I. Ngôn ngữ
Kinh Thánh kể về chuyện con cháu nhà Noé định xây một cái tháp để lên thăm lại Vườn Eden – nước Thiên đàng sung sướng ngày xưa; nhưng Chúa đã trừng phạt ý định ngông ngạo đó bằng cách làm lộn xộn tiếng “Esperanto” của Ngài đi để con người không bao giờ có thể thực hiện được ý định đó nữa. (Từ bấy, Tháp Babel đi vào điển tích có nghĩa là lộn xộn, mất trật tự; còn có nghĩa là không tưởng). Thế là con người không còn thông cảm được với nhau và coi đó là sự trừng phạt của Chúa.
Song, ngay cả tiếng Esperanto – ngôn ngữ nhân tạo do Zamenhof đã nghĩ ra vào năm 1887 cũng không cứu vãn được tình trạng “lộn xộn”, “mất trật tự” đó. Mỗi quốc gia, cộng đồng vẫn nói tiếng nói của mình.
“Hiện tượng lẫn lộn tiếng nói diễn ra sau ý đồ xây dựng tháp Babel đánh dấu việc đa dạng hoá ngôn ngữ và do đó, truyền thống nguyên thuỷ cũng trở nên đa dạng. Đó là hệ quả của việc tâm trí con người trở nên tối tăm, khiến cho ngôn ngữ đã chuyển dần từ thống nhất thành đa dạng: đây có lẽ là một quá trình tiến hoá bình thường, chứ không chỉ là sự trừng phạt của Chúa Trời. Mallarmé đã viết: “Các ngôn ngữ đều không hoàn chỉnh vì là có nhiều, mà không có một ngôn ngữ tuyệt đỉnh…”(1).
Trong Tạp chí Người đưa tin, Unesco, số 2/1994, Peter Muhlhausler đã cho rằng: bảo tồn sự đa dạng về ngôn ngữ cũng là cách bảo tồn sự đa dạng về cách thức tri nhận thế giới. Người sử dụng ngôn ngữ nào thì có cách tri nhận thế giới theo ngôn ngữ đó: tiếng xứ Wales đã không phân biệt giữa xanh da trời với xanh lá cây và chỉ gọi gọn là glas “vì trong thực tế họ đã không chú ý tới sự khác nhau đó”.
Ngày nay mỗi dân tộc vẫn coi bản ngữ của mình là đẹp nhất thế giới. Trong người Việt chúng ta cái cảm thức về ngữ nghĩa và âm hưởng cao rộng của hai chữ “bầu trời” rất khác âm vang của từ này cùng nghĩa trong các tiếng Pháp, tiếng Rumani, tiếng Anh (“le ciel”; “cerul”; “the sky”). Đó là tính chất võ đoán (chủ quan) của ngôn ngữ: cùng một sự vật, hiện tượng lại được gọi khác nhau. Câu nói của Hugo: “Có từ như một ánh nhìn, có từ như một nụ cười”(2) là nói đến ngôn ngữ của đồng bào ông mà một người ngoại quốc dẫu rất giỏi tiếng Pháp cũng chưa chắc có được cảm thức đó. Rimbaud còn “thấu thị” được màu sắc ngay cả ở những nguyên âm. Sau này Proust còn cảm nhận được màu sắc, hình thái của những tên riêng (con người, địa lí). Âm vang của từ ngữ mang nghĩa do chính cảm thức, quán tính của cộng đồng.
Ngôn ngữ – “cái sản phẩm xã hội lưu giữ trong óc mỗi người” của mỗi cộng đồng là một “con bài bắt buộc” để các thế hệ sau cứ thế mà sử dụng; và là “sự chấp nhận trong một tập thể”, là “một cái gì người ta phải chịu chứ không phải là một quy tắc tự nguyện” (3). Xin lưu ý: các nhà ngôn ngữ học trên thế giới đều thống nhất: “Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu, khẩu ngữ, võ đoán dùng trong các hoạt động giao tiếp của con người” (4). Theo đó, “ngôn ngữ” được hiểu là “lời nói” mà không phải là “chữ viết”.
Lời nói có trước, chữ viết có sau. Tôi coi “chữ” là cái “bóng” của “lời”, như chúng ta phải ra đời rồi mới có cái bóng của mình. “Tử ngữ” là “cái bóng” đã nằm im hay tiếng vang trầm đục vọng tới chúng ta từ một sinh ngữ trong quá khứ. Từ đây, để tránh lầm lẫn giữa “lời” và “chữ”, trong bài viết tôi sẽ thống nhất cách dùng: ngôn ngữ (language – lời nói, tiếng); ngôn từ (language verbal – chữ viết).
