6. Tuy không phải lúc nào cũng đạt được kết quả tuyệt đối hài lòng, nhưng người ta đã đưa ra những tiêu chí như sau để phân biệt từ đa nghĩa với từ đồng âm:
6.1. Nếu hai từ khác nhau về nguồn gốc, trùng nhau về ngữ âm thì đó là hai từ đồng âm. Ngược lại, nếu giống nhau cả về ngữ âm lẫn nguồn gốc thì cần nghĩ tới khả năng đó là hiện tượng đa nghĩa.
Tiêu chí về nguồn gốc phải khó khăn là xác định từ nguyên của từ. Trong khi đó, vấn đề từ nguyên không phải bao giờ cũng được phát hiện và giải quyết một cách ổn thoả.
6.2. Nếu có một nghĩa nào đó của từ đã nghĩa đã tách xa, đã đứt đoạn mối liên hệ với toàn bộ cơ cấu nghĩa chung thì nó cũng hình thành nên một từ đồng âm với từ ban đầu.
Tiêu chí về sự đứt đoạn liên hệ nghĩa không phải luôn luôn rõ ràng và ít nhiều không tránh khỏi chủ quan.
6.3. Tiêu chí về hình thái và cú pháp lại xác định rằng nếu hai từ có hệ hình thái biến đổi khác nhau hoặc khả năng kết hợp, chi phối từ khác một cách khác nhau, thì đó là hai từ đồng âm.
Tiêu chí này đạt được nguyên tắc hình thức hoá, nhưng khó áp dụng cho các ngôn ngữ không biến hình.
6.4. Đối với tiếng Việt (một ngôn ngữ không biến hình rất tiêu biểu), chúng ta không thể áp dụng tiêu chí hình thái mà có thể vận dụng riêng lẻ hoặc phối hợp những tiêu chí như sau:
6.4.1. Nếu có sự tách nghĩa dẫn đến đứt đoạn mối liên hệ về nghĩa thì nên coi ở đây đã hình thành những từ đồng âm.
Ví dụ: cây1 (cây tre) – … cây2 (cây át cơ), cây3 (cây vàng)
Giữa cây1 và cây3 đã hoàn toàn đứt đoạn mối liên hệ về nghĩa. Chúng càn được coi là hai từ đồng âm.
6.4.2. Đối với hiện tượng vãn gọi là chuyển từ loại, cần có những biện luận cụ thể, vì tình hình của chúng không thuần nhất về nhiều mặt; và đặc biệt là mối liên hệ về nghĩa của mỗi từ trong các tư cách từ loại khác nhau vẫn còn rõ rệt: cày1 – cày2; cưa1 – cưa2;đục1 – đục2…
Khi một từ được dùng trong hai tư cách từ loại khác nhau với hai nghĩa riêng, trong đó nếu nghĩa mới phái sinh do chuyển từ loại đã có khả năng độc lập làm cơ sở tạo nên nghĩa phái sinh khác thì lúc này nên tách ra thành hai từ đồng âm. Nếu không thoả mãn điều kiện đó thì cần xử lí nó với tư cách là từ đa nghĩa. Ví dụ:
chai1 (d.t): chỗ da dày và cứng lại vì bị cọ xát nhiều
chai2 (t.t): 1. (Nói về da) đã trở thành dày và cứng vì bị cọ xát nhiều: Cầm cuốc nhiều đã chai tay; 2. (Nói về đất) đã trở thành cứng, không xốp, khó cày bừa: Đất ruộng đã bị chai cứng; 3. Đã trở thành trơ, lì vì đã quá quen: Bị mắng nhiều đã chai mặt, không còn biết xấu hổ là gì nữa.
Ở đây, nên tách ra chai1 và chai2 vì từ nghĩa 1 của chai2 (phái sinh từ chai1) đã tiếp tục phái sinh ra nghĩa 2 và nghĩa 3.
7. Nghiên cứu và khảo sát kĩ các từ đồng âm cả về lí thuyết lẫn thực tiễn đầu rất cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực từ điển và dịch máy.
Trong ngôn ngữ giao tiếp nói chung, từ đồng âm với những sắc thái riêng của từng ngôn ngữ cụ thể, thường được sử dụng trong các hiện tượng chơi chữ rất đặc biệt.
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997.
Trở lại: