I. Trên thực tế, hầu như không có từ vựng của ngôn ngữ nào lại chỉ hình thành, xây dựng bằng con đường "tự nó". Trong những ngôn ngữ được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp… người ta vẫn có thể thấy hàng loạt từ ngữ mà chúng vay mượn, hoặc vốn có nguồn gốc từ ngôn ngữ khác. Tiếng Việt của chúng ta cũng vậy.
Như thế, điều mà người ta có thể dễ thấy nhất ở đây là nổi lên đường phân giới giữa hai lớp từ ngữ: lớp từ bản ngữ (còn gọi là lớp từ thuần) và lớp từ có nguồn gốc khác, xa lạ (còn gọi là lớp từ ngoại lai). Phân tích qua tiếng Việt, ta sẽ rõ điều đó.
II. Ở từ vựng tiếng Việt, lớp từ ngoại lai được phân thành hai lớp nhỏ hơn: lớp các từ ngữ gốc Hán và lớp các từ ngữ gốc Ấn-Âu (chủ yếu là gốc Pháp).
1. Các từ ngữ gốc Hán
1.a. Tiếng Việt đã trải qua quá trình tiếp xúc với tiếng Hán từ rất lâu đời, thông qua nhiều con đường và bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Có thể chia quá trình tiếp xúc Hán – Việt thành hai giai đoạn lớn: một là giai đoạn từ đầu công nguyên đến đầu đời Đường (đầu thế kỉ 8); hai là giai đoạn từ đời Đường (thế kỉ 8 – thế kỉ 10) trở về sau. Hai lần tiếp xúc lớn này cung cấp cho từ vựng tiếng Việt hai nguồn gốc từ Hán mà như trước nay vẫn quen gọi là từ Hán cổ và từ Hán Việt.
1.b. Từ Hán cổ là những từ gốc Hán được du nhập vào tiếng Việt trong giai đoạn một. Vì đi vào tiếng Việt đã lâu, đã được đồng hoá rất mạnh, nên những từ này hiện nay nói chung không còn cái vẻ xa lạ đối với người Việt nữa. Ví dụ: chè, ngà, chén, chém, chìm, buồng, buồn, buồm, mùi, mùa…
1.c. Từ Hán Việt là những từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt trong giai đoạn hai, mà người Việt đã đọc âm chuẩn (Trường An) của chúng theo hệ thống ngữ âm của mình. Cách đọc đó được duy trì (với những biến đổi ít nhiều) cho đến tận ngày nay. Ví dụ: trà, mã, trọng, khinh, vượng, cận, nam, nữ…
Tên gọi "từ Hán Việt" còn bao gồm cả những từ vốn không phải là gốc Hán, mà do người Hán mượn một ngôn ngữ khác, rồi người Việt vay mượn lại và đọc theo âm Hán Việt như các từ Hán Việt khác. Ví dụ, có những từ vốn xuất thân nguồn gốc Nhật Bản như: trường hợp, nghĩa vụ, phục tùng, phục vụ, điều chế, đại bản doanh, kinh tế, thủ tục, biện chứng, khái quát, mĩ thuật, cộng hoà… Có những từ lại vốn xuất thân từ nguồn gốc Phạn (Sanskrit) như Phật, Nát Bàn, Di lặc, Thích ca mầu ni… Có từ lại vốn thuộc nguồn gốc châu Âu như: câu lạc bộ, Anh Cát Lợi, Mạc Tư Khoa…
Bên cạnh đó, những từ do người Việt tạo ra nhưng sử dụng yếu tố cấu tạo có nguồn gốc Hán thì cũng được gọi là từ Hán Việt. Chẳng hạn: y sĩ, đặc công, thể công, công an, thúc bách, đại đội, tiểu đoàn, thiếu tá, hao mòn, ca hát, hiểm nghèo, thanh vắng, ca ngợi, người bệnh, tàu thuỷ, tàu hoả, cướp đoạt… (Tuy nhiên, loại này cần có thái độ nhìn nhận riêng).
