• Dẫn nhập • Phát ngôn • Hành động tạo lời • Lực ngôn trung • Nhận định, hỏi và cầu khiến
8.2. Hành động tạo lời
Cái mà Austin gọi là hành động tạo lời chính là việc tạo ra một phát ngôn (tức phát-ngôn-thành-phẩm) với một dạng thức cụ thể và một ý nghĩa ít nhiều xác định.
Nhiều phát ngôn mà chúng ta dùng trong hội thoại hàng ngày, tức phần lớn các sản phẩm của hành động tạo lời, là sai ngữ pháp (ungrammatical); một số thì đúng ngữ pháp nhưng bị tỉnh lược (như: Ở đây lâu chưa?, Mùa đẹp trời của cả năm v.v…); một số thì vừa không đúng ngữ pháp lại vừa không sai ngữ pháp; một số khác, tất nhiên, vừa không đúng ngữ pháp vừa bất khả chấp, hậu quả của cái gọi là lỗi thể hiện: do sơ ý, nhớ nhầm hoặc những trục trặc này nọ trong việc tạo ra các tín hiệu ngôn ngữ.
Bởi lúc này chúng ta chủ ý giới hạn sự quan tâm đến các phát ngôn đúng ngữ pháp và không tỉnh lược nên chúng ta tạm thời tránh một loạt những phức tạp mà việc thảo luận đầy đủ hơn về các hành động tạo lời đòi hỏi. Đặc biệt, chúng ta tạm giả định rằng thực hiện một hành động tạo lời tất nhiên phải là phát ngôn ra câu nói. Tuy nhiên, ở điểm này, cần lưu ý một điều quan trọng là người ta có thể phát ngôn ra cùng một câu mà không nhất thiết phải nói cùng một nội dung, và họ có thể nói cùng một nội dung mà không nhất thiết phải phát ngôn ra cùng một câu.
Trong thực tế, có nhiều cách người ta có thể hiểu cụm từ được dùng hàng ngày ‘nói giống nhau’. Lí thuyết hành động ngôn từ của Austin có thể được xem như là lí thuyết dành cho vấn đề này và giải thích (một phần nào) một vài ý nghĩa của động từ ‘nói’, theo đó nói là hành động. Chúng ta hãy bắt đầu với nhận xét rằng câu sau đây là mơ hồ, thể theo cái cách động từ ‘nói’ được dùng với nghĩa “xác nhận” hay “nói ra”:
‘John và Mary nói giống nhau’.
Theo một cách hiểu, sự giống nhau đó là giống nhau về các điều kiện chân thực và do đó, là biểu thị cùng một nội dung mệnh đề, như trong:
‘John và Mary cùng xác nhận một mệnh đề’
Theo cách hiểu khác, câu trên đây có thể được khúc giải, theo siêu ngôn ngữ chuyên môn mà chúng ta đã kiến tạo, như là:
‘John và Mary tạo ra cùng một phát-ngôn-thành-phẩm’.
Cũng cần thấy rằng, mặc dầu từ ‘điều nói ra’ thường không bị coi là mơ hồ, vẫn có một khác biệt nổi bật và quan trọng về mặt lí thuyết giữa các kiểu loại ‘điều nói ra’. Các mệnh đề, như chúng ta đã thấy, là những thực thể trừu tượng thuộc một kiểu loại đặc biệt. Trong khi đó, các phát-ngôn-thành-phẩm lại có những đặc tính vật lí, có thể được xác định bằng giác quan này hay khác: nghe, nhìn, sờ mó v.v…
Từ những gì đã nói trong những chương trước, rõ ràng là ta có thể xác nhận cùng một mệnh đề bằng cách nói ra những câu khác nhau. Ý này bây giờ có thể cần được làm rõ thêm. Thứ nhất, cùng một mệnh đề có thể được xác nhận (cho phép chúng ta giả định) bằng cách nói ra các câu trong những ngôn ngữ khác nhau, ví dụ, cùng một nội dung mệnh đề ‘Trời mưa’ có thể nói:
‘It is raining’ (tiếng Anh),
‘Il pleut’ (tiếng Pháp),
(10)‘Es regnet’ (tiếng Đức).
Thứ hai, cũng có thể xác nhận cùng một nội dung mệnh đề bằng cách nói ra hai câu trong cùng một ngôn ngữ, chẳng hạn dùng các câu chủ động và bị động tương đương, ví dụ như:
(11) ‘Con chó cắn người đưa thư’
và
‘Người đưa thư bị con chó cắn’.