Đứa trẻ học nói trước khi học đọc, học viết. Lớn lên nó đi học, biết đọc, biết viết rồi giỏi giang, được coi là người “có chữ”, ngày xưa gọi là người “quân tử”. Kẻ “tiểu nhân” thấy người quân tử từ xa phải vái chào. Quân tử được trọng vọng và được khao khát trong ca dao: “Một đêm quân tử nằm kề/Còn hơn thằng ngọng vỗ về quanh năm” (5). Sự khao khát tinh khiết đó của các cô gái là có lí: ngoài địa vị xã hội, tiền của… người “quân tử” còn nói năng dễ nghe hơn “thằng ngọng” – (đương nhiên, không ai ngây thơ hiểu theo nghĩa đen của từ này). Do áp lực của cặp đối lập “quân tử”/“thằng ngọng” mà ta đã bắt đầu đoán ra được ẩn ý trong câu ca dao trên. Đó là: bằng trực giác, dân gian đã khái quát được con đường đi của “chữ”. “Chữ” vào đầu rồi ra miệng thành “lời” mềm mại “vỗ về” con người.
“Chữ” tác động trở lại cấu trúc nhân cách, trí tuệ.
II. Nhà thơ: từ ngôn ngữ đến ngôn từ thơ
Nhà thơ sẽ tính sao trước “con bài bắt buộc” đó? Con đường dẫn đến bài thơ như thế nào? Bài thơ được làm bằng gì? Chúng ta đã quá quen với việc đọc bài thơ bằng văn bản chữ. Và tưởng đâu đó là câu trả lời. Nhưng có bài thơ chỉ thấy chữ mà không có thơ; và ngược lại, có bài thơ “không có chữ” hay ta quên mất chữ mà lại rất thơ đã khiến ta phải đặt lại vấn đề sáng tạo thơ.
1. Bi kịch thứ nhất của nhà thơ: vật chất hoá “tiếng lòng”
Mọi bài thơ về tình yêu đều chỉ gói gọn trong một câu: “Anh yêu em” (Jacobson). Nhưng không bài nào giống bài nào do “tiếng lòng” của riêng mỗi nhà thơ trước đối tượng yêu. Nói “tiếng lòng” là bao gồm nhiều thứ, trong đó, “tức cảnh sinh tình” là một động lực: một cơn gió thu se lạnh, một tiếng còi tàu, một sớm mùa đông, một ánh mắt, một nụ cười thoáng gặp, một bài hát xưa cũ… Đã có nhiều “Mùa thu” đi vào trong thơ, nhưng “ngữ pháp” của “tiếng lòng” mỗi nhà thơ không giống nhau nên ta đã có những bài thơ thu khác nhau.
Song giữa việc xúc động của “tiếng lòng” với việc “vật chất hoá” nó ra trên trang giấy là hai chuyện khác nhau. Sắp xếp “tiếng lòng” như thế nào cho hay, cho du dương hay có vần điệu để có được “cái thú được nghe lời mình nói” là một việc làm nhọc lòng, nhưng tự nguyện.
Thơ là tự giác. Không ai bắt nhà thơ ngồi vào bàn gửi gắm tâm sự của mình. “Tiếng lòng” giống như những sợi tơ lóng lánh sẽ theo ngòi bút chảy xuống trang giấy “bện” thành các con chữ. Chữ viết là hình thức vật chất hoá ý nghĩ, tư tưởng. Ngôn từ thơ “photo” lại “tiếng lòng” của nhà thơ.
Ai đã sáng tác đều đã có những lúc chập chờn, mộng mị giữa “tiếng lòng” xôn xao với con chữ như lửa với gió: cả hai đều không cầm nắm được. Bài học “thôi”, “xao” của Giả Đảo ngày xưa. Nhà thơ phải làm mới ngôn từ để không bị sáo, rỗng, mòn. Mỗi thời đại có những “hình thái tu từ” (figure de rhétorique) của mình để mang đến một “thực tại” và hình thức mới cho thơ. Giờ đây nhà thơ sẽ rất ít dùng “tình xuân”, “chiều mộng”, “cõi đời”, “xuân hồng”, “giọt lệ”, “giọt châu”, “nét thu”, “mắt nhung”,… với những “chàng”, “nàng” nữa nếu không để đùa vui hay giễu nhại. Trong cuộc sống hôm nay chắc không chị em nào tiễn chồng hay người yêu sang Pháp, lại bịn rịn vẫy tay “chia li” ở sân bay Nội Bài bằng câu: “Chàng đi chân cứng đá mềm nhé. Đến nơi nhớ nhắn tin nhạn về cho thiếp và các con đỡ ngày ngóng đêm mong, giọt sầu vời vợi, dầu hao bấc gầy…”.
Tự thân những từ ngữ, hình ảnh trên không có “tội”, chỉ do thời đại từ chối chúng. Vấn đề thời gian đã nằm ngay trong ngôn ngữ. Nhà thơ phải vượt lên thời gian để lao động thơ.
2. Bi kịch thứ hai của nhà thơ: lao động ngôn từ
Nhà thơ phải tạo ra từ ngôn ngữ chung một thứ “phương ngữ” mang dấu ấn, “thương hiệu” riêng. Giống như đứa trẻ bập bẹ hoặc con người trong buổi bình minh của nhân loại, anh ta tìm cách gọi tên các sự vật, hiện tượng. Thơ vốn được coi là “một ngôn ngữ bí mật”, nhà thơ lao động trên sự bí mật đó. Cái “ngu dại” của nhà thơ chính là ở công việc lao động khổ sai này: anh ta đã không chịu “ăn sẵn” tiếng nói đã tiếp thu từ các thế hệ trước, mà lại đi tìm cách biểu đạt khác, võ đoán về cùng một vấn đề.
Ngôn ngữ được “nâng cấp” trở thành ngôn từ thơ.
Nhà thơ “nhặt” tiếng nói thông tục, hằng ngày đặt cạnh nhau: nhìn nắng anh ta không sợ nhức đầu hay đen da mà lại thấy là “nắng thuỷ tinh”, “vàng bay trong nắng”, “đất thêu nắng”, “nắng tưới”, tôi còn thấy ở Đà Lạt có “nắng lạnh”…; nhìn buổi chiều nhà thơ thấy “chiều lỡ thì”, “chiều mồ côi”; nhìn sương, lại thấy là “sương trinh”, “sương âu yếm”; nhìn mưa, nhà thơ thấy “mưa ái phi”, “mưa sành sứ”, “mưa hoa nhài”…; rồi đến trăng thì nhiều vô kể… Khi lựa chọn những nắng, chiều, sương, mưa để kết hợp với các từ khác thì bỗng nhiên tính võ đoán – “con bài bắt buộc” của ngôn ngữ – bị phá vỡ, bị rơi vào thế tuỳ tiện, không còn nét nghĩa “nhất thành bất biến” nguyên trạng nữa. Một “thực tại” mới đã hiện ra.
Nhà thơ là người viết đè một ngôn từ khác lên tiếng nói sẵn có của cộng đồng: cái bóng mờ ở hậu cảnh là bản ngữ – ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, nôm na. Anh ta phải lao động cật lực mới mong có được ngôn từ mới cho thơ trong những kết hợp “siêu hình” giữa các từ ngữ. Nhưng khi đã thành tựu, thì hạnh phúc là vô biên. Chỉ có người lao động khổ sai với nó mới hưởng thụ được hết vị ngọt ngào và cay đắng mà nó đem lại. Và do đó, anh ta giàu có hơn, phong phú hơn.
“Chơi với từ không phải là một lạc thú vớ vẩn, mà là cả một hội hè của trí tuệ, bởi vì có ngôn ngữ mới, ta có những tri thức mới”(6).
3. Bài thơ
Khó gọi đích danh: Thơ là gì? Nhưng tham vọng của con người lại là đi tìm cái không thể nắm bắt được đó. “Thơ là sự phân vân giữa âm và nghĩa” (P.Valéry); “Văn xuôi thuộc phía Con người, Thơ ca thuộc phe Thượng đế” (J-P.Sartre); “Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mĩ của nó” (Jacobson); làm thơ là “gán ý nghĩa và nhiệt tình cho những vật vô tri vô giác và là một đặc tính của nhi đồng” (Vico); “Làm thơ là nói để được cái thú nghe lời mình nói. Yêu thơ là yêu những lời nói đẹp”; “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”… Chính định nghĩa của Sartre đã tôn vinh nhà thơ – người sánh vai với Chúa sáng tạo ra ngôn ngữ.
Nhưng, thơ lại được sáng tạo trên sự võ đoán của ngôn ngữ, nên việc định nghĩa nó cũng không thể không rơi vào võ đoán. Mỗi bài thơ hay đều đề nghị một định nghĩa. Vẻ đẹp của thơ là tự trị, không chia sẻ. Nếu coi mỗi bài thơ là một từ vựng (vocabulaire) – cái biểu đạt để định danh cái được biểu đạt thì tính cách võ đoán của mỗi “từ vựng-thơ” đó là tuỳ thuộc vào “tiếng lòng” (chủ quan) của nhà thơ. Có bao nhiêu nhà thơ thì có bấy bài thơ về tình yêu, chiến tranh, tổ quốc, mùa thu, lòng yêu nước,… bấy nhiêu sự võ đoán phong phú, đa dạng như trên 2500 ngôn ngữ trên hành tinh này.
Mỗi bài thơ hay là một định nghĩa cho thơ.
Về cơ bản, ngữ pháp của thơ khác với ngữ pháp điển phạm của văn xuôi. “Ngữ pháp-tiếng lòng” cùng với văn hoá của nhà thơ làm nên “giọng” hay “phong cách” (style) riêng. Đến lượt mình, vốn văn hoá, sự trải nghiệm tác động trở lại cấu trúc “tiếng lòng” của nhà thơ như con đường của “chữ” với người “quân tử” bên trên. Các nhà thơ lớn trên thế giới đều là những con người của “giọng” độc đáo trên cái nền văn hoá sâu sắc, đa diện.
Mỗi thời đại, thế hệ có thi pháp và thẩm mĩ thơ của mình. Nhà thơ “nói chí” của mình bằng tuyệt tác thơ. Mỗi tuyệt tác thơ là một niềm trân trọng tiếng nói dân tộc. Cùng một đề tài, chẳng hạn yêu nước, mỗi nhà thơ có cách diễn đạt khác nhau. “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/Dây thép gai đâm nát trời chiều” thì cũng ngang như: “Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ!/Đất anh hùng của thế kỉ hai mươi” hoặc bình dị, gần gũi hơn theo kiểu định nghĩa: “Đất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm”… Xét về giá trị nội dung yêu nước, cả ba trường hợp trên đều như nhau; nhưng giá trị thẩm mĩ lại tuỳ thuộc vào sự thẩm định ở mỗi độc giả, thêm vào đó là thẩm mĩ thời đại. Cùng về người con gái Sông Hương: ở Lời kĩ nữ nhà thơ nhập vào hồn cô gái để than thở: “Em sợ lắm…”; còn ở Tiếng hát sông Hương nhà thơ đối thoại cùng nàng rồi hứa hẹn: “Ngày mai…”; dù quyến rũ hay gương mẫu, vẫn đều xót xa, cảm động và cảm thông.
Những chiêm nghiệm, triết lí nhân sinh, bình dị mà sâu xa: “Em bảo Bóng tối không đáng sợ/Vì mắt nó mù không thấy xa”; “Buổi sáng thức dậy/Bắt gặp tình thương đi đưa đám hận thù”; “Cái ác đã ngủ yên trong nhuỵ đắng/Cho đất lành thơm mát đến rưng rưng”; “Chúng ta là đồ chơi của trí nhớ/Hay là đùa dai của những bậc thềm?”; “Và mùa thu thủa ấy bây giờ vẫn lấp lánh nước mắt”; “Mùa thu như người nhập cư già mặc quần áo cũ/Lạc lõng và phiền trách các đổi thay”, “Nước lùa bóng ao lên chót vót/ngập cuống nhau rã phận hoa bìm/lối về thấp thỏm” (7)… Những hình ảnh yêu và buồn.
Tôi nghĩ, thơ Việt Nam đã thành tựu nhiều bài “nói chí” thật hay. Và thơ hay mỗi ngày, bất kể ở đâu, đều đang được các nhà thơ nỗ lực đổi thay qua lao động sáng tạo. Từ đó, mà ngôn ngữ và hồn dân tộc hiện ra.
III. Kết luận
“Khởi đầu là Lời” (Cựu ước).
Bài thơ được làm bằng lời. Qua “tiếng lòng” của nhà thơ ngôn ngữ được cấu trúc lại để tạo thành ngôn từ mới, đẹp, sâu xa và triết lí.
Thời gian thấm vào mỗi dòng thơ; cũng bởi sau thời gian chúng ta mới bắt đầu chiêm nghiệm và kí ức. Thời gian không ngừng trôi qua mỗi dòng thơ như nước chảy qua kẽ tay.
Ngoài cửa sổ bắt đầu mưa thu. Một mùa thu Hà Nội.
__________________
(1) “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới”, Nxb. Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997. Mục từ Ngôn ngữ.
(2) Dẫn theo Nguyễn Phan Cảnh, “Ngôn ngữ thơ”, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2001, tr.23.
(3) Ferdinand de Saussure, “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương”, Nxb. KHXH, 2005, Cao Xuân Hạo dịch, tr.158.
(4) Lưu Thuận Thanh, “Các trường phái ngôn ngữ học phương Tây”, Nxb. Lao động – Trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội, 2004, Đào Hà Ninh dịch, tr.7.
(5) Có dị bản: “thằng nhắng”.
(6) “Lịch sử Văn học Pháp thế kỉ XX”, Tập III, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.50.
(7) Các nhà thơ sẽ bỏ qua cho người viết vì đã không ghi tên tác giả sau các trích dẫn thơ trong bài viết này; cũng bởi, chúng đã trở thành “Những câu thơ trong trí nhớ” – được trích theo ý tôn vinh, trân trọng.
Theo Văn nghệ