Để hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ, cần phải làm sáng tỏ hai vấn đề: điều kiện này sinh ngôn ngữ, và tiền thân của ngôn ngữ là những cái gì? Sở dĩ các giải thuyết đã được giới thiệu hoặc sai lầm hoặc không hoàn toàn đúng vì chưa phân biệt được hai vấn đề đó.
1. Điều kiện nảy sinh ra ngôn ngữ
Chúng ta có thể khẳng định rằng ngôn ngữ ra đời hoàn toàn không phải do ý muốn bắt chước âm thanh của tự nhiên hay nhu cầu biểu hiện cảm xúc của người nguyên thuỷ. Ngôn ngữ ra đời cũng không phải do sự cần thiết phát ra những tiếng kêu trong lao động tập thể, do khế ước xã hội hay nhu cầu giao tiếp của các đạo sĩ với các vật tổ.
Bắt chước âm thanh không thể coi là điều kiện nảy sinh ra ngôn ngữ, bởi vì bản thân sự bắt chước âm thanh không nói lên sự bắt chước như vậy là để làm gì. Nhu cầu biểu hiện tình cảm cũng không phải là điều kiện nảy sinh ra ngôn ngữ. Nếu loài người chỉ vì biểu hiện tình cảm mà tạo nên ngôn ngữ thì về căn bản loài người không thể tạo ra ngôn ngữ được bởi vì họ sớm đã có công cụ để biểu hiện tình cảm rồi. Thuyết tiếng kêu trong lao động dường như cũng nói đến nhu cầu phối hợp lẫn nhau trong lao động tập thể nhưng vẫn không nói rõ được điều kiện nảy sinh của ngôn ngữ bởi vì nếu như vậy thì những động vật có thể phát ra tiếng thở và có đời sống tập thể cũng có thể tạo ra ngôn ngữ. Thuyết khế ước xã hội lại còn phi lí hơn bởi vì muốn có khế ước xã hội để tạo ra ngôn ngữ thì phải có ngôn ngữ đã. Người nguyên thuỷ chưa có ngôn ngữ không thể bàn bạc với nhau về phương án tạo ra ngôn ngữ được. Còn về nhu cầu nói chuyện giữa các đạo sĩ với thần thánh mà Marr đưa ra thì chẳng cần bàn đến làm gì vì không có thần thánh. Dù cho mê tín, người nguyên thuỷ tin có thần thánh chăng nữa, cái gọi là nhu cầu đó cũng không thể thúc đẩy tạo ra ngôn ngữ bởi vì không phải ai cũng là đạo sĩ, mà ngôn ngữ thì mọi người đều vận dụng. Hơn nữa, những tài liệu thu được khi khai quật kim tự tháp Ai Cập đã chứng minh rằng phù chú của các đạo sĩ cổ xưa nói chung là một loại biến hình của ngôn ngữ toàn dân.
Tóm lại, tất cả những giải thuyết trên đây đều không giải thích được ngôn ngữ đã nảy sinh trong điều kiện nào. Người giải thích một cách khoa học, sâu sắc cái điều kiện tạo ra ngôn ngữ của loài người chính Engels. Trong cuốn "Tác dụng của lao động trong sự chuyển biến từ vượn thành người", ông viết: “Đem so sánh con người với các loài động vật, ta sẽ thấy rõ rằng ngôn ngữ bắt nguồn từ trong lao động và cùng nảy sinh với lao động, đó là cách giải thích duy nhất đúng về nguồn gốc của ngôn ngữ” (1). Như vậy, theo Engels, lao động chẳng những là điều kiện nảy sinh ra con người mà còn là điều kiện sáng tạo ra ngôn ngữ nữa. Vì sao vậy?
Bước quyết định trong quá trình vượn biến thành người là sự kiện đôi tay được giải phóng. Nhờ có đôi bàn tay được giải phóng. Nhờ có đôi bàn tay được giải phóng, con người có thể chế tạo ra công cụ lao động, điều mà bất cứ một loài vượn nào cũng không thể làm được. Nhờ có công cụ lao động mà lao động của con người trở thành lao động có sáng tạo, khác hẳn với lao động bản năng của con vật. Kiến trúc của loài ong và loài kiến cũng khá tinh vi, nhưng chúng không có sáng tạo, không tự giác. Chúng chỉ lao động bằng cơ quan thuần tuý sinh vật học chứ không có công cụ cho nên không có sự tiến bộ nào trong lao động, mãi nghìn năm sau chúng vẫn làm như bây giờ mà thôi. Nhờ lao động bằng công cụ mà tư duy của con người đã phát triển. Engels viết: “Dần dần với sự phát triển của bàn tay và với quá trình lao động, con người bắt đầu thống trị giới tự nhiên và sự thống trị đó, cứ mỗi lần tiến lên một bước, là nó mở rộng thêm tầm mắt của con người. Trong các đối tượng tự nhiên, con người luôn luôn phát hiện ra được những đặc tính mới mà từ trước đến nay chưa từng được biết đến” (2). Chỗ khác, Engels cũng nói, cơ sở mật thiết nhất, bản chất nhất của tư duy con người lại chính là sự biến đổi của giới tự nhiên mà con người gây ra chứ không phải chỉ bản thân giới tự nhiên; trí tuệ con người phát triển nhờ vào việc con người đã biết thay đổi giới tự nhiên như thế nào. Như vậy, theo Engels, năng lực tư duy trừu tượng của con người đã lớn lên cùng lao động. Nhưng, tư duy không thể tồn tại trần trụi, thoát khỏi ngữ liệu, cho nên tư duy hình thành thì ngôn ngữ cũng ra đời. Ngôn ngữ cũng cổ xưa như ý thức vậy. Trên lí luận, người ta học hỏi cách đem những vật ngoại giới có thể thoả mãn nhu cầu của mình phân biệt với hết thảy những vật khác. Sau này, khi đã đạt được tới một mức độ phát triển nào đó, và sau khi những nhu cầu của mình và những hình thái hoạt động để thoả mãn những nhu cầu của mình đều tăng lên dần và phát triển thêm một bước nữa, thì người ta lại đặt cho cả một loạt sự vật những tên gọi khác nhau và người ta căn cứ vào kinh nghiệm đã có mà phân biệt các sự vật đó với những sự vật khác của ngoại giới.