Ngược lại, như chúng ta đã thấy ở chương 7, người ta có thể xác nhận những mệnh đề khác nhau bằng cách nói ra cùng một câu trong những ngữ cảnh khác nhau và bằng cách gán những giá trị khác nhau cho các biểu thức quy chiếu trong câu đó. Ví dụ,
‘Bạn tôi đang đợi tôi’
biểu thị vô số những mệnh đề khác nhau tuỳ thuộc vào giá trị được gán cho ‘bạn tôi’, ‘tôi’ và cái thời gian được quy chiếu bởi thì của động từ. Và như vậy, chúng ta đã thấy rằng có một sự phân biệt quan trọng được nêu ra giữa việc phát ngôn ra câu và việc xác nhận mệnh đề.
Cũng có một sự phân biệt được nêu ra giữa việc phát ngôn ra câu và tạo ra các phát-ngôn-thành-phẩm. Điều này có thể được thấy qua vài ví dụ đơn giản. Chúng ta giả định rằng John nói:
I’ll meet you at the bank
Và Mary nói:
I’ll meet you at the bank
Hoặc, một lần nữa, chúng ta giả định là cả hai cùng nói:
Flying planes can be dangerous.
Chắc chắn chúng ta có thể đồng ý rằng theo một cách hiểu nghĩa của động từ ‘nói’, ở mỗi ví dụ, John và Mary đều nói giống nhau: họ đã tạo ra cùng một phát-ngôn-thành-phẩm. Chính xác hơn (như chúng ta sẽ thấy ngay sau đây) họ đã tạo ra các hiện dạng (tokens) của cùng một kiểu loại phát ngôn. Chúng ta cũng hãy đồng ý rằng, ở mỗi trường hợp, cái mà họ nói ra là câu. Nhưng có phải cả hai đã nói ra cùng một câu không?
Điều quan trọng là thấy rằng chúng ta không thể trả lời được câu hỏi này nếu không biết những dạng thức nào đã được nói ra cũng như những cụm từ nào đã được họ tạo nên. Nếu bank trong phát ngôn của John là một dạng thức của ‘bank 1’ (nghĩa là “ngân hàng”) còn bank trong phát ngôn của Mary là một dạng thức của ‘bank 2’ (nghĩa là “sườn dốc của một con sông”) thì họ đã nói ra những câu khác nhau. Tương tự, nếu flying trong phát ngôn của John là một dạng thức của động từ nội động ‘fly’ (bay) (do đó ‘flying planes’ có nghĩa nôm na là “những máy bay đang bay”) còn flying trong phát ngôn của Mary là một dạng thức của động từ ngoại động tương ứng ‘fly’ (lái) (do đó ‘flying planes’ có nghĩa nôm na là “lái máy bay”) thì họ, một lần nữa, đã nói những câu khác nhau. Đáng tiếc là tồn tại quá nhiều lẫn lộn trong các văn liệu có liên quan đến điều vừa nói trên đây, do chỗ ngay từ đầu, câu đã được những nhà ngữ pháp tạo sinh định nghĩa (một cách không truyền thống) như là một chuỗi các dạng thức, vốn có thể hoặc không có cùng cấu trúc ngữ pháp. Ở đây và xuyên suốt cuốn sách này, tôi đã chấp nhận một quan niệm có tính truyền thống hơn về câu.
Sự thể rằng người ta có thể tạo ra cùng một phát-ngôn-thành-phẩm mà không phát ngôn ra cùng một câu là một điểm khuất lấp trong rất nhiều công trình gần đây về ngữ nghĩa học và ngữ dụng học, do chỗ các thuật ngữ ‘câu’ và ‘phát ngôn’ được dùng một cách lỏng lẻo. Ta có thể đồng ý rằng Austin cũng là người thất bại trong cố gắng vạch ra một sự phân biệt đủ sắc nét giữa câu và phát ngôn. Nhưng ông chắc chắn đã lưu ý đến điều vừa được minh hoạ; và ông đã có sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ phức tạp giữa câu và phát ngôn so với những gì mà nhiều môn đệ hình như đã hiểu. Bởi sự phân tích của ông về các hành động tạo lời, mặc dù về một vài phương diện là không được rõ và ở một số phương diện khác là khiếm khuyết về kĩ thuật, nhưng rõ ràng đã dựa trên sự thừa nhận rằng các phát ngôn đồng nhất về mặt ngữ âm có thể khác nhau xét theo các từ ngữ thành tố và cấu trúc ngữ pháp của chúng.
