• Đối tượng của ngữ âm học
• Phương pháp nghiên cứu
• Tầm quan trọng của ngữ âm học
1. Đối tượng của ngữ âm học
– Ngay từ khi từ khi mới xuất hiện, ngôn ngữ đã tồn tại dưới hình thức âm thanh. Con người giao tiếp được với nhau chính là nhờ hình thức vật chất này. Mặt âm thanh đã làm nên tính chất hiện thực của ngôn ngữ. Nói đến ngôn ngữ là nói đến ngôn ngữ bằng âm thanh. Và hình thức âm thanh của ngôn ngữ được gọi là ngữ âm, ngữ âm là cái vỏ vật chất của ngôn ngữ, là hình thức tồn tại của ngôn ngữ.
– Ngữ âm học (phonetics) là khoa học nghiên cứu mặt ngữ âm của ngôn ngữ. Tuy nhiên, nó không chỉ nghiên cứu những dòng âm thanh cụ thể của tiếng nói mà còn cả những đơn vị ngữ âm, những quy luật tổ chức, kết hợp các âm. Ngoài ra, ngữ âm học còn nghiên cứu cả chữ viết – một phương tiện ghi lại ngôn ngữ bằng văn tự.
– Ngữ âm học được phân thành ngữ âm học đại cương và ngữ âm học cục bộ.
+ Ngữ âm học đại cương nghiên cứu những quy luật ngữ âm chung cho tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, những nguyên lí cấu tạo chung của các âm, những phương pháp nghiên cứu ngữ âm, lí luận chung về cách viết và chính tả…
+ Ngữ âm học cục bộ nghiên cứu ngữ âm của một ngôn ngữ cụ thể. Nó bao gồm hai bộ phận:
^ Ngữ âm học miêu tả: nghiên cứu ngữ âm ở trạng thái hiện tại (đương đại) của nó.
^ Ngữ âm học lịch sử: nghiên cứu quá trình phát triển lịch sử của hệ thống ngữ âm.
– Mặt âm thanh của ngôn ngữ được xem xét ở 3 góc độ:
+ sinh vật học (cấu âm)
+ vật lí học (âm học): độ cao, độ mạnh, độ dài, âm sắc, tiếng động và tiếng thanh…
+ chức năng xã hội
2. Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp quan sát, miêu tả;
– Phương pháp suy luận.
Trong hai phương pháp này, phương pháp miêu tả thường đi trước và là bước chuẩn bị cho phương pháp suy luận. Nhưng phương pháp suy luận lại là phương pháp chủ yếu của ngữ âm học.
Xem chi tiết
3. Tầm quan trọng của ngữ âm học
– Cơ sở để xây dựng âm chuẩn cho một ngôn ngữ, đặt chữ viết và cải tiến chữ viết;
– Cần thiết cho việc dạy và học ngoại ngữ;
– Có ích cho việc dạy phát âm, dạy chính tả;
– Có vai trò nhất định trong việc khôi phục lại ngôn ngữ cho những người bị mất ngôn do chấn thương…
– Với các bộ môn của ngôn ngữ học, ngữ âm học có tác dụng hỗ trợ nhất định trong việc làm sáng tỏ những hiện tượng có liên quan đến các bộ môn này.
Xem chi tiết
Đọc thêm: Mai Ngọc Chừ (vc). Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 1997, tr. 68 – 75