3. Những nhân tố khách quan và chủ quan làm cho ngôn ngữ biến đổi và phát triển
3.2. Những nhân tố chủ quan
3.2.2. Khuyến khích và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số ở Việt Nam học tiếng Việt và dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc ở Việt Nam; khẳng định vai trò làm ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt, dùng nó trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Suốt trong thời kì Bắc thuộc và Pháp thuộc, tiếng Việt ta rất bị coi thường. Tiếng Hán và tiếng Pháp lần lượt được bọn thống trị xem là ngôn ngữ chính thức của nhà nước, được dùng trong hành chính, trường học, thi cử, cũng như sáng tác văn học. Thế kỉ 18, người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ muốn dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán nhưng chưa thành công. Phải chờ đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tiếng Việt mới thay thế tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức của nhà nước. Từ đây, tiếng Việt không còn bị coi là "nôm na mách qué" nữa, nó không chỉ dùng trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân mà chính thức đảm nhận những chức năng xã hội mới: tất cả các lĩnh vực hoạt động của người Việt Nam đều có thể dùng tiếng Việt. Nhiều văn kiện chính trị, quân sự, ngoại giao,… viết bằng tiếng Việt. Hàng loạt tác phẩm triết học, sử học, văn nghệ bằng tiếng Việt ra đời. Đặc biệt, ở miền Bắc nước ta, ngay từ đầu, các trường đại học đều dùng tiếng Việt để giảng dạy và học tập. Chính nhờ đường lối đúng đắn ấy mà tiếng Việt đã phát triển một bước lớn so với trước đây. Thực tế chứng tỏ khả năng vô cùng phong phú của tiếng Việt, nó có thể dùng ở tất cả mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực khoa học và kĩ thuật. Nhiều nước, tuy đã giành được độc lập dân tộc nhưng vẫn chưa khẳng định được vai trò và vị trí của ngôn ngữ dân tộc, như Ấn Độ, Pakistan,…
3.2.3. Dân chủ hoá, quần chúng hoá tiếng Việt
Trong khi khẳng định vị trí, vai trò của tiếng Việt, Đảng và Nhà nước ta cũng vạch ra phương hướng phát triển của tiếng Việt là dân chủ hoá, quần chúng hoá. Hồ Chủ tịch nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó nhằm làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”(1). Hồ Chủ tịch khuyên chúng ta “phải học cách nói của quần chúng”, “khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được”, “làm sao cho quần chúng đều hiểu”. Người nói: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng. Tục ngữ có câu: "Học ăn, học nói, họ gói, học mở". Nói chung phải học mà phải chịu khó mới học được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thực tiễn, mà lại rất giản đơn”(2). Người rất nhiều lần phê phán bệnh sính dùng chữ. Trong "Sửa đổi lề lối làm việc", Người viết: “Có nhiều người có bệnh dùng chữ Hán, những tiếng ta sẵn có không dùng, mà dùng chữ Hán cho bằng được…”; “Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lại nói và viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc thì quần chúng hiểu sao được?”; “Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to…”. Trong bài nói chuyện với cán bộ báo chí, văn nghệ và cán bộ các ngành ngày 17/8/1952, Bác cũng nhắc: “Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ Hán, dùng lung tung, nhiều khi không đúng. Vài ví dụ: 3 tháng, lại nó "tam cá nguyệt". Đánh vào sâu thì nói "tung tâm", "xem xét" thì nói "quan sát" v.v…”. Trong bài nói chuyện tại đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Bác nhắc lại: “Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó…”. Đến đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo, Bác tiếp tục phê phán: “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều, và nhiều khi dùng không đúng” v.v…
Tuy nhiên, cần nhớ rằng, Hồ Chủ tịch không hề cự tuyệt việc mượn chữ nước ngoài, mà ngược lại, có một thái độ rất đúng đắn, khoa học, Người đã từng nói:
“Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào sẵn có thì dùng tiếng ta… Nhưng sẽ "tả" quá nếu những chữ Hán đã hoá thành tiếng ta ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: "độc lập" mà nói "đứng một", "du kích" mà nói "đánh chơi". Thế cũng là tếu.”
“Bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, thí dụ: "độc lập", "tự do", "hạnh phúc" là những chữ Trung Quốc, nhưng ta không có chữ gì dịch, thì cố nhiên phải dùng. Nếu quá tả không mượn, không dùng, hoặc là nói: Việt Nam "đứng một" thì không ai hiểu được…”
“Cố nhiên, có những chữ không thể dịch thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: những chữ kinh tế, chính trị v.v… thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ "độc lập".”
“Đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới. Có những chữ ta không sẵn có và khó dịch đúng thì cần phải mượn chữ nước ngoài…”.
Để thấm nhuần và thực hiện những lời dạy ân cần của Bác, Hội nghị bàn về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã họp từ ngày 7 đến 10/2/1966. Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu ra ba khâu cần phải làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt:
- Một là giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta;
- Hai là nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta;
- Ba là giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật…).
Thủ tướng kết luận: “Đây là một công việc lâu dài, phải kiên trì, phải nhìn xa, thấy rộng, phải làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc và với lòng phấn khởi và tin tưởng đặng góp phần mình vào một công việc vừa quan trọng, vừa tốt đẹp vô cùng”(3).
(1) Hồ Chí Minh. Về công tác văn hoá văn nghệ. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, trang 60
(2) Sđd, trang 10
(3) Phạm Văn Đồng. Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ. Nxb Văn học, Hà Nội, 1973, trang 159.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 46–51