1. Chữ Nôm trong lịch sử tiếng Việt (tiếp theo)
1.2. Một vài ý kiến đã có khi nói về thời điểm xuất hiện chữ Nôm
Cho đến hiện nay, như nói ở trên, chúng ta đã có một số tài liệu nói về thời điểm ra đời của chữ Nôm. Có thể chia những ý kiến như thế thành hai tiểu nhóm khác nhau. Thứ nhất là ý kiến của những nhà nghiên cứu không thuần ngôn ngữ học thiên về cách nhìn nhận theo văn hoá, thường chỉ dựa vào một vài hiện tượng nào đó để nhận định hay đưa ra giả định. Thứ hai là ý kiến của những nhà ngữ học. Thế nhưng có một số tác giả thuộc cả hai nhóm này, khi phát biểu về vấn đề nguồn gốc chữ Nôm lại thường chưa căn cứ vào những kết luận hay chứng minh ngôn ngữ học, mà chỉ dựa vào giả thiết của người khác rồi lược bỏ phần giả thiết đi, gây ấn tượng là vấn đề đang thảo luận đã được xác định khá rõ ràng.
Tiêu biểu cho nhóm thứ nhất, thiên về cách nhìn nhận theo văn hoá, chúng ta có thể dẫn ra ý kiến nhận xét của giáo sư Dương Quảng Hàm. Trong cuốn "Việt Nam văn học sử yếu" in lần đầu năm 1943 ông viết rằng:
… "A) Chữ Nôm đặt ra tự bao giờ và do ai đặt ra, đó là một vấn đề chưa thể giải quyết được. Nhiều người thấy Sử chép: Hàn Thuyên là người bắt đầu làm thơ phú bằng quốc âm, vội cho rằng chữ Nôm cũng đặt ra tự đời ông, nghĩa là vào cuối thế kỉ thứ XIII về đời nhà Trần. Đó là một sự sai lầm, vì Sử chỉ ghi việc ông làm thơ phú bằng chữ Nôm , chứ không hề nói ông đặt ra chữ Nôm, hoặc chữ Nôm đã đặt ra từ đời ông…B) Hiện nay, về gốc tích chữ Nôm, chỉ có hai điều sau đây là xác thực:
- Theo Sử chép, cuối thế kỉ thứ VIII (791), Phùng Hưng là người nước ta nổi lên đánh thua quan Đô hộ Tầu và giữ việc cai trị trong ít lâu; sau ông được dân trong nước tôn lên là "Bố cái đại vương". Hai chữ "bố cái" là tiếng Nam thuần tuý, nếu đã đem hai tiếng ấy mà đặt danh hiệu cho một vị chủ tể trong nước, thì có lẽ phải có chữ để viết hai tiếng ấy, và chữ ấy tất là chữ Nôm: vậy có lẽ chữ Nôm đã có tự cuối thể kỉ thứ VIII rồi.
- Người ta đã tìm thấy ở Hộ thành sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình) một tấm bia đề năm 1343 (Trần Dụ Tôn, Thiệu Phong thứ 3) trên có khắc hai mươi tên làng bằng chữ Nôm: Đó là cái tự tích chắc chắn về chữ Nôm còn truyền lại đến giờ"(1).
Đoạn trích nói trên cho thấy sự giải thích khá tế nhị nhưng hết sức cẩn thận và đầy đủ của giáo sư Dương Quảng Hàm. Theo đó, việc người ta cho "chữ Nôm đã có tự cuối thể kỉ thứ VIII rồi" chỉ là "vậy có lẽ" mà thôi. Còn điều chắc chắn chỉ là đã có "hai mươi tên làng bằng chữ Nôm", một thời điểm chính xác thuộc vào thế kỉ thứ XIV, thuộc vào một thời điểm khá muộn về sau này so với cuối thể kỉ thứ VIII.
Trong một tài liệu phổ biến văn hoá Việt Nam (cuốn Đất nước Việt Nam), các tác giả của nó viết ở trang 50 như khẳng định rằng chữ Nôm có từ thế kỉ thứ VIII. Chúng ta sẽ thấy điều đó trong đoạn trích sau đây: "Chữ Nôm: Để có thể diễn đạt được ngôn ngữ Việt Nam, một số nhà nho (những người thông thạo chữ Hán) đã cải biên và lắp ghép các "bộ" của chữ Hán thành một loại chữ mới, gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm mượn từ tượng hình Hán để ghi lại âm tiếng Việt. Vì vậy, chữ Nôm là chữ đầu tiên của người Việt Nam. Chữ Nôm xuất hiện từ thế kỉ thứ 8, phát triển mạnh mạnh nhất vào thế kỉ 18". Có lẽ chưa cần phải phân tích cụ thể người đọc cũng thấy ngay rằng khẳng định thời điểm ra đời của chữ Nôm trong đoạn trích ở trên là một nội dung hoàn toàn không được chứng minh. Cách làm ở đây là lấy ý kiến "giả định" của những nghiên cứu khoa học đang được thảo luận làm ý kiến "khẳng định" cho tài liệu của mình và cách làm như trên không phải là hiếm trong nhiều tài liệu.
Như vậy, qua hai ý kiến thuộc nhóm thứ nhất mà chúng tôi nêu ra làm ví dụ, nếu như ý kiến của Giáo sư Dương Quảng Hàm cẩn thận, tinh tế bao nhiêu thì ý kiến thứ hai vội vàng và thiếu cẩn thận bấy nhiêu. Vấn đề ở đây là cái ý kiến sau đã vội vã “chính xác hoá” cái “giả định” đang còn phải thảo luận mà chưa có kết luận.
Còn những ý kiến nói về thời điểm ra đời của chữ Nôm của các nhà ngôn ngữ cũng rất đa dạng. Trong cuốn "Ngữ pháp tiếng Việt", một công trình chính thức của nhà nuớc xuất bản lần đầu 1983, các tác giả viết rằng: "Theo những tài liệu còn lại hiện được biết, có thể nghĩ rằng chữ Nôm đã xuất hiện vào khoảng các thế kỉ IX–X, nhưng đến các thế kỉ XIII–XV mới có thơ phú ‘quốc âm’, ‘quốc ngữ’ viết bằng chữ Nôm, của những người như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu An, Nguyễn Trãi"(2). Đọc kĩ đoạn trích trên ta thấy các tác giả chỉ dừng lại ở chỗ "có thể nghĩ rằng" chữ Nôm đã xuất hiện vào khoảng các thế kỉ IX–X, còn "đến các thế kỉ XIII–XV mới có thơ phú "quốc âm", "quốc ngữ" viết bằng chữ Nôm". Vậy là với cách dùng từ ngữ như trên thời điểm xuất hiện chữ Nôm nêu ra ở đoạn trích trên cũng chỉ mang tính giả thiết, còn ý kiến nói về thời điểm có các văn bản Nôm hiện còn được lưu lại mới là sự khẳng định.
Tuy vậy, trong một luận án tiến sĩ ngôn ngữ học về ngữ pháp tiếng Việt bảo vệ ở nước ngoài năm 1997 và sau đó được xuất bản bằng tiếng Việt ở trong nước năm 2002, tác giả của nó vẫn viết rằng: "Khoảng thế kỉ thứ VIII, trong khi vẫn còn đang trong ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc, cảm giác là người Việt Nam đã trỗi dậy trong một số học giả và tinh thần dân tộc này đã dẫn đến kết quả là một hệ thống văn tự cho tiếng Việt gọi là ‘chữ Nôm’ được hình thành"(3). Sau đó tác giả này còn viết tiếp "’Chữ Nôm’ theo nghĩa đen là ‘chữ Nam’ : chữ của người Nam, được thiết kế ra để đối lập với ‘chữ Hán’: chữ của người Bắc (Trung Quốc). Hệ thống chữ viết này được dựa chủ yếu vào hệ thống chữ viết của tiếng Hán [chi tiết xin xem N.T.Cẩn (1971), Đ.D. Anh (1975), L.V. Quán (1981), V.T. Ngọc (1989)]. Mặc dù trong thời kì đô hộ của phong kiến Trung Quốc ‘chữ Nôm’ không được công nhận là một hệ thống chữ viết chính thức cho tiếng Việt, nhưng nó được sử dụng rộng rãi trong các học giả"(4).
