1. Đối tượng của ngôn ngữ học
Ngôn ngữ học là khoa học nghiên cứu các ngôn ngữ. Để nhận diện rõ đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học, cần phân biệt ba khái niệm: ngôn ngữ, lời nói và hoạt động lời nói.
Ngôn ngữ là một hệ thống những đơn vị vật chất phục vụ cho việc giao tiếp của con người và được phản ánh trong ý thức của tập thể một cách độc lập với ý tưởng, tình cảm và nguyện vọng cụ thể của con người, cũng như trừu tượng hoá khỏi những tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng đó.
Lời nói là kết quả của việc vận dụng các phương pháp khác nhau của ngôn ngữ để truyền đạt thông tin, kêu gọi người nghe có hành động tương ứng.
Như vậy, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp ở dạng khả năng tiềm tàng, trừu tượng hoá khỏi bất kì một sự áp dụng cụ thể nào của chúng. Còn lời nói là phương tiện giao tiếp ở dạng hiện thực hoá, tức là ở dạng hoạt động, gắn liền với những nội dung cụ thể. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng: cái riêng chỉ tồn tại trong chừng mực là nó liên hệ với chung. Cái chung chỉ có thể tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng. Bất cứ cái riêng nào cũng đều có tính chất chung. Bất cứ cái chung nào cũng chỉ bao gồm được gần hết những cái riêng. Bất cứ cái riêng nào cũng đều không hoàn toàn tham gia vào cái chung cả. Trong giao tiếp, người ta chỉ tiếp xúc trực tiếp với các lời nói. Các ngôn bản viết hay nói miệng đều có thể gọi là lời nói. Người ta chỉ có thể giao tiếp nếu các ngôn bản hay lời nói bao gồm những yếu tố có giá trị chung, hoạt động theo những nguyên tắc chung. Ngôn ngữ chính là hệ thống những yếu tố và nguyên tắc có giá trị chung, làm cơ sở để cấu tạo các ngôn bản hay các lời nói.
Trong giao tiếp diễn ra các hiện tượng trao đổi các ngôn bản (lời nói). Trao đổi giữa các ngôn bản một mặt là hành động nói hoặc sản sinh ngôn bản nào đó, và mặt khác là hành động hiểu hoặc lĩnh hội ngôn bản của người cùng đối thoại. Các hành động nói và hiểu được gọi là các hành động ngôn ngữ. Hệ thống các hành động ngôn ngữ là hoạt động ngôn ngữ.
Ngôn ngữ và lời nói thống nhất nhưng không đồng nhất. Bất cứ nhà ngôn ngữ học nào cũng phải đụng chạm đến cả hai đối tượng này. Vì ngôn ngữ được hiện thực hoá trong lời nói cho nên muốn khám phá ra những đơn vị và những quy luật hoạt động của ngôn ngữ cần phải xuất phát từ tất cả những lời nói phong phú và đa dạng.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 311–314
Đọc tiếp: Nhiệm vụ của ngôn ngữ học
Đọc thêm: