Tóm tắt
Xứ Huế vốn là một vùng đất có bản sắc độc đáo với những dấu tích về sự giao thoa văn hoá giữa các nhóm dân cư nói những ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, có thể có không ít địa danh ở xứ Huế là dấu vết của quá trình giao lưu tiếp xúc giữa người Việt và người Chăm trong lịch sử. Bài viết nêu ra giả thuyết về nguồn gốc của địa danh làng Sình (xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) và thử lí giải địa danh này với tư cách là một bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của cư dân Chăm đối với vùng văn hoá Huế.
Abstract
Hue is land of original cultural identities with interference of different people groups. In there many nameplaces in Hue are considered as traces of contact history between Viet and Cham people. This paper makes a hypothesis about the origin of the name Sinh village (Phu Mau Commune, Phu Vang District, Thua Thien Hue Province) which might be an example of Cham people ‘s influence to Hue culture.
Từ khoá: địa danh, Huế, làng Sình, giao thoa ngôn ngữ – văn hoá Việt Chăm
Key words: toponymy, Hue, Sinh village, Viet – Cham cultural – language interference
1. Dẫn nhập
Nhận xét về vai trò của văn hoá xứ Huế đối với bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, GS. Trần Quốc Vượng đã từng nhận định: “Huế là một vùng văn hoá – vì là một hệ thống cấu trúc văn hoá bao gồm các tiểu hệ mang bản sắc “độc đáo”, “có một không hai” [12;401]. Chính bản sắc địa phương độc đáo này đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Theo cách hiểu như vậy, trong hệ thống cấu trúc văn hoá Huế, hệ thống địa danh Huế cũng có thể được coi là một tiểu hệ thống vô cùng đặc sắc. Các nghiên cứu về địa danh Huế đã từng chỉ ra rằng, tên gọi của các đơn vị hành chính, các dạng địa hình… ở Huế không những cho biết những đặc điểm văn hoá, phong tục tập quán của vùng mà còn cho thấy một quá trình lịch sử hình thành và phát triển dân cư cũng như mối quan hệ giao lưu tiếp xúc của những cộng đồng dân cư khác nhau ở nơi đây. Chính vì vậy, rất nhiều những nghiên cứu về địa danh Huế nói riêng, địa danh Bình Trị Thiên hay rộng hơn là vùng Trung Trung Bộ nói chung đã được thực hiện và thu được nhiều kết quả thú vị.
Trong tình hình chung như vậy, bài viết này của chúng tôi cũng nhằm hướng đến việc chỉ ra những đặc điểm văn hoá đặc trưng của vùng đất này thông qua việc giải thích về một địa danh cụ thể: địa danh làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thành phố Huế). Địa danh này cũng đã được đề cập đến trong một vài nghiên cứu khác nhau, song, do không nhất trí với những cách lí giải đã có, chúng tôi thử đưa ra một cách giải thích của mình nhằm góp phần làm sáng tỏ quá trình tạo lập bản sắc độc đáo của Huế nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
2. Về địa danh làng Sình
Làng Sình là tên Nôm của làng Lại Ân, hiện nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, nằm cách thành phố Huế khoảng 8km, ở về phía hạ lưu sông Hương, chính tại nơi sông Hương hợp lưu với sông Bồ trước khi xuôi về phá Tam Giang rồi đổ ra biển. Người dân trong làng cơ bản làm nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề đế đô, thuận tiện giao thông, nên trong làng cũng có nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ khắc gỗ. Trong lịch sử, nghề tranh làng Sình rất phát triển, cùng với tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh làng Sình là dòng tranh dân gian phục vụ cho mục đích thờ cúng. Cùng với nghề tranh, người ta còn biết đến làng Sình với lễ hội đấu vật được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Hoạt động văn hoá truyền thống này thể hiện tinh thần thượng võ của người dân bản địa và điều đó còn được lưu truyền trong câu ca dao:
“Dù ai đi đó đi đây
Ngày Mười hội vật nhớ quay về Sình”.
Cái tên làng Sình còn xuất hiện trong câu ca dân gian:
“Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá
Đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non”.
Kim Long dãy dọc toà ngang
Em chèo một chiếc thuyền nan về Sình
Đôi đứa mình hẹn ước ba sinh
Dẫu làm răng đi nữa cũng vẫn trọn tình với nhau”.
