Trong khi đem lại cho khoa học ngôn ngữ cái vị trí đúng của nó trong toàn bộ việc nghiên cứu hoạt động ngôn ngữ, chúng tôi cũng đã đồng thời xác định vị trí cho cả khoa ngôn ngữ học. Tất cả các yếu tố khác của hoạt động ngôn ngữ, vốn là nội dung của lời nói, đều tự nó đến quy phục ngành khoa học này, và chính nhờ sự quy phục này mà tất cả các bộ phận của ngôn ngữ học có được vị trí tự nhiên của nó.
Ta thử xét việc cấu tạo những âm thanh cần thiết cho lời nói, chẳng hạn: các khí quan phát âm cũng ở bên ngoài ngôn ngữ, như những khí cụ điện lực dùng để chuyển đạt hệ thống tín hiệu Morse vốn ở bên ngoài hệ thống này; và cách phát âm, nghĩa là cách thực hiện các hình tượng âm, không hề có ảnh hưởng gì đến bản thân hệ thống ngôn ngữ. Về phương diện này, có thể so sánh ngôn ngữ với một bản giao hưởng, mà tính hiện thực vốn độc lập với cách trình tấu; những lỗi lầm mà các nhạc công có thể mắc phải trong khi trình tấu không hề làm cho hiện thực đó suy giảm chút nào.
Để bác lại việc tách rời quá trình phát âm ra khỏi ngôn ngữ, có lẽ người ta sẽ dẫn ra những hiện tượng chuyển biến âm, những sự biến dạng âm diễn ra trong lời nói, vốn có ảnh hưởng sâu sắc như vậy đối với vận mệnh bản thân ngôn ngữ. Liệu nói như chúng tôi, rằng ngôn ngữ tồn tại độc lập với những hiện tượng này, có thật là đúng hay không? Đúng, bởi vì những hiện tượng này chỉ tác động đến chất liệu vật chất của các từ. Nếu nó động chạm đến ngôn ngữ với tính cách là hệ thống tín hiệu, thì cũng chỉ là một cách gián tiếp, do sự thay đổi cách thuyết minh vốn từ đấy mà ra; song hiện tượng này lại không hề có tính chất ngữ âm học. Đi tìm những nguyên nhân của sự thay đổi này có thể là một việc làm lí thú, và việc nghiên cứu các âm sẽ giúp ta làm việc này; nhưng cái đó không phải là cốt yếu: đối với khoa học ngôn ngữ, bao giờ cũng chỉ cần nhận thức được những chuyển biến âm và ước lượng những hiệu quả của nó.
Và những điều chúng tôi nói về quá trình phát âm có thể đem ứng dụng cho những bộ phận khác của lời nói. Hoạt động của người nói phải được nghiên cứu trong một tổ hợp gồm những ngành học chỉ có địa vị trong ngôn ngữ học mối liên hệ của nó với ngôn ngữ.
Vậy việc nghiên cứu hoạt động ngôn ngữ gồm có hai bộ phận: bộ phận thứ nhất, bộ phận chủ yếu, thì đối tượng là ngôn ngữ, vốn có tính chất xã hội tự bản chất và vốn độc lập với cá nhân; bộ phận nghiên cứu này có tính chất thuần tuý tâm lí; bộ phận thứ hai, bộ phận thứ yếu, thì đối tượng là phần cá nhân trong hoạt động ngôn ngữ, nghĩa là lời nói, trong đó có cả quá trình phát âm: nó có tính chất tâm lí-vật lí.
Tất nhiên, hai đối tượng này gắn bó khăng khít với nhau và giả định lẫn nhau: ngôn ngữ là cần thiết để cho lời nói có thể hiểu được và gây được tất cả những hiệu quả của nó; nhưng lời nói lại cần thiết để cho ngôn ngữ được xác lập; về phương diện lịch sử, sự kiện của lời nói bao giờ cũng đi trước. Làm sao người ta lại có thể nảy ra cái ý đem một khái niệm liên hệ với một hình tượng ngôn ngữ, nếu thoạt tiên người ta không gặp sự liên hệ này trong một hành động nói năng? Mặt khác, chúng là bằng cách nghe những người khác nói mà ta học tiếng mẹ đẻ; thứ tiếng này chỉ dần dần đọng lại trong óc ta sau vô số kinh nghiệm. Cuối cùng, chính lời nói làm cho ngôn ngữ biến hoá: chính những ấn tượng nhận được trong khi nghe người khác nói làm thay đổi những tập quán ngôn ngữ của chúng ta. Như vậy, có sự lệ thuộc lẫn nhau giữa ngôn ngữ và lời nói; ngôn ngữ vừa là công cụ vừa là sản phẩm của lời nói. Nhưng mặc dầu có những mối liên hệ đó, ngôn ngữ và lời nói vẫn là hai sự vật hoàn toàn tác biệt đối với nhau.
Ngôn ngữ tồn tại trong tập thể dưới dạng thức một tổng thể những dấu vết đọng lại trong mỗi bộ óc, đại loại nhưng một pho từ điển mà tất cả các bản in, vốn giống hệt nhau, được phân phối cho từng cá nhân. Vậy đó là một cái gì có mặt trong mỗi cá nhân, trong khi vẫn là cái chung cho mọi người và ở bên ngoài ý chí của những người bảo quản nó. Phương thức tồn tại này của ngôn ngữ có thể trình bày theo công thức:
1 + 1 + 1 + 1 … = (mẫu tập thể)
Lời nói có mặt trong tập thể ấy như thế nào? Nó là cái tổng thể của những điều mà người ta nói, và gồm có: a) những cách kết hợp của cá nhân, tuỳ theo ý của những người nói, b) những hành động phát âm cũng tuỳ ý như vậy, cần thiết cho việc thực hiện những cách kết hợp này.
Như vậy, trong lời nói không có gì là tập thể cả; những biểu hiện của nó đều có tính chất cá nhân và nhất thời. Ở đây không có gì hơn là cái tổng sổ những trường hợp cá biệt theo công thức:
(1 + 1′ + 1” + 1”’…)
Vì tất cả những lí do đó, nếu gộp ngôn ngữ và lời nói vào một quan điểm duy nhất, thì thật là không tưởng. Toàn thể hoạt động ngôn ngữ gộp chung lại là một cái gì không thể biết được, vì nó không đồng chất, còn cách phân biệt và sự phụ thuộc đã đề nghị trên đây làm cho mọi sự trở nên sáng sủa.
Đó là cái ngã ba đường mà người ta gặp ngay khi tìm cách xây dụng lí luận về hoạt động ngôn ngữ. Cần phải chọn lựa giữa hai con đường, không thể nào cũng một lúc đi theo cả hai đường; chỉ có thể đi riêng từng đường một mà thôi.
Có thể tạm giữ danh từ “ngôn ngữ học” cho cả hai ngành học và nói đến một ngành ngôn ngữ học của lời nói. Nhưng không nên lẫn lộn nó với cái ngành thực sự là ngôn ngữ học mà đối tượng duy nhất là ngôn ngữ.
Chúng tôi sẽ chỉ xét đến ngành học này mà thôi, và nếu trong quá trình chứng minh chúng có lợi dụng được ánh sáng của nghiên cứu lời nói, thì chúng tôi sẽ cố gắng làm sao đứng bao giờ xoá nhoà đường ranh giới giữa hai lĩnh vực đó.
* F. de Saussure. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1973, trang 43–46.