Điều này dẫn chúng ta đến một luận điểm bổ sung: sự đồng nhất về ngữ âm không phải là điều kiện tất yếu để đồng nhất các phát ngôn. Nếu chúng ta yêu cầu Mary nhắc lại phát ngôn của John ở (14), chúng ta không mong gì cô ta bắt chước được chất giọng của anh ta hoặc tái tạo lại những đặc trưng kèm lời như nhịp điệu, tiết tấu. Chúng ta thậm chí cũng không mong cô ta nhại lại giọng của John, mặc dù nó có thể rất khác với giọng của cô ta. Chẳng hạn, nếu John là người Luân Đôn thuộc tầng lớp công nhân với giọng Cockey, còn Mary là một quý bà tầng lớp trên vùng New England thì họ sẽ phát âm câu ‘I’ll meet you at the bank’ cũng như hầu hết các phát ngôn tiềm tàng khác của tiếng Anh theo những cách khác nhau. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, nếu không nói là tất cả, các cặp phát-ngôn-thành-phẩm khác biệt nhau về ngữ âm sẽ được người bản ngữ xác định như là các hiện dạng (tokens) của cùng một điển dạng (type).
Điều này cho thấy sự đồng nhất ngữ âm không phải là điều kiện tất yếu cho việc đồng nhất điển dạng/hiện dạng của các phát-ngôn-thành-phẩm. Nó cũng minh chứng một điều rằng sự đồng nhất điển dạng/hiện dạng của phát ngôn, trong chừng mực nào đó, là độc lập đối với lí thuyết: nó có thể được xác lập trong những ví dụ cụ thể mà không cần tham chiếu đến những lí thuyết này nọ về cấu trúc ngôn ngữ. Nhưng sự độc lập về lí thuyết, theo cái nghĩa này, sẽ không còn nữa nếu tính đến đường nét ngữ điệu của phát ngôn. Trong cuộc sống hàng ngày, đơn giản là ta không rõ liệu hai cách phát âm phân biệt về ngữ điệu của câu ‘I’ll meet you at the bank’ có được xem là chỉ hiệu của cùng một kiểu loại hay không. Trong cả hai trường hợp đều có chỗ để tranh luận liệu sự trọng âm và ngữ điệu có quan yếu hay không. Tuy nhiên, để đơn giản việc trình bày, ở đây tôi sẽ theo quan điểm cho rằng để hai người có thể tạo ra cùng một phát-ngôn-thành-phẩm, chỉ cần họ phát ngôn những gì mà họ và những người khác thừa nhận là cùng một chuỗi các dạng thức, bất luận đường viền ngữ điệu và mô hình trọng âm trùm lên nó. Và tôi cũng sẽ theo quan điểm này khi xem xét câu .
Ví dụ, nếu John nói:
It’s raining.
(Trời đang mưa)
với ngữ điệu đi xuống và mô hình trọng âm trung hoà, trong khi Mary nói:
It’s raining.
(Trời đang mưa)
với trọng âm nhấn mạnh và ngữ điệu đi lên ở dạng thức raining (mưa), tôi sẽ cho rằng họ không những đã tạo ra cùng một phát-ngôn-thành-phẩm mà còn đã nói ra cùng một câu:
(19) ‘It’s raining’
Tôi cũng xem sự tương phản it is đối với it’s và tất cả những hiện tượng tương tự là không quan yếu đối với việc đồng nhất điển dạng/hiện dạng các phát-ngôn-thành-phẩm. Đây không phải là vấn đề gì to tát về mặt lí thuyết và phương pháp luận. Nhiều nhà ngôn ngữ học có thể không đồng ý, trên cơ sở lí thuyết, với quan điểm mà tôi lựa chọn ở đây. Nhưng đến nay đã có một vài người quan tâm nghiêm túc đến vấn đề này; và rất nhiều điểm thoạt nhìn tưởng như là bất đồng thật sự hoá ra có thể chỉ là bất đồng thuần tuý về thuật ngữ.
Bây giờ chúng ta có thể chia việc thực hiện một hành động tạo lời ra làm hai phần độc lập về lô gich: (i) sự tạo ra phát-ngôn-thành-phẩm theo một số phương tiện vật chất thích hợp; và (ii) sự cấu tạo nên một câu như thế nào đó. Chúng độc lập với nhau về mặt lô gich, bởi lẽ cùng một phát-ngôn-thành-phẩm có thể ứng với hai hoặc nhiều hơn các câu khá khác nhau và ngược lại, cùng một câu có thể ứng với hai hoặc nhiều hơn các phát-ngôn-thành-phẩm khá khác nhau. Sử dụng các thuật ngữ của Austin, chúng ta có thể nói rằng hành động tạo lời là sản phẩm của (i) một hành động ngữ âm (phonic act) để tạo ra một phát-ngôn-thành-phẩm (trong chất liệu âm thanh); và (ii) một hành động ngữ vựng (phatic act) để kiến tạo nên một câu cụ thể trong một ngôn ngữ cụ thể. Hành động đầu tiên trong số hai hành động này tất nhiên phụ thuộc vào việc sử dụng phương tiện là chất liệu này hay chất liệu khác. Việc tạo ra các phát ngôn bằng những chất liệu phi âm thanh, chủ yếu khi ta viết chứ không phải nói, sẽ liên quan đến các hành động phi cấu âm này hay khác. Như tôi đã nói từ đầu, thuật ngữ ‘hành động ngôn từ’ lẽ ra không nên được hiểu như là chỉ áp dụng cho việc tạo ra các phát ngôn lời nói. Điều này cũng đúng đối với thuật ngữ ‘hành động tạo lời’.