Tên nôm của làng được nhắc đến trong ca dao, được dùng để định danh cho sản phẩm thủ công truyền thống của làng, cho lễ hội truyền thống, còn tên chữ của làng là Lại Ân được nhắc đến trong các thư tịch cổ. Trong cuốn “Ô châu cận lục” của Dương Văn An – cuốn sách đầu tiên ghi chép về các vấn đề núi sông, sản vật, phong tục, danh lam, nhân vật… của dải đất miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam (châu Ô) thế kỉ XVI, địa danh Lại Ân được xuất hiện tổng cộng 7 lần. Vào thời điểm đó, Lại Ân là một xã thuộc huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong.
Còn theo Đồng Khánh dư địa chí – thư tịch cổ cuối cùng về địa lí học Việt Nam, Lại Ân (賴 恩) được ghi chép là một xã thuộc tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên. Như vậy, có thể thấy, từ “Ô châu cận lục” đến “Đồng Khánh dư địa chí”, tức là từ thế kỉ XVI đến XIX, tên chữ của làng dường như không có gì thay đổi. Chữ Lại 賴 và chữ Ân恩 đều có ý nghĩa tốt lành, được sử dụng rất nhiều trong địa danh của các vùng khác, riêng ở huyện Phú Vang đã có đến 7 địa danh sử dụng chữ Lại賴 và 2 địa danh lấy tên có chữ Ân恩: Làng Lại Ân (ơn tốt lành) ở liền kề với làng Triêm Ân沾 恩 (chịu ơn). Như vậy, việc sử dụng tên chữ Lại Ân để ghi chép các thư tịch cổ có thể xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp của các chữ Hán này và rất có thể Lại Ân có hàm ý “nơi đất lành chim đậu”.
Vậy thì câu hỏi mà chúng tôi đặt ra ở đây là, tên nôm Sình có ý nghĩa gì? Do đây là một địa danh nôm nên Sình phải là một yếu tố thuần Việt và trên nguyên tắc định danh nó phải mang một “nghĩa” gì đó. Dân gian cũng đã từng có những cách lí giải về địa danh này với tư cách là một yếu tố thuần Việt có nghĩa. Người dân làng Lại Ân cắt nghĩa tên Sình như sau: xưa ở ngã ba sông này, vào cuối Thu đầu Đông thường có mưa là cuồng phong, nước trên nguồn đổ về cùng với triều cường dâng cao tạo thành một vùng nước hỗn chiến. Từ trong đó nổi lên hai ngọn sóng giữ tục gọi là sóng thần. Ghe thuyền qua lại đều bị hai ngọn sóng cuốn phăng, nhấn chìm gây ra nhiều nỗi lo sợ trong dân chúng cũng như các thuyền nhân, các ngư dân. Chuyện đến tai vua, bèn cho lập đàn khẩn tế trời đất rồi đem cung ra bắn, hai ngọn sóng thần đột nhiên biến mất, từ đó ngã ba sông này trở nên bình yên, làng xóm trở nên trù phú, sinh sôi nảy nở. Thấy linh thiêng, người dân ở hai bên bờ sông cho rằng đó là ý trời: ngọn sóng ở ngã ba là do trời sinh, nên gọi là ngã ba Sinh và làng chặn ở ngã ba sông nơi có con sóng giữ gọi là làng Sinh, lâu dần thành thói quen gọi thành Sình. Hàng năm thường kết bè, thả hình nhân, dâng lễ vật tế sóng Thần mong được bình yên.
Có người thì cho rằng, gọi làng là làng Sình vì trước đây làng nằm ven sông, có một chợ cá bán buôn tấp nập. Lắm hôm cá bán không hết, chết nhiều, sình lên, nên gọi là chợ Sình, rồi sau thành tên của làng.
