2. Chữ Quốc ngữ trong lịch sử tiếng Việt (tiếp theo và hết)
2.2. Một vài nhận xét qua cách nhìn của lịch sử tiếng Việt
Vào thời điểm hiện nay có một vài ý kiến cho rằng chữ quốc ngữ mà chúng ta đang sử dụng có những bất hợp lí và nhiều nhà nghiên cứu cũng như những người sử dụng đã nêu vấn đề cần phải "cải tiến". Tuy nhiên có rất nhiều lí do để giải thích rõ rằng việc gán cho chữ quốc ngữ sự "không ăn khớp" hay bất hợp lí để nhằm "cải tiến" nó là điều không có nhiều thực tế, theo cách bé xé ra to. Nhìn ở mặt lịch sử ngôn ngữ, chúng tôi có những cơ sở để cho rằng trước mắt không nên và không cần thực hiện sự "cải tiến" như nhiều người vẫn luôn luôn đề nghị.
Thứ nhất, như chúng ta đã biết, chữ viết chỉ là kí hiệu đồ hình ghi lại tiếng nói của cá thể ngôn ngữ ở một thời điểm xác định. Khi chữ viết ra đời bao giờ nó cũng phản ánh ngữ âm của ngôn ngữ vào thời kì đó. Chính điều đó quy định chữ viết dùng cho một ngôn ngữ có tính cố định tương đối. Trong khi đó ngôn ngữ lại luôn luôn phát triển, biến đổi và sự phát triển ấy là rất khác nhau ở những thời điểm khác nhau, ở những vùng khác nhau. Vì thế, người ta đễ dàng nhận thấy ở vào một thời kì nào đó chữ viết của một ngôn ngữ, nhất là loại chữ viết ghi âm, sẽ không tương thích "một cách logic" với ngữ âm ngôn ngữ mà nó kí hiệu. Điều vừa nói ở trên là một hiện tượng tương đối phổ biến. Những người biết tiếng Anh, tiếng Pháp… sẽ thấy có nhiều trường hợp, vào thời điểm hiện nay, con chữ của những ngôn ngữ ấy không phản ánh đồng bộ với cách phát âm mà người ta sử dụng để phát âm từ đó. Đối với chữ quốc ngữ ghi âm tiếng Việt, vào thời điểm hiện nay, nhất là theo cách phát âm của vùng Bắc Bộ, chúng ta thấy rất rõ sự không tương thích giữa con chữ và cách phát âm. Chẳng hạn, các con chữ "tr" hay "ch" đều được phát âm như con chữ "ch"; hay như các con chữ "d, gi, r" đều được phát âm như con chữ "gi" với cách phát âm [z]. Ở đây, rõ ràng lí do là chữ viết thường có tính cố định, còn các phát âm do chữ viết phản ánh lại có sự khác biệt. Trong một thưc tế không thể tránh được như vậy, vào thời điểm này chúng ta cải tiến con chữ cho tương thích với cách phát âm, thì vào thời điểm khác chúng ta lại "tiếp tục cải tiến"nó lần nữa. Nhìn ở khía cạnh lịch sử như vậy những người hiểu biết vấn đề sẽ không ai không nhận thấy tính bất hợp lí hay chưa đủ sức thuyết phục của những ý kiến nêu ra đề nghị cải tiến chữ quốc ngữ.