Đoạn trích ở trên cho thấy thời điểm ra đời của chữ Nôm mà tác giả luận án khẳng định vốn cũng đã không được chứng minh. Mặt khác cách nói "Mặc dù trong thời kì đô hộ của phong kiến Trung Quốc ‘chữ Nôm’ không được công nhận là một hệ thống chữ viết chính thức cho tiếng Việt, nhưng nó được sử dụng rộng rãi trong các học giả" là một thông tin thiếu chính xác cả về mặt lịch sử lẫn khoa học. Mặc dù người viết viện dẫn các tác giả N.T. Cẩn (1971), Đ.D. Anh (1975), L.V. Quán (1981), V.T. Ngọc (1989), nhưng, trừ trường hợp tài liệu của V.T. Ngọc chúng tôi chưa có dịp tiếp cận, chúng ta thấy, hình như người viết đã chưa nắm bắt được tinh thần chính của các công trình ấy khi họ thảo luận về sự xuất hiện của chữ Nôm như chúng tôi sẽ phân tích dưới đây.
Chẳng hạn, giáo sư Đào Duy Anh khi bàn về sự xuất hiện của chữ Nôm đã viết rằng: "Quá trình ổn định của âm Hán Việt có thể bắt đầu ngay từ thời họ Khúc dấy nghiệp (905) mà tiếp diễn trong thời gian đầu của thời tự chủ. Nhưng âm Hán Việt bắt đầu ổn định không có nghĩa là chữ Nôm đã xuất hiện ngay từ đấy… Do yêu cầu mới của xã hội từ sau cuộc giải phóng, đặc biệt dưới các triều Đinh Lê và đầu Lí, chữ Nôm đã xuất hiện"(5). Rõ ràng ý kiến của Giáo sư Đào Duy Anh cho thấy ông xác nhận sự xuất hiện chữ Nôm phải gắn liền với sự ổn định của âm Hán Việt và nếu sớm nhất cũng phải từ thế kỉ X–XI.
Năm 1981, Lê Văn Quán, khi bàn về thời điểm xuất hiện chữ Nôm, đã viết rằng: "Việc đoán định thời kì xuất hiện của chữ Nôm theo ý chúng tôi cần phải có sự đóng góp của nhiều ngành,… Nhưng có một điều mà mọi người đều thừa nhận rằng chữ Nôm của chúng ta hiện có là một lối chữ xây dựng theo chất liệu chữ Hán đọc theo âm Hán Việt. Vì vậy khi khảo sát nguồn gốc chữ Nôm, trước hết chúng ta cần phải xác định thời kì hình thành âm Hán Việt"[FNT]. Sau khi trình bày một số vấn đề liên quan đến thời kì hình thành âm Hán Việt ông viết tiếp: "Chữ Nôm chỉ xuất hiện khi âm Hán Việt đã hình thành ở Việt Nam, lúc nước nhà đang chuyển mình sang thời kì độc lập, tự chủ tức là khoảng thế kỉ VIII–IX. Sự phát triển của ngữ ngôn văn tự là tiệm tiến cho nên giai đoạn quá độ từ lúc manh nha đến khi hình thành hệ thống chữ Nôm là trải qua một quá trình lâu dài. Do đó, phải đến khoảng thế kỉ thứ XII chữ Nôm mới thực sự ứng dụng vào việc sáng tác và xuất hiện trên văn bản"(7). Nội dung được thể hiện trong hai đoạn trích cho thấy, dù sao theo ông, chữ Nôm phải đến khoảng thế kỉ thứ XII mới thực sự "thành hệ thống" văn tự.