Lại có cách giải thích cho rằng, Sình là biến âm của Hình – một thế võ truyền thống của làng. Tất cả những cách giải thích trên, theo chúng tôi, hoặc mang màu sắc truyền thuyết, hoặc chỉ là những giải thích nôm na suy luận từ nghĩa tiếng Việt của âm “sình” chứ không hề có căn cứ gì ở đây cả. Còn về mặt ngữ âm học mà nói, chúng tôi chưa thấy nói đến có sự biến đổi ngữ âm từ sình – hình trong ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
Một số nhà nghiên cứu cũng đã từng đề cập đến địa danh làng Sình theo cách giải thích của mình. Chẳng hạn, Trần Văn Sáng (2011) [7] đưa ra nhận định: “Tên các địa danh như Sình, Sam, Nong, Sịa, Truồi, Lồi, Ô Lâu ở vùng đồng bằng hiện nay đều có vết chân của cư dân nói ngôn ngữ Chăm và cư dân nhóm ngôn ngữ Katuic bản địa như Pacô-Taôi, Cơtu, Bru-Vân Kiều sinh sống”. Mặc dù vậy, tác giả mới chỉ đưa ra bằng chứng chứng minh cho các địa danh Truồi, Sịa là có nguồn gốc từ các ngôn ngữ Môn-Khmer, Ô Lâu, Lồi có nguồn gốc tiếng Chăm. Riêng địa danh Sình thì chưa có chứng minh cụ thể.
3. Đề xuất một cách hiểu về địa danh làng Sình
Chúng tôi cho rằng, địa danh làng Sình có thể là một địa danh gốc Chăm. Địa danh này được đặt theo tên nghề truyền thống của làng, đó là nghề làm tranh khắc gỗ để thờ cúng. Cơ sở để đề xuất giả thuyết này cụ thể như sau:
3.1. Bằng chứng về văn hoá – lịch sử
Nhận định về vùng văn hoá xứ Huế, nhiều học giả đều thừa nhận vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc của dấu ấn Chăm tại vùng đất này. GS Trần Quốc Vượng từng viết: “Từ đầu công nguyên đến thế kỉ XIV, xứ Huế là một vùng – miền của văn minh Chăm pa” [12; tr.388]. Thực tế là, Thừa Thiên Huế nói chung, thành phố Huế và các vùng phụ cận nói riêng là vùng đất sinh sống của người Chăm (Chàm) chủ nhân của vương quốc Chămpa – một vương quốc có nên văn hoá phát triển rực rỡ ở phía nam nước Đại Việt và vùng đất đã trở thành một bộ phận của Đại Việt nhiều thế kỉ, nhất là sau đám cưới giữa Huyền Trần Công chúa và Chế Mân năm 1306. “Song bấy giờ số dân Việt di cư vào đây còn ít, dân Chàm ở lại còn đông và trên vùng đồi núi dọc Trường Sơn, các tộc thiểu số ngữ hệ Môn-Khowme hay ngữ hệ Mã Lai như Vân Kiều, Pa Cô, Katu, Cor, Mnông, Mạ, Giarai, H’rê cũng còn đông đảo…Một xứ Huế thực Đại Việt có lẽ khởi hình từ thời Lê – Mạc và định hình từ thời các chúa Nguyễn Đàng Trong với chúa Sãi và các chúa tiếp theo trong các thế kĩ XVII-XVIII” [12; tr.390]. Bằng những việc phân tích các dấu tích khảo cổ học, các di tích lịch sử và những đặc trưng văn hoá kiến trúc, âm nhạc…, GS Trần Quốc Vượng đã nêu lên một nhận xét vô cùng quan trọng đối với việc nghiên cứu về Huế, đặc biệt về địa danh Huế: “Tôi cho rằng nếu không có cái nhìn giao thoa văn hoá – ngôn ngữ Việt – Chăm cũng như, nếu ở Mai Xá, (Quảng Trị), ở Thanh Hà – Bao Vinh (Huế), ở Hội An, (Quảng Nam)… ngoài cái nhìn trên, nếu không có thêm cái nhìn giao thoa văn hoá – ngôn ngữ Việt Minh Hương thì chẳng hiểu được gì (nhiều hay ít) về sắc thái văn hoá Bình – Trị – Thiên”[12;tr. 389]
Dựa trên các bằng chứng lịch sử và các thư tịch cổ, Hồ Trung Tú cũng viết về sự tồn tại của người Chàm trên vùng đất Thuận Hoá như sau: “Những năm ngay sau năm 1471, đất đai đã thuộc Đại Việt nhưng những vị quan cai trị vẫn là người Chàm… Có nghĩa rằng, sau năm 1471, mô hình “da báo” các làng Chàm – Việt là một sự thật khó chối bỏ” [10;tr.110].
Đại Việt sử kí toàn thư cũng có đoạn ghi chép nhắc đến sự hiện diện quan trọng của người Chăm vào thời kì bấy giờ. Dưới triều Lê Hiến Tông (năm Cảnh Thống thứ hai – 1499): “Tháng 8, ngày mồng 9, có chiếu rằng: Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu”. Chắc hẳn việc người Việt kết hôn với người Chăm, từ thân vương đến dân thường phải là một việc phổ biến đến mức triều đình phải có quy định như vậy.