Mặt khác, ngôn ngữ chỉ sinh ra là do nhu cầu, do sự cần thiết phải giao tiếp. Nhu cầu giao tiếp ấy của con người cũng lại do lao động quyết định. Sự phát triển của lao động đã đưa đến kết quả tất yếu là thắt chặt thêm những mối quan hệ giữa các thành viên của xã hội, bằng cách tạo ra rất nhiều trường hợp để cho con người giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau, và làm cho mỗi cá nhân càng ngày càng có ý thức rõ rệt hơn đối với lợi ích của sự hợp tác ấy. Tóm lại, những con người đang được hình thành đó đã đạt đến mức đối với nhau họ có những điều cần phải nói mới được. Do tư duy trừu tượng phát triển nên nội dung mà con người cần trao đổi với nhau ngày càng phong phú. Ngược lại, nhu cầu giao tiếp càng phong phú đòi hỏi tư duy trừu tượng phát triển hơn.
Rõ ràng, lao động quyết định sự ra đời của ngôn ngữ. Một mặt, lao động làm cho người ta cần thiết phải có ngôn ngữ để nói với nhau, mặt khác, lao động làm cho người ta cần phải có ngôn ngữ để tiến hành tư duy, hình thành tư tưởng, lấy nó làm nội dung giao tiếp với nhau.
Như vậy, lao động quyết định nhu cầu tạo ra ngôn ngữ. Nhưng chỉ có nhu cầu vẫn chưa có ngôn ngữ mà con người còn phải có khả năng tạo ra ngôn ngữ nữa. Khả năng tạo ra ngôn ngữ của con người nguyên thuỷ cũng bắt nguồn từ lao đông. Muốn có ngôn ngữ phải có tư duy trừu tượng và khả năng phát âm rõ ràng, có như vậy thành quả của tư duy trừu tượng mới trở thành yếu tố ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Trong khi vạch ra tác dụng của lao động trong việc hình thành tư duy trừu tượng mới trở thành yếu tố ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Trong khi vạch ra tác dụng của lao động trong việc hình thành tư duy trừu tượng, Engels đồng thời cũng chỉ ra quá trình hoàn thiện của cơ thể con người nhờ lao động. Sau cuộc tranh chấp hàng nghìn năm, khi tay phân biệt với bàn chân và dáng đi thẳng đứng của mình được xác định thì con người tách ra khỏi loài vượn và có cơ sở để phát triển ngôn ngữ từng âm tiết tách biệt. Trong cuốn "Tác dụng của lao động trong sự chuyển biến từ vượn thành người", ông phân tích cụ thể hơn tác dụng của lao động đối với sự hoàn thiện cơ quan phát âm của con người: cái hầu quản chưa phát triển của loài vượn nhờ uốn giọng mà đã biến đổi dần dần nhưng chắc chắn, để có thể thích ứng với một lối phát âm ngày càng phát triển thêm mãi, và các khí quan của mồm cũng dần dần luyện tập được cách phát ra lần lượt các âm gãy gọn. Nếu loài vượn trước đây cứ mãi mãi đi bốn chân mà không bao giờ đứng thẳng mình lên được thì con cháu của nó – tức là loài người – sẽ không thể nào tự do sử dụng bộ phổi và các thanh hầu của mình được và do đó sẽ không thể nào nói được, như thế về căn bản, sẽ có thể làm chậm sự phát triển ý thức của loài người.
Tóm lại, bản thân con người cũng như tư duy trừu tượng và ngôn ngữ của nó cùng ra đời một lúc dưới tác dụng của lao động. Ngôn ngữ và tư duy trừu tượng của con người là dấu hiệu phân biệt con người và con vật. Ngôn ngữ âm thanh luôn luôn là ngôn ngữ duy nhất của con người.
(1) Mác, Ăngghen, Lênin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, H., 1992, trang 15.
(2) Sđd. trang 15
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 29–32
Đọc tiếp: Tiền thân của ngôn ngữ loài người
Đọc thêm: Nguồn gốc và diễn tiến của ngôn ngữ