Căn cứ vào nguồn gốc của các từ, người ta chia từ vựng thành hai lớp: từ bản ngữ và từ ngoại lai. Hai khái niệm này cần được xác định một cách biện chứng và lịch sử.
Bất kì ngôn ngữ nào, trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng thu hút nhiều yếu tố của các ngôn ngữ khác, do đó có nhiều từ ngữ giống hoặc tương tự với các từ ngữ của các ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, tiếng Việt hiện đại của chúng ta ngày nay chứa đựng nhiều từ ngữ giống hoặc tương tự với các từ ngữ trong nhiều thứ tiếng khác như: tiếng Mường, tiếng Thái, tiếng Tày-Nùng, tiếng Bana, tiếng Gialai, tiếng Êđê, tiếng Khmer, tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh… Nếu không nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng và lịch sử thì rất khó xác định đâu là từ bản ngữ, đâu là từ ngoại lai. Có người cho rằng chỉ có thể gọi một cách hợp lí từ ngoại lai trong một ngôn ngữ nhất định là những yếu tố đã thâm nhập sau cái thời kì ít nhiều chính xác đánh dấu một cách quy ước giai đoạn đầu của ngôn ngữ ấy. Trong thực tế. vấn đề xác định thời gian hình thành của một ngôn ngữ dân tộc nào đó là rất phức tạp và không phải bao giờ cũng cho một câu trả lời chắc chắn. Vì vậy, chúng ta vẫn vấp phải cái khó khăn trong khi phân biệt từ bản ngữ và từ ngoại lai. Nội dung của hai khái niệm này chỉ có thể xác định một cách tương đối chắc chắn nếu xét chúng trong những giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định. Các giai đoạn phát triển của một ngôn ngữ kế tiếp lẫn nhau, mỗi giai đoạn bao gồm những yếu tố thuộc ba loại:
- Những yếu tố cũ, giai đoạn trước để lại;
- Những yếu tố mới du nhập vào từ các ngôn ngữ khác trong giai đoạn ấy;
- Những sản phẩm mới được cấu tạo trên cơ sở những yếu tố cũ và những yếu tố mới du nhập vào.
Xét trong giai đoạn ấy, những từ thuộc loại một và loại ba có thể được coi từ bản ngữ, còn những từ thuộc loại hai là những từ ngoại lai. Như vậy, khái niệm từ ngoại lai và từ bản ngữ được quan niệm một cách biện chứng. Những từ ngoại lai trong giai đoạn này có thể trở thành từ bản ngữ trong giai đoạn tiếp theo.
Cách xác định từ bản ngữ và từ ngoại lai căn cứ vào nguồn gốc đòi hỏi phải biết từ nguyên của các từ. Công việc này không phải bao giờ cũng thực hiện được dễ dàng. Trong việc sử dụng ngôn ngữ, chỉ những khác biệt phản ánh tình trạng hiện thời của ngôn ngữ là quan trọng. Vì vậy, từ bản ngữ và từ ngoại lai còn được xác định về phương diện đồng đại thuần tuý. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm từ bản ngữ đồng đại và từ ngoại lai đồng đại.
Từ ngoại lai đồng đại là những từ có những nét không nhập hệ (non intégrés) vào cấu trúc đương thời của ngôn ngữ. Từ ngoại lai đồng đại có thể là những từ ngoại lai còn giữ những đặc trưng của ngoại ngữ khiến cho chúng khác với các từ bản ngữ đồng đại. Đối với tiếng Việt, những đơn vị đó có thể là.
- Những từ phiên âm nhưng viết liền như: cácbon, amin, amoniac, ampe…
- Những từ phiên âm nhưng viết rời như: a-xít, a-mi-la-da, a-ni-lin, a-nô-phen, a-pa-tít, a-xê-ti-len…
- Những đơn vị có cách kết hợp âm vị bất thường như: pa-tê, noãn xào, xoong, séc, loong toong…
- Những từ Hán Việt không hoạt động tự do như: sơn, thuỷ, gia, quốc, hải…
- Tổ hợp các từ Hán Việt không hoạt động tự do như: ba đào, giai nhân, tham quan, sở dĩ, phạm trù, tiền phong…
- Những từ không phải tiếp thu của ngoại ngữ nào nhưng lại có những nét làm cho nó khác hẳn các từ khác và được xử lí một cách khác cũng là từ ngoại lai đồng đại. Thí dụ: leeng keeng, loong coong, bù nhìn, mồ hóng, mồ hôi, lê ki ma, chôôc…
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 129–134.
Đọc tiếp: Phần 2Đọc thêm: Phân lớp từ ngữ tích cực và tiêu cực