2. Tiền thân của ngôn ngữ loài người
Mệnh đề ngôn ngữ bắt nguồn từ trong lao động thực ra chỉ mới khẳng định điều kiện nảy sinh ngôn ngữ chứ chưa nói rõ ngôn ngữ đã nảy sinh từ cái gì. Những giải thuyết về nguồn gốc ngôn ngữ của ngôn ngữ trước Mác, nếu như không giải thích được những điều kiện tạo ra ngôn ngữ thì ít nhiều đều hướng về tiền thân của ngôn ngữ loài người. Hiển nhiên, tiền thân của ngôn ngữ không thể là tư thế của tay hay của thân thể như Marr và môn phái của ông chủ trương. Thừa nhân tư thế của tay hay của thân thể là tiền thân của ngôn ngữ là chưa có cơ sở. Lịch sử không hề biết có một xã hội loài người nào dù lạc hậu đến đâu chăng nữa lại không có ngôn ngữ thành tiếng. Nhân chủng học không hề biết có một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu nào, dù cổ lỗ hay còn cổ lỗ hơn người châu Úc hay dân Đất lửa thế kỉ trước chẳng hạn, lại không có ngôn ngữ thành tiếng. Cho nên, giả thuyết lúc đầu con người chưa có ngôn ngữ thành tiếng và tư duy trừu tượng, muốn diễn đạt cái tư duy tiền logic đó người ta dùng ngôn ngữ cử chỉ, tức là dùng tư thế của tay, của thân thể, thậm chí của mắt để tỏ ý nhất định, nhưng những cử chỉ đó và âm thanh của ngôn ngữ không có tính chất kế thừa lịch sử nào bởi vì cử chỉ dựa vào ấn tượng thị giác còn ngữ âm dựa vào ấn tượng thính giác.
Một số người căn cứ vào sự khác nhau về bản chất và chức năng của ngôn ngữ với các âm được bắt chước, tiếng kêu trong lao động và tiếng kêu cảm thán để phủ nhận giá trị tiền thân của những thứ đó là không đúng. Người và vượn cũng khác nhau về chất nhưng vượn vẫn là tiền thân của người; chữ viết và đồ hoạ nguyên thuỷ khác nhau về chất nhưng đồ hoạ nguyên thuỷ vẫn là tiền thân của chữ viết.
Theo chúng tôi, ngôn ngữ với tư cách là hệ thống tín hiệu thứ hai phải bắt nguồn từ hệ thống tín hiệu thứ nhất ở con người. Hệ thống tín hiệu thứ nhất là tất cả những ấn tượng, cảm giác và biểu tượng thu được từ bối cảnh tự nhiên bên ngoài thông qua những phản xạ, kích thích ở dạng mọi cảm giác: thính giác, thị giác, xúc giác… Hệ thống tín hiệu thứ nhất tiến hành giao tiếp trong phạm vi tư duy hình tượng, một mặt nó lấy hình tượng mà bộ máy cảm giác nhận được làm cái biểu hiện còn cái được biểu hiện là tư duy hình tượng. Sự giao tiếp như vậy rất đơn sơ vì nó không có tư duy trừu tượng. Nhưng dầu sao cũng vẫn có tác dụng giao tiếp. Chẳng hạn, một người nguyên thuỷ kêu lên một tiếng, những người khác lập tức xúm lại, bởi vì tiếng kêu đó làm cho người khác biết là có thức ăn… Phạm vi của hệ thống tín hiệu thứ nhất ở con người nguyên thuỷ rất rộng. Bất cứ hình tượng nào mà bộ máy cảm giác hình thành nên đều có thể trở thành "cái biểu hiện" của hệ thống tín hiệu thứ nhất. Nhưng không phải ngôn ngữ bắt nguồn từ tất cả hệ thống tín hiệu thứ nhất. Vì ngôn ngữ lấy ngữ âm làm vật kích thích vật chất, lấy khái niệm làm nội dung chính của những vật kích thích ấy, cho nên chỉ bộ phận hệ thống tín hiệu thứ nhất nào có tác dụng giao tiếp lấy âm thanh làm vật kích thích mới trở thành ngôn ngữ.
Như vậy, có thể một phần của sự bắt chước âm thanh là nguồn gốc của một số thành phần ngôn ngữ. Nhưng phải là những âm thanh mà con người mô phỏng âm thanh do sự vật phát ra để làm tín hiệu giao tiếp. Sự bắt chước âm thanh theo cách hiểu của Platon và Augustin thời cổ đại, cũng như sự bắt chước âm thanh với tư cách là dùng đặc điểm của tư thế bộ máy phát âm để mô phỏng đặc điểm của sự vật khách quan không thể là tiền thân của ngôn ngữ. Ngay chúng ta vẫn chưa lí giải được rõ ràng những mối quan hệ tượng thanh ấy, huống hồ là người nguyên thuỷ thời xưa.
Tương tự, những bộ phận tiếng kêu trong lao động, tiếng kêu cảm thán có tác dụng giao tiếp với tư cách là hệ thống tín hiệu thứ nhất, đều có thể trở thành những bộ phận cấu thành của ngôn ngữ sau này.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 32–33
Trở lại: Điều kiện nảy sinh ra ngôn ngữ
Đọc thêm: Nguồn gốc và diễn tiến của ngôn ngữ