1. Quá trình phát triển của ngôn ngữ
Tổ chức xã hội đầu tiên của loài người là thị tộc. Đó là tập hợp những người cùng dòng máu. Một số thị tộc thân thuộc kết hợp với nhau tạo thành bộ lạc. Các bộ lạc liên kết với nhau thành các bộ tộc hay liên minh bộ lạc. Các dân tộc hiện đại được hình thành từ các bộ lạc, bộ tộc như thế. Thực ra, sự phát triển từ các thị tộc, bộ lạc nguyên thuỷ đến các dân tộc ngày nay không theo một con đường thẳng đuột mà trải qua những chặng đường khúc khuỷu, quanh co, rất phức tạp, trong đó, quá trình thống nhất và quá trình phân li chằng chéo lẫn nhau. Ngôn ngữ phát sinh và phát triển cùng với xã hội loài người cho nên nó cũng trả qua những chặng đường khúc khuỷu, quanh co, cũng phải theo quy luật thống nhất và phân li như thế. Nhưng qua mỗi chặng đường, ngôn ngữ cũng được thay đổi về chất. Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển của ngôn ngữ, có thể thấy những bước như sau: ngôn ngữ bộ lạc, ngôn ngữ khu vực, ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ văn hoá dân tộc và ngôn ngữ cộng đồng tương lai.
1.1. Ngôn ngữ bộ lạc và các biến thể của nó
Mỗi bộ lạc bao gồm nhiều thị tộc, vì các thị tộc trong một bộ lạc có quan hệ rất chặt chẽ với nhau cho nên không có ngôn ngữ riêng cho từng thị tộc mà cả bộ lạc có một ngôn ngữ chung. Như vậy, những ngôn ngữ đầu tiên của loài người là những ngôn ngữ bộ lạc. Trong thực tế thì cứ mỗi bộ lạc có một ngôn ngữ. Ở chỗ nào có hai bộ lạc đã suy yếu hợp lại với nhau thì rất ít khi trong cùng một bộ lạc người ta lại nói hai ngôn ngữ rất gần nhau. Do sự phân chia của một bộ lạc đã hình thành một số bộ lạc độc lập, có họ hàng với nhau. Cùng với sự phân li đó, ngôn ngữ của các bộ lạc này cũng phát triển những nét riêng độc lập. Đó là những biến thể về mặt cội nguồn của cùng một ngôn ngữ bộ lạc. Khi hợp nhất một số bộ lạc thành liên minh bộ lạc, tuy các ngôn ngữ bộ lạc ấy vẫn giữ được tính chất cội nguồn của mình và có thể phát triển những nét chung trong điều kiện hợp nhất của liên minh bộ lạc, nhưng dầu sao liên minh bộ lạc cũng chỉ có tính chất "liên minh", thường là tạm thời cho nên ngôn ngữ riêng của từng bộ lạc vẫn giữ vai trò chủ yếu.
1.2. Ngôn ngữ khu vực
Các bộ lạc, bộ tộc, liên minh bộ lạc đến một lúc nào đó thì tan rã, nhường bước cho sự ra đời của các dân tộc. Sự xuất hiện và phát triển của các dân tộc gắn liền với việc mở rộng và tăng cường các mối liên hệ kinh tế, chính trị và nhà nước.
Dân tộc là một khối cộng đồng ổn định, hình thành trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về ngôn ngữ, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về cấu tạo tâm lí biểu hiện bằng cộng đồng về văn hoá. Như vậy, dân tộc có thể bao gồm các bộ lạc hoàn toàn khác nhau, nói tiếng khác nhau (chẳng hạn, dân tộc Ý hiện đại là do người La Mã, Germanic, Estrcans, Hi Lạp và A-rập hợp thành; dân tộc Pháp là do người Gô-loa (Gaul), La Mã, Breton, Germanic v.v… hợp thành) và cộng đồng ngôn ngữ là một trong những đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên, sự hình thành của dân tộc và ngôn ngữ dân tộc là cả một quá trình, nó tất phải trải qua những bước quá độ. Trước khi thống nhất thành ngôn ngữ chung của toàn dân tộc đã diễn ra sự thống nhất ngôn ngữ trong phạm vi từnh khu vực. Ngôn ngữ khu vực chính là bước quá độ trên con đường phát triển ngôn ngữ dân tộc. Nếu thời cộng sản nguyên thuỷ, mỗi bộ lạc sống tách riêng khỏi bộ lạc khác, giữa các địa phận cư trú riêng của mỗi bộ lạc là một miền đất đai rộng lớn không thuộc về ai cả, thì sau này do sự phát triển của kinh tế, sự phát triển của thủ công nghiệp, do sự phân hoá trong nội bộ các bộ lạc thành giai cấp v.v… mà hình thức cư trú tách biệt đó không còn nữa. Các thị tộc, bộ lạc ở xen kẽ nhau trong một khu vực. Những mối liên hệ với thị tộc, bộ lạc dần mất đi, nhường chỗ cho những môi liên hệ mới về kinh tế, chính trị, giữa những người thuộc các thị tộc, bộ lạc khác nhau cùng sống trong một khu vực. Nhu cầu đó đòi hỏi phải có ngôn ngữ thống nhất và ngôn ngữ của từng khu vực đã ra đời. Ngôn ngữ khu vực là phương tiện giao tiếp chung của tất cả mọi người trong một vùng, không phân biệt thị tộc hay bộ lạc. Nó là tiếng nói trên bộ lạc. Các ngôn ngữ khu vực nằm trong một quốc gia thống nhất, về kết cấu, có thể rất gần nhau như các tiếng địa phương ở Nga, có thể rất xa nhau như các tiếng địa phương ở Đức hay Trung Quốc.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 35–37
Đọc thêm: Diễn tiến của ngôn ngữ