Nicolai Sergueievich Trubetskoy xuất thân trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Nga. Thân sinh ông là giáo sư triết học, làm hiệu trưởng Trường Đại học Matxcơva và mất năm 1905. Sống trong môi trường cực kì thuận lợi, tài năng của Trubetskoy tỏ ra rất sớm phát triển. Mới 13 tuổi, ông bắt đầu làm quen với dân tộc học Phần Lan, Ukraina, được dự các kì họp của Hội dân tộc học Matxcơva và năm 15 tuổi ông đã xuất bản hai tiểu luận đầu tay. Sau đó ông đi sâu vào nghiên cứu tiếng Sibia cổ và các ngôn ngữ vùng tây Côcađơ. Tuy quan tâm đến dân tộc học, xã hội học, triết học lịch sử, lịch sử đại cương, nhưng ông quyết định theo học các lớp ngôn ngữ học, tức là các lớp ngữ pháp học so sánh các ngôn ngữ Ấn-Âu lúc bấy giờ, vì ông “tin chắc rằng đó là ngành khoa học nhân văn duy nhất có một cơ sở khoa học thực chứng”. Năm 1913, ông bắt đầu chuẩn bị luận văn của mình về Thời tương lai trong các ngôn ngữ Ấn-Âu và bảo vệ luận văn này năm 1916, sau một năm theo học tại Lepxich và có điều kiện dự các bài giảng của Brugman và Leskien về tiếng Sanskrit. Ông làm phụ giáo tiếng Sanskrit ở Trường Đại học Matxcơva từ năm 1915. Ở đây ông khởi xướng một cuộc cách mạng trong ngôn ngữ học, công kích cuốn sách của Shakhmantov viết về sự tái tạo tiếng Slavơ thông dụng theo quan niệm gần gũi với quan điểm của Schmidt về lí thuyết truyền bá những sự dị biệt phương ngữ theo từng đợt sóng (wellentheorie) trong tiếng Ấn-Âu.
Năm 1917, Trubetskoy rời Matxcơva đến Rôstôp dạy ngữ pháp học so sánh và ở đó một thời gian trước khi đi Istambun. Những năm 1920–1922 ông làm giáo sư ngôn ngữ học Ấn-Âu tại Sôphia, sau đó sang hẳn Viện dạy ngữ văn học Slavơ và văn học Nga cho đến khi mất (1938).
Trubetskoy liên lạc đều đặn với R. Jakobson và tham gia tích cực và hoạt động của Câu lạc bộ ngữ học Praha thành lập năm 1926, đặc biệt là trong việc chuẩn bị cho Đại hội các nhà ngôn ngữ học lần thứ nhất tại La Hayơ (1928) và trong việc soạn thảo Các luận đề ngôn ngữ học Praha được trình bày lần đầu tiên tại Đại hội.
Năm 1938, bọn Đức quốc xã kéo vào nước Áo và đã ngược đãi ông vì ông đã tố cáo sự sai lầm của các lí thuyết chủng tộc của chúng. Bị quấy nhiễu triền miên, bệnh đau tim của ông trở nên trầm trọng và ông mất tại bệnh viện trước khi hoàn thành bản thảo Những nguyên lí âm vị học.
Những năm 30 của thế kỉ 20 đánh dấu một trong những bước ngoặt trọng yếu của lịch sử ngôn ngữ học. Theo tài liệu của Jakobson công bố thì Trubetskoy đã viết và xuất bản tại Sôphia (bằng tiếng Nga) một cuốn sách về các nền văn minh, được ấp ủ từ những năm 1909–1910, đó là phần thứ nhất của tác phẩm bộ ba nhan đề là Sự biện hộ cho chủ nghĩa dân tộc. Tác giả đặt ra ở đây “một cuộc cách mạng về ý thức”. Thực chất của cuộc cách mạng này là khắc phục hoàn toàn thuyết tự kĩ trung tâm (egocectrisme), và cả thuyết li tâm (excentrisme) chuyển từ lí thuyết tuyệt đối của phái ngữ pháp mới sang thuyết tương đối mang màu sắc Einstein. Ý đồ triết học này được thể hiện trong bài viết Âm vị học ngày nay (1933), khi ông đối lập nhà ngữ âm học (nhất thiết phải theo thuyết nguyên tử và cá nhân) với nhà âm vị học (nhất thiết phải theo thuyết phổ quát về bản chất).
