Ferdinand de Saussure là người Geneva (Thuỵ Sĩ), theo học Trường Đại học tổng hợp Leipzig (Đức) từ 1876 đến 1878. Thời bấy giờ, xung quanh Curtilus, quây quần các nhà ngữ pháp A. Leskien, K. Brugmann, H. Osthoff, Hubschmann và Braume, những người quyết tâm đưa ngôn ngữ Ấn – Âu đi vào một quỹ đạo mới. Saussure tham gia tích cực nhóm này, và từ tháng 1 năm 1876, trở thành hội viên Hội ngôn ngữ học Đức. Tháng chạp năm 1878, mới 21 tuổi, ông đã xuất bản một tác phẩm nổi tiếng, nhan đề Nghiên cứu về hệ thống nguyên thuỷ các nguyên âm trong các ngôn ngữ Ấn – Âu (Mémoire sur le système primitif des voyelles dana les langues indo-européennes). Mấy chục năm sau, A. Meillet vẫn còn đánh giá là “chưa bao giờ có một cuốn sách về ngữ pháp so sánh vững vàng, mới mẻ, và đầy đủ như vậy”. Tiếp đấy là luận án tiến sĩ xuất sắc của ông, nhan đề: Về cách dùng thuộc các tiếng Sanskrit (Du l’emploi du génétif en sanskrit) (Leipzig, 1880).
Năm 1880, ông đến Paris và làm chủ nhiệm khoa ngữ pháp so sánh ở Trường Cao đẳng thực hành, và đến năm 1882, làm phó thư kí Hội ngôn ngữ học Paris. Theo Meillet, Saussure là một bậc thầy chân chính. Muốn thế, phải có một học thuyết và phương pháp riêng, đồng thời phải biết cách trình bày bộ môn của mình với một phong cách độc đáo.
Từ 1891, ông dạy tiếng Sanskrit và ngữ pháp so sánh ở Trường đại học Geneva. Trong những năm cuối cùng (1905–1911) ông dạy môn ngôn ngữ học đại cương, đào tạo nên những môn đệ mới, mà hai trong số đó là Charles Bally và Albert Sechehaye – sau này trở thành những nhà ngôn ngữ học có tiếng.
Về công trình, sinh thời, Saussure chỉ xuất bản hai tác phẩm nói trên. Tất cả phần còn lại đều được công bố sau khi ông mất. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (Cours de linguistique générale) được Ch. Bally và Albert Sechehaye dựa vào một số bản thảo bài giảng của ông mà viết ra, và cho xuất bản năm 1916. Sưu tập những xuất bản phẩm của F. de Saussure (Sonor Heidelberg, K. Winter, Genève, 1922), bao gồm các hồi kí và bài báo của ông. Ngoài ra, còn tìm thấy một bài viết của ông về Whitney, trong dịp Whitney mất năm 1894, 70 trang ghi chép dở dang, 18 quyển vở khác viết về phép đảo ngữ (anagramme), nghiên cứu trong những năm 1906–1909.
Saussure có tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các nhà cấu trúc luận tiên phong, như B. de Courtenay và W.Whitney.
Theo N. Trubetskoy (Parisenté, Tiểu luận, tr. 151, ct.2), Saussure và Courtenay có những ý kiến giống nhau về sự đối lập đồng đại – lịch đại, cũng như sự đối lập âm vị – âm tố. Cả hai đều nhấn mạnh sự đối lập này là cần thiết ở thời kì ngôn ngữ học khoa học, được coi như đồng nhất với ngôn ngữ học lịch sử, mà sự nghiên cứu chỉ nhằm những yếu tố biệt lập, tách rời khỏi hệ thống. Saussure có mặt ở kì họp của Hội ngôn ngữ học Paris, ngày 3 tháng chạp 1881, khi Courtenay được bầu làm hội viên, và hai ông đã dự những buổi thông báo khoa học của nhau. Sau đó, Saussure và Courtenay thường giao dịch với nhau bằng thư từ. Saussure có viết về Courtenay như sau: “Bauduoin và Kruszevski, hơn ai hết, đã tiếp cận được một quan điểm lí thuyết về ngôn ngữ học mà không vượt ra khỏi những quan điểm ngôn ngữ học thuần tuý, nhưng học không được thế hệ các nhà ngôn ngữ học phương Tây biết đến” (Godel, Nguồn gốc… trang 51).
Saussure tuy không có những cuộc tiếp xúc cá nhân với Whitney, nhưng trong Giáo trình… có tới 20 lần trích dẫn Whitney, điều này nói lên món nợ (được công khai thừa nhận) của tác giả đối với nhà ngôn ngữ học Mĩ.
Đối với Giáo trình của Saussure, tất cả các nhà ngôn ngữ học lớn đương thời đều có bài điểm sách (Meillet, 1916–1917; Grammont, 1917; Jesperson, 1917; Marouzeau, 1928; Bloomfield, 1924) nhưng phần lớn các bài viết chỉ phê phán theo những quan điểm thịnh hành lúc bầy giờ (ngôn ngữ học lịch sử, phương pháp so sánh, chủ nghĩa tâm lí), và nói chung bỏ qua tất cả những luận điểm độc đáo, có tính chất sáng tạo, của tác phẩm. Ngay đến Meillet, người học trò giỏi nhất của Saussure về ngôn ngữ học lịch sử, trong những năm 1880–1890, đã từng hết lời khen ngợi ông trong lĩnh vực này, cũng chỉ nêu lên một số hạn chế của Giáo trình, như thiếu một ngôn ngữ học của lời nói, hoặc một ngữ pháp các phạm trù, có sự cắt đứt không thoả đáng giữa đồng đại và lịch đại, v.v…; Meillet cho “đó là một cuốn sách mà người thầy không làm và có thể không bao giờ làm”, đó chỉ là một việc “biên tập những ý kiến của Saussure, do hai người học trò của ông chủ trương, và người ta không biết những chi tiết đáng phê phán là của tác giả hay của những người xuất bản”. Năm 1936, trong bộ Bách khoa toàn thư của Pháp, Meillet chỉ lướt qua tên của Saussure, giữa Tinck và Gabelentz. Những thực tế ấy chứng minh hết sức rõ ràng một sự bất lực hoàn toàn về nhận thức Giáo trình trong sự mới mẻ và phong phú thực sự của nó. Mãi đến năm 1963, Benveniste mới công nhận đầy đủ tầm quan trọng lịch sử của Giáo trình: đúng là "ngôn ngữ học cách tân" của thế kỉ XX bắt nguồn từ Saussure.
Theo Đái Xuân Ninh (1984). Ferdinand de Saussure. In trong Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 207.