2. Chữ Quốc ngữ trong lịch sử tiếng Việt
Trong lịch sử tiếng Việt, cách gọi "Quốc ngữ" được dùng để chỉ hai loại văn tự khác nhau của người Việt. Ban đầu khi chữ Nôm xuất hiện, tên gọi "Quốc ngữ" cũng được người ta dùng để chỉ chữ Nôm. Cách gọi này cùng song hành với một tên gọi khác là "Quốc âm" (như Quốc âm thi tập ("Tập thơ bằng quốc âm") của Nguyễn Trãi chẳng hạn), dùng để phân biệt với loại văn tự khác không phải là "Quốc ngữ" hay "Quốc âm" thời bấy giờ. Cách gọi có ý nghĩa như vừa nói ở trên còn có ý phân biệt chữ Nôm là thứ chữ của "tiếng nói nước mình", khác với một loại chữ "không phải của nước mình" và về sau không còn được tiếp tục duy trì nữa. Hiện nay, cách gọi "Quốc ngữ" được sử dụng để chỉ loại văn tự dùng con chữ Latin để ghi âm tiếng Việt. Hiện giờ chúng tôi chưa gặp một tài liệu nào cho biết cách gọi "Quốc ngữ" để chỉ loại văn tự dùng con chữ Latin có từ bao giờ và khi nào thì người ta không còn dùng tên gọi "Quốc ngữ" để chỉ chữ Nôm nữa. Như vậy, chữ Quốc ngữ trong lịch sử tiếng Việt mà chúng tôi trình bày ở đây chỉ có nghĩa là loại văn tự dùng con chữ Latin để ghi âm tiếng Việt như chúng ta đang dùng.
Như mọi người đều biết, hiện nay có khá nhiều công trình khảo cứu chi tiết về chữ Quốc ngữ ở nhiều khía cạnh, cả của nhà ngôn ngữ học lẫn nhà văn hoá học[1]. Những khảo cứu của họ đã giúp bạn đọc có thể tìm hiểu sâu vào lĩnh vực này. Vì thế ở góc độ lịch sử tiếng Việt, để tránh những sự dài dòng không cần thiết, chúng tôi chỉ xin đề cập đến tính lịch sử của chữ Quốc ngữ, tức là trình bày những suy nghĩ của mình về sự xuất hiện và quá trình hoàn thiện của loại văn tự này và giá trị sử dụng nó sau khi ngôn ngữ đã có một quá trình biến đổi lâu dài. Nói một cách khác, chúng tôi chỉ xin bước đầu đề cập đến vấn đề đang quan tâm trên cơ sở những chú ý ở khía cạnh lịch sử tiếng Việt mà không đặt nhiệm vụ trình bày toàn cảnh vấn đề về chữ quốc ngữ.
2.1. Những điểm mốc đáng chú ý của chữ quốc ngữ trong lịch sử tiếng Việt
Đã từng có rất nhiều ý kiến cho biết rằng một trong những người đầu tiên có công xây dựng chữ viết Latin cho tiếng Việt là A. de Rhodes. Nhưng điều này không đơn thuần có nghĩa ông mới là người đầu tiên duy nhất sáng tạo ra loại chữ viết ấy. Chúng tôi nghĩ rằng cách nói sau đây của giáo sư Dương Quảng Hàm và nhiều nhà nghiên cứu khác sau này là một sự xác nhận có lí hơn cả: “Việc sáng tác ra chữ quốc ngữ chắc là một công cuộc chung của nhiều người, trong đó có cả giáo sĩ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp Lan Tây. Nhưng người có công nhất trong việc ấy là cố Alexandre de Rhodes vì chính ông là người đầu tiên đem in những sách bằng chữ quốc ngữ, thứ nhất là một cuốn tự điển khiến cho người sau có tài liệu mà học và nghiên cứu”[3]. Như vậy, có thể nói rằng sự sáng tạo ra chữ quốc ngữ chắc chắn phải là một quá trình và cùng với quá trình ấy là sự tham gia của nhiều người. Nhưng chính nhờ sự in ấn các công trình của mình mà cha cố Alexandre de Rhodes đã đánh dấu lần đầu tiên chữ quốc ngữ xuất hiện như một loại văn tự đích thực của tiếng Việt. Nói một cách khoa học, người ta chỉ có quyền lấy thời gian xuất hiện công trình của ông làm điểm mốc để ghi nhận sự xuất hiên một kiểu văn tự mới của tiếng Việt – đó là chữ quốc ngữ. Bởi vì chỉ làm như vậy chúng ta mới có đủ bằng chứng để khẳng định điều đó. Ở đây, rõ ràng công lao cho ra đời các công trình của mình đã làm cho cố Alexandre de Rhodes có vai trò quan trọng nhất của hiện tượng văn tự này.
