Mục spectrum của talawas hôm 14.12.2006 có giới thiệu bài viết “Ngôn ngữ dịch thuật – rào cản hội nhập WTO?” đăng trên tạp chí Tia sáng. Bài viết động đến một vấn đề đã gây tranh luận dai dẳng (ghi tên riêng nước ngoài như thế nào là tốt nhất), nhưng nhìn từ khía cạnh hội nhập, vì hiện giờ ở Việt Nam vấn đề hội nhập đang là mốt!
Ngắn gọn, tác giả đề xuất nên bỏ lối sử dụng tên riêng nước ngoài bằng Hán Việt, mà thay bằng cách dùng phổ biến trên thế giới, ví dụ: thay vì Hồ Cẩm Đào thì nên dùng Hu Jintao. Tác giả cho rằng nếu làm theo cách thứ nhất thì chỉ có dân Việt hiểu, trong khi làm theo cách thứ hai thì cả thế giới hiểu. Nghĩa là về mặt truyền đạt thông tin thì cách thứ nhất thua hẳn cách thứ hai. Này nhé, nếu tấm biển trước cổng Đại sứ quán Ý ghi là “Đại sứ quán Italia” thì chưa cần ghi chú bằng tiếng Anh người nước ngoài cũng hiểu ngon!
Nhận định này xem ra có phần phiến diện. Hình dung ta đang dạo chơi ở Bangkok hay Baghdad, nếu không có ghi chú bằng tiếng Anh thì đố người nước ngoài nào biết được anh ta đang đứng trước cổng đại sứ quán nào đấy! Vậy thì các nước không dùng chữ cái Latin có gặp khó khăn gì về chuyện hội nhập hay không? Có lẽ là không.
Tiếp nữa, tác giả cho rằng dùng Hu Jintao thì người dân Trung Quốc nào cũng hiểu ngay đó là ông Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư của họ, e hơi ngộ nhận. Người viết đã có một thời gian ở Trung Quốc, và thấy rằng số người biết ngoại ngữ là khá ít ỏi. Họ cũng không biết đến cách phiên âm Bắc Kinh, vốn chỉ dùng cho người nước ngoài học tiếng Hoa. Vì thế những cái tên riêng viết bằng chữ cái Latin như Huawei, Sichuan v.v… trong mắt tuyệt đại đa số người Trung Quốc là hết sức lạ lẫm. Đó mới chỉ là chữ viết. Nếu bắt họ nghe một phát thanh viên Việt Nam gọi tên Hu Jintao theo kiểu Việt Nam là “hu dzin tao” thì đảm bảo họ không thể đoán nổi đó là ai. Vì cách phát âm đó khác xa cách phát âm chính xác, na ná “hú chỉnh tháo”.
Có thể nhận định thế này: người nước ngoài nói chung chẳng quan tâm đến việc người Việt Nam gọi nước Hà Lan bằng tiếng Việt như thế nào. Nếu họ đã không biết tiếng Việt thì việc gọi Hà Lan là gì cũng rứa. Họ có xem sách báo tiếng Việt đâu mà lo họ không hiểu “Hà Lan” là gì? Còn nếu họ đã biết tiếng Việt, thì đương nhiên họ hiểu Hà Lan là… Hà Lan. Có gì mà bảo dùng từ Hà Lan thì khó hội nhập?
Với người Việt tình trạng cũng tương tự. Người đã không biết ngoại ngữ (số này đông lắm) thì dĩ nhiên chẳng đọc sách báo, website nước ngoài mà lo nhỡ gặp phải Hu Jintao sẽ không biết là ai! Họ chỉ biết có Hồ Cẩm Đào, và thế là quá đủ. Còn người đã biết ngoại ngữ (theo nghĩa hẹp là biết tiếng Anh, vì ở Việt Nam bây giờ nhiều khi biết ngoại ngữ đồng nghĩa với biết tiếng Anh) thì gặp Hồ Cẩm Đào hay Hu Jintao hẳn đều hiểu hết. Và tất nhiên khi giao tiếp với người nước ngoài sẽ phải dùng Hu Jintao rồi.
