1. Vấn đề định nghĩa từ
1.a. Mỗi chúng ta, đã tiếp thu và nhận ra cái gọi là từ thông qua thực tiễn học tập và sử dụng ngôn ngữ.
Cái khó là ở chỗ phải nên ra một định nghĩa có tính lí thuyết về từ. Cho đến nay, trong ngôn ngữ học, các định nghĩa về từ đã được đưa ra không ít. Các định nghĩa ấy, ở mặt này hay mặt kia đều đúng, nhưng đều không đủ và không bao gồm hết được tất cả các sự kiện được coi là từ trong ngôn ngữ và ngay cả trong một ngôn ngữ cũng vậy. Chẳng hạn:
Từ là một tổ hợp âm có nghĩa chăng? Từ là một tổ hợp các âm phản ánh khái niệm chăng? Từ là một đơn vị tiềm tàng khả năng trở thành câu chăng? Từ là một kí hiệu ngôn ngữ ứng với một khái niệm chăng?…
Tình trạng phức tạp của việc định nghĩa từ, do chính bản thân từ trong các ngôn ngữ, không phải trường hợp nào cũng như nhau. Chúng có thể khác về:
– Kích thước vật chất
– Loại nội dung được biểu thị và các biểu thị
– Cách thức tổ chức trong nội bộ cấu trúc
– Mối quan hệ với các đơn vị khác trong hệ thống ngôn ngữ như hình vị, câu…
– Năng lực và chức phận khi hoạt động trong câu nói
Xét hai từ hợp tác xã và nếu trong tiếng Việt làm ví dụ, ta sẽ thấy:
Từ thứ nhất có kích thước vật chất lớn hơn nhiều so với từ thứ hai; và cấu trúc nội tại của nói cũng phức tạp hơn nhiều.
Từ thứ nhất biểu thị một khái niệm, có khả năng hoạt động độc lập trong câu, làm được chủ ngữ, bổ ngữ, định ngữ… trong câu; còn từ thứ hai lại không biểu thị khái niệm, không có được năng lực để thể hiện những chức phận như từ thứ nhất…
1.b. Vì những lẽ đó, không hiếm nhà ngôn ngữ học (kể cả F. de Saussure, S. Bally, G. Glison…) đã chối bỏ khái niệm từ, hoặc nếu thừa nhận khái niệm này thì họ cũng lảng tránh việc đưa ra một khái niệm chính thức.
Lại có nhà nghiên cứu xuất phát từ một lĩnh vực cụ thể nào đó, đã đưa ra những định nghĩa từng mặt một như từ âm vị học, từ ngữ pháp học, từ chính tả, từ từ điển…
Dù sao, từ vẫn là đơn vị tồn tại tự nhiên trong ngôn ngữ; và chính nó là đơn vị trung tâm của ngôn ngữ; bởi vì, đối với mỗi chúng ta, nói như ý của E.Sapir thì việc nhận thức từ như là cái gì đấy hiện thực về mặt tâm lí, chẳng có khó khăn gì đáng kể.
1.c. Mong muốn của các nhà ngôn ngữ học đưa ra một định nghĩa chung, khái quát, đầy đủ về từ cho tất cả mọi ngôn ngữ, tiếc thay, cho đến nay vẫn chưa đạt được và có lẽ sẽ không thể đạt được. Chúng ta có thể đồng tình với L.Serba khi ông cho rằng từ trong ngôn ngữ khác nhau, sẽ khác nhau…, và không thể có được một khái niệm về từ nói chung.
Tuy thế, để có cơ sở tiện lợi cho việc nghiên cứu, người ta vẫn thường chấp nhận một khái niệm nào đó về từ tuy không có sức bao quát toàn thể nhưng cũng chỉ để lọt ra ngoài phạm vi của nó một số lượng không nhiều những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn:
Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng nên câu. Quan niệm này gần với quan niệm của B.Golovin trong cuốn sách "Dẫn luận ngôn ngữ học" của ông. Nó cũng có nhiều nét gần với quan niệm của L.Bloomfield, coi từ là một “hình thái tự do nhỏ nhất”. Có nghĩa rằng từ là một hình thái nhỏ nhất có thể xuất hiện độc lập được.
1.d. Ngay cả những quan điểm như thế, sự thực cũng không phải là áp dụng được cho tất cả mọi ngôn ngữ và tất cả mọi kiểu từ. Chẳng hạn từ nếu vừa nói bên trên cũng như từ và, với, thì, ư… trong tiếng Việt; từ and, up, in, of… của tiếng Anh không thoả mãn được điều kiện "tái hiện tự do" trình bày trong quan niệm này.
Gặp những trường hợp như vậy (trường hợp của những cái mà ta vẫn gọi là từ hư) người ta phải có những biện luận riêng.
– Trước hết, tất cả chúng đề có nghĩa của mình ở dạng này hay dạng khác, thể hiện bằng cách này hay cách khác.
– Thứ hai, khả năng "tái hiện tự do" của chúng được thể hiện "một cách không tích cực". Cần nhớ là trong ngôn ngữ, chỉ có những đơn vị cùng cấp độ thì mới trực tiếp kết hợp với nhau. Xét hai câu bình thường trong tiếng Việt và tiếng Anh.
– Em sống với bố và mẹ
– He will leave here after lunch at two o’clock
Ở đây, em, bố, mẹ, sống, he, leave, here, lunch, two, c’clock chắc chắn là các các từ. Vậy thì với, và, will, after, at cũng phải là từ.
– Thứ ba, không hiếm từ hư trong một số ngôn ngữ đã được chứng minh là có nguồn gốc từ từ thực. Sự hao mòn ngữ nghĩa cùng với sự biến đối về chức năng của chúng đã xẩy ra. Tuy vậy, không vì thế mà tư cách từ của chúng bị xoá đi. Ví dụ: trong tiếng Hindu: me (trong) < madhya (khoảng giữa); ke arth (để, vì) < artha (mục đích) của Sanskrit… trong tiếng Hausa: bisan (trên) < bisa (đỉnh, chóp); gaban (trước) < gaba (ngực)… trong tiếng Việt: của < của (danh từ); phải < phải (động từ); bị < bị (động từ)…
Việc xét tư cách từ cho những trường hợp như: nhà lá, áo len, đêm trắng, chó mực, cao hổ cốt… trong tiếng Việt còn phức tạp hơn nhiều. Trong các ngôn ngữ khác cũng không phải là không có tình hình tương tự.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm tòi những tiêu chí cơ bản, phổ biến để nhận diện từ (như: tính định hình hoàn chỉnh, tính thành ngữ, do A.Smirnitskij đưa ra chẳng hạn) nhưng khi đi vào từng ngôn ngữ cụ thể, người ta vẫn phải đưa ra hàng loạt tiêu chí khác nữa, có thể cụ thể hơn, khả dĩ sát hợp với thực tế từng ngôn ngữ hơn, và thậm chí có cả những biện luận riêng.
Đọc tiếp: 2. Cấu tạo từ
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 136–138.