I. Đặc điểm chữ viết tiếng Việt
1. Tiếng Việt là một ngôn ngữ âm tiết tính. Trong tiếng Việt, ranh giới âm tiết trùng với ranh giới hình vị. Người bình thường sử dụng tiếng Việt chỉ có ý thức về âm tiết, gọi là tiếng, nói chung không có ý thức về âm vị. Và cũng chỉ có ý thức về hình vị, gọi là chữ (ví dụ: chữ quốc, chữ gia, chữ nước, chữ nhà), nói chung không có ý thức về từ. Phản ánh đặc điểm cơ bản nói trên của tiếng Việt, chính tả tiếng Việt đơn thuần là chính tả âm tiết. Nếu xét ở cấp độ âm vị thì có rất nhiều điều bất hợp lí, nhưng nếu xét ở cấp độ âm tiết thì nói chung có sự đối ứng chặt chẽ giữa ngữ âm và chữ viết, có quan hệ một đối một giữa âm tiết ngữ âm và âm tiết chữ viết, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của chữ viết tiếng Việt.
2. Chữ viết tiếng Việt, một chữ viết ghi âm với nguyên tắc chính tả thuần tuý ngữ âm học, không phản ánh một cách phát âm tự nhiên thực tế tồn tại của tiếng Việt hiện đại. Đối chiếu với phát âm của tiếng địa phương miền Bắc, mà trung tâm là Hà Nội, thì phát âm mà nói phản ánh có thêm đến năm loại âm tiết: những âm tiết có phụ âm đầu: /ʈ-/ (viết bằng TR-), /ʂ-/ (viết bằng S-), /ʐ-/ (viết bằng R-), và những âm tiết có vần -ưu, -ươu(1). Những âm tiết này đều có trong phát âm của những phương ngữ khác, với sự khu biệt tr- và ch-, s- và x-, r- và d-/gi-, -ưu và -iu, -ươu và -iêu. Có thể nói rằng chữ viết của tiếng Việt phản ánh phát âm tiết tiếng Việt một cách tổng hợp, nghĩa là phản ánh những khu biệt âm tiết của tất cả các phương ngữ. Về mặt này, chữ viết có tác dụng thể hiện và giữ gìn sự thống nhất của tiếng Việt, vì nó tạo ra một tâm lí khá phổ biến cho rằng phát âm phản ánh trên chữ viết, vốn không tồn tại một cách tự nhiên trong thực tế, là phát âm chuẩn thống nhất của tiếng Việt. Chính tả trở thành cơ sở của chính âm. Dần dần, ngày càng có thêm những người có ý thức dựa theo chính tả uốn nắn phát âm phương ngữ của mình cho phù hợp với chữ viết. Nên coi đây là một hiện tượng tích cực.
3. Theo dữ liệu của một quyển từ điển tiếng Việt(2) xuất bản gần đây nhất (dưới đây gọi tắt là TĐTV), tiếng Việt hiện đại sử dụng 6.718 âm tiết(3), trong số đó có 1.075 âm tiết (tỉ lệ 16%) hoàn toàn không có vấn đề chính tả đối với tất cả các phương ngữ (hiểu phương ngữ với nghĩa rộng, có phương ngữ của cả một miền, có phương ngữ của chỉ một vài tỉnh). Những từ như hồ cầm, tập ấm, độc tôn, ai cũng dễ dàng viết đúng chính tả, dù không ít người mới gặp lần đầu và không hiểu nghĩa là gì. Đối với từng phương ngữ, số âm tiết không có vấn đề chính tả càng nhiều hơn gấp bội, vì chỉ có vấn đề chính tả khi phát âm phương ngữ không phân biệt những âm tiết mà chữ viết có phân biệt. Ví dụ, đối với phương ngữ miền Bắc, đó là 575 âm tiết CH-/TR-, 535 âm tiết S-/X-, 729 âm tiết D-/GI-/R- và 111 âm tiết IU-/ƯU, -IÊU/-ƯƠU (không kể những âm tiết loại này mà có phụ âm đầu CH- hay TR-, S- hay X-, D- hay GI- hay R-, đã thống kê ở trên); tổng cộng chỉ có 1.950 âm tiết (29% tổng số âm tiết) là có vấn đề chính tả. Với một người nói phương ngữ miền Bắc, nắm chính tả 1.950 âm tiết nói trên tức là nắm được toàn bộ chính tả tiếng Việt.
_____________
(1) Để phân biệt ngữ âm và chữ viết, khi nêu đơn vị chữ viết cụ thể, chúng tôi dùng lối viết chữ hoa đứng, phân biệt với lối viết thường nghiêng dùng cho đơn vị ngữ âm cụ thể (khi không dùng kí hiệu ngữ âm quốc tế): phụ âm đầu d-, âm tiết d- (âm tiết có phụ âm đầu d-), phụ âm đầu D- (con chữ phụ âm đầu D-), âm tiết D- (âm tiết có con chữ phụ âm đầu D-).
(2) Từ điển tiếng Việt. Hoàng Phê chủ biên. Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, in lần thứ sáu, Hà Nội – Đà Nẵng, 1998.
(3) Âm tiết thường dùng nói về ngữ âm, nhưng có khi dùng nói về chữ viết (trong bài này âm tiết thường dùng với nghĩa sau). Nói tiếng Việt sử dụng 6.718 âm tiết là nói âm tiết chữ viết. Trong tiếng Việt, có sự đối ứng chặt chẽ âm tiết ngữ âm – âm tiết chữ viết, trừ trường hợp với âm tiết D- và âm tiết GI-, viết phân biệt, nhưng đã từ lâu không một phương ngữ nào phát âm phân biệt d- và gi-, tuy rằng phát âm cụ thể có khác nhau giữa phương ngữ miền Bắc với các phương ngữ miền Nam, miền Trung. Có tất cả 281 âm tiết D- và 156 âm tiết GI-, tổng cộng 437 âm tiết, chúng ta gọi là âm tiết D-/GI- (âm tiết viết với D- hay GI-, tuỳ trường hợp); trong tổng số 437 âm tiết D-/GI-, có 159 trường hợp chỉ có âm tiết D-, không có âm tiết GI-; 34 trường hợp chỉ có âm tiết GI-, không có âm tiết D-; 122 trường hợp vừa có âm tiết D-, vừa có âm tiết GI-; cho nên tương ứng với tổng số 437 âm tiết D-/GI- chỉ có 159 + 34 + 122 = 315 âm tiết ngữ âm d-/gi-. Như vậy, tương ứng với 6.718 âm tiết sử dụng trong chữ viết, là 6.718 – 122 = 6.596 âm tiết ngữ âm.
Trích trong Hoàng Phê. Chính tả tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng 2003. Trang IV–IX
Báo cáo khoa học này được đọc tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học, Hà Nội, tháng 7/1998; có sửa chữa ít nhiều về chi tiết khi in lại trong quyển từ điển này.
Đọc tiếp: II. Khả năng nắm chính tả tiếng Việt một cách có hệ thống