• Dẫn nhập • Phát ngôn • Hành động tạo lời • Lực ngôn trung • Nhận định, hỏi và cầu khiến
8.3. Lực ngôn trung
Nói là hành động. Nhưng có nhiều nghĩa khác biệt nhau của động từ ‘nói’. Theo một cách hiểu, nó có nghĩa nôm na là “nói ra” hoặc, nói theo thuật ngữ chuyên môn hơn, là “thực hiện một hành động tạo lời”. Như chúng ta vừa thấy, theo cái nghĩa này, cái sự nói ra này liên quan đến 3 loại hành vi khác nhau:
– hành động tạo ra một phát-ngôn-thành-phẩm;
– hành động cấu tạo nên một câu;
– hành động ngữ cảnh hoá câu được tạo ra.
Nói ra một câu, trong tất cả những ngữ cảnh giao tiếp thông thường, là thực hiện một hành động phức tạp tích hợp ba loại hành động trên đây, và kết quả là thu được những tín hiệu ngôn ngữ xác định và có nghĩa, tức thu được một phát-ngôn-thành-phẩm. Tất nhiên, từ những gì vừa nói thì không thể xác quyết rằng trong cái phát ngôn thực tại được tạo ra đó, ba hành động này là dễ nhận biết về phương diện tâm lí và vật lí. Cho đến nay, ở cấp độ này, các nhà tâm lí học biết tương đối ít về các chi tiết của việc phát ngôn. Sự phân tích được chúng tôi trình bày ở đây là trung tính đối với những cách tiếp cận tâm lí học và ngữ âm học cụ thể.
Thế nhưng còn có một nghĩa khác của từ ‘nói’ mà theo đó, như tôi đã chỉ ra, có thể hai người nói giống nhau mà không hề thực hiện cùng một hành động tạo lời và không nói ra cùng một câu. Họ có thể khẳng định hay phủ định một điều gì đó theo cái nghĩa là cả hai đều xác nhận cùng một mệnh đề. Ví dụ, chúng ta giả định rằng John nói (hoặc viết)
Peter điên
còn Mary, trong một ngữ cảnh khác, thì nói (hoặc viết)
(29)Anh trai của bạn điên.
Chúng ta tiếp tục giả định rằng ‘Peter’ và ‘anh trai của bạn’ đều chỉ cùng một người và từ ‘điên’ được sử dùng với cùng một nghĩa (chứ không phải trong trường hợp này thì với nghĩa “bị dở người” còn trong trường hợp kia thì với nghĩa “giận dữ”). Miễn là John và Mary thực sự xác nhận một mệnh đề thì họ tất đã xác nhận cùng cái mệnh đề ấy, và do đó họ cùng nói giống nhau theo cái nghĩa khác của từ ‘nói’ này. Nhưng theo trình tự riêng từng người thì khi nói Peter điên và Anh trai của bạn điên, họ không nhất thiết là đã nêu ra một nhận định.
Nêu ra một nhận định, hay một sự xác nhận thì không phải là thực hiện một hành động tạo lời kiểu này chứ không phải là kiểu nọ; đó là sự thực hiện một hành động tạo lời mà sản phẩm của nó, tức một hiện dạng-phát ngôn, mang một lực ngôn trung này chứ không phải là một lực ngôn trung khác. Theo Austin, như chúng ta đã thấy, chức năng tường thuật hay miêu tả của ngôn ngữ chỉ là một trong số những chức năng của nó. Chúng ta cũng dùng ngôn ngữ để hỏi, nêu yêu cầu hay hứa hẹn; để đe doạ, sỉ nhục và tán tỉnh; và tất nhiên, để thực hiện những gì mà Austin thoạt tiên gọi là các hành động ‘ngôn hành’: đặt tên thánh cho một đứa bé, hứa hôn với ai, tuyên án một tội phạm hình sự v.v… Nói tóm lại, có nhiều chức năng khác nhau mà ngôn ngữ có thể thực hiện và tương ứng là có nhiều lực ngôn trung khác nhau.
Nhưng là bao nhiêu? Một cách trả lời câu hỏi này là xem thử có bao nhiêu động từ trong một ngôn ngữ cụ thể có thể được sử dụng trong các phát ngôn ngôn hành tường minh, theo cùng cái cách mà động từ ‘hứa’, lấy ví dụ, có thể được dùng theo lối phi tường thuật ở phát ngôn (3), thuộc mục 8.1 trên đây, và được nhắc lại ở đây như sau:
(31) ‘Tôi hứa trả anh/chị 5 Bảng’.
Có hàng trăm, nếu không phải là hàng nghìn, các động từ như vậy trong tiếng Anh. Một số trong chúng ít nhiều đồng nghĩa, chẳng hạn ‘implore’ (van xin), ‘beseech’ (cầu khẩn). Số khác thì mặc dù rõ ràng là không đồng nghĩa, vẫn có thể được nhìn nhận, một cách cảm tính, là thuộc về những nhóm với những đặc trưng chung. Ví dụ, các động từ ‘promise’ (hứa) và ‘undertake’ (cam kết) có quan hệ với nhau về mặt ngữ nghĩa như vậy, khi chúng được dùng trong các phát ngôn ngôn hành tường minh thì người nói đã cam kết thực hiện một hành động cụ thể. Tất cả những động từ như vậy, và theo đó là cái lực ngôn trung cụ thể mà chúng chỉ ra tường minh, có thể được gộp lại với tư cách là những thành viên của một nhóm. Tình hình là tương tự đối với những tập hợp khác của các động từ ngôn hành có quan hệ với nhau về ngữ nghĩa; chẳng hạn như các động từ ‘order’ (ra lệnh), ‘command’ (yêu cầu), ‘request’ (đề nghị) v.v…, tất cả chúng đều có đặc trưng chung là, khi được dùng trong các phát ngôn ngôn hành tường minh, chúng biểu thị ý chí của người nói muốn những người khác, thường là người nghe, hãy thực hiện một hành động cụ thể. Những phát ngôn như vậy (ra lệnh, yêu cầu, đề nghị v.v…) hiện nay thường được quy chung là thuộc nhóm khuyến lệnh (directives).
Bản thân Austin đã đưa ra những phác hoạ về một sơ đồ phân loại như thế ở ngay phần cuối tác phẩm How to do things with words. Những sơ đồ phân loại khác, có thể bao quát hay thu hẹp hơn so với Austin, từ đấy đã được những môn đệ của ông nêu ra. Chính khả năng có nhiều cách phân loại khả dĩ để có thể lựa chọn đã gây rắc rối. Chúng ta làm thế nào để quyết định chọn cách phân loại này hay cách phân loại khác? Chẳng có cơ sở nào để cho rằng tập hợp các động từ ngôn hành trong tiếng Anh hoặc trong các ngôn ngữ khác chính là sự thừa nhận về mặt từ vựng đối với các kiểu loại lực ngôn trung có thể có. Càng ít có cơ sở hơn để cho rằng hẳn có những phân tích duy nhất đúng về các động từ đó, áp dụng cho mọi nền văn hoá và mọi ngôn ngữ. Trong thực tế, một số lượng rất lớn các động từ ngôn hành trong tiếng Anh và các ngôn ngữ khác rõ ràng phụ thuộc vào văn hoá. Chẳng hạn, ý nghĩa và cách sử dụng động từ ‘thề’, trong chừng mực phân biệt với ‘hứa’ và ‘cam kết’, hoặc mặt khác, phân biệt với ‘thoả thuận’, ‘kí hợp đồng’ và ‘bảo đảm’, chính là dựa trên cái thiết chế của việc thề bồi đã được xác lập theo văn hoá.
Hơn nữa, hiện nay người ta đã thấy rõ rằng việc gán cho các động từ ngôn hành một tầm quan trọng đặc biệt là không đúng. Không thể phủ nhận rằng, chúng có một vị thế đặc biệt trong sự trình bày ban đầu của Austin về sự phân biệt giữa phát ngôn tường thuật và phát ngôn ngôn hành. Nhưng đó là do lúc bấy giờ ông quan tâm chủ yếu đến việc phê phán nguỵ thuyết miêu tả. Nhìn từ quan điểm này, các câu như
(32) ‘Tôi hứa trả anh/chị 5 Bảng’
rõ ràng là thú vị hơn về mặt lí thuyết so với những câu như:
(33) ‘Tôi sẽ trả anh/chị 5 Bảng’
Theo khái niệm lực ngôn trung khái quát hơn mà về sau ông nêu ra trong How to do things with words, chúng ta chẳng có lí do gì để giới hạn sự quan tâm của mình đối với các câu trần thuật có chứa động từ ngôn hành.
Tại điểm này, cũng nên lưu ý rằng định nghĩa về ‘phát ngôn ngôn hành tường minh’ mà tôi nêu ra ở đầu chương này (“là dạng mà phát-ngôn-thành-phẩm có chứa những từ ngữ dùng để biểu thị hoặc, bằng một cách nào đó khác, chỉ rõ loại hành động được thực hiện”) không hề ám chỉ các động từ ngôn hành như vậy. Ví dụ, cụm từ ‘by Heaven’ (có Chúa chứng giám) có thể được một nhóm người nói tiếng Anh nào đó sử dụng như là một cách thay thế tương tương và tường minh cho động từ ‘thề’, để chỉ ra rằng họ đang thề bồi. Trong trường hợp mà, với ngữ cảnh thích hợp, phát ngôn:
(34) Có Chúa chứng giám, tôi sẽ trả anh/chị 5 Bảng
được xem như là một phát ngôn ngôn hành tường minh thì chính cụm từ ‘có Chúa chứng giám’ đã góp phần làm tường minh, mặc dù nó không biểu thị, lực ngôn trung của phát ngôn. Đây là một bước ngắn để đi đến sự thừa nhận tiếp theo rằng người nói có thể làm rõ lực ngôn trung của phát ngôn này không phải bằng một từ ngữ đặc biệt mà bằng một tiểu từ tình thái đặc biệt, bằng một thức ngữ pháp đặc biệt, hoặc thậm chí bằng một kiểu ngữ điệu đặc biệt. Tôi sẽ trở lại với vấn đề này sau.
Thế thì, bởi những lí do khác nhau, dường như ít có cơ sở để nêu ra những cách phân loại tổng thể và được coi là phổ quát cho việc phân tích lực ngôn trung dựa trên sự tồn tại của một lớp các động từ ngôn hành riêng biệt trong những ngôn ngữ riêng biệt. Điều thậm chí còn vô lí hơn, là cố gắng xác lập một sự phân loại kín kẽ đối với tất cả các hành động ngôn từ có thể có, dựa trên các điều kiện cần và đủ để xét chúng là thuộc về nhóm này hơn là nhóm khác. Phần lớn các hành động ngôn từ, như tôi đã nói, là mang tính đặc thù văn hoá, thể hiện ở chỗ chúng phụ thuộc vào những quy ước về luật pháp, tôn giáo hoặc đạo lí và những hành xử đã được thể chế hoá trong những xã hội cụ thể. Nếu xã hội đó, như xã hội của chúng ta, là một xã hội với những luật lệ được xác lập vững chắc để phán quyết tại toà, ta tạm lấy ví dụ, thế nào là vi phạm hoặc không vi phạm cam kết, thì có thể khá dễ dàng nêu ra những điều kiện cần và đủ để quyết định các hành động ngôn từ nào là thuộc kiểu loại đặc biệt này. Nhưng chúng ta thật đang đánh lừa mình nếu cho rằng tất cả các hành động ngôn từ đều được điều chỉnh theo quy tắc như vậy trong những xã hội mà chúng được thể hiện. Ngay cả hành động hứa hẹn, thoạt nhìn tưởng như là được xác định một cách chắc chắn chiểu theo những điều kiện quy định nó, cũng hoá ra có vấn đề từ cách nhìn này. Chắc chắn không thể quan niệm một cách đương nhiên rằng hành động hứa, theo cái nghĩa mà chúng ta hiểu động từ ‘hứa’, là một hành động ngôn từ (tức một hành động tạo lời với lực ngôn trung cụ thể) có thể được thực hiện trong tất cả các ngôn ngữ và trong tất cả các nền văn hoá. Thế nhưng những giả định kiểu này vẫn được nêu thường xuyên trong một số các công trình chuyên biệt hơn về lí thuyết hành động ngôn từ.
Mặc dù phần lớn các hành động ngôn từ là mang tính đặc thù văn hoá, vẫn có những hành động được thừa nhận một cách rộng rãi, và có thể đúng, là mang tính phổ quát. Chúng bao gồm việc nhận định (hay xác nhận), hỏi và cầu khiến. Trên cơ sở triết học, người ta nhất trí rằng ba kiểu hành động tại lời này không những chỉ mang tính phổ quát mà còn mang tính cơ sở, theo hai nghĩa của từ ‘cơ sở’: thứ nhất là, không một xã hội loài người nào có thể tồn tại được nếu không dùng các hành động ngôn từ này; thứ hai là nhiều, nếu không nói là tất cả, hành động ngôn từ có tính đặc thù văn hoá, có thể được xem là thuộc về một tiểu nhóm chuyên biệt hơn của một trong ba kiểu cơ sở này. Ví dụ, như tôi đã nêu trên đây, việc thề thốt một điều gì đó rõ ràng là một hành động có tính đặc thù văn hoá. Nhưng thề một điều gì đó cũng là cách để nêu một nhận định mạnh mẽ; và như thế nêu nhận định được xem là có tính cơ sở và phổ quát.
Tôi sẽ không đi vào vấn đề về mối quan hệ giữa các hành động ngôn từ cơ sở và phi cơ sở. Tuy nhiên, tôi sẽ nhấn mạnh vào một điểm: ngay cả khi các hành động nêu nhận định, hỏi và cầu khiến được coi là cơ sở và mang tính phổ quát đi nữa thì chúng cũng chịu sự chế định, trong tất cả các xã hội, bởi những thiết chế, cách hành xử và xác tín ít nhiều mang tính đặc thù văn hoá. Trong phương diện này, một chiều kích được thừa nhận là lịch sự. Trong tất cả các xã hội, sẽ là bất lịch sự nếu không nói theo lượt lời: đó là, nói khi vị thế xã hội không cho phép nói và quyền ưu tiên nói, hoặc trong trường hợp khác, nói khi các quy tắc chi phối lượt lời không cho phép nói ở thời điểm đó. Trong một số xã hội, cũng là bất lịch sự nếu tỏ ra quá quả quyết khi thể hiện một hành động ngôn từ nào đó. Ví dụ, trong một số tình huống, người ta có thể bị coi là bất lịch sự khi đưa ra một nhận định không rào trước đón sau hoặc một mệnh lệnh thẳng thừng. Căn nguyên và những lối dùng đa dạng, ít nhiều được quy ước hoá của các hành động ngôn từ gián tiếp có thể được giải thích bởi những lí do như vậy, chẳng hạn, như trong tiếng Anh, câu Anh/chị có thể chuyển cho lọ đường được không? (nguyên là một câu hỏi và thường được chấm câu như vậy khi viết) được ưa dùng hơn so với câu Chuyển cho lọ đường (một mệnh lệnh trực tiếp).
Tính lịch sự, tuy nhiên, chỉ là một trong những chiều kích của sự đa dạng văn hoá quy định việc dùng các hành động ngôn từ được coi là cơ sở. Hơn nữa, mặc dù có một giá trị xuyên văn hoá nào đó, và theo một cách giải thuyết tương đối khái quát về ‘tính lịch sự’, có thể được coi là phổ quát thì tính lịch sự cũng không được thể hiện giống nhau trong tất cả các xã hội. Do đó, người ta phải cẩn thận để không cho rằng sự khái quát hoá được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm của một xã hội là có hiệu lực đối với tất cả các xã hội loài người. Điều này cần được quán triệt trong các phần tiếp theo. Về sự thảo luận và minh hoạ cho vai trò của tính lịch sự cũng như những nhân tố khác trong việc chi phối cách ứng xử ngôn ngữ trong các nền văn hoá khác nhau, có thể tham khảo các công trình nghiên cứu gần đây về ngôn ngữ học xã hội và ngữ dụng học.
Đọc tiếp: 8.4. Nhận định, hỏi và cấu khiến