1. Chữ Nôm trong lịch sử tiếng Việt
Ở những chương trên, chúng tôi đã có dịp nói qua vấn đề chữ Nôm trong lịch sử tiếng Việt. Nhưng những trình bày ấy chỉ là sự thể hiện dấu hiệu hình thức góp phần đánh dấu tiến trình phát triển của tiếng Việt. Vấn đề là, chúng ta đều biết hiện nay thi thoảng vẫn có một vài tài liệu không chuyên ngôn ngữ học nêu ra những thông tin có tính giả thiết hiện còn chưa được chứng minh dầy đủ về một vài nội dung liên quan đến vấn đề chữ Nôm trong lịch sử. Trong số những thông tin ấy, có một nội dung là thời gian xuất hiện của chữ Nôm với tư cách là một loại văn tự riêng của dân tộc. Vì thế, ở đây chúng tôi xin trình bày thêm những thu thập của chúng tôi về vấn đề này từ cách nhìn của lịch sử tiếng Việt. Hi vọng qua cách phân tích nghiêng về ngôn ngữ học, chúng ta sẽ có những điều kiện tốt hơn khi xử lí những thông tin liên quan đến thời điểm xuất hiện loại văn tự rất đặc biệt này. Như vậy, những điều chúng tôi dự định trình bày sau đây không nhằm giới thiệu toàn cảnh về chữ Nôm vì điều đó có thể tìm hiểu ở những công trình khác chuyên khảo cứu về nó[1].
1.1. Sơ luợc về đặc điểm của chữ Nôm
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà văn tự học, chữ Nôm là một thứ chữ của người Việt trong quá trình phát triển lịch sử. Đây là loại văn tự được người Việt sáng tạo ra trên cơ sở một loại văn tự khác, chữ Hán, dùng để ghi tiếng nói của mình. Từ khi hình thành cho đến những năm đầu của thế kỉ XX, chữ Nôm đã được sủ dụng đồng thời với những kiểu văn tự khác có trong cộng đồng người Việt. Người ta có thể nói về những điều ngắn gọn sau đây liên quan đến đặc điểm của chữ Nôm.
Trước hết, có thể khẳng định rằng chữ Nôm là một loại văn tự khối vuông, một dạng văn tự mà kiểu tiêu biểu nhất là chữ Hán. Đây là loại văn tự mà mỗi chữ là một chỉnh thể vừa thể hiện và được phát âm như một âm tiết hoàn chỉnh, đồng thời bao giờ mỗi chữ như thế cũng có "nghĩa" xác định. Mặc dù về mặt hình thức, mỗi chữ khối vuông (chữ Hán, chữ Nôm) là một chỉnh thể hoàn chỉnh bao gồm nhiều nét kí hiệu được coi là kí hiệu gốc, trong đó có thể có những nét kí hiệu biểu âm, nhưng hầu như chúng chưa được nhiều người coi là loại chữ thuần tuý ghi âm.
Tuy nhiên, khi phân tích loại chữ khối vuông này, người nghiên cứu vẫn có thể nhận ra rằng, về đại thể, mỗi một chữ thường có hai bộ phận hợp thành: bộ phận thể hiện ý nghĩa (còn gọi là nghĩa phù) và bộ phận thể hiện âm thanh (còn gọi là thanh phù). Chúng tôi nói về đại thể là vì trong thực tế không phải chữ Nôm nào cũng tuân thủ điều đó mà có những chữ chỉ có thanh phù hoặc chỉ có nghĩa phù.Và điều quan trọng là tính “cố định” của những yếu tố đó mang tính tương đối, nó phụ thuộc vào thời gian lịch sử, vào tính địa phương và đôi khi phụ thuộc vào cá nhân người sử dụng chữ viết. Một vài ví dụ sau đây cho thấy những đặc điểm cấu tạo ấy của chữ:
Chữ | máy ("máy móc") | gồm có | mộc (ý) | + | mãi (âm) |
may ("may vá") | y (ý) | mai (âm) | |||
sông ("sông ngòi") | thuỷ (ý) | long (âm) |
Vấn đề hoàn toàn rõ ràng rằng chữ Nôm là một loại văn tự được xây dựng trên cơ sở chữ Hán, thậm chí từ chất liệu (các yếu tố cấu tạo là nghĩa phù và âm phù) cho đến phương thức cấu tạo. Nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là chất liệu Hán ở đây là chất liệu Hán Việt. Tính Hán Việt biểu hiện rõ nét nhất là âm đọc của thứ văn tự này là âm Hán Việt, hay nói một cách khác là âm đọc chữ Hán của người Việt chứ không phải âm đọc chữ Hán theo kiểu người Hán. Có lẽ chính nhờ đặc điểm quan trọng này mà chữ Nôm mới là thứ chữ ghi lại được tiếng nói của dân tộc ta ở vào thời kì tiếng Việt chưa có thứ chữ ghi âm.
Như vậy, với những đặc điểm cơ bản như đã trình bày ở trên của chữ Nôm, chúng ta nhận thấy rõ ràng đó là một thứ chữ của người Việt dùng để biểu thị chuỗi lời nói của tiếng Việt trong giai đoạn trước đây. Để làm được điều đó, như rất nhiều công trình nghiên cứu về chữ Nôm đã xác nhận, nó cần phải có một điều kiện tiên quyết là cách đọc chữ Hán của người Việt mà chúng ta quen gọi là cách đọc Hán Việt (hay âm Hán Việt). Đặc điểm ngôn ngữ ấy đến lượt nó sẽ quy định thời điểm xuất hiện của chữ Nôm trong lịch sử tiếng Việt.
Theo Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[1] Tham khảo:
- Đào Duy Anh (1975). Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Tài Cẩn (1985). Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội.
- Lê Văn Quán (1981). Nghiên cứu về chữ Nôm. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
Trở lại: Vấn đề chữ viết nhìn từ góc độ lịch sử tiếng Việt
Đọc tiếp: 1.2. Một vài ý kiến đã có khi nói về thời điểm xuất hiện chữ Nôm