Bản thân người viết luôn cảm thấy khó chịu khi xem TV hay đọc báo gặp phải tên riêng Trung Quốc ghi bằng chữ cái Latin (thì đây, bài “Dân chủ trong Đảng ở Trung Quốc…” của Cheng Li trên talawas cùng ngày – vừa dùng Hán Việt vừa dùng phiên âm Bắc Kinh tùm lum). Nhìn chữ thì may ra còn đoán được nếu đó là tên riêng tương đối nổi tiếng, như Shenzhen (Thâm Quyến) chẳng hạn. Nhưng điên tiết nhất là khi nghe các phát thanh viên truyền hình phát âm các từ đó theo cái kiểu mà Tây chẳng hiểu, Tàu chẳng hiểu, và ta cũng chẳng hiểu nốt. Vậy thì tính thông tin của lối dùng “quốc tế” đó ở đâu?
Việc phát âm chuẩn xác, hoặc gần giống với cách người nước ngoài phát âm tên riêng của họ, ví dụ Putin phát âm na ná Puchin, Cruyff là Croif, Wu Bang Guo (Ngô Bang Quốc) là Ú Pang Cúa v.v…, là việc khó đối với các phát thanh viên, người dẫn chương trình, vì họ thường chỉ biết 1 – 2 ngoại ngữ, nên thường chỉ phát âm theo cảm tính. Muốn họ phát âm gần đúng nhất thì tên riêng nước ngoài phải phiên âm ra tiếng Việt, như cách xưa kia chúng ta vẫn làm: Mát-xcơ-va, Pê-tanh…, chứ không thể để nguyên dạng. Đây chính là vấn đề đã gây tranh luận lâu nay. Bản thân người viết nghiêng về cách phiên âm ra tiếng Việt. Lí do rất đơn giản: tất cả các nước không dùng mẫu tự Latin đều phải làm thế khi viết tên riêng của các nước dùng mẫu tự Latin, và ngược lại, các nước dùng mẫu tự Latin thực chất cũng phải phiên âm tên riêng của các nước kia. Nếu chúng ta cứ muốn để nguyên dạng kiểu Goethe, Schwarzkopf, thì chúng ta sẽ làm thế nào với tên riêng của các nước không dùng mẫu tự Latin? Hay chúng ta lại phải theo đuôi các nước nói tiếng Anh, và tưởng rằng như thế là “quốc tế hoá”, “WTO hoá”? Lúc đó lại gặp phải nguy cơ người dẫn chương trình sẽ phát âm sai be bét, như ví dụ “hu dzin tao” nói trên.
Riêng với tên riêng Trung Quốc thì có đặc thù thế này. Rất ít người hiện nay nhớ nổi tên các cầu thủ Trung Quốc theo kiểu Li Tie, Wang Peng, nhưng lại không bao giờ quên tên các cầu thủ Trung Quốc sang thi đấu ở Việt Nam cách đây hàng chục năm như Lí Trụ Triết, Lí Tùng Hải. Chuyện đó nói lên điều gì?
Giả dụ, nếu cho tác giả bài báo nói trên đọc truyện Kim Dung với tên nhân vật kiểu Zhang Wu Ji, Zhao Min, Yang Bu Hui, các môn phái Jingcheng, Hengshan, các môn võ công như Du gu jiu jian, Jiu yin zhen jing, các địa danh Shao Shi shan, Jiang Nan, Xi Hu, liệu có còn hứng thú như khi dùng chữ Hán Việt không? Gấp sách lại, có còn nhớ nổi những cái tên đó để mà mang ra đàm luận với đám bạn bè nghiện chưởng không? Dân ta đọc sách Tàu thấy khoái trá hơn dân các nước khác chính là nhờ ở điểm này vậy. Thiển nghĩ, đó chính là khả năng truyền đạt thông tin của lối sử dụng Hán Việt – một nét đặc sắc trong nền văn hoá dân tộc. Bỏ nó đi để thay bằng lối phiên âm dùng chữ cái Latin thì đúng là vớ vẩn.
Bản quyền © Talawas 2006