• Dẫn nhập • Phát ngôn • Hành động tạo lời • Lực ngôn trung • Nhận định, hỏi và cầu khiến
8.1. Phát ngôn
Như đã chỉ ra ở chương 1, thuật ngữ ‘phát ngôn’ mơ hồ giữa nghĩa quá trình và nghĩa ngôn phẩm (mục 1.6). (Ở đây từ ‘quá trình’ được dùng với nghĩa rộng hơn ‘hành động’ hay ‘hoạt động’: hành động là quá trình có chủ thể kiểm soát; còn hành vi (act) là đơn vị của hành động hay hoạt động). Thuật ngữ ‘phát ngôn’ có thể được dùng để chỉ hoặc chính quá trình (hoặc hoạt động) phát ngôn ra câu nói hoặc chính sản phẩm của quá trình (hoặc hoạt động) ấy. Phát ngôn, theo cách hiểu thứ nhất, hiện nay được dùng để chỉ các hành động ngôn từ; còn theo cách hiểu thứ hai thì có thể dùng để chỉ các phát-ngôn-thành-phẩm (inscriptions), theo một nghĩa đặc biệt của thuật ngữ này. (Thuật ngữ phát-ngôn-thành-phẩm, được nêu ra ở chương 1, không được giới ngôn ngữ học dùng một cách rộng rãi. Nó không nên được xem là phù hợp với ngôn ngữ viết hơn so với ngôn ngữ nói). Trong chương này, một trong những mục đích chính của tôi là làm rõ mối quan hệ giữa các hành động ngôn từ với các phát-ngôn-thành-phẩm và đồng thời với nó là làm rõ hơn sự khác biệt giữa nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn. Trong chừng mực có thể được, tôi sẽ thao tác với các thuật ngữ và khái niệm được lấy ra từ tác phẩm của J.L Austin, hiện đang được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ học và các khoa học có liên quan. Nhưng tôi thấy cần bổ sung một hoặc hai sự phân biệt của riêng tôi, nhằm làm chính xác hơn những gì mà Austin và các môn đệ đã làm về mối quan hệ phức tạp giữa các hành động ngôn từ và câu. Tôi cũng sẽ nêu thảo luận những điểm chưa được chú ý đúng mức trong phạm vi có thể gọi là truyền thống Anh-Mĩ, nếu so với việc xử lí chúng trong truyền thống Pháp điển hình, vốn bắt nguồn từ nghiên cứu của Emile Benveniste (1966, 1974).
Thuật ngữ ‘hành động ngôn từ’ có thể gây hiểu nhầm. Trước hết, nó dễ bị coi là đồng nghĩa với ‘hành động phát ngôn ra câu nói’ hơn là để biểu thị, như nó đã biểu thị (theo cái nghĩa mà nó được các nhà ngôn ngữ học sử dụng), một bộ phận cụ thể nào đó của sản phẩm nói năng. Thứ hai, nó quá nhấn mạnh vào cái bộ phận của sản phẩm nói năng ở khía cạnh là phương tiện ghi lại âm thanh. Tuy nhiên, bởi thuật ngữ ‘hành động ngôn từ’ hiện nay được dùng quá phổ biến, trong ngôn ngữ học và trong triết học, theo nghĩa chuyên môn mà Austin và cụ thể hơn, là J.R Searle đã cấp cho nó, tôi sẽ không tìm cách thay thế nó bằng một thuật ngữ khác thích hợp hơn. Có điều, cần phải nhấn mạnh rằng: (i) thuật ngữ ‘hành động ngôn từ’ được dùng nhất quán theo một nghĩa rất chuyên môn hoá; và (ii) thuật ngữ này, một mặt, giống như thuật ngữ ‘phát ngôn’, và mặt khác, giống như các thuật ngữ ‘phát-ngôn-thành-phẩm’ hay ‘ngôn bản’, được dùng để chỉ sản phẩm của ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết. Tất cả những gì được nêu trong chương này (và xuyên suốt cuốn sách) đều được định hướng nhất quán với những gì đã được nói ở chương 1, một mặt là về ngữ năng và ngữ thi, và mặt khác, là về hệ thống ngôn ngữ, về việc sử dụng hệ thống ngôn ngữ, về sản phẩm của việc sử dụng hệ thống ngôn ngữ đó và sẽ tỏ ra trung tính đối với một số khác biệt hiện được coi là đặc trưng để phân biệt trường phái ngôn ngữ học này với trường phái ngôn ngữ học khác. Chẳng hạn, nó trung tính giữa cách tiếp cận tạo sinh luận và phi tạo sinh luận đối với việc phân tích ngôn ngữ và đối với ngôn ngữ, giữa tri nhận luận (cognitivism) và phản tri nhận luận (anti-cognitivism), giữa chức năng luận và phản chức năng luận, giữa hình thức luận và phản hình thức luận. Thiết thực hơn, sự trình bày của tôi về những gì được gọi là lí thuyết hành động ngôn từ là nhằm đưa ra một cơ sở triết học cần yếu hơn so với những gì thường được nêu trong các sách giáo khoa ngôn ngữ học.
Bản thân Austin chưa hề trình bày lí thuyết được phát triển đầy đủ về các hành động ngôn từ. Di cảo cuối cùng là tập thuyết trình William James ông đọc ở Harvard vào năm 1955 và sau khi ông chết, được công bố với tên gọi How to do things with words (Nói là hành động) (1962). Trước đó, ở Đại học Oxford, trong một số năm, ông cũng đã thuyết trình chính đề tài đó và vào năm 1940, đã sớm có những bài viết có liên quan, nhưng về tập bài giảng William James của mình, ông đã không để lại bản thảo được sửa chữa đầy đủ và có thể công bố. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi chẳng hề có phiên bản được nhất trí và xác định nào về lí thuyết của ông. Sự thật, người ta không rõ ngay cả việc Austin có cố gắng xây dựng một lí thuyết về các hành động ngôn từ theo cách hiểu thuật ngữ ‘lí thuyết’ mà những người người theo tư tưởng của ông đã hiểu hay không. Ông là người thuộc về trường phái được gọi là trường phái triết học ngôn ngữ đời thường, mà thành viên của nó là những người có xu hướng hoài nghi chủ nghĩa hình thức và hoài nghi việc có thể vạch ra những phân biệt rạch ròi.
Mục tiêu chính của Austin, ít nhất ở buổi ban đầu, là xem xét lại điều mà ông nhìn nhận như là nguỵ thuyết miêu tả: quan điểm cho rằng chức năng của ngôn ngữ được quan tâm duy nhất về mặt triết học là chức năng xây dựng những phán đoán đúng hay sai. Cụ thể hơn, ông tấn công vào thuyết thẩm định chân thực, có liên quan đến thực chứng luận lô gích, tức cái thuyết cho rằng các câu chỉ có nghĩa khi chúng biểu thị những mệnh đề có thể kiểm tra được tính đúng hay sai. Chúng ta đã xem xét thẩm định luận (verificationism) khi nói về khái niệm khái niệm điều kiện chân thực (xem mục 5.4). Như chúng ta đã thấy, khi Austin đầu tiên quan tâm đến vấn đề này, những người theo thẩm định luận đã phải đối mặt với sự chỉ trích rằng tiêu chí về tính có nghĩa của họ đã loại trừ, không phải chỉ những cái được gọi là giả phán đoán của thần học hay siêu hình học, mà còn cả những phán đoán thuộc đạo đức học và mĩ học. Một sự đáp trả lại đối với chỉ trích này, nó sẽ được nhắc lại, là thừa nhận những câu như:
‘Tục ăn thịt người là sai lầm’
hoặc
‘Monet là hoạ sĩ tài năng hơn Manet’
không thể được dùng để biểu thị các phán đoán mang tính miêu tả, mà chỉ có thể được dùng để biểu cảm, tức biểu thị những cảm nhận của con người (xem mục 5.5).
Hoặc có thể cho rằng, mặc dù những câu như vậy có thể được dùng để biểu thị các phán đoán đúng hoặc sai thì cái mà người nói biểu thị, khi nói những câu đó, là những thái độ của riêng họ hoặc của ai đó hơn là hiện thực khách quan. Trong các bài viết tương đối sớm của mình, Austin đã phê phán cách hiểu thứ hai này. Sau đó, ông đã chỉ ra rằng trong số những phát ngôn thường ngày của chúng ta, số phát ngôn giả phán đoán là nhiều hơn so với số được thừa nhận bởi những người theo thẩm định luận hoặc những người chống đối họ. Ví dụ, theo Austin, nếu ta phát ngôn câu:
‘Tôi hứa trả anh/chị 5 Bảng’
với mục đích là hứa (và báo cho người nghe biết là ta đang tạo ra một lời hứa), thì ta không phải là đang nói điều gì đó, có thể đúng hoặc sai, do ta nhận thức được mà chính là ta cam kết thực hiện một hành động cụ thể.
Đây, tóm lại, là bối cảnh triết học trong đó Austin lần đầu tiên nêu ra sự phân biệt mà nay rất nổi tiếng giữa phát ngôn tường thuật (constative) và phát ngôn ngôn hành (performative). Theo định nghĩa, phát ngôn tường thuật là phát ngôn nêu nhận định. (Austin thích dùng ‘tường thuật’ hơn là ‘miêu tả’, bởi vì ông cho rằng không phải tất cả những nhận định đúng hoặc sai đều là các phát ngôn miêu tả. Để giản tiện cho việc trình bày ở đây, hai thuật ngữ này sẽ được xem là tương đương). Phát ngôn ngôn hành, trái lại, là những phát ngôn mà khi nói ra chúng, người nói hay người viết chính là đã làm một điều gì đấy hơn là nói một điều gì đấy.
Sự phân biệt giữa nói và làm này (được phản ánh trong tiêu đề bài giảng của Austin ở Oxford là ‘Ngôn từ và hành động’) cuối cùng đã bị từ bỏ. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa phát ngôn tường thuật và phát ngôn phi tường thuật, như trên đây, thì vẫn được giữ lại. Điều đơn giản là, trong phiên bản muộn nhất mà chúng ta có về tác phẩm của Austin, các phát ngôn tường thuật chỉ được xem như là một loại phát ngôn ngôn hành. Tương tự, nói (saying), trong cái nghĩa nêu nhận định, hay xác nhận của động từ ‘nói’, cái nghĩa mà theo đó ta nói một điều gì đó đúng hay sai, sẽ được xem như là một kiểu hành động đặc biệt. Và như chúng ta sẽ thấy, Austin đã xem xét một cách khá chi tiết vấn đề nói và làm. Thực tế, đây là những gì mà lí thuyết hành động ngôn từ của Austin, trong chừng mực nó là một lí thuyết, quan tâm xem xét. Đó là một lí thuyết về dụng học (theo cái nghĩa từ nguyên của thuật ngữ ‘ngữ dụng’, là sự nghiên cứu về hành động).
Hơn thế nữa (mặc dù Austin không phát triển những vấn đề có liên quan của quan điểm này), đó là một lí thuyết dụng học mang tính xã hội: lí thuyết cho rằng nói là hành động trong khuôn khổ những thiết chế và những quy ước xã hội đã được giả định và chấp thuận bởi các thành viên (hay những người tham gia tương tác). Khía cạnh này trong lí thuyết của Austin không phải bao giờ cũng được nhấn mạnh một cách tương xứng.
Sự phân biệt thứ hai mà Austin nêu ra là giữa phát ngôn ngôn hành tường minh và phát ngôn ngôn hành nguyên cấp. Về nguyên tắc, sự phân biệt này áp dụng cho cả phát ngôn tường thuật lẫn phi tường thuật. Ở đây, chỉ cần nói rằng phát ngôn ngôn hành tường minh là dạng mà phát-ngôn-thành-phẩm có chứa những từ ngữ dùng để biểu thị hoặc, bằng một cách nào đó khác, chỉ rõ loại hành động được thực hiện. Định nghĩa này cần được trau chuốt lại ở một vài phương diện. Để nguyên như vậy, nội dung của nó có thể rộng hơn so với dự định của Austin, nhưng lại hẹp hơn mức cần phải có. Nhưng chắc hẳn là nó bao quát tất cả những ví dụ mà Austin và những người theo ông đã dùng để minh hoạ cho loại phát ngôn ngôn hành. Đặc biệt, nó bao quát được các phát ngôn phi tường thuật của những câu như (3). Những câu như vậy có chứa một động từ gọi là động từ ngôn hành, và chính sự hiện diện của động từ này, ở đây là động từ ‘hứa’, ở dạng thức trực thuyết, thì hiện tại đơn giản, cùng với chủ ngữ ở ngôi thứ nhất số ít, sẽ chỉ rõ bản chất của cái hành động ngôn từ được thực hiện khi câu đó được nói ra để hứa.
Tất nhiên, người ta có thể hứa mà không cần dùng một phát ngôn ngôn hành tường minh như vậy. Ví dụ, ta có thể hứa bằng cách nói:
‘Tôi sẽ trả anh/chị 5 Bảng’
Trong trường hợp này, ta đã dùng một phát ngôn mà Austin gọi là ngôn hành nguyên cấp (tức không tường minh). Xét theo định nghĩa được nêu trên đây, phát ngôn này là ngôn hành không tường minh, bởi lẽ tự thân phát-ngôn-thành-phẩm không chứa từ ngữ nào chỉ ra rằng nó là một lời hứa chứ không phải là dự báo hay nhận định.
Đó có thể xem là một sự trình bày đủ, mặc dù không chính thức và phần nào chưa chính xác, về những gì mà Austin suy nghĩ khi ông nêu ra sự khác biệt giữa phát ngôn ngôn hành tường minh và nguyên cấp. Cần lưu ý rằng chính các phát ngôn, chứ không phải là các câu, được phân chia thành tường thuật hoặc phi tường thuật, ngôn hành tường minh hoặc không tường minh. Khi các nhà ngôn ngữ dùng thuật ngữ ‘câu ngôn hành’, họ thường viện đến các câu như ‘Tôi hứa trả anh/chị 5 Bảng’, vốn chứa một động từ được gọi là ngôn hành và thường được nói ra với tư cách là những phát ngôn phi tường thuật tường minh.
Như những gì đã được nói về câu trần thuật và phi trần thuật ở chương 6 chỉ rõ, câu (4) là câu trần thuật, bởi lẽ nó thuộc về một loại câu mà các thành viên điển hình được dùng một cách đặc trưng để nêu nhận định. Ở điểm này, cần nhấn mạnh rằng nói như vậy không có nghĩa là mỗi thành viên hoặc bất kì tiểu lớp nào của loại câu này đều chỉ được dùng thông thường với mục đích đó. Cho dù (3) thậm chí không bao giờ được dùng để nêu nhận định mà chỉ để hứa hẹn, nó vẫn là một câu trần thuật bởi cấu trúc ngữ pháp của nó. Và (3) tất nhiên có thể được dùng (trong tiếng Anh chuẩn hiện nay) để nêu các loại nhận định khác nhau. Không cần thiết phải nhắc đi nhắc lại điều này ở đây. Nhưng nó cần phải được lưu tâm trong suốt chương này.
Trong phần tiếp theo, tôi sẽ dùng một số thuật ngữ của Austin. Nhưng không phải bao giờ tôi cũng giải thuyết chúng một cách hoàn toàn giống như Austin. Ở một vài trường hợp, cách giải thuyết của Austin không được rõ ràng, ở những trường hợp khác thì đủ rõ nhưng lại gây tranh cãi. Vấn đề đáng nói hơn là quan niệm của Austin về sự phân biệt giữa câu và phát ngôn là rất khác với quan niệm mà tôi chấp nhận trong sách này. Vì vậy, tôi sẽ giải thích lại lí thuyết hành động ngôn từ của Austin dưới ánh sáng của sự phân biệt này.
Đọc tiếp: 8.2. Hành động tạo lời