhân”, chúng nảy sinh dưới ảnh hưởng của chất lượng ngôn ngữ. Tuy nhiên, còn phải tìm ra trong chất liệu ngôn ngữ nguồn gốc của sự thống nhất ngôn ngữ bên trong nhóm xã hội. Ý kiến này của ông là sự tiếp tục một cách sáng tạo luận điểm của Baudouin de Courtenay. Trong bài báo nổi tiếng của mình Về tính ba mặt của các hiện tượng ngôn ngữ và về sự thực hành ngôn ngữ học, Shcherba đặt cơ sở cho lí thuyết ngôn ngữ với tư cách là một hệ thống tồn tại trong kinh nghiệm xã hội và tạo ra chất liệu ngôn ngữ của lời nói giao tiếp. Shcherba phân biệt trong ngôn ngữ:
1. Hoạt động lời nói là các quá trình nói năng và nhận biết;
2. Hệ thống ngôn ngữ: các từ trong mỗi ngôn ngữ tạo ra một hệ thống phức tạp với hàng loạt hình thái và nội dung ngữ nghĩa với những khả năng sinh động tạo ra các từ mới, cũng như với những sơ đồ hoặc quy tắc cấu tạo những đơn vị khác nhau;
3. Chất liệu ngôn ngữ là sự tổng hợp kiến thức ngôn ngữ của người nói và người nghe ở một thời kì nhất định của một nhóm xã hội.
Quan niệm về hệ thống của Shcherba khác xa quan niệm của Saussure. Nó không còn dấu vết bất kì chủ nghĩa công thức hay chủ nghĩa hình thức nào. Shcherba tuyên bố: “Chất liệu ngôn ngữ” là một đối tượng nghiên cứu thường xuyên của ông. Ông phê phán việc phân tích và phân lớp các sự kiện ngôn ngữ do Fortunatov và những người kế tục Fortunatov nêu ra. Shcherba viết: “Gọi khả năng đối với một cái gì đó là hình thức có lẽ đối với tôi là phản tự nhiên”. Ông đưa ra quan niệm riêng về cách phân lớp ngữ pháp và nêu ra học thuyết phân loại từ vựng – ngữ pháp bao gồm:
1. Nguyên tắc cấu tạo từ;
2. Những nguyên tắc cấu tạo hình thái;
3. Cú pháp chủ động và bị động;
4. Ngữ âm học trong nghiên cứu các phong cách lời nói;
5. Những phạm trù từ vựng và ngữ pháp của ngôn ngữ.
Shcherba còn quan tâm tới nhiều lĩnh vực ngôn ngữ học khác nữa. Ông bàn tới giảng dạy ngoại ngữ, tới tiếng Pháp, đề cập đến chữ viết, đến vấn đề phiên âm, chuyển chữ. Ông cũng bàn cả ngôn ngữ thơ ca của Puskin.
Như vậy, ngoài một Shcherba trong lĩnh vực ngữ âm thực nghiệm, còn có một Shcherba nữa trong lí thuyết ngữ pháp, từ vựng học và từ điển học. Shcherba cho rằng việc cấu tạo từ cũng nằm trong ngữ pháp, và từ các từ, “lời nói của chúng ta được cấu ra ra theo các nguyên tắc ngữ pháp và theo chính từ vựng học”.
Shcherba còn xây dựng một lí thuyết ngữ đoạn. Theo ông, ngữ đoạn đó là “sự thống nhất ngữ âm, biểu hiện một chỉnh thể nghĩa thống nhất trong quá trình thể hiện ý nghĩa và nó có thể bao gồm từ các từ, cụm từ và cả nhóm cụm từ nữa”. Người ta nhắc nhiều đến bài Về từ loại trong tiếng Nga (1928) với cách trình bày hệ thống từ loại tiếng Nga theo quan điểm này. Bài Kinh nghiệm lí thuyết đại cương từ vựng học (1940) đi vào cơ sở từ vựng học.
Những công trình lí luận trong lĩnh vực từ điển học và những đóng góp trực tiếp của Shcherba trong việc biên soạn từ điển thể hiện tính mẫu mực cả về lí luận cũng như về kĩ thuật.
Bằng sức mạnh tư tưởng, bằng sự lao động khoa học đầy sáng tạo, L.V. Shcherba đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển khoa học ngôn ngữ của Liên Xô (cũ) và thế giới.
Nguồn: Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 211