Thứ hai, chữ quốc ngữ như cách viết hiện nay đã được định hình cách đây gần hai thế kỉ rưỡi. Điều đó có nghĩa là dạng thức chữ viết ấy đã phản ánh ngữ âm tiếng Việt từ thời điểm ấy trở về trước. Nhờ đó mà chúng ta biết được biết được lí do từ A. de Rhodes đến P. de Béhaine đều dùng con chữ "d" để phân biệt với con chữ "gi" là do nguồn gốc lịch sử khác nhau của chúng. Theo đó, con chữ thứ nhất là để ghi lại âm xát vốn bắt nguồn từ một âm tắc giữa đầu lưỡi răng (dái < *katáj). Trong khi đó, con chữ thứ hai là để ghi lại âm xát vốn bắt nguồn từ một âm tắc giữa mạc hay giữa lưỡi (giường < *kàchờng). Đồng thời, sự phân biệt giữa con chữ "d" và con chữ "đ" là để phân biệt một bên (chữ "d") là con chữ ghi một âm xát vốn trước đó là một âm tắc, còn một bên khác (chữ "đ") là con chữ ghi một âm hút vào vốn bắt nguồn từ một âm tắc vô thanh. Vậy là, nhìn ở thời điểm hiện nay, cách ghi có vẻ "thiếu nhất quán" nói trên rất hữu ích trong việc người ta tìm hiểu ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
Thứ ba, nhìn ở khía cạnh phát triển, chữ quốc ngữ hiện nay vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội hiện đại, cả ở kĩ thuật xử lí văn bản bằng máy móc lẫn giao tiếp thông thường. Khi phân tích bản chất chữ viết quốc ngữ này, Hoàng Cao Cương đã có nhận xét rất đáng chú ý rằng “Hệ thống âm thanh tiếng Việt như chữ quốc ngữ đã thể hiện qua thói quen viết các từ ngữ tiếng Việt của chúng ta hiện nay, theo chúng tôi, chính là tính lí tưởng hoá của xu hướng cân bằng động trong bình diện ngữ âm của ngôn ngữ thành văn. Vì nó là sản phẩm của khái quát hoá và lí tưởng hoá nên hệ thống âm thanh này thực chất từ lâu đã được lưu giữ dưới dạng âm vị học, chứ không phải ngữ âm học“[1]. Do đó, cũng theo tác giả này, “trong tình hình hiện nay, vì vậy, chuẩn hoá về chữ viết cũng không thể chờ vào thành quả của chuẩn hoá phát âm và tuân theo cái nguyên tắc đầy lãng mạn một thời nào đó: ‘chỉ có thể phát âm đúng mới có thể viết đúng‘. Chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn hoá chính tả một cách độc lập trên cơ sở một tiếng Việt văn hoá đã có một quá khứ nhất trí cao về mặt này“[2]. Nói một cách khác, chữ viết quốc ngữ mà chúng ta có hiện nay đủ để chúng ta sử dụng theo yêu cầu phát triển xã hội mà không cần tới một sự sửa chữa nào nữa.
Như vậy, nhìn ở góc độ lịch sử tiếng Việt với ba lí do trên, và có thể còn có những lí do khác nữa, dường như không cần và không nên đặt ra vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ theo nghĩa thêm bớt hay thay đổi dạng con chữ. Bởi vì, nếu chúng ta "cải tiến" thì trong lịch sử sẽ phải thực hiện nhiều lần khác nhau mới đảm bảo không có sự khác biệt giữa chữ viết và cách đọc chữ viết. Mà làm như vậy thì chúng ta sẽ liên tiếp cắt đi mối dây lịch sử văn hoá của một dân tộc, điều mà không ai lại muốn làm. Bởi vì, chính tính "lạc hậu, tính không tương thích" của chữ viết với ngữ âm sẽ cung cấp cho chúng ta những chứng cớ minh chứng cho nhiều hiện tượng biến đổi ngôn ngữ mà không có nó khó có thể có lời giải thích thuyết phục. Bởi vì về mặt bản chất chữ quốc ngữ của chúng ta hiện nay đảm bảo cho việc xây dựng một ngôn ngữ phát triển ở cả bình diện giao tiếp cũng như bình diện kĩ thuật.
Theo Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[1], [2] Hoàng Cao Cương (2004). Về chữ quốc ngữ hiện nay. Ngôn ngữ, số 1 (2004), trang 30.
Trở lại: 2.1. Những điểm mốc đáng chú ý của chữ quốc ngữ trong lịch sử tiếng Việt