Leonard Bloomfield được coi là nhà ngôn ngữ học lớn nhất của châu Mĩ nửa đầu thế kỉ XX. Ảnh hưởng của ông tới nền ngôn ngữ học Mĩ thường được ví như ảnh hưởng của Saussure tới nền ngôn ngữ học châu Âu.
Ông sinh ngày 01 tháng Tư năm 1887 tại Sicago, và mất ngày 18 tháng Tư năm 1949 tại New Haven. Ông bắt đầu những năm đại học tại trường Havard, ngành ngữ văn học Đức, sau đó học tiếng Sanskrit và ngôn ngữ Ấn – Âu ở Leipzig (Đức) cùng với K. Brugmann và A. Leskien, là hai trong số những người sáng lập trường phái ngữ pháp mới. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành trợ giáo tiếng Đức tại trường đại học Uytcôsin. Ở đây, ông được gặp giáo sư ngữ văn học E. Prokosch, một người kết thân lâu dài với Bloomfield, và giúp đỡ ông trong những bước đầu nghiên cứu ngôn ngữ học.
L. Bloomfield bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1909, với đề tài Sự khác biệt ngữ nghĩa ở biến âm thứ hai trong tiếng Đức (A Semasiologic Differentiation in Germanic Secondary Ablaut).
Trong thời gian 1909–1927, ông vừa dạy ngữ văn học Đức và ngôn ngữ học, vừa nghiên cứu ngôn ngữ học đại cương ở hàng loạt trường đại học của Mĩ, trước khi được mời làm giáo sư ngữ văn học Đức ở trường đại học Chicago. Từ năm 1940, ông được mời làm giáo sư ngôn ngữ học ở trường đại học Yan (thành lập từ năm 1701), để thế chân Sapir đã qua đời. Trường đại học này nổi tiếng nhờ ngành ngôn ngữ học. Thuật ngữ "Trường phái Yan" được dùng đồng nghĩa với "Trường phái Bloomfield".
Những công trình đầu tiên của Bloomfield hướng về ngữ pháp lịch sử. Nhưng sau đó ông nhanh chóng mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, tiêu biểu là trong công trình Dẫn luận về nghiên cứu ngôn ngữ (An Introduction to the Study of Language, 1914), công trình này chịu ảnh hưởng của lí thuyết tâm lí, tâm linh và lịch sử của W. Wundt (1832–1920). Ít lâu sau, ông tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu về ngôn ngữ người da đỏ. Ở một số mặt, các ngôn ngữ này khác hẳn các ngôn ngữ Ấn-Âu, nhờ thế chúng tạo cho ông một cái nhìn mới mẻ và hoàn chỉnh hơn về ngôn ngữ học đại cương.
Năm 1921, tại Trường đại học quốc gia Ohio, ông gặp nhà tâm lí học A.P. Weiss. Ông chịu ảnh hưởng của Weiss, và công trình lí thuyết cơ bản của ông dựa trên lí thuyết tâm lí hành vi. Ông xem xét lại các quan điểm tâm lí vì tâm linh của Wundt. Từ đó, ông viết hàng loạt bài báo mà tiêu biểu là công trình Các định đề cho khoa học ngôn ngữ (A Set of Postulates for the Science of Language, 1926), sau này được bổ sung và phát triển trong một công trình dày gần 600 trang cho đến này vẫn là kinh điển: Ngôn ngữ (Language, 1933), công trình này có vị trí quyết định trong lịch sử ngôn ngữ học cấu trúc. Đó là "một quyển sách ngôn ngữ học vĩ đại nhất trong thế kỉ chúng ta, ở cả bên này lẫn bên kia Đại Tây Dương" (R.A. Hall, 1951). Ở đây, Bloomfield tổng hợp những kết quả tiêu biểu nhất của phương pháp ngôn ngữ học lịch sử-so sánh, và phát triển sâu sắc, chặt chẽ một phương pháp miêu tả các sự kiện ngôn ngữ, sau này được các nhà ngôn ngữ học Mĩ vận dụng và phát triển. Nếu như những quan điểm đặc sắc và độc đáo của ông – những quan điểm đối lập với tất cả những cách phân tích theo trực quan và phân tích tâm lí – đã bị chỉ trích rất nhiều khi công bố quyển Ngôn ngữ, thì sau lúc ông qua đời, chúng lại được chấp nhận ở các trường đại học Mĩ, và trở thành cội nguồn của một trường phái mới: trường phái phân bố hay trường phái Bloomfield-mới. Học trò của Bloomfield có rất nhiều người nổi tiếng. Tiêu biểu hơn cả là B. Bloch, E.A Nida, R.G. Wells, Z.S. Harris, Ch. Morris và trong một chừng mực nào đó, là Ch.F. Hockett.
Trong những năm chiến tranh, có nhu cầu thực tiễn phục vụ mục đích quân sự, ở Mĩ người ta đề ra một trương trình "dạy tiếng cấp tốc". Các nhà ngôn ngữ học và các nhà sư phạm phải xây dựng những giáo trình dạy tiếng thực hành, dạy nói chứ không phải dạy lí thuyết về một ngôn ngữ, phạm vi bao gồm khoảng 40 ngôn ngữ quan trọng nhất. Bloomfield tham gia rất tích cực công việc này. Ông xây dựng cơ sở lí thuyết cho việc dạy tiếng nước ngoài. Những ý kiến của ông được thể hiện trong các giáo trình tiếng Đức và tiếng Nga, đặc biệt là ở công trình lí thuyết Hướng dẫn khái quát về phương pháp thực hành trong việc học tiếng nước ngoài (An Outline Guide for the Pratical Study of Foreign Languages, 1942).
L. Bloomfield trở thành chủ tịch Hội ngôn ngữ học Mĩ năm 1935.
See also: Leonard Bloomfield
Theo Nguyễn Đức Dân (1984). Leonard Bloomfield. In trong Ngôn ngữ học: Khuynh hướng – Lĩnh vực – Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 161.