a. Từ lịch sử là những từ bị đẩy ra ngoài phạm vi từ vựng chung, tích cực bởi các nguyên nhân lịch sử và xã hội. Khi đối tượng từ biểu thị, gọi tên bị gạt ra ngoài đời sống xã hội thì tên gọi của nó cũng mất dần vị trí vốn có trước đây. Chẳng hạn, các từ gọi tên chức tước, phẩm hàm, quan chế, các công việc thi cử, thuế má… thời xưa trong tiếng Việt, nay đã trở thành từ lịch sử. Trong đời sống giao tiếp chung, rất hiếm khi chúng được nhắc tới: thái thú, thái học sinh, thượng thư, toàn quyền, công sứ, đốc đồng, tú kép, tú mền, cử nhân, hoàng giáp, thám giá, bảng nhãn, nghè, cống, khoá sinh, ống quyển, áp triện…
b. Khi nói về lịch sử và từ cổ trong tiếng Việt, ta cần chú ý tới một bộ phận gồm những từ như: hoả tiễn, hoả xa, hoả châu, hoá pháo, hải đăng, hải phỉ, tiềm thuỷ đĩnh, hàng không mẫu hạm, điền chủ, điền trang, dân cày, khai hội, gác đờ bu, gác đờ xen, pooc ba ga, ghi đông…
Nếu lấy tiêu chí là từ bị từ khác thay thế (từ đồng nghĩa với chúng trong từ vựng hiện đại) thì phải nhất loạt gọi chúng là các từ cổ. Thế nhưng, thực tế là người hiện thời hôm nay vẫn hiểu chúng khá rõ, thậm chí đôi ki rất rõ và vẫn dùng, vì chúng chỉ mới bị thay thế cách đây không lâu, hoặc đang trên đường bị thay thế hẳn. Bởi vậy, để phản ánh tình hình đó, có khi người ta tách chúng ra thành một nhóm gọi là nhóm các từ cũ với ngụ ý phân biệt về tính chất và mức độ cổ so với các từ cổ thực sự, xa xôi với tình trạng ngôn ngữ ngày hôm nay.