3. Những nhân tố khách quan và chủ quan làm cho ngôn ngữ biến đổi và phát triển
3.1. Những nhân tố khách quan
Sự biến đổi và phát triển của các ngôn ngữ luôn luôn diễn ra trên cả hai mặt cấu trúc và chức năng. Quá trình phát triển từ ngôn ngữ bộ lạc đến ngôn ngữ cộng đồng tương lai là quá trình phát triển của các ngôn ngữ về mặt chức năng. Sự phát triển về mặt cấu trúc của ngôn ngữ thể hiện ở sự biến đổi của hệ thống ngữ âm, thành phần hình thái học, từ vựng-ngữ nghĩa và cơ cấu ngữ pháp của nó.
Nếu như sự phát triển của ngôn ngữ bao gồm nhiều mặt, nhiều khía cạnh thì nguyên nhân làm cho nó biến đổi và phát triển cũng rất đa dạng và phong phú. Người ta đã từng giải thích sự phát triển của ngôn ngữ là do sự tiến bộ của bộ máy phát âm, do ảnh hưởng của điều kiện địa lí và khí hậu, do ảnh hưởng của tâm lí dân tộc, do đòi hỏi phải tiết kiệm hơi sức hao phí cho bộ máy phát âm, do chơi chữ, do đặc điểm của trẻ em học nói v.v… Chúng ta không phủ nhận tác dụng của các yếu tố kể trên đối với sự phát triển của ngôn ngữ, nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chủ yếu, quyết định phương hướng và cách thức phát triển của ngôn ngữ. Với tư cách là hiện tượng xã hội đặc biệt, sự phát triển của ngôn ngữ phải do những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá và các điều kiện xã hội khác quy định. Người ta chỉ có thể hiểu được một ngôn ngữ và quy luật phát triển của nó khi nào người ta nghiên cứu nó theo sát lịch sử của xã hội, lịch sử của nhân dân có ngôn ngữ đó, sáng lập và bảo tồn, sử dụng ngôn ngữ đó. Sản xuất phát triển, các giai cấp xuất hiện, chữ viết ra đời, các quốc gia hình thành cần giao dịch thư từ có quy thức ít nhiều cho việc hành chính; nền thương nghiệp trưởng thành càng cần giao dịch thư từ có quy tắc hơn nữa, báo chí ấn loát xuất hiện, văn học tiến lên, tất cả những điều đó đã đưa lại những biến đổi lớn lao trong sự phát triển của ngôn ngữ. Ảnh hưởng đến sự phát triển của ngôn ngữ còn phải kể đến những nhân tố khách quan như: hình thức cộng đồng tộc người, dân số, trình độ học vấn; hình thức thể chế nhà nước; môi trường tộc người; tốc độ phát triển kinh tế-xã hội; mối liên hệ kinh tế, chính trị, văn hoá; thế tương quan giữa trình độ phát triển của một dân tộc với các dân tộc láng giềng; truyền thống văn hoá, mức độ phân chia thành các tiếng địa phương.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị,… của xã hội mới chỉ là nguyên nhân bên ngoài, đề ra những yêu cầu nhất định đối với ngôn ngữ, còn bản thân ngôn ngữ có nhiều biến đổi và phát triển được hay không lại do nguyên nhân bên trong nó quyết định. Nguyên nhân bên trong chính là sự đối lập, mâu thuẫn giữa các yếu tố trong ngôn ngữ. Những yêu cầu của xã hội đặt ra sẽ được đáp ứng thông qua việc giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ ngôn ngữ. Nguyên nhân bên trong thể hiện tình hình và khả năng nội bộ của ngôn ngữ. Chính vì vậy, những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội,… có thể trực tiếp giải thích quy luật phát triển của kết cấu ngôn ngữ nói chung, tức là sự phát triển của ngôn ngữ từ ngôn ngữ bộ lạc, đến ngôn ngữ dân tộc và ngôn ngữ cộng đồng tương lai, nhưng lại chưa đủ để giải thích những quy luật phát triển nội bộ của ngôn ngữ, tức là quy luật phát triển các mặt, các yếu tố của nó. Engels viết: “Nếu không muốn làm thành trò cười, thì cũng khó mà dùng nguyên nhân kinh tế để cắt nghĩa sự tồn tại của mỗi tiểu bang trong nước Đức trước kia và hiện nay, hay cắt nghĩa nguồn gốc của hiện tượng di chuyển phụ âm trong tiếng Thượng-Đức là hiện tượng đã mở rộng đường phân giới địa lí do dãy núi từ Xu-đet đến Tanuxơ tạo nên, thành cả một đường nứt thực sự xuyên qua toàn nước Đức”(1). Như vậy, những quy luật phát triển nội bộ của ngôn ngữ chỉ có thể giải thích gián tiếp qua điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá của xã hội. Bản thân những hiện tượng mới trong ngôn ngữ đều phát triển từ những hiện tượng đã có, trên cơ sở những hiện tượng đã có.
(1) Mác, Ăngghen, Lênin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, H., 1962, trang 30.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 44–45
Trở lại: 2. Cách thức phát triển của ngôn ngữ
Đọc tiếp: 3.2. Những nhân tố chủ quan (phần đầu)