Về ảnh hưởng của phái hình thức chủ nghĩa Nga đối với Trubetskoy, có thể nói là ông vừa bị hạn định bởi môi trường, vừa có khả năng thoát khỏi những điều kiện ấy. Trong bức thư gửi Jakobson năm 1926, ông viết “Tôi không thể tự xem mình là một người hình thức chủ nghĩa thật sự, vì phương pháp hình thức đối với tối chỉ là phương tiện để làm rõ tinh thần của tác phẩm”. Trubetskoy ngày càng có ý thức thoát ra khỏi mọi tiền ước phi ngôn ngữ học và năm 1935, ông viết rằng “ông triệt để bác bỏ mọi khuynh hướng triết lí suông bên ngoài sự lao động cụ thể trên các sự kiện”.
Phần lớn các công trình của Trubetskoy tập trung nghiên cứu về âm vị học. Ngoài hai bài viết Tiểu luận về niên đại một số sự kiện tiếng Slavơ thông dụng (1922) và Các công trình nghiên cứu về tiếng Pôláp (1929), Trubetskoy đi sâu nghiên cứu hệ thống âm vị học các ngôn ngữ hiện đại: Miêu tả âm vị học tiếng Nga hiện đại (1934), đồng thời tìm cách phát hiện các quy tắc âm vị học đại cương cho các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới: Các hệ thống âm vị; Âm vị học và địa lí âm vị học; Các nguyên tắc phiên âm âm vị học (1951);…
Sự nghiệp của Trubetskoy được miêu tả ở thư mục của Havranek trong Travaux du cercle linguistique de Prague, tập VIII, 1939, trang 335–342. Đối với độc giả là những nhà ngôn ngữ học thì toàn bộ những suy nghĩ của Trubetskoy được tập hợp, cô đúc lại hoặc phát triển thêm trong tác phẩm cuối cùng của ông, xuất bản sau khi ông mất. Đó là tập Grundzude de Phonologie xuất bản năm 1939 (bản dịch tiếng Pháp Principes de Phonologie, 1948).
Học thuyết của Trubetskoy ngày nay được nhiều người biết đến. Cơ sở của học thuyết này là sự thiết lập khái niệm "âm vị" mà Baudouin de Courtenay, Kruszevski, Sveet, Passy, Jones, Jespersen, Noréen, Shcherba… đã hé mở nhưng được Trubetskoy đem lại cho nó một tính chất thực hành chặt chẽ về mặt khoa học. “Âm vị là một khái niệm trước hết mang tính chức năng”. Nó là “đơn vị âm vị học, đơn vị này đứng về một ngôn ngữ nhất định mà xếp, không thể phân tích thành những đơn vị âm vị học nhỏ hơn và kế tiếp nhau”, “nhà âm vị học chỉ phải xét về âm, cái gì đảm nhận một chức năng nhất định trong ngôn ngữ…”, “âm vị học là ngữ âm học chức năng” (Nguyên lí âm vị học, trang 11, 12, 25, 33, 37).
Với những lập luận chặt chẽ như vậy, Trubetskoy định rõ những thủ pháp để xác định âm vị, phân biệt các biến thể của chúng. Đó là sự chứng minh khoa học đối với trực giác của Saussure cho rằng “trong ngôn ngữ học chỉ có những sự dị biệt”.
Giá trị của Nguyên lí âm vị học không chỉ dừng lại ở đó. Nó đặt cơ sở chắc chắn cho việc phân tích những sự kiện âm vận học như trọng âm, ngữ điệu…; cho việc nghiên cứu các chức năng khu biệt của âm vị. Tập sách còn có một chương độc đáo về thống kê âm vị học.
Học thuyết Trubetskoy tuy thế vẫn còn những điểm chỉ còn giá trị lịch sử. A. Martinet đã chỉ ra những hạn chế đó qua cách Trubetskoy đặt vấn đề xem một nhóm âm nào đó của một ngôn ngữ là một hay hai âm vị, hoặc qua lời khẳng định là ở mỗi thời điểm nhất định, ngôn ngữ là một hệ thống, trong đó tất cả đều đứng vững… Rõ ràng việc chuyển từ một trạng thái ngôn ngữ này sang một trạng thái ngôn ngữ khác đâu chỉ có thể thực hiện được bằng những biến đổi riêng lẻ, hoàn toàn vô nghĩa.
Mặc dù vậy, Trubetskoy là nhân vật trọng yếu của Câu lạc bộ Praha (Leschy), có một năng lực lí thuyết, có hệ thống xuất sắc (Bolleli) và là bộ óc lớn nhất của nền ngôn ngữ học hiện đại.
Nguồn: Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 215