• Họ ngôn ngữ • Nhánh ngôn ngữ • Nhóm ngôn ngữ • Phương pháp xác định
1. Họ ngôn ngữ
Những ngôn ngữ có cùng một họ là những ngôn ngữ được giả định vốn được chia tách ra từ một gốc. Cái gốc ấy là một ngôn ngữ chung hay là “ngôn ngữ mẹ” hiện diện ở một thời kì nào đó trong sự phát triển của họ ngôn ngữ.
Có thể nói, một họ ngôn ngữ là một tập hợp nhiều ngôn ngữ mà giữa chúng có thể xác lập được những nét chung cho phép giải thích chúng cùng dẫn xuất từ một dạng thức cội nguồn theo những quy luật nhất định.
Như vậy, trong trường hợp giữa một vài ngôn ngữ có những cái chung (ví dụ như mọt số từ, một hiện tượng ngữ âm, ngữ pháp nào đó) nhưng giữa những cái chung đó không thể hiện những quy luật để giải thích chúng chuyển đổi từ cùng một gốc thì giữa các ngôn ngữ nói trên không được coi là các ngôn ngữ có quan hệ họ hàng hay cùng một họ.
2. Nhánh ngôn ngữ
Một họ ngôn ngữ được chia thành nhiều nhánh ngôn ngữ.
Nhánh ngôn ngữ là một tập hợp những ngôn ngữ bên trong một họ ngôn ngữ có những nét giống nhau hơn những tập hợp khác. Các tập hợp này, đến lượt nó, lại có thể tập hợp lại thành những nhóm gần nhau hơn.
3. Nhóm ngôn ngữ
Trong mỗi nhánh ngôn ngữ, người ta chia ra một số nhóm ngôn ngữ.
Nhóm ngôn ngữ là những tập hợp các ngôn ngữ có trong mỗi nhánh, có sự gần gũi nhau hơn và nhờ có sự gần gũi này mà giữa các nhóm trong một nhánh ngôn ngữ có những khác biệt nhau nhất định.
4. Phương pháp xác định [1]
Khi nghiên cứu so sánh-lịch sử, muốn xác định những ngôn ngữ nào có họ với nhau người ta phải tiến hành so sánh các ngôn ngữ để tìm ra những nét giống nhau và chỉ ra những nét giống nhau ấy không phải do vay mượn mà là do kế thừa từ cội nguồn. Nói một cách khác, để thực hiện nhiệm vụ xác định quan hệ họ hàng giữa các ngôn ngữ, ngôn ngữ học so sánh-lịch sử trướchết phải so sánh từ vựng và sau khi nhận thấy chúng có sự giống nhau thì sẽ phải xác định cho được quy luật chuyển đổi ngữ âm ở phạm vi một nhóm, một nhánh hay một họ. Các công trình viết về ngôn ngữ học so sánh-lịch sử đều nhất trí rằng, chỉ khi nào cả hai công việc trên có được kết quả thoả đáng, vấn đề nguồn gốc của một ngôn ngữ, một nhóm hay một nhánh hay một họ nào đó mới được xác định chắc chắn.
Vì vậy, một ý kiến nào đó khi phân loại cội nguồn ngôn ngữ mà thuần tuý dựa vào lí do từ vựng chỉ là những ý kiến mang tính giả thuyết. Ý kiến mang tính giả thuyết này có được sự hậu thuẫn chắc chắn hay không của những chứng minh bằng các quy luật ngữ âm mới là điều quan trọng. Như vậy, chỉ những giả thuyết họ hàng vừa được chứng minh bằng so sánh thuần tuý từ vựng vừa được chứng minh bằng việc xác lập quy luật tương ứng về ngữ âm để có thể phục nguyên một dạng thức chung nào đấy mới là những giả thuyết có sự đồng thuận.
* Theo Trần Trí Dõi. Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, trang 128–130.
[1] Đọc thêm: