1. Quá trình phát triển của ngôn ngữ
1.3. Ngôn ngữ dân tộc và các biến thể của nó
Sự phát triển của dân tộc và của nhà nước đã đẩy mạnh sự thống nhất bên trong về kinh tế và chính trị của xã hội, tăng cường và mở rộng những mối liên hệ khác nhau giữa những con người trong quá trình lao động, trao đổi kinh tế và quan hệ nội bộ quốc gia v.v… Tình hình đó đòi hỏi phải có một ngôn ngữ chung cho toàn xã hội: ngôn ngữ dân tộc ra đời. Ngôn ngữ dân tộc là phương tiện giao tiếp chung của toàn dân tộc, bất kể sự khác nhau về lãnh thổ hay xã hội của họ. Tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử mà sự hình thành của dân tộc và ngôn ngữ dân tộc mỗi nơi, mỗi thời kì một khác, theo những con đường khác nhau. Marx và Engels đã viết: “Trong bất cứ ngôn ngữ phát triển nào hiện nay, cái nguyên nhân khiến cho một ngôn ngữ phát sinh một cách tự phát, được nâng lên thành ngôn ngữ dân tộc, thì một phần là do ngôn ngữ đó được phát triển một cách lịch sử từ chỗ nó được chuẩn bị đầy đủ về tài liệu, như ngôn ngữ La Mã và ngôn ngữ Germanic chẳng hạn, một phần là do sự giao dịch và hỗn hợp của các dân tộc, như tiếng Anh chẳng hạn; một phần nữa là do các phương ngữ tập trung thành ngôn ngữ dân tộc thống nhất và sự tập trung đó lại do sự tập trung kinh tế, chính trị quyết định”(1). Như vậy Marx và Engels đã nói đến 3 con đường hình thành nên ngôn ngữ dân tộc:
- Từ chất liệu vốn có.
Thí dụ: tiếng Pháp. Trước khi ngôn ngữ dân tộc Pháp hình thành thì trên đất Gaul đã có sự pha trộn của tiếng Latin với tiếng Celtic. Trên cơ sở này phát triển thành nhiều tiếng địa phương trên đất Pháp. Đến thời Phục hưng, tiếng địa phương miền Paris đã chiếm ưu thế, dần dần phát triển thành ngôn ngữ dân tộc vào thế kỉ 16–17. - Do sự pha trộn nhiều dân tộc.
Thí dụ: tiếng Anh. Các tiếng Anglo-Saxon (tiếng Anh cổ) vốn ngữ trị trên đất Anh từ thời cổ, đến thế kỉ 9 và 10, do sự xâm lược của người Đan Mạch mà có sự pha trộn với tiếng Đan Mạch. Từ thế kỉ 11–16, do sự xâm lược của người Normand nên lại được pha trộn một lần nữa với tiếng Normand. Như vậy, ngôn ngữ dân tộc Anh hiện đại hình thành trên cơ sở tiếng địa phương Luân Đôn, là do sự pha trộn của ba thứ tiếng Anglo-Saxon, Đan Mạch và Normand. - Do sự tập trung của các tiếng địa phương.
Thí dụ: tiếng Nga. Ngôn ngữ dân tộc Nga hình thành vào thế kỉ 16–17 cùng với sự thành lập quốc gia Moskva (Matxcơva), trên cơ sở khẩu ngữ Moskva có tính chất chuyển tiếp của tiếng địa phương miền bắc và miền nam.
(See also: European Languages)
Ngôn ngữ dân tộc hình thành trong thời kì có giai cấp, vì vậy nó chưa đủ điều kiện để có thể thống nhất hoàn toàn. Bên cạnh ngôn ngữ chung của toàn dân vẫn tồn tại những biến thể địa phương và xã hội của nó. Những tiếng địa phương trước đây, nhờ tăng cường và mở rộng giao lưu văn hoá và trao đổi kinh tế mà dần dần phát triển ngày càng nhiều các hiện tượng ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp chung cho toàn dân tộc, nhưng những hiện tượng khác nhau giữa các địa phương vẫn còn nhiều. Nói chung, sự khác biệt giữa các phương ngữ trong ngôn ngữ dân tộc thể hiện chủ yếu ở ngữ âm, sau đó đến từ vựng, còn sự khác nhau về ngữ pháp ít thấy hơn.
Vì xã hội chia ra các giai cấp, mỗi giai cấp có quyền lợi, tập quán, tâm lí,… riêng, cho nên trong khi vận dụng ngôn ngữ dân tộc chung, mỗi giai cấp có thể tạo ra các biến thể ngôn ngữ riêng của giai cấp mình. Chẳng hạn, ngôn ngữ của giới quý tộc Pháp thế kỉ 18 khác với ngôn ngữ của những người bình dân, những người lao động chân tay bình thường… Vua quan ở nước ta trước đây cũng dùng những từ ngữ xa lạ đối với quảng đại quần chúng nhân dân.
(còn tiếp)
(1) Mác, Ăngghen, Lênin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, H., 1992, trang 15.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 37–39
Trở lại: 1.2. Ngôn ngữ khu vực