Từ bản ngữ đồng đại là những từ mà xét về cấu trúc ngữ âm cũng như thái độ hình thái học hoàn toàn nằm trong cấu trúc đương thời của bản ngữ mặc dù xét về phương diện lịch đại đó có thể là những từ có nguồn gốc ngoại lai. Thí dụ:
- Những từ mượn tiếng Hán cổ, những từ Hán Việt đã Việt hoá về ngữ âm và những từ tiếp nhận từ các ngôn ngữ Ấn-Âu nhưng có dạng ngữ âm trùng với âm tiết: xăng, bì, lốp, gần, đầu, thần, ngọc, bia, phin, phớt…
- Những từ Hán Việt đã có khả năng hoạt động tự do như tất cả các từ thuần Việt khác: ông, bà, tài, đức, thọ, học, thanh, hiếm, trí, phô, chúc thọ, chức tước, ông bà, nguy hiểm, sự vật, trí não, học tập, thành phố…
Bây giờ chúng ta hãy đi sâu vào lớp từ ngoại lai.
Nếu căn cứ vào mối liên hệ với sự vật và khái niệm, có thể chia từ ngoại lai thành hai loại:
- Những từ ngoại lai biểu thị những sự vật và khái niệm mới xuất hiện, trong bản ngữ chưa có từ biểu thị. Các từ xô viết, công xô môn, đồng chí, hợp tác xã, may ô, xà phòng v.v… trong tiếng Việt là như vậy.
- Những từ biểu thị những sự vật và khái niệm đã có từ trước trong bản ngữ đã có từ biểu thị rồi. Trong trường hợp này, từ ngoại lai đồng nghĩa với từ bản ngữ. Tiếng Việt tiếp nhận từ ngữ tiếng Hán một cách hệ thống, vì vậy có hàng loạt từ gốc Hán đồng nghĩa với các từ thuần Việt. Thí dụ: thiên – trời, địa – đất, cử – cất, tồn – còn, tử – con, tôn – cháu…
Nếu xét về thành phần ngoại lai, có thể chia từ ngoại lai thành từ phiên âm và từ sao phỏng.
Từ phiên âm là tiếp nhận cả hình thức lẫn nội dung của từ của ngôn ngữ khác. Hình thức ngữ âm của các từ của ngoại ngữ có thể thay đổi ít nhiều cho phù hợp với quy luật ngữ âm của bản ngữ. Thí dụ:
Pháp | Việt |
---|---|
glaïeul | layơn, dơn |
planton | loong toong |
fromage | pho mát |
cravate | ca la vát, ca ra vát, ca vát,… |
Từ sao phỏng là những từ tiếp nhận một mặt nào đó của từ của ngôn ngữ khác. Từ sao phỏng có hai loại: sao phỏng cấu tạo từ và sao phỏng ngữ nghĩa.
Sao phỏng cấu tạo từ là trường hợp dùng chất liệu của bản ngữ để cấu tạo một từ nào đó dựa theo mẫu về kết cấu của các từ tương ứng trong ngôn ngữ khác. Thực chất của loại này là dịch từng yếu tố có tính chất hình thái học của các từ của ngôn ngữ khác. Như vậy, nó chỉ tiếp nhận mẫu cấu tạo từ trong ngôn ngữ khác mà thôi. Thí dụ: từ tiếng Nga подразделение là sao phỏng cấu tạo từ của từ tiếng Pháp subdivision (sự chia nhỏ). Nó được thực hiện bằng cách dịch tiền tố sub- bằng tiền tố под-, chính tố -divis- bằng -раздел- và hậu tố -ion bằng -ение. Trong tiếng Việt, các đơn vị từ vựng như chắn bùn, chắn xích, chiến tranh lạnh… cũng là sao phỏng cấu tạo từ của các đơn vị tương ứng trong tiếng Pháp là garde boue, garde chain, guerre froide… Ngoài hiện tượng sao phỏng cấu tạo từ hoàn toàn như những thí dụ trên, còn có hiện tượng sao phỏng cấu tạo từ không hoàn toàn. Những từ sao phỏng kiểu này một phần là dịch các yếu tố tương đương của ngoại ngữ, phần còn lại là tiếp nhận nguyên si của ngôn ngữ đó. Chẳng hạn từ идолослвужение của tiếng Nga bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp là từ eidololatreia (sự thờ thần tượng), trong đó, chính tố идоло- được tiếp nhận, còn chính tố latr- và phụ tố -eia được dịch ra tiếng Nga là служ- và -ение.
Từ телевидение (vô tuyến truyền hình) bắt nguồn từ từ televisia trong đó chính tố теле- có nguồn gốc Hi Lạp, còn chính tố -vis- và phụ tố -ia (gốc Latin) được dịch ra tiếng Na là -вид- và -ение.
Sao phỏng ngữ nghĩa là hiện tượng các từ tiếp nhận thêm ý nghĩa của các từ tương ứng trong ngôn ngữ khác. Cơ sở để từ này có thể tiếp thu thêm ý nghĩa của từ tương ứng trong ngôn ngữ khác là ý nghĩa định danh trực tiếp của chúng phải giống nhau. Từ này chỉ tiếp nhận thêm ý nghĩa bóng vốn chỉ có ở từ kia. Thí dụ: Từ tiếng Nga трогать có thêm ý nghĩa "gây xúc động" là nhờ sao phỏng ý nghĩa của từ toucher trong tiếng Pháp. Cơ sở của sự sao phỏng này là cả hai từ đều có ý nghĩa trực tiếp là "sờ mó". Ý nghĩa "tầm thường, vô vị" của từ плоскиы cũng là do sao phỏng ý nghĩa của từ tiếng Pháp plat mà có. Cả hai từ này đều có ý nghĩa trực tiếp là "bằng phẳng". Từ ngựa trong tiếng Việt và từ cheval trong tiếng Pháp cùng chỉ một loài động vật, nhưng từ cheval còn chỉ một đơn vị sức kéo, do đó, từ ngựa đã có thêm cả ý nghĩa này (máy 15 ngựa). Nếu hiện tượng sao phỏng cấu tạo từ dẫn đến sự xuất hiện trong ngôn ngữ những từ mới thì hiện tượng sao phỏng ngữ nghĩa chỉ dẫn đến sự xuất hiện những từ đồng âm hoặc những ý nghĩa mới của từ đã có.
Hiện tượng tiếp nhận từ ngữ của ngôn ngữ khác không diễn ra một cách đơn giản như ta chuyển thóc lúa từ bồ này sang bồ kia mà các từ ngữ ngoại lai phải chịu sự biến đổi theo quy luật của ngôn ngữ tiếp nhận. Nói chung, quá trình đồng hoá các từ ngoại lai diễn ra trên cả ba mặt ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp. Mỗi ngôn ngữ có hệ thống ngữ âm riêng. Khi một từ chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia phải có sự biến đổi diện mạo của mình cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ chủ thể. Chẳng hạn, các từ tiếng Pháp gare, poste, gramme sang tiếng Việt đã đổi thành ga, bốt, gam. Khi đã tồn tại với tư cách là một thành viên của ngôn ngữ chủ thể, từ ngoại lai lại chịu sự biến đổi theo quy luật riêng của ngôn ngữ chủ thể. Từ ngoại lai và từ gốc mà nó xuất thân có thể phát triển theo những hướng hoàn toàn khác nhau.
Thí dụ: Vào thời kì của tiếng Hán cổ, cả tiếng Việt và tiếng Hán đều có phụ âm vô thanh. Từ can của tiếng Hán cổ khi chuyển sang tiếng Việt vẫn giữ nguyên diện mạo như vậy. Nhưng sau đó, các từ trong tiếng Hán biến đổi theo quy luật vô thanh hoá, còn các từ trong tiếng Việt lại biến đổi theo quy luật hữu thanh hoá. Do đó, từ can trong tiếng Hán hiện đại vẫn đọc như vậy, còn trong tiếng Việt, can đã đổi thành gan.
Ở bình diện ngữ nghĩa, quá trình đồng hoá cũng diễn ra tương tự như vậy. Khi tiếp nhận, ngôn ngữ này có thể thể không tiếp nhận tất cả các ý nghĩa của từ trong ngôn ngữ khác.
Thí dụ: từ balle trong tiếng Pháp có các nghĩa: 1) quả bóng, 2) đầu đạn, nhưng tiếng Việt chỉ tiếp nhận từ này với ý nghĩa thứ nhất mà thôi. Do mối quan hệ với các từ bản ngữ, ý nghĩa của các từ hồng, hoàng, thanh trong tiếng Hán có ý nghĩa tương tự như các từ đỏ, vàng, xanh của tiếng Việt. Khi du nhập vào tiếng Việt, các từ này cũng được dùng để biểu thị những màu ấy nhưng ở sắc độ nhạt hơn.
Về mặt ngữ pháp, các từ ngoại lai cũng được đồng hoá theo bản ngữ. Chẳng hạn, tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình, hiện tượng chuyển loại xảy ra rất dễ dàng. Nhiều từ tiếng VIệt tiếp nhận của tiếng Pháp cũng tuân theo quy luật đó: double, blue là tính từ, vào tiếng Việt đúp, lơ có thể làm động từ. Nhiều cụm từ tiếng Pháp khi vào tiếng Việt đã được nhận thức như một từ, thí dụ: à la xô (à l’assaut), phú la căng (foutre le camp – "cuốn xéo"), cập bà lời (t’as pas k’eoil) v.v…
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 129–134.
Trở lại: Phần 1
Đọc thêm: Phân lớp từ ngữ tích cực và tiêu cực