3. Những nhân tố khách quan và chủ quan làm cho ngôn ngữ biến đổi và phát triển
3.2. Những nhân tố chủ quan
Ngôn ngữ phát triển theo những quy luật khách quan của mình. Sự phát triển ấy chính là kết quả tác động của những nguyên nhân khách quan (nguyên nhân bên trong cũng như nguyên nhân bên ngoài). Tuy nhiên, nhân tố chủ quan của con người cũng góp phần không nhỏ trong sự phát triển của ngôn ngữ. Chính sách ngôn ngữ là thể hiện ý chí chủ quan của con người đối với sự phát triển ấy. Bản thân chính sách ngôn ngữ chỉ phát huy được tác dụng trong chừng mực phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Muốn đề ra chính sách ngôn ngữ đúng đắn cần phải nắm vững quy luật phát triển của xã hội nói chung và của ngôn ngữ nói riêng.
Có thể nói chính sách ngôn ngữ là lí luận và thực tiễn tác động một cách có ý thức vào quá trình phát triển ngôn ngữ. Nó là một bộ phận của chính sách dân tộc của một quốc gia, một giai cấp, một đảng nào đó.
Chính sách ngôn ngữ tác động trước hết đến mặt chức năng của ngôn ngữ, và qua đó, trong chừng mực nhất định, tác động đến mặt cấu trúc của ngôn ngữ.
Nội dung chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta thể hiện ở những chủ trương sau:
3.2.1. Tôn trọng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc, bảo đảm sự phát triển tự do và bình đẳng của tất cả các ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam.
Trong chế độ phong kiến và tư bản, xuất phát từ ý thức miệt thị dân tộc, bọn thống trị ra sức ngăn cản sự phát triển ngôn ngữ của các dân tộc ít người.
Do chỗ phân tích đúng đắn quy luật phát triển của xã hội cho nên chủ nghĩa Mác chủ trương “bình đẳng dân tộc, dưới đủ mọi hình thức (ngôn ngữ, trường học…)”, đó là yếu tố không thể thiếu được trong việc giải quyết vấn đề dân tộc. Chủ nghĩa Mác chủ trương hoàn toàn xoá bỏ mọi đặc quyền dành cho một dân tộc nào đó, cho một ngôn ngữ nào đó. Thái độ của công nhân thuộc những dân tộc đã đóng vai trò đi áp bức dưới thời chủ nghĩa tư bản…, là phải giúp đỡ quần chúng cần lao của những dân tộc trước kia bị áp bức không những thiết lập một nền bình đẳng thực tế, mà còn phát triển ngôn ngữ và văn học nữa, để xoá bỏ tất cả những dấu vết của tinh thần nghi kị và phân lập do chủ nghĩa tư bản để lại; phải làm cho nhân dân có các trường học, trong đó, việc giáo dục được tiến hành bằng tất cả các thứ tiếng địa phương, và phải đề ra trong hiến pháp một điều luật cơ bản nhằm xoá bỏ mọi thứ đặc quyền, bất cứ là thứ đặc quyền nào, đã ban cho một dân tộc nào, và nhằm huỷ bỏ tất cả mọi sự vi phạm đến các quyền của một dân tộc thiểu số.
Tiếng nói chung giữa các dân tộc hình thành một cách khách quan do điều kiện kinh tế, chính trị,… quy định. Lênin viết: “Những nhu cầu về kinh tế sẽ tự quyết định ra một ngôn ngữ chung cho toàn quốc, ngôn ngữ mà đa số người vì lợi ích liên hệ mậu dịch sẽ thấy là có lợi, nếu biết được ngôn ngữ đó”(1).
Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách rất đúng đắn về dân tộc và ngôn ngữ dân tộc. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng khi mới thành lập (1930) đã đề ra chính sách “đoàn kết dân tộc trên cơ sở những nguyên tắc bình đẳng và tương trợ lẫn nhau để giành lấy độc lập và hạnh phúc chung cho các dân tộc”. Chính cương của Đảng năm 1951 ghi rõ: “Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ… Cải thiện đời sống cho các dân tộc ít người, giúp đỡ họ tiến bộ về mọi mặt, bảo đảm để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục ở các địa phương”. Thực tế, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ cụ thể là “hoàn thành việc xây dựng chữ viết cho các dân tộc ít người”. Chỉ thị 84 CT-TU lại nhấn mạnh: “Sử dụng chữ dân tộc là nguyện vọng tha thiết của các dân tộc, cần tiếp tục nghiên cứu tiếng dân tộc về mặt khoa học, đồng mạnh dạn sử dụng rộng rãi 3 thứ chữ Tày-Nùng, Thái, Mông[1] trên sách báo, trong các cơ quan hành chính và trong đời sống hàng ngày. Chống tư tưởng coi thường chữ dân tộc, không phát triển việc học và sử dụng chữ dân tộc”.
Hiến pháp năm 1960 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chính thức quy định: “Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán dùng tiếng nói, chữ viết phát triển văn hoá dân tộc”.
Ngày 27 tháng 11 năm 1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định về việc phê chuẩn chính thức các phương án chữ Tày-Nùng, Thái, Mông dùng làm chữ viết chính thức dùng làm chữ viết chính thức cho các dân tộc trên trong việc xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá, trong các trường phổ thông và các trường chuyên nghiệp, trong các công văn, giấy tờ của các cơ quan nhà nước trong các khu tự trị. Nhờ có chính sách đúng đắn như vậy mà các dân tộc ít người Việt Nam trong mấy chục năm qua đã không ngừng phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá,… của mình, kề vai sát cánh cùng với dân tộc Kinh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(1) Mác, Ăngghen, Lênin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, H., 1962, trang 95.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 46–51
[1]: Nguyên văn, tác giả sử dụng tộc danh "Mèo"
Trở lại: 3.1. Những nhân tố khách quan
Đọc tiếp: 3.2. Những nhân tố chủ quan (phần cuối)