Bên cạnh đó, các sách “Ô châu cận lục”, “Đại nam thực lục” đều cũng đều cho người đọc biết rằng, bản sắc văn hoá, thậm chí cả tiếng nói của người Chăm vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến đầu thế kỉ XVII. “Ô châu cận lục” của Dương Văn An có những đoạn viết về phong tục phủ Thuận Hoá như sau: “Người La Giang nói tiếng Chiêm, gái Thuỷ Bạn mặc áo Chiêm. Hoài Tài, Tân Lại, Đan Lương nửa phần giữ thói mây mưa; Bao Vinh, Lại Ân, Thế Lịa vẫn còn tục Giang Hán”. [1; tr.46]. Như vậy, sự hiện diện của văn hoá Chăm nói chung và ngôn ngữ Chăm nói riêng trên vùng đất Thuận Hoá xưa kia không có gì cần phải bàn cãi nhiều và sự hiện diện đông đảo ấy cũng đã để lại rất nhiều đặc trưng văn hoá nằm trong cơ tầng văn hoá xứ Huế. Đây chính là cơ sở cho phép chúng tôi nghĩ đến khả năng địa danh làng Sình chính là một dấu vết của sự giao lưu tiếp xúc văn hoá – ngôn ngữ Việt – Chăm.
3.2. Bằng chứng về ngôn ngữ
Năm 1943, trong khảo luận “Noms et lieux Cham – Annamites (Tên và địa điểm Chăm – Việt)”, học giả Nguyễn Văn Tố từng chỉ ra một số dịa danh ở Huế là dấu vết của các địa danh gốc Chăm như An Lỗ, Lai Trung, Liễu Cốc, Mậu Tài, Mỹ Xuyên, Nguyệt Biều, Thanh Phước, Tiên Nộn, Ưu Điềm. Trong đó, Mậu Tài và Thanh Phước có mối liên quan với làng Sình. Làng Sình vốn thuộc tổng Mậu Tài, còn làng Thanh Phước là làng đối diện với làng Sình về phía bên kia sông.
Theo hướng suy nghĩ như vậy, chúng tôi xét thấy về mặt ngữ âm lịch sử, âm tiết sình /ʂiɲ2/ hiện nay, về mặt cấu âm, có âm đầu âm tiết liên quan đến hiện tượng xát hoá âm mặt lưỡi với âm đầu /ciɲ2/. Thật thú vị là, trong tiếng Chăm chúng ta thấy có một dạng thức ngữ âm ching /ciɲ/ hay /ciŋ/ mang nghĩa là “khắc, khứa, khía (thành dấu)” [9].
Như trên đã nói, nghề truyền thống của làng Sình chính là nghề làm “tranh khắc”. Nghề in tranh khắc mộc bản ở Sình, ngay từ khi ra đời không thuần tuý phục vụ cho các thú chơi tao nhã, mà chủ yếu là đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương, dùng để thờ, để hoá trong các lễ cầu an, giải hạn. Theo các nghệ nhân của làng kể lại, thời Trịnh – Nguyễn, người đầu tiên làm tranh làng Sình là ông Kỳ Hữu Hoà. Trong đoàn người tìm vào đất Thuận Hoá định cư, ông đã mang theo nghề làm tranh khắc mộc bản của làng quê mình – làng Đông Hồ để mưu sinh. Tranh làng Sình ra đời từ đó. Điểm giống nhau cơ bản của tranh làng Sình và tranh Đông Hồ: khắc gỗ để tạo thành các mộc bản để in ra giấy. Ngoài hai làng tranh này, ở Việt Nam, không còn có nơi nào làm tranh dân gian bằng cách khắc gỗ cả. Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn của người bản địa, các bản khắc của tranh làng Sình có hình vẽ khác đi và tuân thủ tín ngưỡng cầu cúng của địa phương: tranh vẽ bản mệnh phụ nữ để cúng lễ; tranh vẽ Vua Thuỷ phù, Mẫu thuỷ cung, Ngũ vị long cung hoàng tử, Tam vị phạm tính, tranh lốt rồng lốt rắn v.v để lễ Thánh, lễ Thần.