1.d. Cũng là những từ gốc Hán nhưng có một nhóm được du nhập vào tiếng Việt thông qua con đường khẩu ngữ của những người nói phương ngữ tiếng Hán. Nhóm này có số lượng không nhiều và nói chung không đem lại cho tiếng Việt ảnh hưởng đáng kể nào. Ví dụ: xì dầu, mì chính, vằng thắn, xá xíu, sủi cảo, lậu, lục tào xá, tào phớ, chí ma phù, bát bảo lường xà…
1.e. Diễn biến của các từ gốc Hán nói chung trong tiếng Việt rất phức tạp. Tuy vậy, những kết quả phân tích về chúng đã cho phép rút ra một số hướng như sau:
+ Trước hết, chúng được Việt hoá, được "cải tổ" về mặt ngữ âm. Đó là một tất yếu. Thậm chí, chỉ có hàng loạt từ được Việt hoá tới hai lần, dẫn tới hai kết quả tồn tại song song: một cách đọc được gọi là cách đọc Hán Việt, một cách đọc được gọi là Hán Việt Việt hoá. Cách đọc thứ hai làm mờ hẳn nguồn gốc của chúng đi, đưa chúng vào sâu hơn trong tiếng Việt. Ví dụ: kính – gương; các – gác; can – gan; cận – gần; kí – ghi; quả – goá; kiếm – gươm; hoạ – vạ…
Một biểu hiện khác của sự cải tổ về ngữ âm là rút ngắn từ lại. Ví dụ: cử nhân – cử (cụ cử); tú tài – tú (cậu tú); thục địa – thục (củ thục); tiểu đồng – tiểu (chú tiểu); tiểu tiện – tiểu (đi tiểu)…
+ Về năng lực hoạt động, khả năng nhập hệ của các từ gốc Hán trong tiếng Việt, rất không đồng đều. Rất nhiều từ có khả năng hoạt động độc lập, tổ hợp tự do, đến mức có lẽ trừ những người có vốn Hán học và những nhà nghiên cứu ra, không mấy ai còn để ý đến hoặc "cảm thấy" nguồn gốc Hán của chúng nữa. Ví dụ: đầu, bút, tuyết, thánh, hiền, tiên, phật, bụt, ông, bà, cô, cậu, cao, thấp…
+ Về mặt ý nghĩa, không phải từ gốc Hán nào trong tiếng Việt cũng giữ y nguyên cái nghĩa vốn có của nó. Một số từ chỉ còn được dùng với một hoặc vài nghĩa trong số nhiều nghĩa của chúng. Chẳng hạn từ nhất vốn có hơn 10 nghĩa nhưng đi vào tiếng Việt, nó chỉ còn giữ lại nghĩa “thứ tự trên hết” khi hoạt động tự do: hạng nhất, giỏi nhất, xếp thứ nhất… Đôi khi trong những tổ hợp vay mượn nguyên khối từ gốc Hán, nói mới lưu giữ ý nghĩa “số từ một” như: nhất cử nhất động, nhất cử lưỡng tiện, nhất thể hoá…
Cũng có từ đỏi hẳn nghĩa của mình đi. Ví dụ:
bạc (mỏng → quên ơn); khinh (nhẹ → coi thường); tâm (tim → tấm lòng, bụng dạ con người); tử tế (kĩ lưỡng → tốt bụng); đáo để (đến đáy, đến tận cùng → độc ác, riết róng); sung sướng (đầy đủ, thông suốt → sướng, hạnh phúc);…
1.f. Các từ gốc Hán nói chung và từ Hán Việt nói riêng, có vị trí rất đặc biệt trong từ vựng tiếng Việt. Chúng có số lượng rất lớn và năng lực sản sinh rất mạnh. Chúng ra nhập vào mọi lĩnh vực giao tiếp của đời sống người Việt: chính trị, văn hoá, khoa học, kĩ thuật, quân sự, ngoại giao, y tế, pháp luật… Điều này không có gì lạ, bởi vị trí và quá trình tiếp xúc lâu đời giữa tiếng Hán với tiếng Việt tất dẫn đến kết quả đó.
Điều quan trọng là ở chỗ chúng ta phải có cách nhìn nhận và xử lí các nhóm, các lớp trong lớp từ gốc Hán này sao cho thoả đáng, phù hợp với nhu cầu xây dựng một hệ thống từ vựng tiếng Việt phong phú, đầy đủ mà vẫn không làm giảm bớt bản sắc tiếng nói dân tộc.
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 213–219.
Đọc tiếp: Các từ ngữ gốc Ấn-Âu
Đọc thêm: Từ bản ngữ và từ ngoại lai