Chúng ta vẫn chưa kết thúc việc phân tích các hành động tạo lời; chúng ta vẫn còn phải tính đến sự thể là các câu được nói ra trong những ngữ cảnh cụ thể và một phần ý nghĩa của phát-ngôn-thành-phẩm có được là phái sinh từ cái ngữ cảnh mà ở đó nó được hiện thực hoá. Đây chủ yếu là nói về sở chỉ của các biểu thức quy chiếu được dùng trong phát ngôn; và sở chỉ, như chúng ta đã thấy ở Phần 3, là một phần ý nghĩa của phát ngôn chứ không phải của câu. Thành tố thứ ba của hành động tạo lời, vốn bao gồm sự gán định sở chỉ và có thể được miêu tả một cách khái quát hơn như là quá trình ngữ cảnh hoá (contextualization) được Austin gọi là hành động ngữ chiếu (rhetic act).
Tôi sẽ không tiếp tục dùng các thuật ngữ ‘ngữ âm’, ‘ngữ vựng’, và ‘ngữ chiếu’ của Austin. Chúng không được dùng rộng rãi trong các tài liệu ngôn ngữ học và trong bất kì tình huống nào, tôi cũng đã hiểu chúng có phần khác so với Austin. Điều quan trọng chính là bản thân sự phân tích tam phân, như chúng ta đã thấy, vốn dựa một phần vào sự phân biệt giữa ngôn ngữ và phương tiện, một phần vào sự phân biệt giữa câu và các phát-ngôn-thành-phẩm.
Có thể cần nói thêm rằng, chiểu theo những lẫn lộn và nhầm lẫn tương đối phổ biến tồn tại ở khía cạnh này, sự phân biệt giữa câu và phát-ngôn-thành-phẩm không chỉ đơn giản là sự phân biệt giữa điển dạng và hiện dạng. Điều này xuất phát từ thực tế là hai phát-ngôn-thành-phẩm được tạo ra trong những ngữ cảnh khác nhau có thể được xem như là những hiện dạng của cùng một điển dạng mà không cần biết những câu nào đã được nói ra. Hơn thế nữa, như tôi đã nhấn mạnh trong mục này, các hiện dạng của cùng một phát-ngôn-thành-phẩm có thể là kết quả của việc nói ra các câu khác nhau và ngược lại, các hiện dạng của các phát-ngôn-thành-phẩm khác nhau có thể có được bằng cách phát ngôn cùng một câu trong những ngữ cảnh khác nhau. Đây là điểm cốt tử đối với bất kì lí thuyết về cấu trúc ngôn ngữ nào vận hành với khái niệm ít nhiều mang tính truyền thống về cái đơn vị gọi là câu. Bất kì ai, khi đã chấp nhận quan điểm truyền thống về câu (như chúng ta chấp nhận trong cuốn sách này) đều cũng muốn có quyền nói rằng, ví dụ, hiện dạng của:
Tôi đã,
bất luận được nói ra hay viết ra, là kết quả của việc thể hiện vô số các câu. Họ sẽ cho rằng (20) là dạng tỉnh lược của bất kì câu nào trong tập hợp các câu bao
gồm:
‘Tôi đã rửa chén bát’
‘Tôi đã đến California’
‘Tôi đã có một cái máy tính cá nhân’
Ngược lại, họ cũng muốn cho (như tôi) rằng một câu như:
‘Tôi đã rửa chén bát’
có thể được nói ra không phải chỉ như là:
Tôi đã rửa chén bát,
mà còn như là:
Tôi đã làm xong
Tôi đã
Tôi
(với một vài đường nét ngôn điệu thích hợp, nếu những phát ngôn này được thể hiện bằng phương tiện âm thanh). Như chúng ta sẽ thấy ở chương 9, sự phân tích hành động tạo lời được phác hoạ trong mục này cho phép chúng ta đi đến những nhận định như vậy theo một cách thoả đáng cả về lí thuyết lẫn kinh nghiệm. Nhưng bây giờ, khi tôi đã giải thích khá chi tiết những gì có liên quan đến sự thực hiện một hành động tạo lời, chúng ta có thể bàn đến điều được mọi người thừa nhận như là đóng góp đặc sắc nhất của Austin trong việc nghiên cứu ý nghĩa: sự phát triển của ông về khái niệm lực ngôn trung.
Đọc tiếp: 8.3.
Lực ngôn trung