Tuy nhiên, dạng chữ quốc ngữ mà ngày nay chúng ta sử dụng so với dạng chữ quốc ngữ có từ thời A. de Rhodes đã có nhiều thay đổi. Mặc dù đều dùng con chữ la tinh để ghi âm nhưng trong nội bộ chúng đã có sự sắp xếp lại theo hướng hoàn chỉnh. Chẳng hạn, chúng tôi xin nêu một ví dụ để chúng ta ghi nhận điều dó: vào giữa thế kỉ XVII đã có những con chữ phụ âm mà ngày nay ghi bằng chữ cái "tr"; những con chữ này vốn được ghi bằng chữ cái "tl" hay "bl thời A. de Rhodes. Ví dụ:
con tlâu (con trâu), cá tlích (cá trích), tlêu ngươi (trêu ngươi)…
blái núi (trái núi), blát nhà (trát nhà), blan blở (trăn trở)…
Nhìn nhận vấn đề này, các nhà nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ đã chỉ ra rằng người có công lập nên hệ thống dạng kí tự như ngày nay nó được sử dụng là Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu). Đây là tác giả đã soạn thảo bộ từ điển "Tự vị Annam–Latin" từ tháng 09 năm 1772 đến tháng 06 năm 1773, làm cơ sở cho những cuốn từ điển tiếng Việt như "Nam Việt dương hiệp tự vị" (1838) của Taberd hay từ điển "Quấc âm tự vị" của Huình Tịnh Của (1895) và "Tự vị Việt Pháp" của Génibrel (1898) sau này. Nhận định về chữ quốc ngữ trong từ điển của Pigneaux de Béhaine, Nguyễn Khắc Xuyên viết rằng: “Từ điển Việt La hay Từ điển Annam–Latin (1772–1773) đánh dấu một giai đoạn chính yếu trong việc hình thành chữ quốc ngữ, kể từ những năm đầu thế kỉ 17 (1615–1621) cho tới 1651 với tác phẩm quan trọng của A. de Rhodes. Với Bỉ Nhu, đã hoàn chỉnh lối viết chữ quốc ngữ như chúng ta có ngày nay, trừ một vài chi tiết không đáng kể”[3]. Nhận định của Nguyễn Khắc Xuyên cho thấy, theo cách nhìn nhận của ông, A. de Rhodes chính là dấu ấn đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện chữ quốc ngữ, còn P. de Béhaine là điểm mốc ghi nhận sự hoàn thiện của loại văn tự này như ngày nay chúng ta sử dụng. Về cơ bản, chúng tôi nghĩ rằng nhận định nói trên là một nhận định có nhiều điều hợp lí và về sau có nhiều người cùng chia sẻ, phù hợp với bản chất của hiện tượng văn tự này.
Nói về sự xuất hiện và hoàn thiện chữ quốc ngữ, rõ ràng, chúng ta đều nhất trí ghi nhận vai trò quan trọng của những người như A. de Rhodes, P. de Béhaine v.v… Nhưng chúng tôi muốn xin nhấn mạnh rằng, trong số những người quan trọng ấy, cộng đồng giáo dân người Việt Nam thời bấy giờ sẽ có một vai trò đặc biệt quan trọng. Người ta có rất nhiều lí do để có thể giành cho họ một nhận xét như vậy. Thứ nhất, ở bình diện lí thuyết chúng ta đều nhận biết rằng một sự kiện ngôn ngữ bao giờ cũng là kết quả của một hoạt động có tính xã hội, do đó sự xuất hiện của chữ quốc ngữ chắc chắn sẽ là thành quả của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ, mà ở đây là cộng đồng người sử dụng tiếng Việt. Thứ hai, đi vào chi tiết cộng đồng giáo dân người Việt Nam thời bấy giờ sẽ là những người chủ yếu "cung cấp tư liệu tiếng Việt" để cho những người như A. de Rhodes, P. de Béhaine,… xử lí khi xây dựng và hoàn thiện chữ quốc ngữ. Thêm vào đó, cũng chính cộng đồng này là lực lượng duy nhất trong một thời gian khá dài sử dụng thành quả của các nhà xây dựng và hoàn thiện chữ quốc ngữ, do đó chính họ là những người "thẩm định" và bổ túc cho sự hoàn thiện như chúng ta có ngày nay. Mặc dù tên tuổi cụ thể của những giáo dân Việt Nam không được ghi chép một cách rõ ràng, nhưng với những lí do như vừa phân tích ở trên, chúng ta có quyền nói rằng họ đã có vai trò quan trọng trong sự kiện ngôn ngữ quan trọng này của dân tộc Việt Nam.
Chữ quốc ngữ ra đời, ngoài những lí do xã hội như vừa sơ bộ phân tích ở trên, còn có một lí do nội tại trong bản thân ngôn ngữ. Đó là tiếng Việt của người Việt lúc bấy giờ đã phải có tính thống nhất khá cao, đặc biệt ở bình diện ngữ âm. Chính tính thống nhất này cho phép cư dân của những vùng khác nhau sử dụng cùng một dạng văn tự ghi âm mà không gặp phải một khó khăn nào trong giao tiếp. Chúng ta có thể hình dung rằng chữ viết ghi âm bao giờ cũng phản ánh âm thanh lời nói của một vùng cụ thể xác định. Khi mà những vùng khác nhau không khó khăn trong việc sử dụng văn tự có dạng ngữ âm của một vùng cụ thể xác định ấy thì điều đó có nghĩa là tính thống nhất giữa các phương ngữ hay thổ ngữ là đặc trưng nổi trội của nó. Đối với trừng hợp chữ quốc ngữ, con chữ được dùng trong từ điển của P. de Béhaine xuất phát từ dạng ngữ âm tiếng Việt miền nam (như ông nói) nhưng giá trị của chúng, về cơ bản, là chung cho cả tiếng Việt trong Nam ngoài Bắc. Và tính thống nhất ấy dường như còn giữ nguyên cho đến ngày nay. Như vậy, sự ra đời và hoàn thiện chữ quốc ngữ bên cạnh những nỗ lực của những người thực hiện như A. de Rhodes, P. de Béhaine,… bên cạnh vai trò cực kì quan trọng của cộng đồng cư dân công giáo là những người sử dụng ngôn ngữ còn phải tính đến ưu thế phát triển thống nhất trong nội tại tiếng Việt. Có thể thấy, sự ra đời và hoàn thiện chữ quốc ngữ như dạng thức ngày hôm nay là sự tác động tổng hoà của những yếu tố khác nhau mà không thể thiếu đi một yếu tố nào trong những yếu tố đó.
Theo Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[1] Xin xem các tài liệu Hoàng Tiến (1994); Hoàng Tuệ (1994); Jacques, R. (1996); Lí Toàn Thắng (1996) trong trang Một số tài liệu tham khảo về lịch sử tiếng Việt.
[2] Dương Quảng Hàm (1943). Việt Nam văn học sử yếu. Nxb Hội Nhà văn, 1996, trang 178.
[3] Béhaine, P. de (1773). Từ vị Annam Latinh. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, thành phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 75.
Trở lại: 1.2. Một vài ý kiến đã có khi nói về thời điểm xuất hiện chữ Nôm
Đọc tiếp: 2.2. Một vài nhận xét qua cách nhìn của lịch sử tiếng Việt