Rõ ràng, cả Giáo sư Đào Duy Anh và Lê Văn Quán đều nhấn mạnh sự xuất hiện chữ Nôm phải gắn với sự hoàn thiện của âm Hán Việt. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng là người khẳng định điều đó. Nhưng đóng góp của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là cụ thể và rõ ràng hơn nhờ trong những công trình khảo cứu về âm Hán Việt đã được xuất bản nhiều lần, ông đã xác định một cách khoa học thời điểm hoàn thiện của âm Hán Việt. Vào năm 1979 ông xuất bản công trình "Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt" tổng kết thành quả nghiên cứu từ năm 1971 của mình và công trình này đã được tái bản năm 2000 có bổ sung những thông tin mới của giới Hán ngữ học sau hai mươi năm lưu hành.
Trong công trình nói trên, sau khi chứng minh một cách tỉ mỉ nguồn gốc và quá trình hoàn thiện của cách đọc Hán Việt, ông xác định thời điểm hoàn thiện của âm Hán Việt như sau: "Theo ý chúng tôi thì sớm nhất cũng phải từ đầu thế kỉ XI trở đi, thì những sự Việt hoá trong cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, cộng thêm vào với những sự thay đổi ở trong bản thân tiếng Hán (…) mới đủ tạo ra được một quãng cách đáng kể giữa cách đọc chữ Hán của người Hán và người Việt, làm cho hai bên không thể trực tiếp nghe, hiểu nhau được nữa. Nói một cách khác thì cũng phải từ đầu thế kỉ XI trở đi thì cách đọc Hán Việt mới tách hẳn ra thành một lối đọc độc lập với cách đọc ở Trung Nguyên, và tồn tại độc lập với tư cách là một hệ thống đọc riêng biệt của người Việt"(8).
Như vậy, theo cách nhìn của lịch sử tiếng Việt, sự có mặt của chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự được sử dụng sớm nhất cũng phải từ đầu thế kỉ XI. Bởi vì chỉ ở thời điểm ấy cách đọc Hán Việt mới tách hẳn ra thành một lối đọc độc lập, tức là mới có âm đọc Hán Việt đúng theo nghĩa của nó. Bởi vì chỉ ở thời điểm ấy âm đọc Hán Việt mới cung cấp đầy đủ chất liệu âm thanh cho kí hiệu đồ hình dùng để biểu thị chuỗi lời nói tiếng Việt. Bởi vì cũng chỉ ở thời điểm ấy chúng ta mới thấy có chữ Nôm được "ghi lại thành văn bản" đủ nhiều để có thể nói nó đã trở thành hệ thống. Do đó có thể nói chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự đầu tiên trong lịch sử của người Việt chỉ có thể xuất hiện sớm nhất cũng phải từ đầu thế kỉ XI. Rất có thể vào thời gian trước đó, nếu có chữ Nôm thì sự xuất hiện của những chữ ấy là manh nha, lẻ tẻ chứ khó có thể là một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh.
Theo Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[SNFTR1] Dương Quảng Hàm (1943). Việt Nam văn học sử yếu. Nxb Hội Nhà văn, 1996, trang 100–101.
[SNFTR2] Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1983). Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 11.
[SNFTR3] Hoàng Văn Vân (2002). Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 25.
[SNFTR4] Hoàng Văn Vân. Sđd, trang 25–26.
[SNFTR5] Đào Duy Anh (1975). Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 52–53
[SNFTR6] Lê Văn Quán (1981). Nghiên cứu về chữ Nôm. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 18.
[SNFTR7] Lê Văn Quán. Sđd, trang 69.
[SNFTR8] Nguyễn Tài Cẩn (1979). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội; Tái bản Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000, trang 317.
Trở lại: 1.1. Sơ luợc về đặc điểm của chữ Nôm
Đọc tiếp: 2. Chữ Quốc ngữ trong lịch sử tiếng Việt