Như vậy, có cơ sở để suy luận rằng, nghề làm tranh khắc gỗ đã theo chân những người di cư vào vùng đất Thuận Hoá. Văn hoá và ngôn ngữ Chăm lúc này vẫn còn có sức ảnh hưởng đối nên nghề làm tranh khắc gỗ đã được gọi tên bằng âm ching, có nghĩa là làng có nghề “khắc gỗ”. Trải qua bao biến động lịch sử xã hội, các văn bản gốc của làng Sình hiện nay góp phần lí giải cho tên nôm của làng đã không còn nữa. Tuy nhiên, sự tồn tại tên nôm đi kèm với tên chữ là điều thường thấy ở các làng xã Bắc Bộ cho phép ta khẳng định người bản xứ định danh tên làng theo nghề nghiệp. Điều đó có nghĩa, về nguồn gốc của chủ nhân lập làng Sình ở xứ Thuận Hoá này vào những năm giữa thế kỉ XVI có gốc tích từ Bắc với nghề “khắc gỗ”. Các làng xung quanh làng Sình không phải làng nào cũng có cả tên chữ Hán và tên Nôm đi kèm như vậy. Điều đó càng cho thấy tính chất đan xen “da báo” giữa các làng Chăm – Việt thời kì này ở xứ Thuận Hoá.
Như vậy là, những bằng chứng về văn hoá và ngôn ngữ vừa được phân tích trên đã giúp chúng ta có thể đưa ra một nhận định về nguồn gốc của địa danh làng Sình. Theo đó, đây là một địa danh ban đầu gọi theo âm tiếng Chăm là ching, được định danh dựa vào nghề nghiệp “khắc gỗ” làm tranh của làng; về sau âm tiếng Chăm ching ban đầu ấy được Việt hoá thành âm Sình như hiện nay. Do đó, làng Lại Ân có tên nôm là làng Sình, làng có nghề “khắc gỗ” in tranh. Ở đây, tên làng Sình cũng là kết quả của một quá trình giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ, văn hoá Việt – Chăm trong lịch sử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
- Dương Văn An (thế kỉ XVI), Ô châu cận lục, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Tôn Thất Bình (1997), Huế – Lễ hội dân gian, Hội văn nghệ Thừa Thiên Huế, Huế.
- Trần Đình Hằng (2008), Tiếp xúc văn hoá Việt – Champa ở miền Trung: nhìn từ làng xã vùng Huế, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần III, Hà Nội.
- Nguyễn Xuân Hồng (2010), Tiếp cận nhân học trong nghiên cứu về nguồn gốc cư dân Huế và vùng phụ cận – Những mảng màu làm nên sắc thái văn hoá vùng đất núi Ngự sông Hương, Văn hoá – lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận, NXB Thuận Hoá, tr. 183-190.
- Trần Văn Sáng (2009), “Các phương diện văn hoá của địa danh ở Thừa Thiên Huế”, Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam – Trung Quốc về nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá, Trường ĐH KHXH&NV, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.411-427.
- Trần Văn Sáng (2010), Các phương diện văn hoá của địa danh ở Thừa Thiên Huế, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (78), tr.95-108.
- Trần Văn Sáng (2011), “Đặc điểm ngôn ngữ – văn hoá của địa danh có nguồn gốc tiếng Cơ tu ở Thừa Thiên Huế”, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: những vấn đề lí luận và thực tiễn, Trường Đại học KHXH và NV, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.997-1013.
- Trần Văn Sáng (2013), “Cách phiên chuyển địa danh gốc dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế sang tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời Sống, Số 1+2 (207+208) , tr.85-92.
- Bùi Khánh Thế (1995), Từ điển Chăm Việt, NXB Khoa học xã hội, Tp Hồ Chí Minh.
- Hồ Trung Tú (2011), Có 500 năm như thế – Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kì lịch sử, NXB Thời đại.
- Trần Đại Vinh (2006), Tín ngưỡng dân gian Huế, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội.
- Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam cái nhìn địa – văn hoá, NXB Văn hoá Dân tộc – Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội.
- Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, ĐHKHXH&NV (1996), Từ điển Việt – Chăm, NXB Khoa học Xã hội, Tp Hồ Chí Minh.
- Đồng Khánh dư địa chí (Thế kỉ XIX), Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin biên tập.
PGS.TS Trần Thị Hồng Hạnh hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ học – Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN.